Phân tích nguyên nhân chậm cung cấp vật tư và thiết bị của các dự án đầu tư xây dựng

Thứ sáu, 07/08/2020 14:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bài viết giới thiệu kết quả phân tích và xác định các nguyên nhân gây ra tình trạng chậm cung cấp vật tư và thiết bị trong các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD). Nhiều nghiên cứu trước đây đã nhận định: Chậm cung cấp vật tư, thiết bị sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện dự án xây dựng, thậm chí gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn bỏ ra. Dựa vào phân tích tổng quan kết hợp với phỏng vấn ý kiến của năm chuyên gia, nghiên cứu này tổng hợp được 26 nguyên nhân có thể dẫn đến chậm cung cấp vật tư và thiết bị. Các nguyên nhân này được chia thành 6 nhóm gồm nhóm ‘người quyết định đầu tư’, nhóm ‘chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án’, nhóm ‘nhà thầu thi công’, nhóm ‘nhà thầu tư vấn’, nhóm ‘cơ chế chính sách pháp luật’, và nhóm ‘các nhân tố khác’. Dữ liệu được thu thập bằng bảng câu hỏi và thang đo 5 điểm trong hơn 1 tháng. Kết quả phân tích số liệu cho thấy năm nguyên nhân tác động mạnh nhất là: Năng lực nhà thầu yếu kém, điều kiện thời tiết không thuận lợi, sai lệch giữa dự toán và thực tế, chậm xử lý khi có vướng mắc phát sinh, và thay đổi phương án trong quá trình đầu tư. Cuối cùng, một số giải pháp hữu ích nhằm đảm bảo vật tư, thiết bị cung cấp đúng hạn cũng được đề xuất.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, và đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì điều này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hệ thống giao thông vận tải. Ngày càng nhiều các dự án đầu tư xây dựng ở nhiều nơi trên cả nước trong thời gian qua, đặc biệt có nhiều dự án trọng điểm mang ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế - chính trị - xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng này, đã có nhiều dự án hoàn thành đúng thời gian và mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ, du lịch, chính trị, an ninh - quốc phòng… Bên cạnh đó, cũng có không ít dự án chậm trễ đưa công trình vào khai thác sử dụng dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, làm tăng chi phí, giảm mức lợi nhuận của dự án và giảm uy tín của các bên liên quan.

Trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến sự chậm trễ chung của dự án ĐTXD, nguyên nhân chậm cung cấp vật tư và thiết bị thi công trong các dự án đầu tư xây dựng là đặc thù và quan trọng. Việc chậm tiến độ cung cấp vật tư và thiết bị thi công trong các dự án ĐTXD công tại Long An nói riêng và tại Việt Nam nói chung là vấn đề đáng báo động và được các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và giới chuyên gia thừa nhận. Chậm tiến độ cung cấp vật tư và thiết bị ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận, dòng tiền và đặc biệt là sự thành công của cả dự án. Do đó, việc xác định các nguyên nhân ảnh hưởng đến chậm tiến độ cung cấp vật tư và thiết bị thi công trong các dự án và đề xuất giải pháp nhằm kiểm soát, quản lý nguồn vật tư và thiết bị từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc dự án là một điều cấp thiết. Phạm vi nghiên cứu này chỉ khảo sát ở các dự án ĐTXD trên địa bàn tỉnh Long An với các bên trực tiếp tham gia thực hiện dự án như: Chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp và một số các nhân tố ngoại vi.

2. Sơ lược một số nghiên cứu trong nước

Theo tìm hiểu tổng quan kết hợp với hỏi ý kiến của năm chuyên gia (là những người hiện đang ở vị trí quản lý có kinh nghiệm trên 20 năm trong lĩnh vực ĐTXD sử dụng vốn ngân sách nhà nước), nghiên cứu này tổng hợp có 26 nguyên nhân có khả năng dẫn đến chậm cung cấp vật tư và thiết bị cho công trình xây dựng như Bảng 1:

(Bảng 1: Tổng hợp các nguyên nhân gây ra chậm cung cấp vật tư và thiết bị xây dựng)

STT

Tên các nguyên nhân

Mã hóa

Nguồn tham khảo

  1. Liên quan đến người quyết định đầu tư

1

Lập và thẩm định dự án chưa phù hợp

YT1

Đề xuất

2

Chậm bố trí và giải ngân vốn

YT2

[2]

