Làm thế nào để quy hoạch và xây dựng đô thị bền vững ở tỉnh Hải Dương trong thời kỳ đổi mới

Thứ sáu, 18/12/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quy hoạch xây dựng đô thị là việc tổ chức không gian đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhằm tạo lập môi trường thích hợp cho người dân trên địa bàn, đảm bảo hài hoà các lợi ích của quốc gia và cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển KT- XH, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường đô thị.

Việc thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị phát triển dựa trên quan điểm và nội dung phát triển đô thị và đô thị hoá bền vững, toàn diện cân đối và vững chắc trên cơ sở phát triển kinh tế, duy trì và phát huy truyền thống văn hoá xã hội, tiết kiệm đối với việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai và có thái độ đúng đắn, trách nhiệm với công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Phải thừa nhận rằng: mặc dù quy hoạch đô thị mang tính khoa học đa ngành ở trình độ cao nhưng nghiên cứu còn thiếu trình tự và đồng bộ, hơn nữa nhiều quy hoạch còn mang tính duy ý chí, chạy theo yêu cầu chủ quan hoặc làm theo ý muốn chủ đầu tư, chủ lãnh thổ nên đã hạn chế tính độc lập tự chủ trong nghiên cứu sáng tạo, trong phát triển không gian kiến trúc, thiếu tính sâu sát và thực tiễn trong chuyên môn nên một số quy hoạch không phù hợp với thực tế cuộc sống và sự phát triển, thậm chí còn có những quy hoạch định hướng đề cương nói một “đằng”, vẽ một “nẻo”, quy hoạch một “đằng”, làm một “nẻo” như ở một số điểm công nghiệp, khu dân cư đô thị dọc các trục đường giao thông hiện nay, gây nhiều bất cập cho công tác quản lý đất đai, an toàn giao thông và ảnh hưởng đến môi trường. Công tác xây dựng đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ và chắp vá, nhất là cơ sở hạ tầng đô thị (hiện tượng xây dựng chồng chéo, việc sau làm trước, việc trước làm sau, dẫn đến đào bới, làm đi làm lại hoặc tuỳ tiện tự phát vẫn còn diễn ra ở nhiều đô thị lớn nhỏ làm cho bộ mặt đô thị manh mún, mất mỹ quan). Nhiều thị trấn, thị tứ, khu dân cư chưa quản lý, cấp phép xây dựng, nhiều tuyến phố, nhiều tuyến đường giao thông chưa quy hoạch, chưa thiết kế và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thậm chí nhiều chính quyền ở cơ sở còn chưa kịp cập nhật các thông tin quản lý xây dựng, không nắm bắt được diễn biến của tiến độ xây dựng, giải pháp kỹ thuật và quy mô các dự án, công trình xây dựng đang diễn ra trên lãnh thổ mình đang quản lý.

Tồn tại trong công tác quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch đô thị cần được quan tâm giải quyết 3 vấn đề mấu chốt sau đây. Đó là những thách thức cần được nhận biết để rút kinh nghiệm và có hướng nghiên cứu, hạn chế đến mức tối thiểu đó là:

1. Tồn tại những vấn đề về sự phát triển mất cân đối giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng miền chậm phát triển và phát triển, ở những nơi có sự phát triển cũng bộc lộ sự kém bền vững, vì dân số đô thị tăng nhanh gây ra sự quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, các hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở các thị trấn, thị tứ và thành phố Hải Dương đều phát triển chậm hơn so với tốc độ phát triển KT- XH của đô thị. Điều quan trọng nhất là quá trình phát triển đô thị hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, đặc biệt là tình trạng yếu kém và lạc hậu của hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện, thu gom xử lý chất thải, rác thải, sự chật chội xuống cấp của hệ thống giao thông và sự lộn xộn trong xây dựng nhà ở.

2. Tồn tại những vấn đề về an toàn xã hội, chênh lệch thu nhập và đói nghèo đô thị, chênh lệch thu nhập tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về vật chất, dịch vụ đô thị có nhiều mức độ khác nhau, đòi hỏi các giải pháp cung cấp dịch vụ đa dạng khác nhau, các yêu cầu về nhà ở, đi lại, y tế, văn hoá, thể thao vui chơi giải trí gắn với cơ sở hạ tầng KT- XH vững chắc. Bên cạnh sự phát triển nhanh của đô thị luôn tiềm ẩn nguy cơ đói nghèo, thất nghiệp, tệ nạn xã hội và ô nhiễm môi trường.

3.Tồn tại về năng lực quản lý hành chính của các chính quyền đô thị ở cả các cấp phường, thị trấn, thị tứ và thành phố. Do tốc độ  phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt qua khả năng quản lý điều hành của chính quyền cơ sở, việc quản lý đất đai, nhà cửa, quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý các dịch vụ đô thị và trật tự xây dựng đô thị là vấn đề nóng bỏng và thường xuyên, song nhiều đô thị vẫn chưa tìm được biện pháp quản lý hữu hiệu. Kinh tế phát triển, đô thị phát triển đòi hỏi trình độ, năng lực, quản lý hành chính và chuyên môn của chính quyền đô thị phải được nâng cao. Trong khi số đông cán bộ trong bộ máy hành chính quản lý đô thị, của chúng ta chưa được đào tạo, bồi dưỡng  những kiến thức cơ bản về  quản lý đô thị, về quy hoạch xây dựng  nên còn lúng túng trước những vấn đề mới nảy sinh, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển, nói một cách khác là chưa vươn được đúng tầm của quản lý đô thị.

