kính, tức là phụ thuộc vào những tác động chủ yếu của con người trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, các kịch bản biến đổi khí hậu được xây dựng dựa trên các kịch bản phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu.
Bên cạnh những mặt tích cực của sự phát triển chung còn đồng thời có những bất cập như các nguồn phát thải quá mức khí nhà kính vào khí quyển từ các hoạt động khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, phá rừng,... do đó, những cơ sở chính để xác định các kịch bản phát thải khí nhà kính là: (1) sự phát triển kinh tế ở quy mô toàn cầu; (2) dân số thế giới và mức độ tiêu dùng; (3) chuẩn mực cuộc sống và lối sống; (4) tiêu thụ năng lượng và tài nguyên năng lượng; (5) chuyển giao công nghệ; (6) thay đổi sử dụng đất;...
Bảng 1. Hệ thống đô thị ven biển tại Việt Nam với các vị trí khác nhau
TT | Dạng đô thị với vị trí | Loại đô thị |
Tổng | ĐB | I | II | III | IV | V |
1 | Đô thị gần cửa sông ra biển | 54 | | | 6 | | 22 | 26 |
2 | Đô thị gần biển | 65 | | | | 1 | 28 | 36 |
3 | Đô thị ven biển ngập mặn có ảnh hưởng triều cường | 82 | | 5 | | 2 | 15 | 60 |
4 | Đô thị gần sông | 46 | | | 3 | 3 | 12 | 28 |
5 | Đô thị gần vịnh lớn | 46 | | | 2 | 8 | 18 | 18 |
6 | Đô thị hải đảo | 14 | | | | | 9 | 5 |
7 | Đô thị ven biển | 57 | 1 | 2 | 4 | 7 | 18 | 25 |
8 | Đô thị ven sông lớn | 38 | 2 | 1 | 2 | 5 | 4 | 24 |
| | 402 | 3 | 8 | 17 | 26 | 126 | 222 |
Trên cơ sở đó khuyến nghị kịch bản ứng phó đối với biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng cho Việt Nam.
Các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam đã được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau là: thấp (B1), trung bình (B2) và cao (A2, A1F1).
Kịch bản phát thải thấp (B1) mô tả một thế giới phát triển tương đối hoàn hảo theo hướng ít phát thải khí nhà kính nhất, tốc độ tăng dân số rất thấp, cơ cấu kinh tế thay đổi nhanh theo hướng dịch vụ và thông tin, các thoả thuận quốc tế nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, với cơ cấu kinh tế không đồng nhất giữa các khu vực trên thế giới như hiện nay, cộng với nhận thức rất khác nhau về biến đổi khí hậu và quan điểm còn rất khác nhau giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính nhằm hạn chế mức độ gia tăng nhiệt độ ở mức dưới 20C gặp rất nhiều trở ngại, kịch bản phát thải thấp (B1) có rất ít khả năng trở thành hiện thực trong thế kỷ 21.
Các kịch bản phát thải cao (A2, A1F1) mô tả một thế giới không đồng nhất ở quy mô toàn cầu, có tốc độ tăng dân số rất cao, chậm đổi mới công nghệ (A2) hoặc sử dụng tối đa năng lượng hoá thạch (A1F1). Đây là các kịch bản xấu nhất mà nhân loại cần phải nghĩ đến. Với những nỗ lực trong phát triển công nghệ thân thiện với khí hậu, đàm phán giảm phát thải khí nhà kính, và sự chung tay, chung sức của toàn nhân loại trong “liên kết chống lại biến đổi khí hậu”, có thể hy vọng rằng những kịch bản phát thải cao sẽ có rất ít khả năng xảy ra.
Hơn nữa, vẫn còn nhiều điểm chưa chắc chắn trong việc xác định các kịch bản phát triển kinh tế – xã hội và kèm theo đó là lượng phát thải khí nhà kính trong tương lai. Với sự tồn tại các điểm chưa chắn thì các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ứng với các kịch bản phát thải khí nhà kính ở cận trên hoặc cận dưới đều có mức độ tin cậy thấp hơn so với kịch bản ở mức trung bình.