3

Thay đổi phương án trong quá trình đầu tư

YT3

Đề xuất

  1. Liên quan đến chủ đầu tư/ Ban Quản lý dự án

4

Áp đặt thời gian cung cấp vật tư và thiết bị thi công phi thực tế

YT4

Đề xuất

5

Chậm xử lý khi có vướng mắc phát sinh

YT5

Đề xuất

6

Thay đổi thiết kế trong quá trình thi công

YT6

Đề xuất

7

Thủ tục thanh quyết toán rườm rà

YT7

[1], [2]

8

Năng lực cán bộ quản lý dự án yếu kém

YT8

Đề xuất

  1. Liên quan đến nhà thầu thi công

9

Nhà thầu năng lực yếu kém (tài chính, máy móc, kỹ thuật…)

YT9

Đề xuất

10

Nhà thầu chưa chủ động tìm nhà cung cấp trước và trong khi triển khai dự án

YT10

Đề xuất

11

Nhà thầu chào giá theo xu hướng thấp xuất hiện sai lệch giữa dự toán và thực tế

YT11

Đề xuất

12

Chậm trễ trong nghiệm thu và lập hồ sơ thanh, quyết toán

YT12

Đề xuất

13

Không có hoặc lập kế hoạch vật tư thiết bị chưa phù hợp

YT13

Đề xuất

  1. Liên quan đến nhà thầu cung cấp

14

Nguồn vật tư và thiết bị thi công cung cấp không phù hợp với yêu cầu của dự án

YT14

Đề xuất

15

Xung đột giữa các bên (nhà thầu khai thác và người dân sống xung quanh…)

YT15

Đề xuất

16

Quy mô khai thác có giới hạn không đáp ứng các gói thầu quy mô lớn

YT16

Đề xuất

17

Phương tiện vận chuyển chưa đảm bảo

YT17

Đề xuất

18

Các sự cố, rủi ro tai nạn trong quá trình vận chuyển

YT18

Đề xuất

  1. Liên quan đến cơ chế chính sách pháp luật

19

Chế độ chính sách pháp luật liên quan thường xuyên thay đổi

YT19

Đề xuất

20

Các văn bản hướng dẫn của cấp quyết định đầu tư về hoạt động đầu tư, thanh toán vốn xây dựng cơ bản chưa kịp thời

YT20

Đề xuất

21

Chế tài xử phạt vi phạm trong hợp đồng chưa nghiêm

YT21

Đề xuất

  1. Khác

22

Điều kiện thời tiết không thuận lợi (mưa, bão, lũ, lụt…)

YT22

[3]

23

Ảnh hưởng của cơ sở hạ tầng đến việc vận chuyển vật tư

YT23

Đề xuất

24

Sai lầm của các bên trong quá trình khảo sát mỏ vật liệu

YT24

[4]

25

Khó khăn về mặt bằng tập kết vật tư và thiết bị thi công

YT25

[2]

26

Giá vật liệu xây dựng biến động bất lợi

YT26

[5]

3. Phương pháp nghiên cứu

Bảng câu hỏi gồm 3 phần: Phần 1 – Giới thiệu thang đo và cách trả lời, thang đo được sử dụng là thang đo 5 điểm, với một đại diện cho “không” và năm đại diện cho “rất nhiều”; Phần 2 – Đánh giá mức độ ảnh hưởng của 26 nhân tố đến khả năng cung cấp vật tư, thiết bị cho công trình xây dựng; Phần 3 - Thông tin cá nhân của người trả lời.

Sau khi xác định các nguyên nhân ở Bảng 1, nghiên cứu tiến hành thiết kế bảng câu hỏi và thực hiện tiến hành thiết kế bảng câu hỏi và thực hiện khảo sát sơ bộ (khảo sát thử) với 10 cá nhân. Sau khi có kết quả khảo sát sơ bộ, tiến hành điều chỉnh lại bảng câu hỏi (nếu có ý kiến đề nghị chỉnh sửa), rồi tiến hành khảo sát chính thức. Từ số liệu khảo sát thu thập được, tiến hành phân tích, sau đó đưa ra kết luận và kiến nghị cần thiết.

