Tình hình xây dựng tiêu chuẩn trong lĩnh vực vật liệu hữu cơ & hoá phẩm xây dựng Giai đoạn 2005 – 2009

Thứ hai, 23/11/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong 5 năm vừa qua (2005 – 2009), Viện Vật liệu Xây dung đã được giao nhiệm vụ biên soạn xây dựng 20 tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực vật liệu hữu cơ và hoá phẩm xây dung. Các tiêu chuẩn này đã góp phần hoàn thiện, đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật liệu xây dựng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời làm cơ sở cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và làm rào cản kỹ thuật trong thương mại.

1. Giới thiệu chung

Trong bối cảnh phát triển của kinh tế quốc tế, hội nhập đã và đang là xu thế được khẳng định của nền sản xuất hiện đại toàn cầu. Điều đó đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, giám sát và tuân thủ chúng theo đúng chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, công nghệ đo lường là rất quan trọng để cạnh tranh, tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời, phải làm tăng ý thức nhận biết về sự hiện diện của các tiêu chuẩn, bản chất của chúng và lợi ích có được khi sử dụng tiêu chuẩn. Do đó, mỗi quốc gia đều có một cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu trong nước và thương mại của mình. Là một nước đang phát triển nằm trong khu vực kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, Việt Nam đã và đang có những nỗ lực vượt bậc để nhanh chóng hội nhập về kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới. Tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch và thương mại giữa các nước và trong trao đổi quốc tế.

Với mục tiêu chủ động để hội nhập và tăng cường phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong những năm qua Viện Vật liệu Xây dựng đã tích cực nghiên cứu đề xuất với Bộ chủ quản xây dựng các tiêu chuẩn vật liệu xây dựng, trong đó có các tiêu chuẩn về vật liệu hữu cơ và hoá phẩm xây dựng. Giai đoạn 2005 – 2009, Viện Vật liệu Xây dựng đã biên soạn 20 tiêu chuẩn về “Thuật ngữ, định nghĩa và phân loại”, “Yêu cầu kỹ thuật”, “Phương pháp thử” cho các nhóm vật liệu hữu cơ và hoá phẩm xây dựng sau: Vật liệu chống thấm, các chủng loại ván gỗ nhân tạo trên cơ sở chất kết dính hữu cơ, ván sàn gỗ tự nhiên, ván xi măng sợi, tấm thạch cao, hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy cho bê tông, silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng, đá ốp lát nhân tạo trên cơ sở chất kết dính hữu cơ. Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan tình hình xây dựng tiêu chuẩn cho từng chủng loại của các nhóm vật liệu nêu trên trong giai đoạn 2005 – 2009.

2. Giới thiệu các tiêu chuẩn vật liệu hữu cơ và hoá phẩm xây dựng

2.1. Vật liệu chống thấm

Hiện nay, trên thị trường nước ta có rất nhiều chủng loại vật liệu chống thấm dùng trong xây dựng. Tiêu chuẩn TCXDVN 367: 2006 "Vật liệu chống thấm trong xây dựng – Phân loại"  đã chia vật liệu chống thấm thành ba loại chính sau:

- Theo nguồn gốc nguyên liệu: vô cơ, hữu cơ và hỗn hợp (vô cơ và hữu cơ).
- Theo trạng thái sản phẩm: dạng lỏng (dung môi nước, dung môi hữu cơ, không dung môi), dạng past (một thành phần, nhiều thành phần) và dạng rắn (dạng hạt, dạng thanh, dạng băng, dạng tấm).

- Theo nguyên lý chống thấm: chống thấm bề mặt, chống thấm toàn khối, chống thấm chèn, lấp đầy.


Sơn chống thấm nhũ tương bitum – polymer là một loại vật liệu chống thấm dạng lỏng, có nguồn gốc nguyên liệu là hỗn hợp của chất độn vô cơ và chất kết dính gốc bitum được biến tính bằng các hợp chất polymer dùng để chống thấm cho bề mặt bê tông và vữa của các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, đặc biệt là công trình ngầm. Tiêu chuẩn TCXDVN 368: 2006 "Vật liệu chống thấm – Sơn chống thấm nhũ tương bitum – polymer"  bao gồm yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử kèm theo 10 chỉ tiêu sau: độ mịn, độ nhớt quy ước, độ phủ, hàm lượng chất không bay hơi; thời gian khô, độ bền uốn, độ bám dính của màng sơn trên nền vữa, độ chịu nhiệt, độ xuyên nước, độ bền lâu.