Thành phố Hải Dương và các thị trấn, huyện lỵ cần được tính toán phát triển phù  hợp với tiềm năng và triển vọng phát triển KT- XH của địa phương, các đô thị này cần được đánh giá đầy đủ về dân số lao động, tỷ lệ đô thị hoá, xu hướng di dân, sức chứa tối đa về dân số, khả năng ảnh hưởng của thiên tai, khả năng bảo vệ, giữ gìn tài nguyên môi trường, khả năng quan hệ vùng, liên vùng trong hệ thống đô thị xung quanh, quy hoạch đô thị cần lưu ý đến sự quan tâm chiến lược và phát triển kinh tế đô thị bằng cách tính toán sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, nguồn nước, năng lượng và lao động đô thị.

Quy hoạch xây dựng đô thị phải cố gắng đạt được các mục tiêu sau:

1. Quy hoạch xây dựng đô thị tạo sự hấp dẫn cho đô thị:

Quy hoạch phải đề xuất được một hệ thống kết nối không gian liên vùng và liên thông trong nội vùng, trong từng khu vực để tạo sự hấp dẫn cho đô thị, cân đối đất đai, cơ sở vật chất, cải tạo hiện trạng và đề xuất hướng chỉnh trang, mở rộng nâng cấp các khu vực để tạo lập môi trường thích hợp cho người dân là chủ thể của đô thị được sống làm việc, nghỉ ngơi tốt nhất. Việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đô thị phải được lập theo hướng phát triển cân bằng giữa nội ngoại thành, giữa phát triển khu mới và cải tạo khu cũ, giữa những khu đất “cần làm ngay” và các khu đất dự phòng phát triển lâu dài. Bên cạnh đó là việc phải duy trì phát triển không gian văn hoá của các cộng đồng dân cư đô thị, xây dựng các lộ trình cụ thể cho công tác bảo tồn cải tạo, xây dựng mới các công trình văn hoá, di tích, các khu vực công cộng, vui chơi giải trí, tâm linh, dựa trên tiềm năng văn hoá, xã hội, tập quán và tự nhiên của từng vùng.

Phân bổ kết nối và cải tạo xây dựng các trung tâm công cộng như quảng trường, nhà văn hoá, công viên, nhà hát, triển lãm, chiếu phim, các khu vệ sinh công cộng, bến bãi đỗ xe, nơi tập kết rác… Trong đó cần hết sức quan tâm đến hệ thống cây xanh đô thị, giữ gìn, bảo lưu hệ thống hồ, hào, thành, kênh, sông dẫn nước để tạo không gian, cảnh quan và điều hoà môi trường nước, môi trường không khí cho đô thị. Để bảo vệ môi trường đất, nước và không khí cho đô thị, cần áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, trong xử lý phân loại chất thải đô thị và công nghiệp. Ở các khu, cụm công nghiệp ven đô thị phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu đối với công nghệ, sử dụng dây chuyền sản xuất kỹ thuật tiên tiến, sử dụng nguyên liệu sạch, chuyên chở an toàn, thân thiện với môi trường. Các công trình công cộng, nhà làm việc, trụ sở cơ quan, các công trình dịch vụ đô thị như ngân hàng, bưu điện, văn phòng, chung cư…cần được nghiên cứu, hợp khối cao tầng để tiết kiệm quỹ đất, tạo cảnh quan hiện đại cho đô thị, đồng thời giảm bớt sự đi lại trong giờ hành chính, tiết kiệm trong xây dựng và thuận lợi trong quản lý dịch vụ công.

2. Chính quyền đô thị và cộng đồng dân cư đô thị cần có sự tham gia trực tiếp, công bằng và có cái nhìn dài hạn với các nhu cầu phát triển của đô thị bền vững: Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, đặc biệt nhận thức của chính quyền đại phương với công tác quy hoạch đô thị bền vững là rất quan trọng. Lãnh đạo địa phương phải trực tiếp tham gia, quản lý, thực hiện các kế hoạch phát triển đô thị và tổ chức quản lý, thực hiện các quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, tạo điều kiện về cơ chế chính sách và xây dựng được các chế định về việc xã hội hoá công tác xây dựng và phát triển đô thị trên cơ sở nâng cao sự hiểu biết của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư đô thị về công tác phát triển đô thị và đô thị hoá một cách bền vững, đồng thời khuyến khích toàn xã hội tham gia vào công tác lập, thực hiện, quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị . Huy động và cân đối các nguồn tài chính đô thị trên cơ sở tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị. Bố trí hợp lý nguồn tài chính cho quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị phù hợp với các kế hoạch phát triển KT- XH của địa phương. Trong đó dành phần ngân sách đúng và đủ cho công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị, hỗ trợ tài chính thoả đáng cho việc xử lý, bảo vệ môi trường đô thị, đầu tư xây dnựg các công trình phù hợp với quy hoạch và các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong phát triển đô thị .

Tuỳ theo tình hình cụ thể của từng địa phương, để có cơ chế tăng khả năng xã hội hoá, thu hút nguồn lực của nhân dân, của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và con em quê hương để khai thác tiềm năng, khai thác quỹ đất hợp lý để tạo nguồn kinh phí đầu tư cho công tác quy hoạch và xây dựng hạ dựng đô thị. Để đạt được các mục tiêu đặt ra cho công tác quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị phát triển bền vững cần sự phối hợp chặt chẽ, nhất quán của các cấp các ngành và chính quyền đô thị. Tăng cường sự phân cấp quản lý đi đôi với việc đào tạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi đối tượng xã hội và mọi cộng đồng dân cư, để mọi người đều được tham gia, biết và thực hiện quy hoạch xây dựng.

 
Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, số 11/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)