Để đảm bảo đủ số lượng mẫu khảo sát trong quá trình nghiên cứu, nên trước khi tiến hành thu thập số liệu qua khảo sát cần xác định số lượng tối thiểu cần thiết để thu thập. Kích thước số lượng mẫu khảo sát càng lớn thì kết quả của nghiên cứu sẽ cho ra độ chính sách càng cao. Thông thường số lượng mẫu phải ít nhất lớn hơn 4 hoặc 5 lần số biến khi thực hiện phân tích nhân tố [6], Từ đó, số lượng mẫu cần thiết của nghiên cứu này tối thiểu 104.

4. Kết quả và diễn giải

4.1. Thông tin cá nhân của đối tượng khảo sát

Sau hơn 1 tháng gửi bảng câu hỏi cho hơn 232 cá nhân liên quan để thu thập số liệu, nghiên cứu thu về 119 mẫu, trong đó có 110 hợp lệ, đạt tỷ lệ 47.4%. Đối với số năm kinh nghiệm, người có kinh nghiệm lớn hơn 9 năm chiếm 55.5%, còn lại 44.5% là dưới 9 năm. Đối với vị trí công việc, lãnh đạo chiếm 25.5%, trưởng phòng hoặc phó phòng ban chiếm 20%, cán bộ kỹ thuật và nhân viên (là những người làm việc ở các đơn vị) chiếm 43.6%, và người quản lý chiếm 10.9%. Đối với bên tham gia dự án, chủ đầu tư/Ban quản lý dự án là 27.3%, nhà thầu thi công là 50.9%, nhà thầu cung cấp là 10.9%, và nhà thầu tư vấn là 10.9%.

4.2. Phân tích giá trị trung bình và xếp hạng nhân tố

Nghiên cứu đã tiến hành phân tích thống kê mô tả gồm giá trị trung bình và độ lệch cho 24 nhân tố còn lại trên các phương diện: tổng thể, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn; sau đó tiến hành xếp hạng theo giá trị trung bình (Bảng 2). Từ đó, lọc ra 5 nhân tố có ảnh hưởng mạnh nhất gồm YT9, YT22, YT11, YT5 và YT3; và 5 nhân tố có ảnh hưởng ít nhất gồm YT17, YT13, YT18, YT15 và YT25. Kết quả ở bảng 2 chỉ ra rằng chỉ có nguyên nhân YT9 “Năng lực nhà thầu yếu kém” là có sự đồng thuận cao nhất và xếp hạng đầu tiên. Các nguyên nhân còn lại được xếp hạng có sự đồng thuận thấp, thậm chí là không, bởi tất cả các bên liên quan.

(Bảng 2: Giá trị trung bình và xếp hạng nhân tố)

