Những nguyên tắc cần thiết trong quy hoạch và phát triển đô thị biển

Thứ tư, 12/08/2020 16:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đô thị biển là một loại hình đô thị chỉ có các quốc gia có biển mới có điều kiện phát triển. Đô thị biển có nhiều dạng thức khác nhau, tùy theo điều kiện tự nhiên và địa kinh tế mà phát triển, tập trung chính là các dạng đô thị kinh tế biển như cảng biển, du lịch, khai thác dầu khí, thương mại dịch vụ, đánh bắt khai thác thủy hải sản… Đô thị biển thường là các đô thị động lực của Quốc gia và Vùng. Mỗi quốc gia có những chiến lược phát triển các đô thị biển khác nhau. Việt Nam cũng đã có Chiến lược phát triển kinh tế biển, tuy nhiên thực tế các đô thị biển Việt Nam chưa được phát triển hiệu quả, nhiều đô thị phát triển thiếu kiểm soát, lạm dụng lãng phí tài nguyên, phá vỡ hệ sinh thái ven biển, ô nhiễm môi trường… do đó đô thị biển Việt Nam có rất nhiều nguy cơ phát triển không bền vững. Việc quy hoạch và quản lý phát triển đô thị biển Việt nam rất cần được nghiên cứu và thực hiện trên những nguyên tắc cơ bản đảm bảo phát triển bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại vừa đảm bảo cho tương lai phát triển.

Biển chiếm khoảng 3/4 trái đất (71%), nhưng không phải quốc gia nào cũng có biển. Từ hàng nghìn năm trước, các quốc gia có biển đã chiếm một lợi thế vô cùng quan trọng bằng các độc quyền về hoạt động kinh tế biển như cảng biển, buôn bán hàng hóa, thương mại dịch vụ và đánh bắt hải sản… Gần đây, du lịch nổi lên như một ngành kinh tế mới có hiệu quả cao và khá đa dạng. Đô thị ven biển được hình thành và phát triển từ cảng biển, các trung tâm thương mại và du lịch, công nghiệp đánh bắt và chế biến hải sản đã tạo nên động lực kinh tế của nhiều quốc gia ven biển.

Mỗi thời kỳ lịch sử, kinh tế - chính trị - xã hội có sự chuyển đổi, các đô thị biển phát triển trên thế giới được thiết kế quy hoạch phù hợp với điều kiện đó. Địa kinh tế vùng ven biển là một khái niệm rất quan trọng khi lựa chọn địa điểm để phát triển đô thị, chiến lược phát triển đô thị đáp ứng và phù hợp với chiến lược kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia đối với vùng ven biển. Không phải chỉ cần có bãi biển đẹp, hay cảnh quan đặc sắc, mà quy hoạch đô thị cần được lựa chọn và có chiến lược phát triển đô thị biển hợp lý. Khai thác lợi thế vùng ven biển để phát triển kinh tế một cách hiệu quả cao, có thể thấy những thành công của các quốc gia trên thế giới như: “New York không có bãi biển đẹp nhưng có Manhattan là trung tâm thế giới; Hồng Kông không có bãi biển đẹp nhưng là trung tâm tài chính của Châu Á; Thẩm Quyến bất lợi khi nằm ngay bên cạnh Hồng Kông, nhưng vẫn trở thành trung tâm kinh tế của Trung Quốc; Singapore không có bãi cát trắng, không có tiền năng dầu khí nhưng vẫn là trung tâm tài chính của khu vực”. Một điều đặc biệt hơn nữa là các đô thị này lại luôn là những điểm du lịch hot nhất và mang lại nguồn thu nhiều nhất. Sức hấp dẫn ở đây không bắt nguồn từ du lịch mà bắt nguồn từ những chiến lược phát triển đô thị dựa trên những dự án và công trình đặc biệt ở những vị trí đặc biệt.

Đô thị biển có thể trở thành những đô thị động lực của quốc gia với các hình thái: Đô thị biển - trung tâm kinh tế thương mại cảng; Đô thị biển - trung tâm kinh tế và du lịch; Đô thị biển - trung tâm đa chức năng lớn; Đô thị du lịch biển.

