Cải tạo chung cư cũ nát: Vấn đề nóng của các địa phương

Thứ sáu, 14/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo khảo sát mới đây nhất của Cục Quản lý Nhà Bộ Xây dựng thì hiện nay cả nước có tới 2 triệu m2 sàn nhà chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Vinh... Phần lớn trong số này cần được cải tạo lại hoặc xây mới do đã bị xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng hiện nay.
Đặc biệt có nhiều khu chung cư cũ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đang ở trong tình trạng nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ lúc nào như khu P3 Phương Liệt, B6 Giảng Võ, khu A Giảng Võ, khu Nguyễn Công Trứ, Văn Chương... của TP Hà Nội, khu Đ2 Đổng Quốc Bình của TP Hải Phòng, khu Quang Trung của TP Vinh - Nghệ An và nhiều khu khác của TP. HCM, Việt Trì... Sống trong những khu nhà đó là hàng chục vạn người, có những gia đình gồm 2 - 3 thế hệ với gần chục con người phải sinh hoạt trong những căn hộ có diện tích nhỏ hẹp từ 25 - 40m2. Do vậy, tình trạng đục phá, cơi nới để tăng thêm diện tích là phổ biến, bên ngoài thì gây lún, nứt, nghiêng, biến dạng các khu nhà, bên trong thì gây thấm dột, tắc ống cống... Những người dân không chỉ sống trong sự bất tiện, trong môi trường bị ô nhiễm, mà tính mạng của họ cũng có thể bị nguy hiểm bất cứ lúc nào.

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4872.768' />
Quá nhiều chung cư cũ đang cần sửa chữa cấp bách. Ảnh: La Duy

Trước thực trạng đó, việc cải tạo xây dựng lại các nhà chung cư cũ đã và đang là vấn đề nóng đối với chính quyền và các nhà quản lý tại các địa phương. TP Hà Nội được coi là tích cực nhất, bởi ngay từ năm 1990, sau khi xoá bỏ bao cấp về nhà ở, Hà Nội đã thực hiện việc cải tạo xây lại các khu chung cư cũ theo nhiều hướng. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáng là bao, so với trên 30 khu nhà cần cải tạo, xây lại gấp thì đến nay TP mới thực hiện chống lún được 12 nhà, xây ốp được 13 nhà phương án này đã dừng lại và phá đi xây lại được 4 nhà. TP Hải Phòng, trong số 120 nhà chung cư cần cải tạo, thì hiện nay cũng mới triển khai được dự án đầu tiên đó là tháo dỡ nhà nguy hiểm Đ2 Đổng Quốc Bình để quy hoạch lại thành 11 tầng. TP.HCM, Quảng Ninh và các địa phương khác cũng đã chủ động triển khai một số giải pháp nhằm duy trì và cải tạo chất lượng các khu nhà bị xuống cấp như chống lún nứt, xây lại mới, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Hơn nữa, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các dự án cải tạo chung cư cũ được thực hiện ở các địa phương, vẫn chưa đáp ứng được việc chỉnh trang đô thị, không nâng cao được hiệu quả sử dụng đất, chưa đáp ứng được yêu cầu cải thiện điều kiện về diện tích, chất lượng sống và tiện nghi theo nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, thậm chí có dự án còn phá vỡ quy hoạch tổng thể, gây khó khăn cho giai đoạn xây dựng sau này.
Trước sự chậm trễ và những bất cập trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, những dự án cải tạo chung cư cũ có tính xã hội rất cao, cần phải được khẩn trương thực hiện, bởi nó liên quan đến cuộc sống và tính mạng của người dân. Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ vừa đáp ứng được mong muốn của nhân dân, đồng thời lại tạo dựng diện mạo mới cho các đô thị, vì vậy các địa phương phải chủ động và nhanh chóng đề xuất những chính sách và biện pháp thực hiện để các dự án sớm được triển khai và đạt hiệu quả. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân do còn nhiều khó khăn, nên Nhà nước không có đủ kinh phí để cải tạo hoặc xây mới tất cả các dự án này, mà cần phải xã hội hoá, huy động các doanh nghiệp tham gia thực hiện. Một nguyên nhân chính khiến cho các dự án cải tạo chung cư cũ chậm triển khai đó là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chưa nhìn thấy lợi nhuận trong các dự án này vốn đầu tư lớn, số căn hộ dôi ra sau khi TĐC không đủ sinh lợi.... Chính vì vậy, muốn các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa, khi đầu tư xây dựng các dự án này cần phải có cơ chế, chính sách bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên, cả người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh: Đối với những dự án này, chúng ta phải sớm đưa ra những giải pháp cụ thể để các doanh nghiệp thấy rằng, khi tham gia, ngoài mục tiêu xã hội, họ vẫn được bảo đảm có được lợi nhuận để tái đầu tư, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, mới thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp. Đối với những trường hợp cấp bách đe doạ trực tiếp tới sự an toàn của người dân, bắt buộc phải đập bỏ để xây mới, trong khi chưa huy động được các thành phần kinh tế tham gia, thì Chính quyền các địa phương phải chủ động khẩn trương lập dự án và kế hoạch cụ thể để thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 55, ngày 11/7/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)