Công nghệ đào hầm NATM của Áo (được Hiệp hội các Tổ chức kỹ thuật Mỹ trao giải thưởng cho các giải pháp kỹ thuật xuất sắc), sử dụng các giải pháp kỹ thuật khắc phục được tình trạng sạt đất, sụt lún, nước ngầm, khả năng định vị hầm tốt, khi đào thông từ 2 đầu chỉ lệch nhau 2,5 cm. Công nghệ này được áp dụng tại đèo Hải Vân (dài 6,3km), đưa năng suất đào hầm tăng gấp 5 lần so với thủy điện Hòa Bình.
Một công nghệ nữa được nhắc đến nhiều, đó là công nghệ bê tông đầm lăn (RCC), được áp dụng nhiều ở Mỹ và một số nước khác. Loại công nghệ này sử dụng bê tông không có độ sụt, được làm chặt bằng thiết bị rung lèn từ mặt ngoài (lu rung), thích hợp cho các công trình bê tông khối lớn, không cốt thép và hình dáng không phức tạp như lõi đập, mặt đường…, giúp thi công nhanh hơn, rẻ hơn so với công nghệ thi công bê tông truyền thống.
Dây chuyền công nghệ xử lý rác thải MBT – CD08 được xây dựng tại Sông Công (Thái Nguyên) |
Công nghệ MSS thuộc phương pháp đổ bê tông tại chỗ trên đà giáo di động. Sau khi thi công xong 1 nhịp, toàn bộ hệ thống ván khuôn và đà giáo được di chuyển tới nhịp tiếp theo và thi công như nhịp trước, cho đến khi hoàn thành kết cấu nhịp. Ưu điểm của công nghệ này là thi công nhưng vẫn tạo được tĩnh không dưới cầu cho giao thông thủy bộ, quá trình thi công ít chịu ảnh hưởng của điều kiện địa hình, thủy văn và địa chất khu vực xây dựng cầu; kết cấu nhịp có thể thực hiện theo sơ đồ chịu lực là dầm đơn giản; chiều dài nhịp từ 35 – 60m, số lượng nhịp cầu không hạn chế, giảm tối đa chi phí lắp dựng, thời gian thi công.
Một trong những công nghệ mang tính cách mạng là công nghệ sàn rỗng DubbleDeck – công nghệ thi công tấm sàn phẳng, rỗng theo hai phương không dầm, ít cột , không cần ván khuôn và có khẩu độ vượt nhịp lớn. Công nghệ DubbleDeck được sử dụng trong thi công giúp giảm 50% trọng lượng công trình, giảm lượng tiêu thụ bê tông, giảm lao động và giúp tận dụng tài nguyên bởi bóng sàn rỗng được làm từ nhựa thải tái chế, thiết kế kiến trúc linh hoạt, cách âm, cách nhiệt tốt, chống cháy nổ, giảm tác động của động đất lên công trình khi có động đất xảy ra.
Công nghệ trượt lõi – sàn lắp ghép ứng suất trước (công nghệ bê tông tiền chế dự ứng lực) đã được Vinaconex ứng dụng thành công trong xây dựng chung cư cao tầng. Ưu điểm của công nghệ này là cấu kiện sàn ứng suất trước được chế tạo tại nhà máy, lắp đặt tại công trường, thời gian thi công nhanh, giảm khối lượng vật liệu, chất lượng kết cấu công trình đảm bảo, giá thành thấp so với các giải pháp truyền thống khác. Công nghệ cốp pha trượt giúp xây dựng công trình ống khói có độ cao trên 200m, đường kính 26m, các si lô lớn (đường kính 46m, chiều cao 75m), tháp nước, trụ cầu, đập thủy lợi, lõi cứng nhà cao tầng…và đến nay, Vinaconex đã nội địa hóa được 90% thiết bị trong thi công công nghệ này.
Công nghệ xử lý nền đất yếu sử dụng phương pháp nén trước bằng chân không, giúp gia cố nền đất sét yếu, áp suất chân không lên một diện tích nền được bao bọc bởi các tấm (màng) vật liệu kín khí, để bơm thoát nước lỗ rỗng chứa trong nền làm đất cố kết nhanh. Công nghệ này được thực hiện thông qua vài lần làm áp lực bằng chân không kết hợp với số lần biến đổi năng lượng thích hợp để đóng nền, từ đó hạ thấp tỷ lệ chứa nước trong đất, nâng cao mật độ đất, sức tải của nền, giảm sụt lún sau khi thi công và sụt lún sai khác ở nền đất yếu.
Công nghệ cơ khí xây dựng – giàn mái kết cấu không gian là kết cấu hiện đại, vượt khẩu độ lớn, yêu cầu độ chính xác cao trong chế tạo cấu kiện thép, phù hợp với không gian thi đấu thể thao, trung tâm triển lãm… Cty Cơ khí Đông Anh (LICOGI) đã đầu tư thiết bị công nghệ chế tạo cơ khí chính xác, nghiên cứu, thiết kế và chế tạo. Sản phẩm này của Cty được lắp dựng tại Nhà máy xi măng Didver tại Dibba, Fujairah, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Công nghệ di dời công trình xây dựng của Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam mang lại hiệu quả trong di dời công trình (nâng, dịch chuyển, xoay), đáp ứng yêu cầu thực tế. Công trình di dời khối nhà 3.000 tấn đi xa 50 m tại KCN Phú Cát (Hà Nội) của Cty đã nhận được giải thưởng “Công trình di dời có trọng lượng nặng nhất” của Hiệp hội Quốc tế về di dời công trình (IASM, Mỹ) năm 2008.
Dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ tích cực của Bộ Xây dựng, công nghệ xử lý rác thải “made in Viet Nam” MBT – CD08 của Cty Thủy lực – Máy được hoàn thiện, xử lý 100% rác thải, không chôn lấp, biến rác thành các sản phẩm nhiên liệu (cho lò hơi công nghiệp, phát điện, dùng cho làng nghề) và VLXD. Giải pháp công nghệ này được Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng thẩm định, cấp chứng nhận và được Bộ KHCN cấp bằng độc quyền sáng chế. Mô hình này sẽ được Bộ Xây dựng nhân rộng trên phạm vi cả nước theo “Chương trình đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 – 2020”. Hiện Bộ đang trực tiếp chỉ đạo LILAMA, COMA, Viện VLXD hỗ trợ để hoàn thiện dây chuyền công nghệ này theo các mô đun 50, 150, 200, 250 và 500 tấn/ngày; phát triển thêm các mô đun phát điện, tái chế chất thải ni lông, cao su thành nhiên liệu (dầu FO), tái chế thành phần vô cơ thành các sản phẩm VLXD có chất lượng và mẫu mã đa dạng.
Theo Báo Xây dựng điện tử