Ứng dụng các giải pháp thoát nước bền vững trong công tác quy hoạch đô thị ven biển và hải đảo

Thứ tư, 19/08/2020 14:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Việt Nam là quốc gia ven biển với đường bờ biển dài khoảng 3.260km cùng với gần 3.000 hải đảo. Với nhiều đô thị nằm trên khu vực đường bờ biển và các hải đảo, các đô thị này chịu ảnh hưởng nhiều từ các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biển (bão, triều cường, nước dâng, xâm thực bờ biển, xâm nhập mặn…), đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Để giải quyết những tác động này có nhiều giải pháp khác nhau cần phải được thực hiện đồng thời, một trong số đó là việc ứng dụng các giải pháp thoát nước bền vững trong quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị. Việc áp dụng các giải pháp thoát nước bền vững cần có tầm nhìn và chiến lược lâu dài, vì vậy việc đưa vào nghiên cứu và áp dụng ngay từ khâu quy hoạch là thực sự cần thiết và bắt buộc phải có. Tuy nhiên, cần phải có sự chọn lọc các giải pháp thoát nước bền vững thực sự có thể đưa vào trong công tác quy hoạch để vừa giúp cho việc đưa ra chiến lược, chính sách đầu tư xây dựng và quản lý đô thị theo quy hoạch được hiệu quả nhất, vừa tránh việc tạo ra rào cản cho việc đưa ra quyết sách của nhà quản lý đô thị nhằm thích ứng được với những biến đổi liên tục của tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Mở đầu

Là quốc gia ven biển, khu vực ven biển và hải đảo là một vấn đề cần được cân nhắc và ưu tiên trong các chính sách, chiến lược và kế hoạch dài hạn phát triển, trong đó nguyên tắc phát triển bền vững cần phải được đặc biệt quan tâm dựa trên các quan điểm: Dựa vào hệ sinh thái, ít chất thải, ít các bon, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…Vấn đề biển đảo đã được văn kiện, trong Đảng và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm thông qua nhiều văn kiện, trong đó nổi bật là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có đưa ra các định hướng về phát triển đô thị ven biển theo hướng bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường… Đây chính là một tiền đề quan trọng cho việc ứng dụng thoát nước bền vững vào các đô thị vùng ven biển và hải đảo.

Bên cạnh du lịch biển, các cảng biển với ưu thế về vận tải khối lượng lớn của vận tải đường biển cũng là một mũi nhọn kinh tế quan trọng cùng các tài nguyên biển với trữ lượng lớn và đa dạng (bao gồm tài nguyên sinh vật biển) là những động lực cho sự phát triển về kinh tế - xã hội và góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của những đô thị biển và hải đảo với tiềm năng, lợi thế hơn các khu vực khác trong đất liền. Đó là các đô thị lớn đã hình thành, phát triển từ lâu như: TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu… hay các đô thị đang trong quá trình phát triển tại Vân Đồn – Quảng Ninh, Phú Quốc – Kiên Giang… bên cạnh nhiều đô thị vừa và nhỏ khác tại khu vực ven biển và hải đảo cũng là nơi có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng cần phải bảo vệ và việc phát triển đô thị nhanh chóng ở khu vực này thường dẫn đến hậu quả là hệ sinh thái tự nhiên bị đe dọa, không gian cho việc tiêu thoát nước tự nhiên bị thay đổi, chiếm dụng thay bằng các hệ thống thoát nước nhân tạo. Nếu không áp dụng các giải pháp thoát nước bền vững hoặc đầu tư xây dựng một hệ thống hạ tầng thoát nước quy mô để đảm bảo dự phòng cho các trường hợp bất lợi nhất thì sẽ phải chấp nhận nguy cơ ngập lụt ở cường độ và tần suất cao hơn. Các giải pháp thoát nước bền vững cũng sẽ tận dụng các hệ sinh thái tự nhiên cho việc tiêu thoát nước, qua đó góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học tại khu vực ven biển và hải đảo.

