Đối với Hà Nội, một thành phố có bề dày văn hoá - lịch sử, với những đặc trưng hình thái riêng biệt và một lối sống cộng đồng mang tính mở, thì việc chiếu sáng thẩm mỹ sẽ đòi hỏi một chính sách chiếu sáng tinh tế và thông minh hơn, để có thể tạo ra một diện mạo Hà Nội về ban đêm có bản sắc và chiều sâu.
Những hoạt động của cộng đồng đô thị Hà Nội ở khu vực trung tâm về ban đêm diễn ra mạnh mẽ và đa dạng hơn so với các hoạt động ban ngày. Nó tạo ra một vẻ đẹp đặc biệt của cảnh quan Hà Nội.
Ý tưởng chiếu sáng cho hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận được kết hợp từ hai góc nhìn. Góc nhìn thứ nhất từ các nhà kỹ thuật chiếu sáng, bộ phận tư vấn các thiết bị, các loại đèn chiếu sáng tiết kiệm và có hiệu quả. Và góc nhìn thứ hai đến từ các nhà thiết kế đô thị và cảnh quan, nhằm khai thác các đặc trưng của Hà Nội, và làm chúng nổi bật lên về ban đêm.
Thành phố đã rất khích lệ các nhà thiết kế đô thị nhằm tạo dựng một vẻ đẹp mới mẻ cho Hà Nội. Và chúng tôi đã bắt đầu công việc của mình bằng cách đặt vấn đề chiếu sáng trang trí dưới góc độ của nhà thiết kế đô thị.
Công việc đầu tiên, theo chúng tôi, là đọc và hiểu cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm trước khi thắp sáng không gian chứa đựng nó. Và chúng tôi rút ra một số nhận xét về đặc trưng cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm, có liên quan tới chiếu sáng như sau:
1. Khu vực Hồ Hoàn Kiếm là một không gian mở cho một Hà Nội dày đặc và chen chúc
Những tuyến đường quan trọng bao quanh Hồ Hoàn Kiếm tạo một đường viền tự nhiên, nhấn mạnh cảnh quan mặt nước, trong khi tuyến đường Hàng Ngang, Hàng Đào đã mở một lối thoáng từ phố cổ thông ra không gian thiên nhiên. Hai tuyến đường này được xem như những tuyến phố dẫn hướng tới không gian mặt nước. Vì vậy nên biến tuyến phố này thành tuyến phố đi bộ.
Hiện nay, tại phố Hàng Đào, các luồng xe cộ một chiều đang quay lưng lại mà không hướng tới không gian mở mặt Hồ. Đó là một quy định phù hợp về giao thông mà không phù hợp với đặc trưng cảnh quan, một sự thiệt thòi đáng tiếc cho những người không đi bộ.
Nếu như các phố cổ, phố cũ với mạng lưới đường phố dày đặc, với những khoảng trống hiếm hoi đang bị lấp đầy bởi các toà nhà cao thấp khác nhau, thì không gian Hồ Hoàn Kiếm là một sự bù đắp của sự chật chội đó.
Khu vực quảng trường Đông kinh Nghĩa thục được xem như tiền sảnh của không gian trung tâm. Không gian công cộng này là khoảng trống hiếm hoi có thể ngắm nhìn Hồ hoàn Kiếm với một cảnh quan mở, và các lớp không gian ẩn hiện. Chúng cần phải được nhấn mạnh bằng chiếu sáng và không ngăn cản tầm nhìn ra mặt Hồ mở rộng.
Đài phun nước được đặt ở đây là rất phù hợp, nhưng đang bị cô lập hoá bởi hàng rào sắt. Đây là một hình ảnh không đẹp và thiếu thân thiện. Chúng cần được gỡ bỏ và hỗ trợ thêm bằng chiếu sáng màu kết hợp phun nước. Không nên dựng sân khấu biểu diễn ở khu vực này. Chúng sẽ làm chật chội không gian và cản tầm nhìn ra Hồ nước với lớp không gian kế tiếp là một vài toà nhà cao tầng xa xa, trong đó có toà nhà Ngân hàng Ngoại thương, phía trước là Plaza Tràng Tiền. Những công trình này chủ yếu khoe phần ngọn, với những điểm nhìn từ xa. Chiếu sáng nên chú trọng tới đặc điểm này.
