Bản sắc văn hoá địa phương trong kiến trúc nhà ga hàng không tại Việt Nam

Thứ sáu, 14/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Thực trạng kiến trúc nhà ga hàng không ở Việt Nam Nhà ga hàng không NGHK ngày nay là một toà nhà khổng lồ, được coi như một thành phố có đầy đủ các dịch vụ và tiện nghi, là cửa ngõ để vào thành phố và là hình ảnh đầu tiên mà du khách cảm nhận khi đến mỗi vùng đất. Ở Việt Nam đang tìm tòi các giải pháp thiết kế NGHK vừa đáp ứng tốtyêu cầu sử dụng, vừa có giá trị kiến trúc như một biểu tượng, nhất là khi toàn cầu hoá có xu hướng xoá nhoà các khác biệt về mặt văn hoá.
Hệ thống NGHK tại Việt Nam có chất lượng kiến trúc kém, chưa tương xứng với vai trò biểu tượng văn hoá của địa phương đối với hành khách. Tương lai, bản sắc văn hoá địa phương có một vị trí và vai trò quan trọng đặc biệt đối với thể loại công trình này, rất cần được nghiên cứu.
Qua nghiên cứu thực trạng hệ thống NGHK ở Việt Nam, nhìn chung yếu tố bản sắc văn hoá địa phương chưa được quan tâm khai thác hiệu quả bên cạnh những hạn chế về mức độ chất lượng tiện nghi phục vụ so với các NGHK trên thế giới. Điều đó đặt ra một nhu cầu cấp bách về cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các NGHK ở nước ta.
Kiến trúc Việt Nam trong lịch sử đã biết khai thác, tận dụng những hình thức vật chất, biểu tượng đặc thù và bản sắc văn hoá phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường địa phương. Là một công trình dân dụng, trước hết cần phải xác định NGHK là để phục vụ con người sống trên các vùng đất, các vùng văn hoá ở Việt Nam. Chính vì thế, các giá trị nhân văn trong đặc tính xã hội của người Việt Nam, bản sắc văn hoá địa phương của các vùng miền ở Việt Nam, cách sử dụng không gian cũng như khả năng thích ứng của không gian với môi trường tự nhiên cần được bộc lộ, được giải quyết. Điều này hoàn toàn không có nghĩa đối lập, mâu thuẫn với sự hoà hợp quốc tế mà ngược lại chính là mang lại một không gian Việt Nam cho bạn bè như một điều mới mẻ mà họ khám phá được khi đặt chân tới Việt Nam. Tương tự đối với các NGHK nội địa, nơi đây chính là sự cảm nhận đầu tiên về vùng đất mà mỗi du khách đặt chân đến. Đó chính là sự khẳng định tính dân tộc trong xu thế quốc tế hoá và sự khẳng định bản sắc văn hoá địa phương.
Bản sắc văn hoá địa phương kết hợp với các yếu tố lịch sử và thời đại, tức là kết hợp với giá trị tinh thần truyền thống của địa phương với nội dung và hình thức hiện đại. NGHK là thể loại chưa từng có trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, nên yếu tố lịch sử sẽ liên quan chủ yếu đến các giá tri ẩn sâu trong văn hoá, còn yếu tố thời đại sẽ liên quan nhiều đến các giá trị hình thức và nội dung sử dụng của công trình. Có thể nói, yếu tố bản sắc văn hoá địa phương trong không gian kiến trúc nhà ga có ý nghĩa quan trọng và giá trị lớn cho cảm nhận của hành khách khi đặt chân đến mỗi vùng đất, mỗi địa phương tại Việt Nam. Kiến trúc là một loại hình biểu tượng cao và kiến trúc NGHK là một trong những thể loại có yêu cầu cao nhất về tính biểu tượng. Kiến trúc NGKH tự thân đã đặc trưng bởi tính hoành tráng của không gian lớn, tính hiện đại trong công nghệ và ở một khía cạnh khác là nơi giao lưu văn hoá của một quốc gia với các nền văn hoá khác. Bởi vậy, bản sắc văn hoá địa phương trong kiến trúc NGHK là giá trị và yếu tố quan trọng cần có.

