I. Đô thị lớn và đô thị toàn cầu
Đô thị lớn có vị thế đặc biệt quan trọng, là động lực thúc đẩy nhanh nhất mức độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Thực tế phát triển đô thị ở nước ta trong những năm đổi mới vừa qua đã chứng minh điều đó. Vì thế có thể nói, nếu các đô thị lớn phát triển hợp lý, bền vững, có nghĩa là vấn đề phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đã cơ bản được giải quyết.
Ngày nay, toàn cầu hoá nhất là về kinh tế là xu hướng tất yếu với mô hình đô thị tiêu biểu “đô thị toàn cầu” ảnh hưởng tực tiếp và mạnh nhất đến các đô thị lớn của nước ta, gia nhập hay trở thành đô thị toàn cầu chỉ còn là vấn đề thời gian. Nghĩa là tiếp cận mô hình đô thị toàn cầu như thế nào để phát triển các đô thị lớn của chúng ta hiện đại nhưng vẫn phát huy được những giá trị văn hoá địa phương là vấn đề quan trọng nhất.
Có điều cần nhấn mạnh là đô thị toàn cầu do hình thành trên nền tàng kinh tế định hướng quốc tế nên thường đi kèm với những dự án phát triển đô thị và bất động sản lớn từ bên ngoài vào (như CBD và khu đô thị mới). Những dự án lớn này dễ dàng làm thay đổi cấu trúc không gian đô thị địa phương, truyền thống cũng như làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Mặt khác, là nước đi sau, lại đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế, nhiều thách thức và mẫu thuẫn đặt ra trong quá trình phát triển đô thị lớn, đòi hỏi chúng ta nhận diện và giải quyết.
II. Một số thách thức trong phát triển đô thị lớn ở Việt Nam
1. Nhận thức và quan niệm về quy hoạch và quản lý đô thị
Đặc điểm cơ bản trong nhận thức về phát triển đô thị ở nước ta là quán tính bao cấp vẫn còn, tư duy thị trường chưa hoàn chỉnh, trong khi nhu cầu phát triển lại rất lớn dẫn đến phát triển nóng, qua đó bộc lộ nhiều mẫu thuẫn trong phát triển. Vì thế cần thay đổi nhận thức.
Trước hết nhận thức đúng về vai trò của các đô thị lớn trong xu thế toàn cầu hoá, đặc biệt là các đô thị được chọn là cực tăng trưởng chính trong hệ thống đô thị quốc gia để từng bước khẳng định vị thế của đô thị Việt Nam trong hệ thống đô thị của khu vực và thế giới. Đồng thời nhận thức một cách có cơ sở khoa học về quản lý phát triển đô thị, trong đó phân biệt và xác định rõ vai trò của quản lý đô thị, quản lý hành chính và quản lý kinh tế và đầu tư xây dựng, cũng như quan niệm đúng về vai trò và sự tham gia của cộng đồng, của xã hội dân sự trong phát triển và quản lý đô thị.
Về phương diện lý luận, đó là sự thay đổi nhận thức về quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng là khoa học liên ngành và là một quá trình xã hội, đồng thời cần thiết nghiên cứu, lựa chọn xu hướng quy hoạch phù hợp trong 2 xu hướng phổ biến hiện nay trên thế giới: xu hướng kinh nghiệm chủ nghĩa vị kỹ thuật và xu hướng quy hoạch sinh thái vị văn hoá. Trên cơ sở đó đổi mới triệt để nội dung, quy trình và phương pháp quy hoạch theo hướng linh hoạt hiệu quả, đáp ững nhu cầu đa dạng của thị trường.
2. Phương pháp luận quy hoạch và quản lý đô thị
Đó chính là cách nghĩ và cách làm đô thị, nói một cách nôm na. Nhưng thực ra đây là một vấn đề then chốt đảm bảo chất lượng của các đồ án quy hoạch và hiệu quả của quản lý đô thị. Do đó, cần có những nghiên cứu lựa chọn các phương pháp công nghệ quy hoạch đô thị tiên tiến trên thế giới cải tiến cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam để áp dụng. Vấn đề này ở nước ta rất cần một sự đổi mới triệt để, nếu không muốn nói là thay đổi, bởi mục đích cuối cùng là tạo ra đô thị có khả năng phát triển bền vững, nghĩa là phát triển trong sự cân bằng, hài hoà với môi trường tự nhiên và nhân văn của địa phương. Đô thị rõ ràng phải là một môi trường sống tốt. Như vậy, trong các thao tác đô thị hiện nay ở nước ta, các bước điều tra phân tích điều kiện sinh thái tự nhiên (địa lý cảnh quan), sinh thái nhân văn (văn hoá cảnh quan) cũng như đánh giá tác động môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhưng đây lại là những bước mà chúng ta trong thời gian qua chưa coi trọng đầy đủ. Nói cách khác mang tính chất dân gian không chính thống là “nghe- ngấm- nghị ” gợi cho chúng ta những suy nghĩ tương tự khi nói về cách làm quy hoạch đô thị ở nước ta. Nghe để tiếp thu, ngẫm là phân tích và nghị là quyết định. Nghe đã có nhiều tiếp thu, dẫu ở đâu đó vẫn còn hình thức. Ngẫm đã có nhiều đề xuất tốt, vẫn còn một số đề xuất thiếu cơ sở khách quan. Nghị đã có nhiều quyết định, nhưng ai là người chịu trách nhiệm khi quyết định sai.