2.2. Ván gỗ nhân tạo

2.2.1. Ván sợi

Ván sợi là vật liệu dạng tấm được sản xuất từ sợi gỗ theo phương pháp khô hoặc phương pháp ướt. Tiêu chuẩn "TCXDVN 7750: 2007 Ván sợi – Thuật ngữ, định nghĩa và phân loại"  thay thế “TCVN 4812: 1989 Ván sợi – Thuật ngữ và định nghĩa”, nêu lên 19 thuật ngữ và định nghĩa, đồng thời phân ván sợi thành ba loại chính sau:

- Theo công nghệ sản xuất: công nghệ ướt (tuỳ theo khối lượng thể tích phân thành: ván sợi gỗ cứng, ván sợi gỗ bán cứng, ván sợi mềm) và công nghệ khô (ván MDF nặng, ván MDF nhẹ, ván MDF siêu nhẹ).

- Theo mục đích sử dụng: ván sợi gỗ thông dụng và ván sợi gỗ đặc dụng.

- Theo môi trường sử dụng: ván sợi gỗ sử dụng trong môi trường khô, ván sợi gỗ sử dụng trong môi trường ẩm, ván sợi gỗ sử dụng ngoài trời.

Ván MDF là một loại ván sợi được sản xuất theo phương pháp khô, với các chiều dày khác nhau không phủ mặt và cùng có khối lượng thể tích ≥ 450 kg/m3. "TCVN 7753: 2007 Ván sợi - Ván MDF - Yêu cầu kỹ thuật"  phân ván MDF thành bốn loại sau:

+ Ván MDF thông dụng sử dụng trong điều kiện khô (MDF.D);

+ Ván MDF thông dụng sử dụng trong điều kiện ẩm (MDF.H);

Ván MDF chịu tải sử dụng trong điều kiện khô (MDF.LA);

+ Ván MDF chịu tải sử dụng trong điều kiện ẩm (MDF.HLS).

Yêu cầu kỹ thuật chung cho cả bốn loại ván MDF trên quy định các mức chỉ tiêu về sai lệch so với kích thước danh nghĩa (chiều dài, chiều dày, độ vuông góc, độ thẳng của cạnh), sai lệch khối lượng thể tích so với giá trị trung bình trong cùng một tấm, độ ẩm, hàm lượng formandehyt theo phương pháp chiết tách.

Cả 4 loại ván trên đều phải đáp ứng các bước yêu cầu nêu trong tiêu chuẩn khi thử về tính chất cơ học (độ trương nở chiều dày sau 245 giờ ngâm trong nước, độ bền kéo vuông góc với mặt ván, độ bền uốn tĩnh; modul đàn hồi uốn tĩnh). Ngoài ra, đối với ván sử dụng trong điều kiện ẩm phải đáp ứng thêm yêu cầu về độ bền ẩm với 2 sự lựa chọn:

Một là, kiểm tra độ trương nở chiều dày và độ bền kéo vuông góc với mặt ván sau khi thử chu kỳ nhiệt ẩm;

Hai là, độ bền kéo vuông góc với mặt ván sau khi thử sôi.

2.2.2. Ván dăm

Ván dăm gỗ được tạo hình bằng cách trộn dăm gỗ hoặc dăm từ cây có sợi với keo và phụ gia rồi ép nóng. Tiêu chuẩn "TCVN 7751: 2007 Ván dăm – Thuật ngữ, định nghĩa và phân loại" thay thế tiêu chuẩn "TCVN 4811: 1989 Ván dăm - Thuật ngữ và định nghĩa", nêu lên thuật ngữ và định nghĩa của 8 loại nguyên liệu dùng để sản xuất ván dăm. Ngoài ra có 21 thuật ngữ và định nghĩa về các loại ván dăm thô và ván dăm đã hoàn thiện khác nhau. Ván dăm được phân thành 5 loại chính sau:

- Theo hình dạng bề mặt: Ván dăm gỗ phẳng, ván dăm gỗ không phẳng, ván dăm gỗ đường viền cạnh.

- Theo trạng thái bề mặt: Ván dăm gỗ không nhẵn, ván dăm gỗ nhẵn, ván dăm gỗ phủ mặt.

