Đã có nhiều các Cty công ích, Cty CP tư nhân tham gia đầu tư các nhà máy để xử lý rác thải sinh hoạt, đã sử dụng các công nghệ trong và ngoài nước, nhưng do tính đặc thù rác thải của Việt Nam do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao, các công nghệ đang áp dụng được định hướng tái chế ra các sản phẩm sau rác chưa có thị trường rộng (phân vi sinh), tính hiệu quả kinh tế chưa cao, tỷ lệ chôn lấp còn lại là rất lớn.
|
Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công vừa được khánh thành ngày 15/4/2011. |
Các DN tư nhân xử lý rác thải thường thiếu chuyên môn, thiếu tài chính để đầu tư thậm chí thiếu cả thông tin về cơ chế quản lý và chính sách của nhà nước về lĩnh vực này, do đó thường gặp khó khăn khi triển khai dự án, hoặc phải sử dụng công nghệ chắp vá, thiết bị không đồng bộ gây hỏng hóc, sản phẩm sau rác thường khó đạt tiêu chuẩn cho phép lưu hành, do đó nhiều nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động sau một thời gian vận hành.
Một công nghệ xử lý và tái chế rác thải được chấp nhận là phù hợp phải qua rất nhiều cấp có thẩm quyền thẩm định, phải đạt các tiêu chuẩn cho phép, phải có tính hiệu quả về kinh tế và môi trường bền vững và nhất là phải được qua trải nghiệm thực tế. Mặt khác các thiết bị xử lý và tái chế rác cũng yêu cầu phải có độ bền vững, phải được cơ giới và tự động hóa cao với giá thành rẻ phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.
Để giải quyết nỗi bức xúc về rác thải, được sự ủng hộ của Bộ Xây dựng, Cty THỦY LỰC-MÁY hoàn thiện công nghệ MBT-CD.08 theo hướng xử lý và tái chế triệt để chất thải rắn sinh hoạt thành nhiên liệu và gạch không nung, không chôn lấp. Thiết bị chế tạo trong nước theo dạng module kín, tự động và cơ giới hóa, giảm thiểu công nhân tiếp xúc trực tiếp với rác, dễ dàng tăng công suất xử lý, dễ bảo hành bảo dưỡng, không gây ô nhiễm thứ cấp. Sản phẩm từ công nghệ có thị trường tiêu thụ rộng. Nhờ chủ trương đúng của Bộ Xây dựng đã cho ra đời một công nghệ phù hợp với việc xử lý rác Việt Nam, do người Việt Nam chế tạo, vận hành có hiệu quả cao về mọi mặt.
Theo chủ trương nhân rộng công nghệ MBT-CD.08 ra cả nước của Bộ Xây dựng, một liên doanh bao gồm các TCty LILAMA, COMA và Cty THỦY LỰC-MÁY đã được thành lập, chế tạo nhiều dây chuyền thiết bị, triển khai các dự án trên cả nước, đào tạo huấn luyện cán bộ và công nhân chuyên ngành xử lý tái chế rác, bảo hành, bảo dưỡng thiết bị, chuyển giao công nghệ cho các địa phương... Nhằm giảm bức xúc về ô nhiễm rác thải, giảm diện tích chôn lấp, tạo ra một ngành xử lý và thống nhất quản lý hạ tầng theo hệ thống của Bộ Xây dựng. Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) cũng tham gia chuyển giao các công nghệ tái chế mới nhất của Viện để chuyển hóa nhiều loại chất thải rắn thành năng lượng sạch.
Với sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Xây dựng, một liên doanh về chuyên ngành xử lý và tái chế rác thải đã ra đời. Rác thải sinh hoạt không còn là vấn nạn ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng dân cư, mà rác thải qua xử lý từ công nghệ MBT-CD.08 đã trở thành nguồn tài nguyên hữu ích, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như về môi trường xanh - sạch - đẹp. Trong tương lai, với tính hiệu quả cao của công nghệ và thiết bị này sẽ được các tổ chức nước ngoài quảng bá, ứng dụng và phát triển ra cộng đồng quốc tế (Chính phủ Đan Mạch đã mua 1 dây chuyền công suất xử lý 50 tấn rác/ngày).
Theo Báo Xây dựng điện tử