Việt Nam là một trong những quốc gia có chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó khu vực ven biển và hải đảo là nơi đầu tiên chịu những tác động này. Với vị trí nằm gần biển chịu tác động mạnh của yếu tố thủy triều, kết hợp với hậu quả của nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, khả năng tiêu thoát nước của các hệ thống thoát nước nhân tạo truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến hiệu quả tiêu thoát nước bị suy giảm, gây ra tình trạng úng ngập trong đô thị ngay cả khi chưa bị ảnh hưởng của nước mưa trong hệ thống thoát nước nhân tạo truyền thống với quy mô, kích thước và công suất lớn hơn nhiều nếu không áp dụng các giải pháp thoát nước bền vững trong đó hướng tới việc giảm lưu lượng và tốc độ tập trung dòng chảy trong hệ thống thoát nước đô thị.

Lồng ghép nội dung thoát nước bền vững trong quy hoạch đô thị vùng ven biển và hải đảo

Thoát nước bền vững là mô hình thoát nước sử dụng cách tiếp cận tự nhiên hoặc mô phỏng tự nhiên để kiểm soát và làm giảm ngập lụt, đồng thời giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm. Đối với các đô thị ven biển, nguyên tắc chung khi ứng dụng các giải pháp thoát nước bền vững là tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu những tác động tiêu cực của dòng chảy đến các khu vực phát triển đô thị trong điều kiện có xét đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cách tiếp cận chính của việc ứng dụng thoát nước bền vững trong thoát nước đô thị là sử dụng và tối ưu háo việc tiêu thoát nước tự nhiên theo các dòng chảy bề mặt; giảm tốc độ, lưu lượng dòng chảy thông qua hệ thống công trình lưu chứa nước (tự nhiên và nhân tạo) vừa giúp phòng chống ngập úng, vừa điều hòa vi khí hậu kết hợp cho các nhu cầu không gian công cộng, tăng cường khả năng thấm hút trên dòng chảy, vừa bổ sung nguồn nước ngầm, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm thông qua quá trình tự làm sạch nhờ các hệ sinh thấp ngập nước và hệ thống lắng, lọc tự nhiên; tăng cường tái sử dụng nước; có giải pháp dự phòng cho các biến động không thể lường trước do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Cách tiếp cận này mang đến cơ hội tăng cường không gian xanh cho đô thị, kết nối và mở rộng mạng lưới cây xanh, tạo môi trường cho các sinh vật hoang dã sinh sống, từ đó taojra các lợi ích cộng đồng (ải thiện môi trường sống, tăng chất lượng cuộc sống cộng đồng, làm tăng giá trị tài sản, giá đất và sự thịnh vượng của nền kinh tế địa phương).

Để có tầm nhìn dài han cho các kế hoạch ứng dụng các giải pháp thoát nước bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, cần phải có sự lồng ghép trong quy hoạch đô thị, trong đó phải thỏa mãn các nhóm tiêu chí như sau: quy hoạch và quản lý dòng chảy; chất lượng nước; bổ sung tiện ích đô thị và tính đa dạng sinh học.

(Bảng 1: Tiêu chí thiết kế quy hoạch hệ thống thoát nước bền vững)

Tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Dòng chảy

1. Sử dụng dòng chảy nước mặt như một nguồn tài nguyên

2. Hỗ trợ quản lý rủi ro về ngập lụt

3. Bảo vệ hình thái tự nhiên và sinh thái học nguồn nước mặt

4. Bảo tồn và bảo vệ các hệ thống thủy văn tự nhiên

5. Kiểm soát hiệu quả thoát nước khu vực phát triển đô thị

6. Tính thích ứng để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Chất lượng nước

1. Hỗ trợ quản lý chất lượng nước của các nguồn nước

2. Khả năng phục hồi của hệ thống để đối phó với thay đổi trong tương lai

Tiện ích đô thị

1. Khả năng sử dụng đa chức năng của các thành phần trong hệ thống thoát nước bền vững

2. Đóng góp vào mỹ quan đô thị

3. Cung cấp hệ thống quản lý nước mặt an toàn

4.Hỗ trợ phát triển khả năng chống chịu/ khả năng thích ứng với ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng

5.Tăng cường khả năng hỗ trợ cho các hoạt động cộng đồng.