3. Những mâu thuẫn
Mâu thuẫn trở thành những thách thức trong phát triển đô thị lớn ở nước ta rất đa dạng, phản ánh đúng đặc điểm của thời kỳ quá độ. Đó là:
- Mâu thuẫn giữa mong muốn và thực lực, giữa lượng và chất, giữa quy tắc luật pháp tiến bộ và thói quen trì trệ . Điều đó thể hiện trong việc nâng cấp đô thị và mở rộng đô thị hay như chúng ta thường đánh giá, quy hoạch chưa theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Kết quả là chất lượng đô thị không tương xứng với quy mô đô thị nhiều nhưng chất lượng môi trường và tiện nghi cuộc sống đô thị chưa tương xứng.
- Mâu thuẫn giữa tri thức khoa học và quyền lực hành chính trong cách thức phát triển đô thị. Đó là cách làm khác nhau giữa một bên chủ thể là Nhà nước với cách làm bài bản chính thống hiện đại có phần lý tưởng hoá. Áp đặt và duy ý chí thông qua hệ thống quy định về quy hoạch và quản lý đô thị và bên kia là người dân với cách làm dân gian, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, mang tính cá nhân, thực dụng và linh hoạt. Kết quả thực tế cho thấy không gian đô thị lớn phát triển dàn trải, trong đó khu vực dân tự xây dựng và làng xóm đô thị hoá chiếm tỷ lệ cao. Đô thị phát triển lớn về quy mô nhưng bộ mặt cảnh quan kiến trúc đô thị thiếu tính thống nhất và chưa có đặc trưng.
- Mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hoá đô thị, mâu thuẫn giữa nhu cầu trước mắt và tương lai. Không chú ý bảo tồn di sản đô thị đúng mức, đô thị tự đánh mất các giá trị làm nên bản sắc văn hoá của mình. Mặt khác quá ưu tiên thoả mãn các nhu cầu trước mắt nên các chương trình phát triển đô thị dài hạn ít hiệu quả, đô thị phải trả giá đắt trong tương lai.
III. Lựa chọn mô hình phát triển đô thị lớn ở Việt Nam
Là nước phát triển sau, chúng ta có điều kiện rút kinh nghiệm thất bại, lựa chọn để áp dụng những bài học thành công của các nước đi trước trong phát triển đô thị phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội của nước ta. Nói cụ thể hơn, đó là cách tiếp nhận mô hình đô thị toàn cầu như thế nào.
Đô thị toàn cầu với các siêu dự án khu đô thị mới hiện đại được hiểu như là một biểu tượng của sự thành công về kinh tế. Vì thế ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển đô thị của các nước, nhất là các nứơc mới bắt đầu phát triển trên thế giới trong đó có Việt Nam là rất lớn trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Ảnh hưởng tích cực là hiển nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đặc biệt về văn hoá đô thị mới là điều cần bàn. Bởi vì kinh tế lên nhanh còn văn hoá định hình chậm nhưng ảnh hưởng lại sâu và lâu. Ở đây bài học của những nước đi trước rất cần cho chúng ta tham khảo để có những giải pháp thích hợp trước khi quá muộn.
Trong những năm gần đây, tại nhiều đô thị lớn ở nước ta, các khu đô thị mới đã tạo được hình ảnh kiến trúc đô thị mới, hiện đại và khác biệt hấp dẫn một bộ phận dân cư mới giàu lên như một bằng chứng của sự thành đạt. Tuy nhiên, phần lớn các khu đô thị mới là những khu ở độc lập, khép kín, được xây dựng rải rác, dạng da báo trong đô thị, không tạo nên hình ảnh đô thị có tính thống nhất. Để khắc phục, về phương diện tổng thể cần chú trọng tổ chức các không gian liên kết, không gian nối các khu đô thị mới rời rạc lại với nhau. Đây cũng là nơi cho phép bổ sung các công trình hạ tầng xã hội còn thiếu hay những chức năng mới để nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững.
Mặt khác, về bản chất, đô thị là một tập hợp đa văn hoá, có đặc trưng, được hình thành theo thời gian do sự đa dạng về cộng đồng dân cư cùng thực những thực hành văn hoá của họ. Chính những thực hành văn hoá góp phần làm nên bản sắc văn hoá đô thị. Do đó không thể không chú ý của cộng đồng dân cư địa phương trong nghiên cứu thiết kế các khu đô thị mới.
Như vậy, có thể và cần thiết tiếp nhận mô hình và phương pháp phát triển đô thị, trong đó có quy hoạch khu đô thị mới, từ bên ngoài nhưng cần nghiên cứu vận dụng sao cho phù hợp với đặc điểm văn hoá, điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đó chính là nội hàm của vấn đề hiện đại và bản sắc trong phát triển đô thị ở nước ta.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 6/2011.