Lý luận và thực tiễn quy hoạch vùng ở Việt Nam

Thứ sáu, 14/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề Thế kỷ XXI, khoa học kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia hoặc nhóm các quốc gia. Kinh tế tri thức ngày càng giữ vai trò to lớn đối với nhân loại. "Liên kết, khu vực hoá, toàn cầu hoá" và sự tăng cường các quan hệ liên vùng đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa hợp tác và vừa có sự cạnh tranh.
Sự giàu, nghèo và trình độ phát triển giữa các nước, các vùng, giữa đô thị với nông thôn, giữa đô thị lớn với đô thị nhỏ có sự chênh lệch đáng kể. Sự phân bố không đồng đều các tài nguyên thiên nhiên trong điều kiện cạnh tranh quốc tế quyết liệt, sự tác động của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập mạnh mẽ đã trở thành vấn đề nan giải trong các chính sách phát triển vùng.
Nhân loại đang phải đương đầu với những nguy cơ thách thức lớn. Đó là, các thảm hoạ ô nhiễm môi trường, tai biến thiên nhiên và sự phá vỡ cân bằng các hệ sinh thái; Quá trình đô thị hoá, với các quy mô và tốc độ chưa từng thấy, đã dẫn đến sự hình thành bất khả kháng các siêu thành phố, các thành phố vùng, khu vực và châu lục; Hiệu ứng con dao hai lưỡi của khoa học - kỹ thuật; Sự mất đi những bản sắc riêng và linh hồn văn hoá của mỗi địa phương.
Trong tình trạng đó, thiết kế kiến trúc, quy hoạch đô thị không còn đảm nhiệm được vai trò điều tiết vĩ mô và tổ chức lãnh thổ của quy hoạch vùng. Bởi vậy, quy hoạch vùng là nhằm:
• Bố trí, sắp xếp hợp lý các hoạt động của con người trên lãnh thổ phù hợp với đường lối, chính sách quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức hành chính - chính trị.
• Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
• Phân bố và tổ chức tối ưu các hoạt động theo lãnh thổ với tầm nhìn hướng về tương lai.
• Bảo vệ môi trường, phòng chống các thảm hoạ thiên nhiên.
• Đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Những nhân tố trên khẳng định vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch vùng trong thế kỷ XXI.

Cơ sở lý luận của quy hoạch vùng

Lý thuyết kinh tế không gian:
Lý luận này đã được đưa ra trong các lý thuyết: Lý thuyết về phân bố và phát triển nông nghiệp của V.Thunen 1862 sau được C.Mark, Ricardo đề cập sâu hơn trong các lý thuyết về địa tô và phân bố nông nghiệp; Lý thuyết phân bố công nghiệp của Weber, Losch,... Lý thuyết phân bố đô thị và dịch vụ Central place của W.Christaller,... Các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô cũ đã hình thành lý thuyết về phân bố và phát triển lực lượng sản xuất trên lãnh thổ, lý thuyết về phân bố dân cư và lý thuyết về tổ chức lãnh thổ.

Lý thuyết về vùng và phân vùng:
Tuỳ theo quan điểm tiếp cận, vùng được phân loại như sau:
• Theo quy mô: Lớn, trung bình và nhỏ 20.000 - 3.000.000 km2, 20.000 - 30.000 km2 và nhỏ hơn.
• Theo mục đích quy hoạch: Vùng kinh tế, vùng hành chính, vùng vật thể, vùng tự nhiên, vùng xã hội và vùng an ninh quốc phòng...
• Theo tính chất: Vùng đô thị, vùng công nghiệp, vùng nông thôn, vùng du lịch - nghỉ mát, vùng lâm nghiệp, vùng khai khoáng...
• Theo quan điểm tổng hợp: Vùng quy hoạch. Pertxik cho rằng "vùng là đối tượng của quy hoạch vùng và là một bộ phận của vùng kinh tế, thuộc cấp thấp theo phân vị. Do đó phân vùng kinh tế là cơ sở khoa học của quy hoạch vùng".
Một số tác giả cho rằng, vùng quy hoạch phải hội tụ được các đặc điểm tổng hợp sau: Là một đơn vị địa lý tự nhiên; Là một đơn vị kinh tế; Là một đơn vị xã hội và phù hợp với địa giới hành chính.
• Theo trình độ phát triển, vùng gồm các loại sau: Vùng phát triển; Vùng kém phát triển;Vùng mới phát triển và vùng đình đốn.

Các phương pháp xác định ranh giới vùng:
Phương pháp đồng tính: Các vùng đồng tính; Phương pháp phân cực: Các vùng phân cực; Phương pháp quy hoạch: Các vùng kế hoạch Boudeville, các tổng hợp thể sản xuất - lãnh thổ TPK - Kolosovxki-Nga hoặc các tổ hợp nông - công nghiệp APK-Bungari.
Sự hợp nhất giữa hai dòng lý thuyết kinh tế không gian và lý thuyết phân vùng cuối thế kỷ XIX là nguồn gốc của quy hoạch vùng.