Vì những lý do nêu trên, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với Việt Nam được khuyến nghị sử dụng trong thời điểm hiện nay là kịch bản ứng với mức phát thải trung bình (B2).
II. Phân tích các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu liên quan đến hệ thông đô thị ven biển Việt Nam
Phân tích và đánh giá khả năng ảnh hưởng của nước biển dâng đến hệ thống cơ sở hạ tầng; các công trình kiến trúc và điều kiện dân sinh tại các đô thị ven biển, dưới hai góc độ thích nghi và ứng phó của các vùng miền (bảng 1).
Nếu tính trên hệ thống đô thị Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp thuộc các vùng nhạy cảm do nước biển dâng chiếm hơn 52% số đô thị lớn nhỏ của Việt Nam.
III. Đề xuất khung kế hoạch hành động phát triển các đô thị ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu
1. Một số chương trình dự án liên quan đã và đang thực hiện tại Việt Nam
Tháng 4/2009: Dự án về biến đổi khí hậu thuộc Quỹ hợp tác địa phương của Đại sứ quán Phần Lan. Phần Lan tài trợ 2 dự án tổng trị giá 460 000 EURO. Dự án đầu tiên có tiêu đề “Xây dựng năng lực biến đổi khí hậu cho các tổ chức xã hội dân sự” thực hiện trong 3 năm. Dự án thứ hai thực hiện trong 2 năm sẽ hỗ trợ các cộng đồng địa phương tại tỉnh Quảng Trị nhằm tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi của người dân với biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 5 nước được xác định là sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Khu vực xã hội dân sự phải đóng vai trò chính trong giảm thiểu những rủi ro này. Vì vậy tài trợ cho các tổ chức xã hội dân sự và giúp các địa phương của Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu là những ưu tiên chủ chốt của Đại sứ quán Phần Lan.
Tháng 8/2009 Đại sứ quán Đan Mạch cam kết tài trợ 40 triệu USD cho 2 tính Bến Tre và Quảng Nam về các chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2009 – 2013, thông qua chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tháng 6/2009: Đại diện của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua một dự án Hợp tác kỹ thuật “Nghiên cứu về rừng và đất rừng tiềm năng cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu”. Dự án này sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển dữ liệu và thong tin cơ bản về các vùng đất tiềm năng cho các hoạt động trong khuôn khổ của Nghị định thư Kyoto. Đồng thời, dự án cũng tiến hành phân tích những dữ liệu và thông tin đó trên quy mô cả nước nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch và thu hút đầu tư tài chính từ khu vực tư nhân vào các dự án trồng rừng hiện đang gặp những khó khăn về tài chính. Trong khuôn khổ của dự án, thông tin và dữ liệu về đất rừng tiềm năng cho các hoạt động giảm thiểu khí nhà kính phát sinh từ suy thoái rừng và phá rừng trên toàn lãnh thổ Việt Nam cũng sẽ được xây dựng.
Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam hưởng ứng sáng kiến này và TP Hà Nội sẽ tắt điện lúc 20h30 đến 21h30 ngày 28/3 để tham gia chiến dịch Giờ Trái đất. Việc tiết kiệm khối lượng điện tiêu thụ trong một giờ đồng nghĩa với giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông điệp của sự kiện này là “tắt đèn, bật tương lai”.
2. Đề xuất chương trình phát triển đô thị cho các đô thị ven biển
* Chương trình dự báo các khu vực chịu tác động trực tiếp của nước biển dâng
- Nghiên cứu triển khai, rà soát các khu đô thị, khu kinh tế biển trong đất liền, bờ biển và vùng cận duyên, và ngoài biển khơi làm cơ sở khoa học cho các quyết định ứng phó với các tình huống nước biển dâng.
- Phân định các vùng khác nhau với các mức độ chịu tác động khác nhau để dự báo các tác động diện tích đất xây dựng tại các đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp nước, thoát nước và kiến trúc trên từng địa bàn trong từng phương án mực nước biển dâng để từ đó hoạch định việc ứng phó;
- Rà soát và dự báo các công trình trong kết cấu hạ tầng bị đe doạ do biển dâng và đề xuất giải pháp xây dựng nhằm hạn chế xâm thực bờ biển, xây dựng trên nền đất yếu, bị ngập nước với những công nghệ mới về các vật liệu nhẹ, chịu tải trọng cao, bền trong môi trường nước lợ và mặn; cải tạo hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị ven biển để thích ứng với mực nước biển dâng.