Nguyên nhân

Tổng thể

Chủ đầu tư/Ban QLDA

Nhà thầu thi công

Nhà thầu cung cấp

Nhà thầu tư vấn

Trung bình

Xếp hạng

Trung bình

Xếp hạng

Trung bình

Xếp hạng

Trung bình

Xếp hạng

Trung bình

Xếp hạng

YT9

4.05

1

4.17

1

4.00

1

4.42

1

3.58

1

YT22

3.61

2

3.50

6

3.80

2

3.33

4

3.25

4

YT11

3.55

3

3.67

2

3.48

7

3.67

3

3.50

2

YT5

3.50

4

3.50

7

3.71

4

3.17

5

2.83

14

YT3

3.38

5

3.43

9

3.75

3

2.00

19

2.92

13

YT10

3.36

6

3.50

8

3.20

16

3.75

2

3.42

3

YT6

3.31

7

3.57

4

3.39

8

2.58

8

3.00

9

YT24

3.28

8

3.53

5

3.52

6

2.42

11

2.42

20

YT16

3.20

9

3.03

15

3.55

5

2.92

7

2.25

22

YT14

3.19

10

3.60

3

3.36

10

2.00

20

2.58

17

YT8

3.10

11

3.17

10

3.34

11

2.42

12

2.50

18

YT12

3.10

12

3.00

16

3.25

12

2.58

9

3.17

7

YT23

3.05

13

2.77

20

3.21

13

3.17

6

2.83

15

YT4

3.02

14

3.00

17

3.21

14

2.50

10

2.67

16

YT21

3.00

15

3.10

13

3.09

17

2.33

14

3.00

10

YT7

2.96

16

2.83

18

3.23

15

1.92

21

3.08

8

YT1

2.95

17

3.17

11

3.39

9

1.50

24

1.83

24

YT20

2.94

18

3.07

14

2.98

20

2.08

18

3.25

5

YT19

2.89

19

2.80

19

3.02

18

2.42

13

3.00

11

YT17

2.82

20

2.70

21

2.00

24

2.25

15

3.00

12

YT13

2.81

21

3.13

12

2.96

22

2.17

16

2.00

23

YT18

2.76

22

2.43

24

3.05

19

1.75

23

3.25

6

YT15

2.70

23

2.63

22

2.98

21

1.83

22

2.42

21

YT25

2.58

24

2.57

23

2.70

23

2.17

17

2.50

19

4.3. Diễn giải nội dung nhóm 5 nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất

Nhân tố YT9 ‘Năng lực nhà thầu yếu kém (tài chính, máy móc, kỹ thuật…)’ với điểm trung bình tổng thể là 4.05. Nhân tố này cho thấy ảnh hưởng rất lớn vì năng lực của nhà thầu không đúng như hồ sơ dự thầu. Trong hồ sơ dự thầu thì năng lực tài chính, thiết bị và kỹ thuật đạt so với hồ sơ mời thầu và đảm bảo đúng theo quy định về đấu thầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhà thầu lại thiếu năng lực tài chính và phải phụ thuộc vào nguồn vốn của chủ đầu tư, thiết bị thi công thuê và cán bộ kỹ thuật thiếu kinh nghiêm trong quá trình thi công. Dẫn đến tiến độ cung cấp vật tư và thiết bị thi công cầm chừng kéo dài thời gian thực hiện.

YT22 ‘Điều kiện thời tiết không thuận lợi (mưa, bão, lũ lụt…)’ với điểm trung bình tổng thể là 3.61. Trong những năm gần đây, điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, mưa, bão liên tục. Đặc biệt đối với các mỏ đá, sỏi đỏ và đất khai thác lâu năm nằm rất sâu so với mực nước ngầm nên thường xuyên bị ngập nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ khai thác, cung cấp vật tư và thiết bị thi công.

Nhân tố YT11 ‘Nhà thầu chào giá theo xu hướng thấp xuất hiện sai lệch giữa dự toán và thực tế’ với điểm trung bình tổng thể là 3.55. Để được trúng thầu nhà thầu thi công chào giá gói thầu theo xu hướng thấp, nhiều nhà thầu giảm giá thầu rất sâu so với giá gói thầu. Đến khi triển khai thực hiện thì giá vật liệu và thiết bị thi công thực tế chênh lệch cao hơn so với giá trúng thầu. Nhà thầu phải tìm kiếm các nguồn vật tư và thiết bị giá rẻ không đảm bảo chất lượng hoặc nhà thầu thi công cầm chừng kéo dài thời gian cung cấp vật tư và thiết bị thi công chờ giá vật liệu giảm. Bên cạnh đó, nhà thầu có khuynh hướng kiến nghị thay đổi nguồn vật tư trong hồ sơ thiết kế được duyệt để được điều chỉnh giá vật tư.

Nhân tố YT5 ‘Chậm xử lý khi có vướng mắc phát sinh’ với điểm trung bình tổng thể là 3.5. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là trong giai đoạn triển khai thi công luôn luôn có phát sinh, điều chỉnh thiết kế. Việc xử lý các phát sinh, vướng mắc trong quá trình thi công tốn rất nhiều thời gian. Đặc biệt việc thay đổi, phát sinh vượt dự phòng thì phải có sự chấp thuận của cấp quyết định đầu tư (mời họp kiểm tra xử lý hiện trường, xin chủ trương, lập hồ sơ thiết kế, trình duyệt…) gây ảnh hưởng tới tiến độ và kế hoạch tập kết vật tư và thiết bị thi công của nhà thầu.

Nhân tố YT3 ‘Thay đổi phương án trong quá trình đầu tư’ với điểm trung bình tổng thể là 3.38. Hiện một số dự án từ lúc phê duyệt đến khi triển khai thực hiện kéo dài qua nhiều năm. Nên trong quá trình triển khai thực hiện bước khảo sát lập thiết kế bản vẽ thi công có một số hạng mục công việc không còn phù hợp so với hồ sơ dự án dẫn đến thay đổi kết cấu hoặc bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sau khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác sử dụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính, kế hoạch thi công và biện pháp thi công ban đầu của nhà thầu dẫn đến chậm tiến độ cung cấp vật tư và thiết bị thi công.

