Một số giải pháp cải thiện chất lượng nước hồ Hà Nội

Thứ hai, 17/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Mở đầu TP Hà Nội nằm ở vùng địa hình thấp của đồng bằng sông Hồng. Phần lớn các hồ Hà Nội có nguồn gốc từ các vùng trũng hoặc từ các nhánh sông, trên nền đất trẻ. Sự hình thành các hồ đều gắn liền với sự phát triển đô thị. Các dòng chảy qua kênh, hồ tạo nên khung sinh thái, là nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động khác của đô thị. Các hồ đô thị tạo thành một hệ thống nối kết với các sông tiêu thoát nước của thủ đô Hà Nội.
Do các đô thị có địa hình tương đối bằng phẳng nên mật độ ao hồ và kênh mương thoát nước trong thành phố tương đối cao, chiếm khoảng 10-15% diện tích đô thị. Các hồ nội thành có diện tích từ một vài ha đến hàng trăm ha hồ lớn nhất là hệ thống hồ Tây - hồ Trúc Bạch, diện tích 468 ha. Kênh hồ Hà Nội thường nối với nhau tạo thành hệ thống chức năng thống nhất như hệ thống hồ Giảng Võ - Ngọc Khánh - Thành Công - Đống Đa - sông Tô Lịch, hồ Giám - Văn Chương - Trung Tự - sông Lừ… Đây là một khung sinh thái đô thị, đảm nhận các vai trò: tiếp nhận, điều hoà nước mưa, xử lý nước thải thông qua quá trình tự làm sạch, nuôi cá và là nơi vui chơi giải trí của nhân dân.

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4889.775' />

Chức năng chính của các kênh hồ đô thị là phục vụ thoát nước và tổ chức theo sơ đồ nêu trên Hình 1.
Hà Nội có khoảng 110 hồ, ao trong đó ở khu vực nội thành có 17 hồ thuộc quyền quản lý của Công ty thoát nước với tổng diện tích 146,2 ha. Hồ có diện tích lớn nhất là hồ Bảy Mẫu với diện tích 21,3 ha, và nhỏ nhất là 1,3 ha. Các hồ này tiếp nhận trực tiếp nước thải, nước mưa của lưu vực thoát nước xung quanh sau đó tiêu thoát qua các mương thoát nước của thành phố. Trừ Hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm, được sử dụng cho mục đích cảnh quan du lịch, điều hoà nước mưa và tiếp nhận nước thải hạn chế, các hồ còn lại đều đóng vai trò thoát nước và phục vụ vui chơi giải trí, nuôi cá của thành phố. Các hồ ngoại thành như hồ Yên Sở hoặc khu ĐTM như hồ Định Công, Linh Đàm đóng vai trò như các hồ đầu mối, tiếp nhận và điều hoà nước mưa.

2. Hiện trạng môi trường nước hồ Hà Nội

Hầu hết các hồ đều được hình thành trên đất trẻ và chịu sự tác động của các yếu tố tự nhiên nen quá trình lão hoá diễn ra nhanh. Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá tăng lên rõ rệt. Xây dựng hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hoá. Độ sâu của hồ giảm rõ rệt do nước mưa cuốn trôi bề mặt, việc xả nước thải và san lấp, lấn chiếm không kiểm soát nổi của người dân sống xung quanh hồ. Điều này cũng dẫn đến là diện tích hồ bị thu hẹp rất nhiều so với ban đầu.