- Theo kết cấu: Ván dăm gỗ một lớp, ván dăm gỗ 3 lớp, ván dăm gỗ nhiều lớp, ván dăm gỗ phân lớp tuần tự, ván dăm gỗ định hướng, ván dăm gỗ rỗng.

- Theo mục đích sử dụng: ván dăm gỗ thông dụng, ván dăm gỗ đặc dụng. - Theo môi trường sử dụng: ván dăm gỗ sử dụng trong môi trường khô, ván dăm gỗ sử dụng trong môi trường ẩm.

TCVN 7754: 2007 Ván dăm -  Yêu cầu kỹ thuật" quy định yêu cầu kỹ thuật đối với các loại ván dăm không phủ mặt sử dụng chất kết dính hữu cơ gồm 7 loại sau: ván dăm thông dụng sử dụng ở điều kiện khô (P1), ván dăm sử dụng làm nội thất ở điều kiện khô (P2), ván dăm không chịu tải sử dụng ở điều kiện ẩm (P3), ván dăm chịu tải sử dụng ở điều kiện khô (P4), ván dăm chịu tải sử dụng ở điều kiện ẩm (P5), ván dăm chịu tải lớn sử dụng ở điều kiện khô (P6), ván dăm chịu tải lớn sử dụng ở điều kiện ẩm (P7).

Yêu cầu kỹ thuật chung cho cả 7 loại ván dăm trên qui định các mức chỉ tiêu về sai lệch so với kích thước danh nghĩa (chiều dài, chiều dày, độ vuông góc, độ thẳng của cạnh); sai lệch khối lượng thể tích so với giá trị trung bình trong cùng một tấm; độ ẩm; hàm lượng formandehyt của 2 loại E1 và E2 (theo phương pháp chiết tách và phương pháp phát tán ra trong không khí).

Cả 7 loại ván dăm trên đều phải đáp ứng các mức yêu cầu nêu trong tiêu chuẩn khi thử về tính chất cơ học (độ bền kéo vuông góc với mặt ván; độ bền uốn tĩnh). Đối với ván dăm P2 do chỉ chịu tự trọng nên phải đáp ứng thêm chỉ tiêu modul đàn hồi uốn tĩnh và độ bền bề mặt. Các loại ván dăm P3, P4, P5, P6, P7 thêm chỉ tiêu modul đàn hồi uốn tĩnh và chỉ tiêu về độ trương nở chiều dày sau 24 giờ ngâm trong nước. Ngoài ra, các loại ván dăm P3, P5, P7 sử dụng trong điều kiện ẩm cần phải đáp ứng yêu cầu về độ bền ẩm với 2 sự lựa chọn:

Một là, kiểm tra độ trương nở chiều dày và độ bền kéo vuông góc với mặt ván sau khi thử chu kỳ nhiệt ẩm;

Hai là, độ bền kéo vuông góc với mặt ván sau khi thử sôi.

2.2.3. Ván gỗ dán

Ván gỗ dán là loại ván được tạo thành từ các tấm ván mỏng dán bằng keo hữu cơ. "TCVN 7752: 2007 Ván gỗ dán - Thuật ngữ, định nghĩa và phân loại" thay thế "TCVN 4740:1989 Gỗ dán – Thuật ngữ và định nghĩa, phân ván gỗ dán" thành 5 nhóm thuật ngữ để định nghĩa:

Nhóm 1: Các thành phần của ván gỗ dán gồm 11 thuật ngữ.

Nhóm 2: Các loại ván gỗ dán gồm 14 thuật ngữ.

Nhóm 3: Kích thước ván gỗ dán gồm 3 thuật ngữ.

Nhóm 4: Bề mặt ván gỗ dán gồm 6 thuật ngữ.

Nhóm 5: Các khuyết tật của ván gỗ dán gồm 28 thuật ngữ.

Và phân thành 5 loại chính theo hình dạng bề mặt, trang thái bề mặt, cấu trúc, mục đích sử dụng, môi trường sử dụng.