- Rà soát công tác xây dựng các cảng biển trong thời gian qua dọc duyên hải miền Trung, Nam và đề xuất xây dựng đồng bộ một số cảng biển nước sâu, được che chắn tốt, tồn tại bền vững;
* Nghiên cứu các phương thức định cư thích hợp đối với các khu vực dân cư chịu tác động của mực nước biển nhằm ứng phó với nước biển dâng.
- Dự báo các luồng dịch chuyển dân cư và lực lượng sản xuất khác; Dự kiến các địa bàn có thể tái bố trí.
- Lập danh sách và tính toán chi phí các điểm tái định cư, di dời nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật ra khỏi những vùng có nguy cơ bị đe doạ cao. Xác định các khu vực có khả năng bị phá huỷ do nước biển dâng.
* Quy hoạch sắp xếp lại dân cư khu vực ngập lụt
- Sắp xếp và quy hoạch lại dân cư khu vực thường xuyên bị thiên tai: trên cơ sở hệ thống bản đồ ngập lụt, đánh giá ngập lụt, ra soát, sắp xếp, quy hoạch lại các khu dân cư tại các khu vực nhạy cảm như ven sông, cửa sông, vùng thoát lũ, vùng ngập nước lâu ngày tại từng địa phương…
- Quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư: nghiên cứu các khu đất thuận lợi để bố trí quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho các khu dân cư bắt buộc phải di dời. Các khu tái định cư được quy hoạch và xây dựng đảm bảo tái định cư an toàn trong mưa lũ, tránh xáo trộn biến động dân cư và đầy đủ các điều kiện hạ tầng cơ sở thiết yếu, góp phần ổn định sản xuất và đời sống trước mắt cũng như lâu dài của nhân dân.
Rà soát chiến lược phát triển các khu đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu vực ven biển đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển kinh tế biển và phòng chống an toàn với các tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.
* Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong công tác quản lý nhà nước đối với các đô thị ven biển
- Thống kê số hộ và số dân hiện đang cư trú dọc bờ biển miền Trung những nơi bị đe doạ xâm thực, và cần được bố trí đến nơi cư trú mới an toàn trên từng độ cao mà không làm tổn hại đến sự ổn định của địa mạo.
- Cần quy định đối với mọi quy hoạch, dự án ở những vùng ven biển, cửa sông đều phải tính tới yếu tố ổn định của địa mạo và yếu tố biển dâng một cách cụ thể.
- Rà soát và điều chỉnh nội dung chiến lược quy hoạch phát triển đô thị theo các kịch bản nước biển dâng.
- Cần có tầm nhìn và quy chế phối hợp hành động liên ngành, liên vùng, trung ương - địa phương (nhất là giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, giữa Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên,…) để chủ động có lộ trình biến sự dịch chuyển một bộ phận nguồn lực một cách tự phát trơ thành sự phân bố lại lực lượng sản xuất.
Nghiên cứu và tìm tòi các giải pháp phát triển đô thị ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu là một công việc phức tạp và cần có sự phối hợp đa ngành cũng như linh hoạt trong quá trình trước mắt và lâu dài. Ứng phó có hai hệ thống, một là nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tác động của Biến đổi khí hậu (Mitigation) là những hành động giải pháp từ những việc làm nhỏ đến lớn cần được quan tâm ngay từ bây giờ, hai là các giải pháp nhằm làm giảm thiểu các thiệt hại do Biến đổi khí hậu gây nên dựa trên cơ sở dự báo những tác động khi có những biến đổi xảy ra (Adaptation). Bài viết có sự tập hợp nhiều thông tin liên quan nhằm tạo điều kiện cho sự tiếp cận ban đầu để chuẩn bị cho những nghiên cứu sâu, rộng hơn, rất mong có sự hợp tác với nhiều chuyên gia quan tâm lĩnh vực này để cùng hợp sức tạo nên một môi trường phát triển bền vững cho tương lai của nhân loại.
Nguồn: TC Xây dựng, số 10/2009.