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4889.776' />

Việc xả nước chưa qua xử lý, chứa một lượng rất lớn chất hữu cơ BOD5 từ 100 - 200 mg/l, các nguyên tố dinh dưỡng Nitơ và Phốt pho, và các chất độc hại khác vào hồ làm cho hồ nhiễm bẩn. Hàm lượng BOD trong các hồ dao động từ 20 - 80 mg/l. Mức độ ô nhiễm nước Hồ Tây tại khu vực nhà nổi và hồ Bảy Mẫu ở giữa hồ theo chỉ tiêu BOD được nêu trên Hình 2.
Do sự giàu dinh dưỡng, năng suất sinh học trong hồ rất cao 20-30g O2/m2-ngđ gây ra hiện tượng nở hoa của nước. Xác chết của tảo và phù du sinh vật khi lắng xuống cùng với cặn trong nước thải tạo nên lớp trầm tích đọng ở đáy hồ, làm cho hồ nông dần theo thời gian, nhất là các vùng đầu hồ nơi trực tiếp đón nhận nước thải. Hiện tượng lão hoá làm cạn dần hồ đã xuất hiện ở các hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Bảy Mẫu, Thành Công, Thiền Quang, Ba Mẫu… Hiện nay mực nước trong các hồ về mùa khô đang giảm dần, độ sâu trung bình từ 0,5 đến 1,3m. Việc khai thác nước ngầm, xây dựng công trình tải trọng cao… dẫn đến việc hạ nước ngầm bề mặt trong thời gian không mưa, làm cạn nguồn nước bổ cập cho hồ.
Về mùa khô, nước trong hồ không đảm bảo tạo cảnh quan và nuôi trồng thuỷ sản. Chế độ thuỷ động học không đủ điều kiện pha trộn đều nước thải với nước hồ. Khả năng tự làm sạch phục hồi lại trạng thái ban đầu của hồ có hạn. Đa số hồ nội thành ở trạng thái nhiễm bẩn và - mezoxaprobe. Chất lượng nước hồ tăng dần từ miệng xả xả nước thải đến cuối hồ, từ ven bờ ra giữa hồ. Bùn cặn lắng đọng trong hồ kéo theo sự tích tụ kim loại nặng và các chất độc hại khác ở bùn đáy.
Phía Nam thành phố, hồ Yên Sở diện tích thiết kế 130 ha, hồ Định Công diện tích 20,3 ha và hồ Linh Đàm diện tích 52,5 ha là các hồ đầu mối đóng vai trò điều hoà thoát nước mưa và tạo cảnh quan kiến trúc đô thị. Trong quy hoạch tổng thể thoát nước Hà Nội, các hồ Yên Sở, Linh Đàm và Định Công sẽ tiếp nhận trực tiếp nước thải sau khi xử lý tại chỗ từ lưu vực thoát nước số 7. Tuy nhiên các hồ này hàng ngày tiếp nhận hàng trăm nghìn m3 nước thải chưa xử lý của TP Hà Nội và các khu dân cư xung quanh. Các số liệu quan trắc môi trường của Trung tâm Kỹ thuật MTĐT và KCN cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm trong các hồ ngày càng tăng lên. Trong hồ Yên Sở, BOD5 dao động từ 20 đến 60 mg/l, tổng N dao động từ 15 - 40 mg/l. Đối với hồ Linh Đàm và Định Công, BOD5 trong nước thải cũng nằm ở mức từ 15 - 30 ng/l. Nhiều chỉ tiêu chất lượng nước trong các hồ này không đảm bảo quy định đối với nguồn nước mặt loại B. Nước thải từ các sông, hồ đô thị Hà Nội qua hệ thống cửa xả Thanh Liệt đã gây ô nhiễm lớn cho sông Nhuệ. Việc bơm nước từ hồ Yên Sở về mùa khô như hiện nay cũng sẽ tạo nên nguy cơ ô nhiễm cho sông Hồng. Nuôi cá tại các hồ đầu mối Yên Sở, Linh Đàm… có hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên nó cũng có những tác động bất lợi đối với sức khoẻ của nhân dân. Xung quanh các hồ này được QHXD các khu đô thị với các loại nhà ở cao tầng và thấp tầng. Nguồn cấp nước sinh hoạt được lấy trực tiếp từ nước ngầm khu vực. Việc xả nước thải sinh hoạt có hàm lượng hữu cơ và amoni cao vào hồ có thể gây nguy cơ ô nhiễm cho nước ngầm khi cửa số địa chất thuỷ văn nằm ở khu vực Định Công và Đại Kim.
Tuy vai trò chính là điều tiết nước mưa, nhưng hiện nay khả năng điều tiết của các hồ rất thấp Hdh chỉ đạt mức 0,4-0,5m do các nguyên nhân như mực nước trong các kênh mương thoát nước cao, lượng nước trong các hệ thống cống ngầm xả vào hồ quá lớn bình quân 3-4 tấn cặn khô/ha.năm. Sự phát triển đô thị làm cho nhu cầu về đất đai ngày một tăng, dẫn đến hiện tượng các hồ này bị lấn chiếm, thu hẹp diện tích, giảm khả năng điều hoà thoát nước cho thành phố do phần lớn các hồ chưa được kè. Bên cạnh đó, việc song song khai thác hồ theo các mục đích khác nhau của nhiều cơ quan đã gây nên nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trầm trọng, diện tích và mực nước hồ không kiểm soát được…
Năm 2004, một số hồ Hà Nội như hồ Thiền Quang, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thanh Nhàn 1 và Thanh Nhàn 2 được cải tạo theo nội dung Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1. Nước thải lưu vực Phạm Hồng Thái - Nguyễn Trường Tộ cũng được xử lý tại trạm XLNT Trúc Bạch công suất Q = 2300 m3/ngày trước khi xả vào hồ Trúc Bạch. Sau khi nạo vét, kè hồ và tách nước thải, chất lượng nước các hồ này đã được cải thiện rõ rệt. Các kết quả quan trắc của Trung tâm Kỹ thuật MTĐT và KCN năm 2005 cho thấy, các chỉ tiêu ô nhiễm trong nước hồ đều nằm ở mức quy định đối với nguồn nước mặt loại B. Tuy nhiên, trong thời gian đầu chất lượng nước không ổn định. Hiện tượng phú dưỡng đã bắt đầu xuất hiện do lượng lớn chất dinh dưỡng, bùn và cát có trong nước mưa và nước thải trôi vào hồ. Mặt khác do lưu giữ nước trong hồ về những ngày không mưa, hồ ở trạng thái tù và thành phần sinh vật chưa ổn định nên khả năng tự làm sạch của hồ rất thấp. Việc quản lý vực nước hồ đang còn có những bất cập và chồng chéo. Ý thức của nhiều người dân trong việc bảo vệ cảnh quan và môi trường khu vực hồ chưa tốt. Các hồ Thanh Nhàn, Thiền Quang… đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ BOD. Các hồ sau khi cải tạo sẽ bị tái ô nhiễm nếu như không có các biện pháp đồng bộ để duy trì và cải tạo chất lượng nước hồ.