"TCVN7755: 2007 Ván gỗ dán - Yêu cầu kỹ thuật" qui định yêu cầu kỹ thuật đối với nguyên liệu dùng để sản xuất: Yêu cầu về các khuyết tật từ nguyên liệu ván gỗ dán loại cứng; yêu cầu về các khuyết tật của ván gỗ dán cứng do quá trình gia công; phân loại các khuyết tật từ nguyên liệu gỗ bóc; yêu cầu về các khuyết tật của ván gỗ dán loại mềm do quá trình gia công sản xuất. Đối với sản phẩm ván gỗ dán, tiêu chuẩn quy định các mức chỉ tiêu về sai lệch so với kích thước danh nghĩa (chiều dài, chiều dày, độ vuông góc, độ thẳng của cạnh), và chất lượng dán dính của ván mỏng với keo.

2.2.4. Phương pháp thử

Hiện tại các cơ sở sản xuất trong nước như Cty Ván MDF Gia Lai, Cty Ván ép Tân Mai, Cty Ván dăm Thái Nguyên… đều công bố chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Châu Âu. Mặt khác tiêu chuẩn Châu Âu tương đối đồng bộ từ yêu cầu kỹ thuật đến phương pháp thử. Tiêu chuẩn quốc tế ISO cũng được biên soạn theo tiêu chuẩn Châu Âu. Vì vậy, các phương pháp thử của "TCVN 7756 – 1  đến 12: 2007 Ván gỗ nhân tạo – phương pháp thử" được biên soạn dựa theo các tiêu chuẩn Châu Âu gồm 11 phần tương ứng với các chỉ tiêu đã nêu trong các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật của cả 3 loại ván gỗ dán, ván MDF và ván dăm.

2.3. Ván sàn

Ván sàn là chủng loại vật liệu hoàn thiện được sử dụng từ lâu trên thế giới. Hiện tại có khoảng 15 công ty nhập khẩu và phân phối cho khoảng 20 thương hiệu ván sàn công nghiệp nổi tiếng ở nước ta, cùng với một số cơ sở sản xuất trong nước. Tiêu chuẩn "TCVN…. : Ván sàn – Thuật ngữ, định nghĩa và phân loại" nêu lên 7 thuật ngữ về nguyên liệu, 23 thuật ngữ về các chủng loại ván sàn và 11 thuật ngữ về các loại sản khác nhau cùng các định nghĩa cho các thuật ngữ đó. Tiêu chuẩn này phân ván sàn thành 3 loại sau:

- Theo bản chất vật liệu: Thanh ván sàn gỗ (liền khối; ghép thanh; gỗ nhiều lớp), thanh ván sàn tre và thanh ván sàn công nghiệp (lớp mặt là gỗ liền khối; lớp mặt là gỗ ghép thanh; lớp mặt là vật liệu giả gỗ; lớp mặt là các loại vật liệu khác).

- Theo trạng thái bề mặt: Được hoàn thiện bề mặt trước và chưa hoàn thiện bề mặt trước.

- Theo mục đích sử dụng: Cho các khu vực riêng tư (phòng ngủ, phòng khách, bếp…) và cho các khu vực công cộng hoặc thương mại (nhà thi đấu, cửa hàng, sảnh khách sạn,…).

Hai tiêu chuẩn "TCVN… : 2008 Ván sàn gỗ – Yêu cầu kỹ thuật" và "TCVN… : 2008 Ván sàn gỗ – Phương pháp thử" thay thế tiêu chuẩn “TCVN 4340: 1994 Ván sàn bằng gỗ”. Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật quy định ván sàn phải có chiều dày từ 10 mm đến 22 mm, các kích thước chi tiết và sai lệch về kích thước phải đáp ứng mức nêu trong tiêu chuẩn. Ngoài ra, độ ẩm của ván sàn gỗ không được vượt quá 13% và độ nhám bề mặt của ván sàn gỗ đã hoàn thiện không được lớn hơn 150 μm. Đặc biệt, phải chú ý đến các khuyết tật của ván sàn gỗ như mọt, mốc, cong nứt, lượn sóng,… và tổng số khuyết tật này không được lớn hơn 3.

Khi thi công lắp đặt và nghiệm thu ván sàn gỗ, ván tre và sàn công nghiệp cần phải tuân thủ theo tiêu chuẩn "TCVN … : 2008 Lắp dặt ván sàn – Quy phạm thi công và nghiệm thu". Tiêu chuẩn này đề ra 5 nội dung của quy định chung để tạo ra sự thông hiểu cho người tư vấn, thiết kế, cán bộ thi công và chủ đầu tư khi thi công ván sàn trên công trường ở Việt Nam, bao gồm: chuẩn bị bề mặt sàn; chuẩn bị ván sàn; các bước lát ván sàn; vệ sinh sàn; kiểm tra và nghiệm thu.

