Ngành sản xuất vật liệu nói chung và VLXD nói riêng của nước ta là lạc hậu so với khu vực và thế giới. Vì chúng ta sử dụng công nghệ cũ nên mức độ hao tổn năng lượng trong quá trình sản xuất là rất lớn, nó chiếm hơn 30% tổng chi phí giá thành sản phẩm. Nếu nhà sản xuất có thể cắt giảm chi phí năng lượng thì sẽ tăng thêm khả năng sinh lợi và tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Muốn tiết kiện chi phí từ giảm thiểu năng lượng thì các doanh nghiệp phải có chiến lược tổng thể lâu dài, đầu tư công nghệ ngay từ đầu để khi đưa vào sản xuất sẽ tiết kiệm được nguồn năng lượng dẫn đến tiết kiệm chi phí. Để thực hiện việc thực hiện việc kiểm soát tiết kiệm năng lượng các doanh nghiệp sản xuất tham khảo mô hình 3 đoạn vòng đời dự án:
Thiết kế ban đầu:
Đây là công đoạn rất quan trọng, các doanh nghiệp cần phải lựa chọn công nghệ dây chuyền, thiết bị sao cho đảm bảo công suất, chất lượng và ít tốn năng lượng nhất. Cân nhắc việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào nhà máy có thể sẽ làm cho chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với công nghệ cũ lạc hậu, nhưng sau khi đưa vào sử dụng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho năng lượng sản xuất, tăng chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường. Giai đoạn này nhà sản xuất có thể tính toán được toàn bộ giá trị của việc tiết kiệm năng lượng khi ứng dụng các công nghệ mới vào nhà máy. Trong thực tế tại Việt Nam rất nhiều nhà sản xuất vẫn thích đầu tư công nghệ cũ vì giá thành đầu tư ban đầu thấp, nhưng khi đưa vào sản xuất thì chất lượng không đảm bảo, chi phí sản xuất rất cao trong đó chi phí dành cho năng lượng chiếm tỷ trọng rất lớn, dẫn đến đầu tư không hiệu quả.
Quá trình vận hành:
Việc vận hành nhà máy sao cho tiết kiệm được nhiều năng lượng nhất là một việc làm hết sức cần thiết và khó khăn. Đối với những nhà máy sản xuất đầu tư vào công nghệ từ ban đầu thìi quá trình vận hành này nhẹ nhàng hơn rất nhiều, nhà máy chỉ cần thực hiện công việc duy tu định kỳ, phân bổ thời gian sử dụng năng lượng lớn vào giờ thấp điểm, điều tiết những năng lượng không sản xuất trực tiếp thìi chi phí tiết kiệm của từng ngày sẽ rất lớn.
Đối với những nhà máy đã đầu tư theo công nghệ cũ cần rà soát lại tất cả các thiết bị có thể thay thế bằng các thiết bị tương đương nhưng giảm công suất tiêu thụ năng lượng. Tăng cường duy tu và bảo dưỡng thiết bị để tránh gây thêm những tác nhân làm hao tốn thêm năng lượng. Nếu có điều kiện tốt nhất là thay thế dần những thiết bị đã quá lạc hậu và tốn điện năng.
Tái đầu tư nhà máy:
Khoa học kỹ thuật luôn phát triển không ngừng, càng ngày càng có nhiều phát minh giúp tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp sản xuất nên nghiên cứu và ứng dụng nó vào quá trình sản xuất của mình, mạnh dạn tái thẩm định công nghệ và thay thế nếu càn thiết. Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị vì nếu hỏng hóc nó cũng là một tác nhân gây hao tổn năng lượng.
Hiện nay ở nước ta tình hình điện năng phục vụ sản xuất luôn là một bài toán khó cho các doanh nghiệp, năng lượng ngày càng khan hiếm và giá cao. Để khắc phục tình hình trên các doanh nghiệp sản xuất VLXD càng phải tiết kiệm tối đa chi phí dành cho năng lượng vì ngành vật liệu tiêu thụ năng lượng rất lớn. Như vậy thì doanh nghiệp chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí đầu vào, cắt giảm chi phí, tăng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là giúp đỡ Nhà nước giải quyết một phần khủng hoảng năng lượng.
Nguồn: Tạp chí Vật liệu Xây dựng, số 2/2011.