Việt Nam có vị trí địa kinh tế và quốc phòng rất đặc biệt với hơn 3.000km ven bờ biển Đông và biển Tây cùng nhiều đảo, bán đảo, vùng vịnh. Hệ thống đô thị ven biển cũng đã được hình thành và phát triển, một số đô thị cảng lớn như thành phố Hải Phòng; đô thị hành chính đa chức năng như TP Đà Nẵng; đô thị du lịch như TP.Hạ Long, Nha Trang, Sầm Sơn… Các khu kinh tế ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chu Lai – Kỳ Hà (Quảng Nam)…

Các trung tâm tài chính của thế giới hiện đại nằm ven biển, và tiếp theo đến ngày hôm nay, “Học thuyết Biển” của nước Nga, “Chiến lược Biển” của Mỹ, Nhật, “Một vành đai – một con đường” của Trung Quốc – tất cả các cường quốc đều đã, đang và sẽ rất hướng ra biển, được chuẩn bị và triển khai một cách bài bản và chu đáo một cách đáng kinh ngạc.

Đối với biển Việt Nam, ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biểm xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 6 nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ. Trong đó, về phát triển kinh tế biển, ven biển tập trung là:

Dịch vụ du lịch: Là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, giải trí chất lượng cao, du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng. Thí điểm phát triển các tuyến du lịch vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác, trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế.

Kinh tế hàng hải và cảng biển: Phát triển hệ thống cảng biển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Kinh tế dầu khí và khoáng sản: Thăm dò khoáng sản, dầu khí vùng nước sâu xa bờ nhằm gia tăng trữ lượng khoáng sản, dầu khí. Kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

An ninh quốc phòng: bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

Thực hiện những chương trình chiến lược của Đảng và Chính phủ, công tác quy hoạch và quản lý phát triển các đô thị ven biển cũng cần phải có quy trình xem xét lại từ những nguyên tắc và các giải pháp cụ thể, tránh tình trạng phát triển tràn lan, thiếu kiểm soát như hiện nay.

Những năm qua, Việt nam cũng đã có một quá trình lập quy hoạch các đô thị ven biển, và các đô thị đã không ngừng phát triển và mở rộng nhanh chóng, như thành phố Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… nhưng thực tế đang có những biểu hiện của sự lạm dụng trong phát triển, đó là hiện tượng lấp biển tràn lan, xây dựng quá tải ở ven biển, chiếm dụng và ào ạt xây dựng các biệt thự triệu đô ven biển hay lấy hết quỹ đất giá trị nhất để làm du lịch để làm, các trung tâm thương mại, tài chính dịch vụ vận tải, hàng hải, căn hộ cao cấp với mật độ dày đặc, xây dựng các công trình cao tầng để tối đa hóa không gian, chứa đựng nhiều tiện ích đan xen và thuận tiện theo nhu cầu của thị trường, bất chấp khả năng chấp nhận của hệ sinh thái khu vực.

Một số chuyên gia cho rằng “Đô thị biển – trung tâm kinh tế và du lịch. Tất cả các cường quốc đều có đô thị biển là trung tâm kinh tế bên cạnh một Thủ đô là trung tâm hành chính. Hầu hết các đô thị cảng biển trên thế giới đều có địa hình tương tự nhau và đều phát triển hướng biển, khai thác hết tất cả các tiềm năng mà một quỹ đất ven biển có thể mang lại…Việt Nam không thiếu đô thị biển và đô thị cảng biển, thậm chí ở những vị trí rất hiểm yếu và phong thủy tốt nhưng cần có những chiến lược riêng cho các đô thị này cả về kinh tế, xã hội và quy hoạch xây dựng thì mới tạo nên một thế mạnh quốc gia”

Vậy nghiên cứu quy hoạch và quản lý phát triển đô thị biển cần có những nguyên tắc cơ bản nào. Trước tiên cần xem xét những nguyên tắc chung đối với các đô thị Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị định của Chính phủ, 05 nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị được quy định tại Điều 3 Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị như sau:

- Bảo đảm phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương và quốc gia, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.

- Bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị, gắn với an ninh quốc phòng.

