Trong trào lưu mạnh mẽ đó, Duany Plater- Zyberk và Công ty (DPZ) đã xây dựng Bộ Tiêu chuẩn quy đô thị thông minh (Smart code) nhằm nâng cao sự lành mạnh, an toàn và công bằng trong các đô thị, bao gồm: bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn lực về đất đai, năng lượng và các nguồn lực tự nhiên khác, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực công cộng, tạo không gian đi bộ lành mạnh hơn, bảo tồn các giá trị lịch sử, đảm bảo cho không gian cho giáo dục và nghỉ ngơi, hạn chế phát triển đô thị tràn lan và nâng cấp không gian đô thị nói chung.
Bộ Tiêu chuẩn đã đưa ra các modun thiết kế điển hình cho quy mô một đô thị, một khu vực cộng đồng, một ô phố và các công trình xây dựng. Tương ứng với các quy mô này ở Việt Nam là quy mô của đò án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Các tiêu chuẩn thiết kế cụ thể có thể xây dựng khác nhau và thường kèm theo yêu cầu khi sử dụng phải phù hợp và làm nổi bật các điều kiện riêng của mỗi khu vực, nhưng những nguyên tắc căn bản được đề xuất trong Bộ Tiêu chuẩm phát triển đô thị thông minh của Duany Plater- Zyberk và Công ty là những đúc kết rất cần được tham khảo, suy ngẫm và nỗ lực thực hiện trong bối cảnh quy hoạch của Việt Nam hiện nay. Bao gồm 3 nguyên tắc sau:
I. Các nguyên tắc cần được đảm bảo trong quy hoạch phát triển đô thị
1. Cần duy trì, khôi phục và tôn tạo được các hệ sinh thái tự nhiên cũng như những cảnh quan đặc trưng tự nhiên được tạo bởi địa hình, các vùng lâm nghiệp, nông nghiệp, hành lang ven sông các dải ven biển…
Nguyên tắc này được Smartcode đưa lên hàng đầu cho thấy thái độ coi trọng đối với các giá trị sinh thái tự nhiên, nông, lâm nghiệp. Để thực hiện được nguyên tắc này, các đồ án quy hoạch đô thị cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá, nhận diện các hệ sinh thái tự nhiên, các cấu trúc cảnh quan đặc trưng tạo nene bởi địa hình, các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, hàng lang ven sông và các dải ven biển… Trước khi đánh giá đất xây dựng thuận lợi, cần xác định các vùng cảnh quan và hệ sinh thái đặc trưng cần được bảo vệ. Hay nói cách khác, cần đánh giá những vùng cấm và hạn chế xây dựng trước rồi mới xác định các khu đất có thể xây dựng đô thị.
2. Quy hoạch và chiến lược phát triển cần chú trọng việc cải tạo, nâng cấp, xen cấy trong khu vực hiện hữu song song với việc phát triển các khu vực mới.
Đây cũng là một nguyên tắc rất quan trọng trước tình trạng hầu hết các đô thị của Việt Nam đều quá chú trọng tới việc phát triển các khu đô thị mới mà xem nhẹ, thậm chí bỏ rơi khu đô thị hiện hữu. Trong khi các khu đô thị hiện hữu là nơi chứa đựng các giá trị văn hoá, nhân văn và các tiềm lực kinh tế đa dạng của đô thị. Vấn đề chính của các khu đô thị hiện hữu tại Việt Nam thường là thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu không gian công cộng. Để cải tạo và nâng cấp các khu đô thị hiện hữu, điều kiện cần là chính quyền đô thị phải nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình trong vấn đề này và tích cực thúc đẩy cũng như trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động cải tạo nâng cấp. Việc cải tạo nâng cấp các khu đô thị hiện hữu thường mang lại lợi ích và cơ hội cho nhiều thành phần dân cư, trong khi các khu đô thị mới thường chỉ có thể phục vụ cho một số ít các nhóm đối tượng nào đó trong xã hội.
3. Các khu vực phát triển mới kề cận với đô thị cần được kết nối với ácc khu đô thị hiện hữu cả về hạ tầng và cảnh quan
Đây là một nguyên tắc gần như mang tính hiển nhiên và được khẳng định trong Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng, nhưng lại thường xuyên bị bỏ qua. Đặc biệt là trong trường hợp chủ đầu tư phát triển các khu vực phát triển mới là đơn vị tổ chức lập quy hoạch. Trong rất nhiều trường hợp khác, mặc dù đồ án quy hoạch có đưa ra các giải pháp kết nối hạ tầng và cảnh quan giữa các khu vực phát triển mới và các khu vực hiện hữu, nhưng các giải pháp này không được chính quyền đô thị chú trọng thực hiện, cùng với sự buông lỏng hoặc yếu kém trong quản lý, các khu vực hiện hữu dần bị cô lập, bao vây bởi các khu vực phát triển mới và tình trạng ngày càng trở nên khó khăn, các giải pháp kết nối ngày càng trở nên không khả thi, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