Tình hình phát triển quy hoạch vùng ở Việt Nam

Từ những năm 1960 đến nay, ở Việt Nam đã nghiên cứu áp dụng lý luận quy hoạch vùng kinh tế - xã hội của Liên Xô cũ và các nước XHCN. Các đồ án phân vùng, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành cho cả nước và một số vùng đã được xây dựng:
• Tổng sơ đồ phân bố và phát triển lực lượng sản xuất 70.01.
• Tổng sơ đồ phân vùng kinh tế tổng hợp.
• Tổng sơ đồ phân bố dân cư 7001 2801.v0.
• Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng cấp tỉnh và huyện.
• Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống dân cư trên địa bàn tỉnh từ năm 2000 đến nay.
• Quy hoạch xây dựng một số vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch vùng miền Đông Nam Bộ, quy hoạch vùng cao su Phú Riềng 1980-1983, quy hoạch vùng Tây Nguyên, quy hoạch xây dựng các vùng trọng điểm, quy hoạch xây dựng các vùng đô thị lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, quy hoạch xây dựng vùng Quảng Ninh, khu vực TP.Hạ Long...
Nội dung và phương pháp lập quy hoạch xây dựng vùng 1993-2004 đã được xây dựng và hoàn chỉnh, đồng thời Luật Xây dựng đã được ra đời 2005. Một số cơ sở khoa học và phương pháp mới phục vụ quy hoạch vùng phân vùng khí hậu, phân vùng tự nhiên, Atlas..., phương pháp quy hoạch chiến lược,... đã được nghiên cứu.

Phương pháp luận quy hoạch xây dựng vùng

Từ năm 1993, Việt Nam đã có quy định về trình tự phương pháp luận quy hoạch vùng gồm 4 giai đoạn: Chuẩn bị lập quy hoạch vùng, thiết kế quy hoạch vùng, xét duyệt quy hoạch vùng và công bố lập kế hoạch thực hiện.
Trong giai đoạn chuẩn bị lập quy hoạch xây dựng vùng, cần có các bước: Lập kế hoạch khảo sát và quy hoạch; Chỉ định cơ quan đặt hàng, cơ quan lập quy hoạch xây dựng vùng; Lập, trình duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng; Khảo sát, thu thập số liệu, tài liệu và điều tra khảo sát; Lập nhiệm vụ thiết kế quy hoạch xây dựng vùng.
Giai đoạn thiết kế quy hoạch xây dựng vùng, cần có các bước:
• Phân tích thực trạng, điều kiện tự nhiên, đánh giá và chuẩn đoán các vấn đề có liên quan đến quy hoạch xây dựng vùng gồm: Phân tích thực trạng điều kiện tự nhiên; Lập bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai; Chuẩn đoán các vấn đề quy hoạch vùng.
• Luận chứng xác định cơ sở hình thành phát triển vùng - Dự báo chiến lược phát triển vùng gồm: Nghiên cứu các chính sách kinh tế xã hội về vùng; Luận chứng cơ sở kinh tế - kỹ thuật; Dự báo dân số và quá trình đô thị hoá; Xác định nhu cầu và cơ cấu sử dụng đất đai; Lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; Dự báo, lựa chọn chiến lược phát triển vùng.
Thiết kế quy hoạch xây dựng vùng gồm: Xây dựng các kịch bản hoặc các phương án cơ cấu quy hoạch xây dựng vùng. So sánh lựa chọn phương án tối ưu; Thiết kế triển khai quy hoạch vùng về định hướng tổ chức không gian, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Xây dựng kế hoạch chi tiết phát triển vùng; Xây dựng thể chế, chính sách thực hiện quy hoạch xây dựng vùng; Lập hồ sơ kỹ thuật quy hoạch vùng.
Giai đoạn xét duyệt quy hoạch xây dựng vùng, cần có các bước: Tổ chức xin ý kiến về quy hoạch vùng; Thẩm định; Thoả thuận; Phê duyệt quy hoạch vùng.
Giai đoạn công bố quy hoạch xây dựng vùng được duyệt và thực hiện kế hoạch.

Một số vấn đề về đường lối quy hoạch vùng ở Việt Nam

Các vấn đề trọng tâm
Quy hoạch vùng ở Việt Nam đang đứng trước một số vấn đề trọng tâm còn bất cập. Sự nhận thức chưa đầy đủ và toàn diện về quy hoạch vùng; Thiếu cơ sở khoa học và phương pháp luận hoàn chỉnh thiết kế quy hoạch vùng; Thiếu các định hướng chiến lược phát triển toàn diện vùng quốc gia và vùng kinh tế tổng hợp; Hạn chế trong chỉ đạo và tổ chức lập, xét duyệt quy hoạch vùng làm cơ sở cho quy hoạch đô thị và nông thôn; Chưa xây dựng được thể chế thực hiện quy hoạch vùng được duyệt; Thiếu chương trình đào tạo các chuyên gia quy hoạch vùng.