- Bảo đảm khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

- Tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị, bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hòa với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử hiện có.

Đây là những nguyên tắc mang tính tổng thể chung, nhưng khi triển khai lập quy hoạch và quản lý các đô thị ven biển Việt Nam cần có những nguyên tắc cụ thể hơn đáp ứng điều kiện thực tế của mỗi đô thị, mỗi vùng miền và những mục tiêu phát triển của địa phương.

Nguyên tắc 1: Đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái ven biển

Cần duy trì và phục hồi tôn tạo các hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan. Thiết lập một khung thiên nhiên bền vững của đô thị bao gồm biển ven bờ, bờ biển, các dải cây xanh công viên ven biển, các dòng sông, suối lết hợp với biển và các núi, đồi tạo cảnh quan, các vùng nông lâm nghiệp thành phố… Đây là nền tảng rất cơ bản cho thành phố phát triển bền vững cần được quan tâm là nguyên tắc hàng đầu.

Muốn đạt được những nguyên tắc trên đòi hỏi phải thống kê một cách có hệ thống các tài nguyên thiên nhiên ven biển của khu vực, phân tích cụ thể những tài nguyên đã sử dụng hiệu quả hay không hiệu quả. Đảm bảo phân loại các khu vực cần có những thái độ ứng xử khác nhau trong hệ sinh thái, ví dụ như cần bảo tồn, tôn tạo hay bổ sung, tạo thêm những hiệu quả sinh thái và kinh tế… xác định những khu vực cấm xây dựng, hoặc những khu vực có thể san lấp để tăng hiệu quả sử dụng mà không làm hại đến hệ sinh thái khu vực lân cận, chứng minh được khả năng phục hồi sinh thái tốt hơn. Dải đất ven biển là tài nguyên hữu hạn của mỗi đô thị do đó việc sử dụng phải được tính toán cẩn thận, đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng, đảm bảo giữ các không gian mở ra biển hợp lý, duy trì nhiều công viên ven biển cho lợi ích lâu dài của đô thị biển

Nguyên tắc 2: Đảm bảo Phân vùng phát triển và khai thác hợp lý các không gian trong quy hoạch và quản lý đô thị

Các đô thị ven biển có những đặc trưng riêng và có nhu cầu phát triển theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quốc gia, do đó phải xác định những vùng tập trung không gian kinh tế thương mại, cảng biển để có thể xây dựng theo mô hình đô thị nén, tiết kiệm quỹ đất hạn chế, đồng thời tạo nên những công trình có không gian thiết kế đẹp, mang thương hiệu của đô thị, trung tâm đô thị cảng Biển, cao tầng ven biển. Sự khác biệt rõ nét nhất và làm nên nét đặc trưng của đô thị biển không phải là bãi tắm mà là không gian đô thị ven biển… Cụm công trình cao tầng ven biển quy hoạch tập trung sẽ gia tăng sức đề kháng với gió hơn là các công trình đơn lẻ đồng thời tạo ra một hình ảnh đô thị rất mạch lạc, hiện đại và hiệu quả… Tuy vậy, không xây công trình cao tầng tràn lan ven biển, bất chấp điều kiện của hệ sinh thái đô thị.

Nguyên tắc 3: Đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị thích hợp, hiện đại, kết nối đồng bộ cả khu vực đô thị hiện hữu và xây mới.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị được thiết kế và đầu tư phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của đô thị, tiện lợi sử dụng nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái đô thị.

Các đô thị ven biển có không gian sinh thái rất nhạy cảm, do đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đê, kè ven biển, ven sông phải đảm bảo nguyên tắc bền vững kỹ thuật nhưng đồng thời phải mỹ quan và tiện dụng, dễ phục hồi sinh thái ven biển. Các hệ thống cống nước thải chưa xử lý không được thải ra sông và ra biển, các công trình đầu mối kỹ thuật đô thị không sử dụng những vị trí có cảnh quan đẹp ven biển.