4. Các khu vực phát triển mới không kề cận với đô thị cần được tổ chức thành các khu đô thị hoàn chỉnh.
Nguyên tắc này là tối cần thiết để đảm bảo sức sống cho các khu vực phát triển mới không kề cận vớii đô thị hiện hữu, kể cả các đô thị vệ tinh. Việc phát triển thành các khu vực đô thị phát triển hoàn chỉnh, cho dù có mối quan hệ tương tác với các đô thị khác trong vùng giúp tính đa năng (một trong những yêu cầu thiết yếu để phát triển bền vững) cho đô thị, giảm nhu cầu giao thông giữa khu vực này với các đô thị khác. Việc phát triển một khu vực đô thị không kề cận với các đô thị hiện hữu cần khai thác được các mối liên hệ và tiềm năng mang lại do sự kết nối với các đô thị khác trong vùng, đồng thời phải giảm thiểu đến mức thấp nhất các nhu cầu giao thông không gắn với các mối quan hệ liên vùng.
5. Nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân phải được phát triển đan xen trong tất cả các khu đô thị, phù hợp với sự phân bố dân cư và việc làm, tránh hiện tượng tập trung các hộ nghèo vào một khu vực.
Nhà ở là lĩnh vực của đô thị. Cách thức và hiệu quả phát triển nhà ở có thể quyết định sự thành công hay thất bại của đô thị. Nguyên tắc nêu trên là rất rõ ràng, thể hiện rất rõ mục tiêu của phát triển đô thị, nhưng lại rất khác biệt với cách mà các đô thị Việt Nam đang xây dựng các khu đô thị mới cũng như xây dựng xen cấy vào các khu đô thị cũ.
6. Các hàng lang giao thông cần được quy hoạch và bảo vệ trong mối quan hệ qua lại hợp lý với quy hoạch sử dụng đất hai bên tuyến.
Đây cũng là một nguyên tắc rất rõ ràng và từng được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực quy hoạch đô thị của Việt Nam. Mối quan hệ giữa việc khai thác giao thông phục vụ phát triển hai bên đường và đảm bảo chức năng giao thông của tuyến là mối quan hệ hai chiều và nhiều khi là mâu thuẫn. Việc thiếu kiểm soát dẫn đến những giải công trình hẹp bám theo tuyến làm giảm hiệu quả của tuyến, thậm chí trở thành rào cản phát triển cho các quỹ đất phía sau. Đồng thời việc khai thác quỹ đất dọc tuyến phải đảm bảo vừa kết nối thuận lợi không gian hai bên tuyến ở những nơi cần thiết, vừa đảm bảo chức năng giao thông của tuyến.
Yếu tố cảnh quan của tuyến cũng cần được quan tâm, nhưng giá trị cảnh quan của tuyến không nằm ở độ lớn của tuyến như quan niệm phổ biến hiện nay tại Việt Nam, cũng khó tạo ra được cảnh quan đẹp bởi những dải cây cảnh trồng theo ngôn ngữ nhân tạo nằm dọc các dải cách ly, thậm chí tạo sự nhàm chán phản cảm. Cần chú trọng hơn đến giá trị của cây xanh bóng mát gắn với đường giao thông.
Cần quan tâm đến một nguyên tắc “đường càng lớn, tốc độ giao thông càng nhanh thì giá trị đất hai bên đường càng giảm”. Vai trò của dải phân cách, từ chỗ nhằm giúp cho xe có động cơ có thể chạy nhanh hơn và được trang trí để làm giảm bớt đi vẻ cứng nhắc, xấu xí, đã được nâng thành yếu tố cảnh quan không thể thiếu trong rất nhiều đô thị Việt Nam. Có thể do ảnh hưởng của các khu vực đô thị cũ không được cải tạo nâng cấp thoả đáng, thường thiếu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nên nhiều nhà quy hoạch, đặc biệt là nhiều nhà quản lý đô thị cho rằng những tuyến đường đôi hoành tráng với dải phân cách trồng cây cảnh ở giữa là biểu tượng của đô thị hiện đại, là biểu tượng của tầm nhìn xa, dự trữ cho tương lai. Hiện tượng này dẫn đến một sự lãng phí rất lớn về kinh phí và quỹ đất, tạo hình ảnh đơn điệu và lặp lại trong các đô thị Việt Nam. Thực chất các trục đường quy mô lớn, không phù hợp với quy mô đô thị này đang phá vỡ cảnh quan của rất nhiều đô thị. Các vấn đề về kích thước/ tỷ lệ, sự tương tác giữa giao thông và các hoạt động đô thị, hơn bao giờ hết đang là những điểm yếu trầm trọng trong đa số các đô thị Việt Nam.