5. Giải pháp đề xuất

Dựa vào kết quả phân tích kết hợp với phỏng vấn các chuyên gia, nghiên cứu này tổng hợp và đề xuất một số nhóm giải pháp chính sau:

- Cần có Nghị quyết quyết liệt hơn trong việc bố trí vốn đầu tư những dự án quan trọng.

- Phải phối hợp rà soát lại các thủ tục thanh toán, giảm các thủ tục không cần thiết.

- Cần xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư từng dự án để tập trung nguồn vốn bố trí theo đúng kế hoạch.

- Quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn thường xuyên lập thông báo giá vật tư và thiết bị thi công phù hợp với biến động giá trên thị trường.

- Khi được bố trí vốn, chủ đầu tư/Ban QLDA cần phối hợp với các đơn vị liên quan (nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và kho bạc) rà soát thanh toán trong thời gian ngắn nhất để nhà thầu kịp thời tập trung vốn mua vật tư và thiết bị thi công.

- Sau khi thanh toán xong cần phải kiểm soát nguồn vốn đã bố trí nhằm tránh tình trạng vốn bị trôi đi nơi khác. Đặc biệt, hàng tuần, hàng tháng cần phải tổ chức họp giao ban trên công trường để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ cung cấp vật tư và thiết bị thi công trong thời gian ngắn nhất.

- Phải tổ chức, đào tạo bồi dưỡng mang tính bắt buộc cho các lãnh đạo của chủ đầu tư, Ban QLDA và các cá nhân tham gia trực tiếp dự án về các kiến thức chung về luật, các kỹ năng về quản lý tiến độ và kiểm soát rủi ro trong quá trình cung cấp vật tư và thiết bị thi công.

- Cần nâng cao trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của chủ đầu tư/ Ban QLDA trong việc xử lý các vướng mắc phát sinh, thay đổi trong thiết kế. Đồng thời cần giảm bớt các thủ tục trong việc xử lý các vướng mắc, phát sinh nhằm rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ cung cấp vật tư và thiết bị thi công phục vụ dự án.

Do đơn giá dự thầu gây khó khăn rất lơn cho các nhà thầu ngay từ khi đấu thầu bởi không được bỏ giá cao hơn mức dự toán và phải căn cứ vào thông báo giá của địa phương. Điều này ảnh hưởng đến tài chính của nhà thầu do phải bù phần chênh lệch dẫn đến nhà thầu phải kéo dài thời gian tìm kiếm nguồn vật tư và thiết bị thi công phù hợp với giá vật tư và thiết bị thi công của gói thầu.

- Tình trạng các cơ quan chuyên môn được giao tham mưu soạn thảo văn bản pháp luật và các quy phạm của Ngành không phát hiện mâu thuẫn, hoặc phát hiện ra nhưng chỉ căn cứ vào Thông tư hướng dẫn của Ngành mình mà không căn cứ vào căn bản pháp luật có giá trị cao hơn dẫn tới chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cao.

6. Kết luận

Phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp hạn chế chậm cung cấp vật tư và thiết bị thi công trong dự án xây dựng là rất cần thiết và phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế hiện nay. Trong những năm gần đây, việc chậm cung cấp vật tư và thiết bị thi công của các đơn vị luôn luôn xảy ra ở nhiều dự án. Do đó, việc đáp ứng khả năng và tiến độ cung cấp vật tư và thiết bị vẫn luôn là một mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển ngành xây dựng. Nghiên cứu này đã tìm hiểu và phân tích 24 yếu tố ảnh hưởng đến việc chậm cung cấp vật tư và thiết bị thi công và được chia thành 6 nhóm liên quan đến: Cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp, chính sách pháp luật và nhóm yếu tố khác. Kết quả chính của nghiên cứu là việc xác định các nguyên nhân chính theo mức độ ảnh hưởng của chúng đến hiệu quả của dự án ĐTXD. Kết quả này giúp các đơn vị như cấp quyết định đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp và nhà thầu tư vấn hiểu rõ hơn các nguyên nhân chính gây ra chậm cung cấp vật tư và thiết bị trong các dự án ĐTXD, qua đó đưa ra các giải pháp quản lý và điều hành nguồn cung cấp vật tư và thiết bị thi công tại địa phương để đạt mục tiêu dự án đề ra.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 70/2020

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)