Đa dạng sinh học

1. Hỗ trợ, bảo vệ, tạo dựng và kết nối môi trường sống tự nhiên/

2. Tăng cường và phục hồi mục tiêu đa dạng sinh học/

3. Tạo ra các hệ sinh thái đa dạng, bền vững…có khả năng phục hồi trước các ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đối với các đô thị ven biển và hải đảo, căn cứ các tiêu chí quy hoạch thoát nước bền vững, các vấn đề trọng tâm cần được nghiên cứu trong quá trình lồng ghép thoát nước bền vững bao gồm: đặc điểm địa hình, đặc điểm thủy, hải văn, khả năng thẩm thấu và bay hơi, đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn, nguy cơ ngập lụt, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên và cảnh quan đô thị, quy hoạch không gian và sử dụng đất, chiến lược quản lý rủi ro, quy hoạch cơ sở hạ tầng, hình thái kiến trúc đô thị và đề xuất về quản lý, vận hành.

(Bảng 2: Các vấn đề trọng tâm trong quy hoạch đô thị ven biển và hải đảo)

Vấn đề

Nội dung nghiên cứu

(1) Đặc điểm địa hình

- Hình thái, cấu tạo đường bờ biển và các cửa biển

- Phân bố và hình thái các khu vực thấp trũng có khả năng tích trữ nước tự nhiên

- Độ dốc, hướng dốc tự nhiên

(2) Mặt nước, dòng chảy tự nhiên và đặc điểm khí tượng, thủy, hải văn

- Hệ thống lưu chứa và điều hòa nước hiện hữu

- Các trục tiêu thoát nước tự nhiên

- Mô hình và cường độ mưa khu vực

- Điều kiện thủy văn các sông chính

- Đặc điểm hải văn khu vực (triều, sóng, nước dâng…)

(3) Đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn khu vực

- Đặc điểm của nước ngầm khu vực (mực nước, phân bố nước, khu vực khai thác và vùng bảo vệ…)

- Địa chất, địa chất thủy văn hiện nay có phù hợp để sử dụng trong thiết kế SuDS hay không?

(4) Khả năng thẩm thấu, khả năng bay hơi

- Khả năng thẩm thấu nước của đất, nguy cơ sụt lún hoặc đất không ổn định khi bị nước thẩm thấu

- Không gian xây dựng ngầm đô thị và những nguy cơ đến từ việc thẩm thấu nước mặt vào đất

- Những trở ngại nào đối với sự thẩm thấu của nước (đặc biệt tại các bề mặt nhân tạo hiện hữu)

(5) Nguy cơ ngập lụt

- Hiện trạng lũ lụt trong khu vực đô thị

- Nguy cơ lũ lụt ở vùng sông nước và/hoặc bờ biển

- Các giải pháp thích ứng đang được áp dụng

(6) Hiện trạng sử dụng đất và cơ sở hạ tầng

- Các khu ngập nước hiện trạng (bao gồm đất ngập nước ven biển và cửa sông)

- Ảnh hưởng của việc sử dụng đất trước khi quy hoạch đến mức độ quản lý dòng chảy bởi SuDS

- Hiện trạng hệ thống thoát nước đô thị

- Hiện trạng công trình quản lý rủi ro ngập lụt

(7) Hiện trạng môi trường sống và đa dạng sinh học

- Hệ sinh thái tự nhiên phổ biến tại khu vực

- Các khu vực môi trường sống quan trọng cần bảo vệ

- Chiến lược đa dạng sinh học của địa phương

(8) Hiện trạng cảnh quan đô thị

- Các chỉ dẫn về bảo tồn hoặc những hạn chế về quy hoạch cho khu vực mà có thể sẽ ảnh hưởng đến thiết kế SuDS

- Các không gian xanh, không gian mở (như công viên, sân chơi, sông, hồ, kênh rạch)

- Các áp lực về biến đổi khí hậu tiềm ẩn cho khu vực

(9) Quy hoạch cao độ nền, sử dụng đất và cảnh quan

- Thay đổi về địa hình khu vực quy hoạch so với hiện tại. Những thách thức trong đề xuất quy hoạch cao độ nền

- Các yêu cầu cảnh quan cho khu vực là gì?

- Mật độ xây dựng cho dự án phát triển như thế nào?

- Đất đai khu vực được sử dụng và duy trì như thế nào?

- Các khu vực môi trường sống quan trọng ở địa phương có thể được kết nối như thế nào?