Bài toán đảm bảo giao thông có thể phục vụ ở những quy mô khác nhau tại những thời điểm khác nhau trong tương lai có thể được giải quyết bằng cách dự báo quy mô luồng giao thông để xác định bề rộng lộ giới đường, kết hợp với sự phân kỳ đầu tư và kết hợp các giải pháp giao thông khác, không chỉ đơn giản là xây dựng những con đường thật lớn để chờ được sử dụng trong tương lai hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau.
7. Các hàng lang cây xanh- không gian mở cần được sử dụng để định dạng các khu vực phát triển đô thị cũng như kết nối các cấu trúc đô thị khác nhau.
Đây là một nguyên tắc rất quan trọng, có thể có một phần là hệ quả việc thực hiện nguyên tắc thứ nhất và nguyên tắc thứ ba. Bao gồm hai vấn đề: xác định ranh giới các khu vực phát triển đô thị và kết nối các khu vực này với nhau bằng hệ thống cây xanh- không gian mở. Vấn đề thứ nhất bị bỏ qua trong rất nhiều đồ án quy hoạch. Rất phổ biến là một khu chức năng đô thị hoặc công nghiệp mới là một nhát cắt, một sự chiếm hữu không gian tuỳ tiện trong một vùng cảnh quan nông lâm nghiệp nào đó hoặc hệ sinh thái tự nhiên, gần như không quan tâm tới cấu trúc cảnh quan hiện trạng. Từ đó, khái niệm “đất kẹt” (thường là các mẩu đất nông nghiệp nằm kẹt lại giữa những khu cũ và khu mới sau khi những khu đô thị hoặc công nghiệp được quy hoạch và xác định ranh giới) trở nên rất phổ biến. Rất nên suy nghĩ về giải pháp sử dụng các giải không gian mở để kết nối các khu vực cũ và mới, một sự kết nối mềm, nhấn mạnh được giá trị thị giác của các ranh giới cũng như các cấu trúc đặc trưng (cũ và mới), có thể giúp giải quyết được các vướng mắc hình học, đồng thời tạo ra không gian giao lưu xã hội.
8. Hệ thống giao thông cần chú trọng giao thông công cộng, đường đi bộ, đường đi xe đạp là những lựa chọn có thể thay thế và giúp hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có động cơ.
Trong nguyên tắc này việc nhắc đến giao thông công cộng, đường đi bộ và đường đi xe đạp là những ưu tiên, còn giao thông cá nhân có động cơ là đối tượng cần hạn chế là một vấn đề đáng suy nghĩ sâu sắc trước thực tế quy hoạch đường giao thông (chủ yếu là các làn xe cho phương tiện có động cơ) dường như là những nội dung quan trọng nhất trong các đồ án quy hoạch, là đối tượng nghĩ đến trước hết khi cầm bút vẽ, không chỉ của các kỹ sư giao thông mà cả các kiến trúc sư. Và nội dung về giao thông công cộng, đường đi xe đạp dường như chỉ là nội dung thêm vào cho đủ thành phần hồ sơ và thường được nghĩ đến sau khi đã vẽ xong mạng lưới đường hoàn chỉnh. Còn đường đi bộ thường được quan tâm như là phương tiện giải trí hơn là nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
II. Các nguyên tắc cần được đảm bảo trong quy hoạch phân khu
1. Các đơn vị ở và các khu trung tâm đô thị phải được phát triển dạng nén, ưu tiên cho đi bộ và được sử dụng hỗn hợp đa chức năng.
Dạng nén ở đây đựpc hiểu không nhất thiết là xây dựng cao tầng, điều quan trọng là tạo được sự sầm uất, thuận lợi cho giao lưu công đồng, thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ đô thị, tăng hiệu quả hoạt động chung của đô thị. Mật độ dân cư cao cũng là yếu tố thuận lợi để tổ chức giao thông công cộng, từ đó cùng với các tuyến đi bộ thuận tiện, giúp cho hoạt động đi bộ trở nên phổ biến. Việc sử dụng đa chức năng đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu, như là một nhu cầu thiết yếu của xã hội, kể cả khi các quy định về sử dụng đất trong các đồ án quy hoạch chỉ là đơn năng. Cho đến nay, trong lĩnh vực quy hoạch trên toàn thế giới, sử dụng hỗn hợp đa chức năng một cách hợp lý ở mọi cấp độ, từ cấp đô thị đến khu vực, đến khu đất, đến công trình đã được khẳng định là một trong những yêu cầu thiết yếu để đảm bảo sức sống đô thị, đảm bảo phát triển bền vững. “ Độ thẩm thấu” của không gian công cộng trong toà nhà đã trở thành tiêu chí được quan tâm trong rất nhiều trường hợp.