2. Khu vực Hồ Hoàn Kiếm là thấp nhất so với không gian bao quanh
Nếu đứng từ trung tâm hồ Hoàn Kiếm và nhìn ra không gian bao quanh, người ta có cảm giác như chúng được cấu trúc theo các lớp không gian, và chiều cao tỷ lệ thuận với khoảng cách tới hồ trung tâm.
Hồ Hoàn Kiếm là một mặt gương, được xem như lớp không gian đầu tiên thấp nhất. Chúng được viền quanh bằng đường dạo ven hồ, khá gần mặt nước. Đây là lớp không gian thứ hai. Tiếp theo là các lớp cây xanh, công trình kiến trúc. Các công trình này càng gần mặt hồ càng thấp, càng xa mặt hồ càng cao. Đây là một đặc trưng của trung tâm cũ Hà Nội, trái ngược hẳn với các trung tâm đô thị cũ Phương Tây. Và ánh sáng có thể nhấn mạnh được đặc trưng này.
3. Khu vực Hồ Hoàn Kiếm được phủ bằng cây xanh
Cây xanh là một ưu đãi đối với chiếu sáng ban ngày, nhất là những ngày hè oi bức, nhưng lại là bài toán khó đối với việc tổ chức chiếu sáng ban đêm. Ban ngày, các nguồn sáng ở rất cao.... trên trời, còn ban đêm các nguồn sáng chỉ cao bằng ...cột đèn chiếu sáng. Cột đèn chiếu sáng không cao hơn cây.Vì vậy chúng chỉ có thể tạo ra các tiểu không gian thiên nhiên được chiếu sáng dưới các vòm cây, mà không thể tạo ra các đại phong cảnh được chiếu sáng bao trùm không gian cây xanh.
Điều không thể phủ nhận là, cây xanh đã góp phần ngăn cản việc chiếu sáng không gian công cộng đáng kể, điều mà người ta ít gặp ở các quảng trường Phương Tây, nơi có rất ít cây xanh và cột điện. Chắc chắn người tổ chức chiếu sáng cho không gian Hồ Hoàn Kiếm sẽ phải lưu ý tới đặc điểm này.
Người ta đã nghĩ tới việc trồng thêm một số cột đèn cao hơn tầm cao cây xanh, nhưng điều đó thật không đơn giản. Cho tới nay bao quanh Hồ Hoàn Kiếm chỉ có 9 cột đèn pha 4 m, trong khi có tới 66 cột đèn mắt ngọc chạy ven hồ. Việc dựng thêm các cột đèn chi chít bao quanh hồ là điều không thể, nhất là khu vực ven hồ, bởi lẽ chúng có thể gây ảnh hưởng tầm nhìn, ức chế thị giác, nhất là các cột đèn cao.
Mặt khác, đây là khu vực nhạy cảm và linh thiêng, không thể chỗ nào cũng đào xới lên. Chính vì vậy, việc chiếu sáng cần phải căn cứ vào các cột đã được trồng cây trong không gian đã được chấp nhận. Điều còn lại là phải cải thiện nguồn sáng, điều chỉnh hướng chiếu sáng bằng cách gá lắp các bộ phận phụ trợ vào thân cột một cách có thẩm mỹ. Việc tổ chức chiếu sáng tại đây cần phải nghiên cứu để chuyển hoá khó khăn này thành thuận lợi.
4. Thực trạng chiếu sáng khu vực trung tâm Hà Nội
Những điều tra của Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị ĐTXD, kết hợp với Hapulico, cho thấy vấn đề chiếu sáng hiện nay mới chỉ dừng lại ở hiệu quả cục bộ, chưa có quy hoạch chiếu sáng tổng thể để tạo nên một vẻ đẹp chung. Chiếu sáng chưa có sự kết hợp với đặc trưng cảnh quanh Hồ Hoàn Kiếm, trong đó các yếu tố cây xanh, mặt nước và kiến trúc đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Việc chỉnh trang hệ thống chiếu sáng các tuyến đường bao quanh hồ đã được làm đi làm lại nhiều lần, nhưng chủ yếu vẫn là sự thay thế các bóng đèn, choá đèn cũ. Việc chiếu sáng công viên vườn hoa còn nhiều bất cập. Vườn hoa Lý Thái Tổ được cảm nhận là một không gian khá rộng vào ban ngày, khoảng hơn 1,2 ha. Vậy mà ban đêm, việc chiếu sáng chỉ tập trung phần không gian bên ngoài, phía trước tượng đài, phần không gian phía sau quá tối, làm cho không gian có vẻ ngắn lại, nhỏ đi và không liên tục. Tượng đài làm bằng đồng mà không lung linh bởi thiếu chiếu sáng, và không được nổi bật trong nền cây xanh. Vườn hoa Diên Hồng mặc dù đã có 5 cột đền mà vẫn tối, đặc biệt đài phun nước ở trung tâm là một công trình kiến trúc khá đẹp từ thời Pháp như đang bị quên lãng, vì thiếu ánh sáng vào ban đêm.