(10) Quy hoạch cơ sở hạ tầng

- Cơ sở hạ tầng theo quy hoạch có thể bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng đến thiết kế SuDS như thế nào?

- Công trình dịch vụ theo quy hoạch có thể được thiết kế để phù hợp với SuDS hay không?

- Chiến lược quản lý rủi ro ngập lụt.

(11) Dự kiến phong cách và hình thái kiến trúc

- Kiến trúc và kết cấu xây dựng có thể hỗ trợ, nâng cao và tham gia hoạt động quản lý nước mặt như thế  nào?

- Động lực và cơ hội cho hệ thống thu gom nước mưa quy mô tòa nhà (RWH) tạo thuận lợi cho việc sử dụng chức năng lưu trữ của hệ thống RWH cho quản lý nước mặt

(12) Đề xuất về quản lý, vận hành

- Ai sẽ có quyền sở hữu cuối cùng hoặc tiếp quản SuDS và hình thức sở hữu, tiếp quản?

- Ai sẽ là người thông qua các quy trình và tiêu chuẩn cho hệ thống SuDS và hình thức thông qua?

- Ai sẽ chịu trách nhiệm vận hành SuDS và hình thức vận hành?

- Ai có quyền sở hữu cuối cùng hoặc tiếp quản SuDS và hình thức sở hữu, tiếp quản?

- Ai sẽ là người thông qua các quy trình và tiêu chuẩn cho hệ thống SuDS và hình thức thông qua?

- Ai sẽ chịu trách nhiệm vận hành SuDS và hình thức vận hành?

Ứng dụng các giải pháp thoát nước bền vững trong công tác quy hoạch đô thị ven biển và hải đảo

(Bảng 3: Các giai đoạn của hệ thống thoát nước bền vững và phạm vi áp dụng)

Giai đoạn

Mô tả

(1) Tổ chức phòng ngừa, giảm thiểu

Dọn dẹp xử lý mặt bằng loại bỏ rác và các chất bẩn trên bề mặt giảm thiểu tác động đến chất lượng nước hạ lưu, thiết kế công trình, thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm chảy tràn vào hệ thống thoát nước khu vực. Phạm vi áp dụng: công trình.

(2) Kiểm soát tạo nguồn tiếp nhận

Kiểm soát nước mưa tại nguồn hoặc cận nguồn kết hợp tái sử dụng nước mưa (vỉa hè thẩm thấu, mái nhà xanh, vườn mưa, dải thấm lọc…). Phạm vi áp dụng: công trình.

(3) Kiểm soát tại chỗ và trên dòng chảy

Kiểm soát dòng chảy tràn bằng các khu vực lưu chứa nước tạm thời, rãnh thu dẫn nước mưa và bề mặt đặc trưng có khả năng thấp hút cao. Pham vi áp dụng: khu vực phát triển thương mại và dân cư nhỏ.

(4) Kiểm soát khu vực và cuối dòng chảy

Kiểm soát và lưu trữ dòng chảy tràn đã được làm sạch ở mức cao nhất có thể ở bước kiểm soát tại chỗ (hệ thống kênh mương thủy lợi, hồ điều tiết hạ lưu hoặc các khu vực ngập nước hoang dã…) Phạm vi áp dụng: khu vực phát triển đô thị rộng hoặc toàn đô thị.

(5) Kiểm soát quá trình lưu chuyển

Lưu chuyển nước giữa các bước nên sử dụng các loại hình công trình bở (rãnh, mương thu) để tối ưu hóa lợi ích của thiên nhiên và con người. Phạm vi áp dụng: khu vực phát triển đô thị rộng hoặc toàn đô thị.

Đối với đặc thù các đô thị ven biển và hải đảo, mỗi bộ phận của hệ thống thoát nước bền vững có các nội dung tích hợp vào quy hoạch đô thị khác nhau.

(Bảng 4: Ứng dụng các bộ phận của hệ thống thoát nước bền vững trong quy hoạch đô thị ven biển và hải đảo)

Thể loại

Mô tả

Nội dung tích hợp

Hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa tại nguồn

Nước mưa được thu gom từ mái nhà của một tòa nhà hoặc từ các bề mặt cứng khác được chứa trong bể ngầm hoặc trên mặt đất để sử dụng tại chỗ. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, hệ thống có thể bao gồm cả yếu tố xử lý. Hệ thống nên bao gồm cả chức năng trữ nước nếu nó được sử dụng để quản lý dòng chảy.