Hệ thống giao thông kết nối thuận lợi đối với các khu vực trong đô thị, đảm bảo các bãi đỗ xe không chiếm dụng đất giá trị ven biển. Đối với các đô thị du lịch phải đảm bảo hệ thống xe không ô nhiễm môi trường (như xe điện) phục vụ khu vực các trục ven biển, không thiết kế các trục đường xe lớn sát ven biển. Các công trình tiện ích đô thị phải có thiết kế đẹp đóng góp thêm cảnh quan đô thị. Giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác phải được cải thiện ở các khu vực đô thị hiện hữu và kết nối đồng bộ với các khu vực xây dựng mới.

Đối với đô thị du lịch biển, nguyên tắc phải có nhiều trục phố đi bộ tạo điều kiện cho môi trường giao tiếp xã hội, đồng thời tăng thêm cảnh quan xã hội và đảm bảo môi trường sạch, sinh thái cho đô thị, việc hỗ trợ di chuyển có thể sử dụng các phương tiện thô sơ, đơn giản hoặc xe điện.

Nguyên tắc 4: Đảm bảo an toàn môi trường phát triển bền vững

Đô thị phát triển đồng nghĩa với sự gia tăng dân số và khách du lịch, cũng như các hoạt động kinh tế xã hội cũng phát triển, đặc biệt là hệ thống dịch vụ du lịch, ăn uống. Quy hoạch và phát triển đô thị cần đảm bảo xác định đủ quy mô và hình thái phát triển, tạo lập các không gian hợp lý cho các loại hình kinh tế đặc thù này phát triển không làm ô nhiễm môi trường.

Đô thị kinh tế biển như cảng biển phải đảm bảo các nguyên tắc bảo vệ môi trường do sự khai thác cảng biển, các cụm kho xăng dầu và các khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển phải đảm bảo giữ gìn môi trường sạch ven biển.

Đảm bảo các không gian sống của dân cư đô thị ven biển không bị ô nhiễm môi trường, và có điều kiện tiếp cận các không gian mở ven biển một cách tối đa nhất.

Nguyên tắc 5: Đảm bảo điều kiện khai thác phát triển kinh tế biển hiệu quả với bảo tồn sinh thái biển

Để hoạt động các loại hình kinh tế biển, cần xây dựng các cơ sở sản xuất, khai thác, dịch vụ trên biển và ven biển, các hoạt động có tương hỗ với nhau trong quá trình phát triển, đặc biệt đối với các đô thị đa chức năng, vừa có cảng biển, vừa hoạt động dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí khai thác nuôi trồng thủy hải sản, công nghiệp chế biến, thậm chí có cả khai thác dầu khí… Các cơ sở kinh tế cần được quy hoạch với quy mô thích hợp đảm bảo hiệu quả khai thác nhưng không áp tải và phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên của khu vực.

Không được phá các cảnh quan thiên nhiên, điều kiện địa hình như san bằng đồi, núi ven biển để xây dựng các công trình dịch vụ kinh tế. Không chặt phá các rừng phòng hộ hoặc rừng tự nhiên ven biển hiện hữu để xây dựng các công trình dịch vuj kinh tế. Không được lấp các ao, hồ ven biển, lấp sông để khai thác quỹ đất xây dựng. Không lấp biển để lấy đất phát triển đô thị. Trong bối cảnh tác động của BĐKH và nước biển dâng có thể phát triển một số dạng công trình nổi trên biển (cần có quy hoạch lựa chọn địa điểm hợp lý và đánh giá tác động môi trường được duyệt).

Nuôi trồng thủy hải sản phải được quy hoạch cụ thể theo phân vùng kinh tế, đảm bảo môi trường sạch và cảnh quan đẹp, hỗ trợ cho hoạt động dịch vụ du lịch và nhu cầu thực phẩm của thị trường.

Các khu vực dịch vụ chợ, đặc biệt là chợ hải sản ở các đô thị biển là các hoạt động khá hấp dẫn, tuy nhiên phải được quy hoạch bố trí hợp lý và quản lý môi trường chặt chẽ để đáp ứng nhu cầu của dân đô thị và thị trường khách du lịch.

Trên đây là một số nguyên tắc rất cơ bản cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ven biển Việt Nam đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 105/2020

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)