Những ý tưởng chủ yếu về chiếu sáng trang trí
Dưới sự chỉ đạo của Thành phố, đứng đầu là Phó Chủ tịch TS. Nguyễn Văn Khôi, một loạt các Dự án đang được triển khai, trong đó có dự án chỉnh trang hệ thống chiếu sáng không gian Hồ Hoàn Kiếm và các khu vực phụ cận. Điều quan trọng là chiếu sáng đã được xem như một công cụ trang trí và thích ứng với không gian Hà Nội. Những ý tưởng chủ yếu về chiếu sáng trang trí khu vực Hồ Hoàn Kiếm được Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị ĐHXD đề xuất với thành phố bao gồm:
Chiếu sáng theo các lớp không gian đô thị (5 lớp)
- Lớp thứ nhất: Mặt hồ. Cần nhấn mạnh 2 điểm sáng trên mặt Hồ là Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn, trong đó sử dụng hệ điều khiển để tạo các kịch bản khác nhau: lung linh huyền ảo và rực sáng như báu vật.
- Lớp thứ hai: Ven hồ. Cần nhấn mạnh các điểm chiếu sáng ven hồ tạo phản quang trên mặt nước. Hệ thống đèn Mặt ngọc hiện nay với khoảng cách khá xa mặc dù đã tạo hiệu quả chiếu sáng ven hồ nhưng vẫn còn rời rạc, ngắt quãng.
- Lớp thứ ba: Cây xanh ven hồ, kết hợp cây xanh ven đường. Đây là lớp không gian linh hoạt cần phải được đặc biệt quan tâm, để tạo hiệu quả không chỉ cận cảnh, mà cả viễn cảnh. Ánh sáng có thể tạo nên các lớp không gian cây xanh, điều mà hiện nay chưa thể hiện được.
- Lớp thứ tư: Các công trình kiến trúc ven đường bao quanh hồ. Với kiến trúc đa dạng và liền kề, chúng tạo nên một bức tường rào bao quanh Hồ Hoàn Kiếm. Nếu tổ chức chiếu sáng tốt chúng có thể tạo nên một vùng sáng bao quanh, hắt bóng xuống Hồ Hoàn Kiếm.
- Lớp thứ năm: Các công trình kiến trúc cao tầng nằm ở vòng ngoài không gian trung tâm. Đó là các toà nhà Ngân hàng, các toà nhà văn phòng, khách sạn... Những công trình này tạo nên các điểm cao bên ngoài. Có thể tạo nên hiệu quả chiếu sáng bằng cách nhấn mạnh phần ngọn các toà tháp, hoặc chiếu sáng đường viền Sihouette (Kinh nghiệm của Manila. Philippin).
Việc tổ chức chiếu sáng theo 5 lớp không gian kể trên được ưu tiên từ trong ra ngoài. Những lớp bên trong cần phải được tăng cường độ chiếu sáng.
Chiếu sáng cây xanh theo các mảng khối
Cây xanh Hà Nội khu vực Hồ Hoàn Kiếm không cao nhưng rất dày đặc, tán lá xum xuê và tạo thành nhiều lớp. Ánh sáng cần chiếu vào các vòm cây để tạo nên các hình khối, để các không gian cây xanh được chiếu sáng.
Dự kiến sẽ lắp các đèn pha chiếu vào các vòm cây từ các cột đèn, hoặc hệ thống chiếu sáng từ pha đèn chôn ở mặt nền, dưới gốc cây. Một số thử nghiệm chiếu sáng đã được tiến hành trên tuyến phố Tràng Thi, và khu vực ven hồ cho thấy, chiếu sáng cây xanh đã phát huy hiệu quả của nó. Một số đèn pha được tăng cường cho khu vực cây xanh làm nền cho Tượng Vua Lý Thái Tổ đã phát huy tác dụng.