Giải pháp phù hợp cho các đô thị vừa và nhỏ vùng ven biển có nguồn nước vị nhiễm mặn, đặc biệt là tại hải đảo thiếu hụt nguồn nước dùng cho sinh hoạt

Đưa ra nguyên tắc tổ chức thu gom tại công trình trong đó có yêu cầu tái sử dụng nước mưa cho các mục đích tỷ lệ công trình có tổ chức thu gom và tái sử dụng nước mưa tại nguồn. Đề xuất giải pháp để huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện.

Mái nhà xanh tường xanh

Một lớp đất trồng được bố trí trên mái của một tòa nhà để tạo ra bề mặt trồng cây. Nước được trữ trong lớp đất và hấp thụ bởi cây cối. Mái nhà xanh nước biển chứa nước ở mái, không sử dụng thảm thực vật.

Giải pháp hỗ trợ: tuy nhiên đối với các đô thị ven biển và hải đảo phải đặc biệt cân nhắc hiệu quả của giải pháp này so với việc bố trí hệ thống sản sinh năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió…gắn công trình)

Đưa ra nguyên tắc tổ chức các hình thức mái nhà xanh, công trình xanh. Có thể xác định tỷ lệ công trình có sử dụng giải pháp mái nhà xanh, tường xanh. Đề xuất giải pháp để huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện.

Kênh, mương rãnh thoát nước

Một con kênh có trồng cây được sử dụng để vận chuyển và xử lý nước (qua lọc). Chúng có thể “ướt”, là nơi nước được thiết kế để tồn tại vĩnh viễn ở rãnh hoặc “khô” nơi nước chỉ xuất hiện trong kênh sau khi mưa.

Giải pháp phù hợp cho các khu vực có độ dốc thấp, lượng mưa lớn và thay đổi bất thường, vì vậy rất phù hợp cho đô thị ven biển và hải đảo.

Đề xuất các khu vực tổ chức thoát nước dạng rãnh thoát hở, các trục kênh, mương thoát nước, chỉ giới bảo vệ, quy định về hệ thống cây xanh, mặt nước và các chỉ tiêu kỹ thuật về mặt cắt ngang và bề mặt phủ…

Hệ thống trữ nước sinh học

Chỗ đất thấp cho phép dòng nước chảy tạo thành hồ chứa tạm thời trên bề mặt, trước khi lọc qua bằng thực vật và các lớp đất phía dưới trước khi thu gom hoặc thấm xuống đất. Đất có cấu tạo (lớp sỏi và cát) và cây cối có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả xử lý.

Giải pháp phù hợp cho các khu vực dân cư có mật độ xây dựng thấp trong đó có các khu vực xây dựng mật độ thấp tại các đô thị ven biển và hải đảo

Đưa ra nguyên tắc tổ chức các hình thức trữ nước sinh học. Có thể xác định tỷ lệ công trình có sử dụng giải pháp trữ nước sinh học, tường xanh. Đề xuất giải pháp để huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện.

Thảm thực vật

Cây có thể được trồng trong một loạt các bộ phận lọc trong SuDS để cải thiện hiệu suất của chúng, vì sự phát triển và phân hủy của rễ cây làm tăng khả năng thẩm thấu của đất. Ngoài ra, chúng có thể được sử dụng như các tính năng độc lập trong các hố trồng cây, chậu cây hoặc đất kết cấu, thu gom, trữ và xử lý nước (thông qua lọc và công nghệ thực vật xử lý môi trường)

Giải pháp phù hợp cho mọi đô thị, đặc biệt là đối với các khu vực ven biển, thảm thực vật góp phần giảm ảnh hưởng của gió bão…

Đề xuất tỷ lệ bố trí thảm thực vật trong các khu vực dân dụng theo khu vực.

Xác định vị trí, quy mô, chỉ giới bảo vệ đối với các khu công viên cây xanh trong đô thị.

Bề mặt thấm hút

Nước thấm qua mặt vỉa hè có ốp lát. Có thể là những gạch khối có khoảng trống giữa các viên, hoặc gạch lỗ, nước sẽ lọc qua chính các lỗ đó. Nước có thể được trữ dưới nền và có khả năng thấm vào lòng đất.