2. Ngôn ngữ kiến trúc NGHK

Trước hết, cần xác định quan điểm thiết kế, ngôn ngữ không gian kiến trúc của NGHK có thể đại diện cho mỗi địa phường. NGHK là nơi hành khách được hưởng những tiện nghi cao cấp, là sự thể hiện thái độ ứng xử văn hoá đầu tiên của mỗi địa phương, mỗi quốc gia với khách. Nhiều ví dụ thành công trên thế giới như: NGHK quốc tế Kualalumpur với hệ kết cấu mái với cấu trúc hiện đại được lấy hình tượng như những tán cây nhiệt đới, loại cây đặc trưng thường thấy ở nơi đây và cả Quốc kỳ Malaixia. Bởi Quốc kỳ là một biểu tượng cô đọng và ý nghĩa nhất trong ý thức về quốc gia. Rồi mô hình tháp đôi Petronas, biểu tượng của đất nước Malaixia được đặt trang trọng tại sảnh chính nhà ga. Đó chính là những thông điệp về lòng tự hào dân tộc gửi đến bạn bè năm châu khi họ đặt chân đến Malaixia.
Tương tự như vậy, được sử dụng như những thủ pháp tạo hiệu quả, hai biểu tượng linh vật và chùa tháp được đưa vào không gian nội thất của NGHK Bangkok - Thailan. Đây chính là biểu tượng đặc trưng, khẳng định bản sắc văn hoá riêng của Thailan. Những loại cây xanh địa phương cũng hiện diện rất nhiều trong không gian nhà ga, vừa có tính biểu tượng, vừa phù hợp với môi trường nhiệt đới. Công trình có kiến trúc đẹp, đặc thù và quan điểm về sinh thái thể hiện rõ rệt; Không gian khu cách ly của NGHK Don Muong - Thailan được thiết kế khép kín, sử dụng kết hợp ánh sáng nhân tạo và ánh sáng tự nhiên thông qua mái kính trên trần. Các hình tượng, chi tiết kiến trúc, hoa văn truyền thống xuất hiện khắp nơi trong không gian nơi hành khách có thời gian chiêm ngưỡng và cảm nhận. Vườn cảnh được sử dụng trong nội thất phòng đợi NGHK tạo hiệu quả thẩm mỹ, điều hoà vi khí hậu và cảm nhận nét văn hoá đặc trưng của Thailan.
Nhìn toàn cảnh, công trình NGHK quốc tế Denver KTS. Curtis W Frentress - 1994 như những chiếc lều trên thảo nguyên. Dáng nhấp nhô như nhắc lại bóng dáng của dãy núi xa xa trên thảo nguyên là quang cảnh đặc trưng của vùng Colorado - Hoa kỳ. NGHK quốc tế Jakarta, Indonesia là một trong những thiết kế thành công của KTS nổi tiếng Paul Andreu. Nhà ga là biểu tượng của những mái lều với các hàng hiên lớn của người Indonesia. Không gian mở của nhà ga cho phép hành khách được tận hưởng tầm nhìn rộng, thông thoáng và tiếp cận trực tiếp với không khí, ánh sáng và cảnh quan tự nhiên của đất nước nhiệt đới. Rồi quy mô khổng lồ và biểu hiện kỹ thuật rõ ràng nhưng rất hoà nhập với thiên nhiên, con người theo kiểu vừa tương phản, vừa ẩn dụ dễ nhận thấy ở NGHK Kansai của Renzo Piano. Hoặc thép với kính rất hợp với tầm nhìn bao la giữa biển trời sóng nước cùng hình ảnh cây cọ nhân tạo được đặt trong sảnh NGHK quốc tế Dubai là hình tượng đặc trưng của cảnh quan quốc gia Trung Đông.
Tại Việt Nam, NGHK quốc tế Nội Bài, Hà Nội tuy chưa hoàn hảo nhưng là một công trình công cộng trong việc tạo dựng nên một biểu tượng cho cửa ngõ thủ đô. Công trình có sự kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống. Hệ thống cột, dầm, sàn, mái nhà ga khai thác hình dáng kiến trúc gỗ truyền thống. Nội thất một số không gian quan trọng trong nhà ga, như phòng khách VIP được đầu tư nghiên cứu và sử dụng giải pháp trang trí biểu tượng chim Lạc đặc trưng, tác động tốt đến cảm nhận của khách đến Hà Nội.