Tuy nhiên chúng ta thường hay mắc bệnh phong trào. Một sáng kiến hay sẽ được nhân rộng, cường điệu, và sự đột biến trở nên thông thường, sự độc đáo trở thành nhàm chán. Ánh sáng phải tạo nên sự đa dạng. Các mô hình chiếu sáng không nên áp đặt chung cho các không gian không giống nhau. Đó chính là một đặc điểm rất đặc trưng của Hà Nội, nơi mà kiến trúc sư tài hoa Vũ Văn Tân sinh thời đã ví như một “không gian Alibaba”.
Chiếu sáng kiến trúc theo đặc trưng hình thái
Các công trình kiến trúc làm đẹp cho Hà Nội có thể đứng thành dãy, cũng có thể nằm rải rác các nơi. Tuy nhiên chiếu sáng có khả năng tạo dựng những điểm nhấn cho bộ mặt kiến trúc của nó. Một số công trình cần được quan tâm, đó là:
- Các công trình là điểm nhấn mặt nước: Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc.
- Các công trình nhấn mạnh cảnh quan mặt nước Thuỷ Tạ.
- Các công trình kiến trúc ven hồ: Bưu điện, Nhà Thông tin Bờ Hồ, Câu lạc bộ Phương pháp sở Văn hoá, Uỷ ban Nhân dân thành phố, Toà nhà Long Vân – Hồng Vân.
- Các công trình tập trung đông người khu vực Hồ Hoàn Kiếm: Toà nhà “Hàm Cá mập”, Nhà hát Múa Rối nước, Plaza Tràng Tiền.
- Các công trình lớp ngoài tạo thành các điểm sáng quan trọng: Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, Toà nhà Bắc Bộ phủ, Khách sạn Thống Nhất Ngô Quyền,…
Nhìn chung các toà nhà này đã có tổ chức chiếu sáng, tuy nhiên một số vẫn chưa đáp ứng được và cần phải có thiết kế bổ sung, đặc biệt là các công trình:
- Nhà thông tin Bờ Hồ: Tuy ban ngày trông hình thức không có gì đặc biệt nhưng chiếu sáng vào ban đêm sẽ rất đẹp, từ kiểu cách và vị trí của nó. Cùng với Plaza Tràng Tiền sẽ tạo nên một điểm sáng ở góc thứ nhất của Hồ Hoàn Kiếm.
- Tháp Hoà Phong: Tuy nhỏ nhưng kiến trúc độc đáo. Hiện nay đang bị chìm trong cây xanh
- Nhà Thuỷ tạ: Nằm sát hồ nhưng chiếu sáng chưa tạo nên một kiến trúc nổi bật.
Một số kiến nghị về quan niệm và quản lý chiếu sáng khu vực trung tâm
- Chiếu sáng là một phương tiện không chỉ hỗ trợ các hoạt động của cộng đồng vào ban đêm mà còn làm tăng vẻ đẹp riêng của không gian đô thị, những vẻ đẹp mà không gian ban ngày không thể hiện được. Vì vậy cần phải lồng ghép thiết kế hình ảnh đô thị vào chiếu sáng đô thị, dựa vào các đặc trưng cảnh quan, hình thái kiến trúc quy hoạch của đô thị đó.
- Chiếu sáng trang trí tiêu hao một năng lượng điện đáng kể, nhưng cần phải quan niệm rằng sự tiết kiệm sẽ nằm ở việc lựa chọn các giải pháp, kiểu loại đèn hợp lý và hiệu quả, chứ không phải nằm ở sự giảm tải các điểm sáng cần thiết trong không gian đô thị.
- Muốn có hiệu quả chiếu sáng trang trí đồng bộ cần phải có quy hoạch chiếu sáng.Lẽ tất nhiên cần phải có sự quản lý chung, và sự hợp tác giữa chính quyền thành phố với các doanh nghiệp đang sở hữu các toà nhà lớn trong không gian đô thị. Việc trang trí bề mặt toà nhà không chỉ làm đẹp bản thân nó mà còn làm đẹp không gian chung. Vì vậy thành phố cần bổ sung điều lệ quản lý chiếu sáng bề mặt công trình, và trách nhiệm tham gia chiếu sáng trang trí đô thị trong những ngày lễ hội của các chủ đầu tư. Cũng như khi xét duyệt các đồ án kiến trúc khu vực trung tâm, các nhà quản lý nên ưu tiên các thể loại kiến trúc có hoạt động công cộng mang tính mở, không chỉ ban ngày mà cả ban đêm, và cần có nhưng thoả thuận cần thiết với chủ đầu tư để góp phần làm đẹp thành phố bằng chiếu sáng trang trí đô thị.
Nguồn: TC Xây dựng, số 9/2009.