Giải pháp chung, cần cân nhắc về kinh tế đối với các khu vực ven biển và hải đảo.

Đề xuất các khu vực bề mặt, các tuyến đường có vỉa hè có thể bố trí giải pháp bề mặt thấm hút. Xác định tỷ lệ diện tích bề mặt thấm hút trên tổng diện tích bề mặt cho từng khu vực.

Không gian chứa nước ngầm

Không gian trống lớn, dưới mặt đất có thể được sử dụng để trữ nước tạm thời trước khi thâm nhập, thoát hoặc sử dụng có kiểm soát. Kết cấu trữ nước thường được xây dựng bằng các hệ thống lưu trữ mô hình tế bào sinh học hoặc các mô đun khác, bể chứa bằng bê tông hoặc đường ống cỡ lớn.

Giải pháp chung, cần cân nhắc về kinh tế đối với các khu vực ven biển và hải đảo

Đề xuất các khu vực có thể bố trí không gian chứa nước ngầm, các công trình chứa nước ngầm quy mô lớn.

Vùng trũng dành để lưu chứa nước

Khi trời mưa, nước chảy xuống chỗ đất lún có một lỗ thoát nước nhằm hạn chế dòng chảy, do đó lưu vực tràn và suy giảm. Nói chung, lưu vực không ngoại trừ trong và ngay sau cơn mưa. Nếu có cây cối, dòng chảy sẽ được xử lý khi nó vận chuyển và lọc qua đấy của lưu vực.

Giải pháp chung, phù hợp với các đô thị ven biển và hải đảo đặc biệt là khu vực cồn cát ven biển.

Xác định vị trí, quy mô và chỉ giới bảo vệ đối với các khu vực vùng trũng dành để lưu chứa nước. Đề xuất các giải pháp sử dụng cho các mục đích công cộng khi chưa dùng lưu chứa đảm bảo yêu cầu sẵn sàng trở thành khu vực lưu chứa khi cần thiết.

Hồ và vùng đất ngập nước

Với tính năng của một bể chứa vĩnh cửu có thể được sử dụng để làm giảm và xử lý dòng chảy, là nơi dòng chảy được kiểm soát và mực nước được phép tăng sau cơn mưa. Chúng có thể hỗ trợ các thảm thực vật nổi lên và chìm xuống mép nước và những chỗ nông, đầm lầy, tăng cường các quá trình xử lý và đa dạng sinh học.

Giải pháp đặc biệt phù hợp cho các khu vực đô thị nằm ở hự lưu các con sông và khu vực có quỹ đất ngập nước ven sông ven biển.

Xác định vị trí, quy mô và chỉ giới bảo vệ, các thông số kỹ thuật về mặt nước (diện tích, dung tích điều hòa, quy định về thảm thực vật và các công trình hỗ trợ quá trình làm sạch nước)

Một số kiến nghị

Có thể thấy rằng, việc ứng dụng các giải pháp thoát nước bền vững cho các đô thị ven biển và hải đảo là cần thiết và khả thi, các đề xuất về ứng dụng thoát nước bền vững cần được tích hợp trong quy hoạch đô thị nhằm xây dựng kế hoạch dài hạn bao gồm việc chuẩn bị quỹ đất và nguồn đầu tư cho các công trình, giải pháp thoát nước bền vững tạo tiền đề cho việc hình thành các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước bền vững cho các đô thị.

Tuy nhiên, để việc tích hợp giải pháp thoát nước bền vững vào trong quy hoạch đô thị nói riêng cũng như vào việc đầu tư xây dựng và quản lý phát triển đô thị nói chung cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các quy định của hệ thống văn bản pháp quy. Vì vậy, cần phải rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về quy hoạch và quản lý hệ thống thoát nước đô thị (bao gồm hệ thống Luật – Nghị định – Thông tư và hệ thống Quy chuẩn – Tiêu chuẩn kỹ thuật, cùng với các định hướng, chiến lược phát triển chuyên ngành) để bổ sung các quy định, định hướng và hướng dẫn kỹ thuật cho việc tích hợp giải pháp thoát nước bền vững.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 105/2020

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)