3. Một số giải pháp cải thiện chất lượng nước sông hồ nội thành Hà Nội

Nhằm đáp ứng yêu cầu thoát nước và đảm bảo tính bền vững trong hệ thống sinh thái đô thị, việc cải tạo hệ thống kênh hồ đô thị là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các dự án thoát nước và bảo vệ môi trường. Để cải tạo và nâng cao hiệu quả thoát nước, cần thiết lập một cơ chế quản lý thống nhất hệ thống kênh hồ đô thị. Chức năng của các hồ đô thị được xác định rõ, trên cơ sở đó xoá bỏ sự chồng chéo trong quản lý, sử dụng kênh, mương, ao, hồ hiện nay.
Các giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm, cải tạo hồ có thể như sau:
- XD hệ thống cống bao có giếng tách nước thải và nước mưa đợt đầu ra khỏi các hồ nội thành; giếng tách nước thải phải có ngăn lắng cát và lưới chắn rác.
- XD các đường bao, nạo vét kè hồ cũng như lắp đặt các hệ thống sục khí làm giàu oxy cho các hồ nhỏ. Đối với các hồ có vui chơi giải trí nên tạo điều kiện để khuấy trộn nước hồ bằng hệ thống trò chơi trên mặt nước. Tuy nhiên cũng cần phải hạn chế tối đa việc dùng thuyền, xuồng chạy xăng dầu trên hồ.
- Xử lý nước thải một phần để cấp nước bổ sung, duy trì mực nước về mùa khô, tạo cảnh quan cho hồ như hồ Bảy Mẫu, Thiền Quang, Ba Mẫu, Đống Đa, Định Công, Linh Đàm… Ngoài việc bổ cập nước về mùa khô cho hồ bằng nước thải sau khi xử lý đạt yêu cầu còn có thể bổ cập bằng nguồn nước sạch từ các sông hồ khác.
- Cải tạo, kè bờ hồ, kênh, sông nên kết hợp với trồng thực vật nước ven bờ. Việc thả bèo, rong vào sông hồ cũng góp phần tăng cường quá trình xử lý các chất ô nhiễm. Tuy nhiên việc nuôi trồng thuỷ sản để làm sạch nước cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt chú ý đến việc thu hồi sinh khối thực vật để chống tái ô nhiễm nước cũng như cản trở dòng chảy sông hồ thoát nước. Đối với các hồ đầu mối tiếp nhận trực tiếp nước thải như hồ Yên Sở hoặc sông Tô Lịch cần có biện pháp phân vùng để trồng các loại thực vật nước vừa tạo cảnh quan, vừa giảm thiểu ô nhiễm trong nước mưa và nước thải trước khi bơm ra sông Hồng và xả vào sông Nhuệ.
- Các kênh hồ phải đảm bảo được mặt thoáng, dung tích cần thiết. Các hành lang, đường hai bên và xung quanh kênh, mương, hồ được xây dựng để thuận lợi quản lý và đảm bảo giao thông, cảnh quan. Việc lấn chiếm, đổ rác bừa bãi vào sông hồ phải được chấm dứt. Các kênh, hồ thường xuyên được duy tu, nạo vét. Mực nước và chất lượng nước kênh hồ được kiểm soát thông qua các chương trình quan trắc.
Như vậy, đối với các hồ ở Hà Nội phải có một chương trình quản lý phù hợp, thống nhất kết hợp việc tuyên truyền giáo dục cộng đồng với các giải pháp kỹ thuật bảo tồn và cải thiện chất lượng nước hồ.

4. Kết luận

Một số giải pháp cải thiện chất lượng nước sông hồ nội thành Hà Nội được đề xuất trên, nhằm đáp ứng yêu cầu thoát nước, bảo vệ môi trường và đảm bảo tính bền vững trong hệ sinh thái Hà Nội, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của công tác quản lý thoát nước đô thị của nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 6/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)