Ở NGHK Pleiku - Gia Lai, bản sắc văn hoá địa phương Tây Nguyên thể hiện trên mặt đứng bằng các chi tiết kiến trúc cô đọng từ hoa văn trên trang phục đồ dùng các dân tộc Tây Nguyên. Điều này khiến NGHK Pleiku - Gia Lai có nét rất riêng, không lẫn với các NGHK khác. Một hình tượng ẩn dụ khác là hình tượng cách điệu của ngôi nhà rông trên mặt đứng công trình. NGHK Nha Trang - Khánh Hoà, hình tượng mái sảnh bằng kim loại được tạo hình lượn sóng nói lên đặc trưng của thành phố biển. Có thể nói, những thủ pháp trên đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc khai thác bản sắc văn hoá địa phương của NGHK.
Rõ ràng, NGHK có nhiều yếu tố lợi thế để KTS thể hiện bản sắc văn hoá địa phương, một yếu tố rất quan trọng trong các không gian của công trình. Đó là:
• Cấu trúc không gian lớn và tầm nhìn rộng mở.
• Yếu tố tâm lý: Do thời gian tiếp cận và cảm nhận về công trình thường ngắn nên việc tạo ra một ấn tượng hay một cảm giác bất chợt, tức thì cho khách là cần thiết.
• Thời gian thụ cảm trong từng không gian có khác nhau. Có thể là chỉ trong khoảnh khắc hoặc đủ lâu khi khách phải chờ ra máy bay. Hiểu điều này để có những giải pháp tương ứng.
• Tuỳ theo điều kiện tiếp cận, chức năng mà cách xử lý các không gian kiến trúc khác nhau.
• Yếu tố tài chính và vấn đề sáng tạo kiến trúc: Kinh phí đầu tư lớn, công trình đặc thù là điều kiện thuận lợi cho sáng tạo kiến trúc.
Dưới đây là một số nguyên tắc để khai thác bản sắc văn hoá địa phương trong kiến trúc NGHK:
• Kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu địa phương.
• Khai thác các giá trị văn hoá từ nghệ thuật tạo hình như: hoa văn, chi tiết trang trí…
• Khai thác các giá trị văn hoá phi vật thể của địa phương như phong tục tập quán, quy ước, lời ca, tiếng ru…
• Khai thác các yếu tố đặc thù về cảnh quan sinh thái địa phương.
• Khai thác vật liệu truyền thống địa phương.
• Khai thác các giá trị văn hoá từ những vật dụng của đời sống cộng đồng địa phương.
• Khai thác kế thừa những giá trị kiến trúc truyền thống địa phương thông qua sự hiểu biết sâu sắc kiến trúc truyền thống về bố cục, tổ chức không gian, trang trí nội ngoại thất…

3. Giải pháp phát huy bản sắc văn hoá địa phương trong kiến trúc NGHK

Giải pháp về QH tổng thể công trình; Giải pháp về cấu trúc không gian; Giải pháp kiến trúc nội ngoại thất và chi tiết; Giải pháp khai thác các giá trị văn hoá khác.
Yếu tố bản sắc văn hoá địa phương và kiến trúc NGHK tại Việt Nam cần được nhìn nhận như một thành phần không thể thiếu trong việc đánh giá về giá trị kiến trúc thể loại công trình này. Tóm lại, cần xây dựng lý luận sáng tác thể loại công trình NGHK tại Việt Nam, trong đó nêu rõ quan điểm phát huy bản sắc văn hoá địa phương với những nguyên tắc cụ thể. Trong quá trình nghiên cứu sáng tác thiết kế kiến trúc NGHK cần có sự am hiểu tường tận, sâu sắc về bản sắc văn hoá mỗi địa phương, mỗi vùng miền của Tổ quốc, từ đó đề xuất những giải pháp thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời phát huy các đặc sắc văn hoá địa phương nhằm khẳng định chất lượng biểu đạt cho công trình.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 6/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)