Kiến nghị đường lối phát triển quy hoạch vùng ở Việt Nam
Nâng cao nhận thức về quy hoạch vùng trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm phát huy tính chiến lược và đa ngành, tiến tới xoá bỏ sự gắn kết có tính hình thức và lỏng lẻo giữa quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng, trên cơ sở đó tăng cường tính toàn diện và tính khoa học của quy hoạch chiến lược phát triển vùng, hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường sống bền vững cho con người.
Đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ sở lý luận và tạo lập các căn cứ khoa học cho quy hoạch vùng ở Việt Nam .
Nghiên cứu áp dụng các quan điểm và phương pháp địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế và địa lý dân cư, phục vụ cho quy hoạch vùng.
Thống nhất chương trình điều tra cơ bản, khảo sát xây dựng bản đồ cho việc lập các sơ đồ và đồ án quy hoạch vùng.
Nghiên cứu tổng thể kinh nghiệm quốc tế, từ đó tập trung vào các đề tài nhằm tạo lập các cơ sở lý luận về vùng, đánh giá tổng hợp các điều kiện khai thác lãnh thổ, phân bố tổ chức sản xuất và dân cư lãnh thổ, đặc biệt là các mô hình cơ cấu quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tự nhiên của mỗi địa phương.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu phương pháp quy hoạch chiến lược đa ngành áp dụng cho toàn quốc và bảy vùng kinh tế cơ bản:
• Xây dựng tổng sơ đồ quy hoạch vùng cả nước và bảy vùng kinh tế cơ bản trên cơ sở các chiến lược phân bố và tổ chức sản xuất theo lãnh thổ, chiến lược tổ chức lãnh thổ và chiến lược phát triển đô thị - nông thôn, chiến lược bảo vệ môi trường.
• Việc triển khai quy hoạch chuyên ngành có cấp phân vị nhỏ hơn nhất định phải dựa vào căn cứ khoa học của tổng sơ đồ quy hoạch vùng toàn quốc và quy hoạch tổng thể vùng kinh tế cơ bản.
Xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, quy phạm, sổ tay thiết kế phục vụ cho công tác lập, xét duyệt quy hoạch vùng, tránh các quy định mang tính áp đặt hành chính, duy ngành và thiếu cơ sở khoa học.

Xây dựng thể chế cho việc thực hiện các quy hoạch vùng được duyệt
Ngoài các vùng kinh tế hành chính tỉnh, huyện, việc xây dựng thể chế tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng toàn quốc, vùng kinh tế cơ bản và các vùng chuyên ngành không lệ thuộc vào ranh giới hành chính như vùng đô thị, vùng khai khoáng, vùng chuyên canh, vùng nghỉ mát du lịch và các khu kinh tế,... là rất cần thiết.
Bộ máy quản lý quy hoạch vùng cần được Nhà nước thiết lập trên cơ sở khai thác các mô hình tản quyền hoặc thành lập các uỷ ban phối hợp cấp vùng, trong điều kiện cần thiết có thể thiết lập chính quyền vùng.
Xây dựng luật quy hoạch tổng hợp, không nên lồng ghép công tác quy hoạch vào nhiều luật như hiện nay, gây ra sự chồng chéo giữa quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất đai, các quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng, trên cơ sở đó sự cần thiết phải có một cơ quan trực thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quy hoạch đạt hiệu quả và chất lượng.

Đào tạo chuyên gia quy hoạch vùng
• Ở bậc đại học, chỉ nên cung cấp những kiến thức cơ bản về quy hoạch vùng cho các sinh viên.
• Chuyên gia quy hoạch vùng nên được đào tạo sau đại học và trên đại học.
• Xây dựng chương trình đào tạo thống nhất chuyên gia quy hoạch vùng cho cả nước.
Như vậy, quy hoạch vùng là nhu cầu khách quan và rất cần thiết đối với đất nước. Muốn vậy, cần tập trung xây dựng cơ sở lý luận của quy hoạch vùng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của Việt Nam và các nước. Hoàn thiện phương pháp luận quy hoạch vùng của Việt Nam, đồng thời với việc tăng cường nghiên cứu các căn cứ khoa học phục vụ cho hoạt động quy hoạch vùng là cần thiết. Đồng thời cần ưu tiên cho việc xây dựng thể chế thực hiện quy hoạch vùng, nếu không tất cả quy hoạch vùng trở nên vô nghĩa và không có tính khả thi. Bên cạnh đó là cần tăng cường đầu tư cho công tác lập tổng sơ đồ quy hoạch vùng toàn quốc và quy hoạch tổng thể bảy vùng kinh tế cơ bản, để làm cơ sở cho việc triển khai quy hoạch các vùng có cấp phân vị thấp hơn. Đồng thời, cần xây dựng chương trình, soạn thảo các tài liệu quy hoạch vùng phục vụ cho công tác đào tạo chuyên gia quy hoạch vùng.

PGS.TS.KTS. Trần Trọng Hanh
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 119/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)