2. Cần ưu tiên hình thức phát triển theo các đơn vị ở truyền thống và các khu trung tâm đô thị đa năng, các khu vực đơn chức năng chỉ được chấp nhận với những lý do đặc biệt.
Mô hình phát triển theo đơn vị ở truyền thống là mô hình căn bản khá phổ biến ở Việt Nam trước đây, nhưng khi đó, về mặt lý thuyết, các khu trung tâm đô thị đều đặc xác định là đơn năng và thường không đan xen các chức năng nhà ở. Nguyên tắc thứ hai này kết hợp với nguyên tắc thứ nhất sẽ giúp nhấn mạnh sự cần thiết và ưu tiên cho việc sử dụng hỗn hợp đa chức năng một cách hợp lý và nhấn mạnh tính ưu việt của việc tổ chức các khu dân cư theo đơn vị ở với bán kính phục vụ của các công trình dịch vụ thiết yếu hàng ngày nằm trong khoảng cách thuận lợi cho đi bộ- điều chỉ có thể đạt được khi mật độ dân cư là tương đối tập trung. Trước đây, việc phân chia các khu đô thị thành các đơn vị ở là bắt buộc, nhưng với việc chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường và sự lấn át của các dự án phát triển đô thị mới do khối tư nhân đảm trách, vấn đề tổ chức theo đơn vị ở không còn được coi trọng đầy đủ, thậm chí bị bỏ qua trong rất nhiều đồ án.
3. Các hoạt động cơ bản hàng ngày cần được đáp ứng trong bán kính đi bộ để khuyến khích đi bộ và giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông.
Nguyên tắc thứ ba kết hợp với nguyên tắc thứ hai sẽ đảm bảo môi trường sống thuận lợi trong các khu dân cư (trong phạm vi gần), sử dụng giao thông công cộng khi có nhu cần giao lưu vượt ra ngoài phạm vi đơn vị ở.
4. Hệ thống các trục đường lớn cần được thiết kế đảm bảo khả năng phân tán giao thông, giảm chiều dài hành trình của các phương tiện.
5. Trong mỗi đơn vị ở phải đảm bảo sự đa dạng về loại hình nhà ở cũng như mức giá nhà ở để đảm bảo sự đa dạng về đối tượng sinh sống trong đơn vị ở.
6. Mật độ xây dựng cũng như loại hình sử dụng đất cần được quy hoạch hợp lý trong vòng bán kính đi bộ xung quanh các bến đỗ giao thông công cộng.
7. Các trung tâm thương mại, hành chíinh, đào tạo, dịch vụ… cần được đan xen trong đô thị, không bố trí thành các trung tâm biệt lập.
8. Trường học cần được bố trí với quy mô và bán kính đảm bảo học sinh có thể đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường.
9. Mạng lưới không gian mở, bao gồm: công viên, quảng trường và sân chơi công cộng cần được bố trí phân tán trong các khu dân cư cũng như trong các khu trung tâm.
III. Các nguyên tắc cần được đảm bảo trong quy hoạch chi tiết
1. Các công trình và cảnh quan cần góp phần tạo dựng nên tuyến trục giao thông chính như là những không gian dân dụng.
2. Các công trình cần đáp ứng yêu cầu giao thông ô tô một cách hợp lý đồng thời tôn trọng, tạo thuận lợi cho hoạt động đi bộ cũng như khung cảnh quan của các không gian công cộng.
3. Thiết kế các tuyến đường và công trình cần đảm bảo môi trường an toàn nhưng không hạn chế khả năng tiếp cận.
4. Thiết kế kiến trúc và cảnh quan cần xuất phát từ những đặc trưng về khí hậu, đại hình, lịch sử và thực tiễn kinh nghiệm xây dựng tại mỗi khu vực.
5. Các công trình cần đưa ra các ấn tượng rõ ràng cho người sử dụng về địa lý và khí hậu thông qua các giải pháp hiệu quả về năng lượng.
6. Các công trình công cộng và không gian giao lưu công cộng phải là nơi tạo ấn tượng đặc trưng của đô thị, đồng thời là các không gian có thể tự quản lý tốt.
7. Việc bảo tồn và cải tạo các công trình di tích cần đảm bảo củng cố tính liên tục và quá trình phát triển của xã hội.
8. Sự hài hoà và trình tự phát triển, biến đổi của khí hậu cần được kiểm soát thông qua các chỉ tiêu về cấu trúc hình thái kiến trúc.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 2/2011.