2.4. Ván xi măng sợi

Ván xi măng sợi có thành phần chính là chất kết dính thuỷ hoá vô cơ hoặc chất kết dính canxi silicat sinh ra bởi phản ứng hoá học giữa vật liệu silic và vật liệu can xi và gia cường thêm các loại sợi hữu cơ hoặc/và sợi vô cơ tổng hợp. Ngoài ra, có thể sử dụng các chất phụ gia, chất độn và chất màu. Ván xi măng sợi được sản xuất theo phương pháp ép hoặc không ép và được dưỡng hộ ở điều kiện tự nhiên hoặc ở điều kiện gia tốc.

Hầu hết các chỉ tiêu của "TCVN… : 2009 Ván xi măng sợi – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử" của "TCVN… : 2009 Ván xi măng sợi –  Phương pháp thử" được biên dịch từ các tiêu chuẩn ISO về sản phẩm ván xi măng sợi và có sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta. Tiêu chuẩn phân ván xi măng sợi thành hai loại:

Loại A, là loại ván sử dụng ngoài trời, chịu tác động trực tiếp của thời tiết như mưa, nắng, tuyết (nếu có), … chúng có thể được phủ hoặc không phủ bề mặt;

Loại B, là loại ván sử dụng trong nhà hoặc sử dụng ngoài trời nhưng không chịu tác động trực tiếp của thời tiết như mưa, nắng, tuyết,…

Ván xi măng sợi có các chiều dày khác nhau có các mức sai lệch kích thước danh nghĩa và sai lệch hình dạng  khác nhau. Tiêu chuẩn không quy định giá trị cụ thể khối lượng thể tích biểu kiến nhưng quy định mức các chỉ tiêu rất đặc trưng của ván xi măng sợi như: độ co giãn ẩm; độ bền chu kỳ nóng lạnh; khả năng chống thấm nước sau 24 giờ; độ bền nước nóng; độ bền băng giá; độ bền mưa - nắng. Ngoài ra còn phải có quy định chỉ tiêu cường độ chịu uốn vì đây là chỉ tiêu cơ lý đặc trưng nhất cho sản phẩm ván xi măng sợi – chỉ tiêu này đánh giá khả năng chịu tải của vật liệu khi được sử dụng. Giá trị cường độ chịu uốn càng cao khả năng chịu tải của vật liệu càng lớn và ứng với mỗi loại sản phẩm ván xi măng sợi thì tiêu chuẩn phân ra các hạng có mức cường độ chịu uốn khác nhau.

2.5. Tấm thạch cao

Tấm thạch cao là một dạng vật liệu được làm từ thạch cao có bề mặt phủ hoặc không phủ giấy hay phủ bằng một số vật liệu khác. Loại vật liệu này được phát triển mạnh trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Ba Lan, Thái Lan,… Ở nước ta, tấm thạch cao mới được sử dụng trong khoảng 10 năm trở lại đây với khoảng hơn mười nhãn hiệu sản phẩm được nhập khẩu từ Đức, Ba Lan, Thái Lan, Trung Quốc cũng như sản xuất trong nước (Gia Huy, Lafarge, Vĩnh Tường,…).

Hai tiêu chuẩn "TCVN… : 2009 Tấm thạch cao – Yêu cầu kỹ thuật" và "TCVN… : 2009 Tấm thach cao – Phương pháp thử" được xây dựng trên cơ sở chuyển dịch các tiêu chuẩn ASTM của Mỹ về sản phẩm tấm thạch cao với sự sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta. Theo mục đích sử dụng, tiêu chuẩn đã phân thành 10 chủng loại tấm thạch cao sau:

- Tấm thạch cao sợi.                         

- Tấm thạch cao tường                           

- Tấm thạch cao trang trí                  

- Tấm nền thạch cao                                

- Tấm nền thạch cao chịu nước

- Tấm vòm thạch cao ngoài trời

- Tấm thạch cao ốp ngoài

- Tấm thạch cao làm nền để trát lớp phủ trang trí

- Tấm thạch cao Lati

- Tấm trần thạch cao

Hiện tại, trên thị trường nước ta hầu như chưa sử dụng 6 chủng loại tấm thạch cao sau: tấm nền thạch cao; tấm nền thạch cao chịu nước; tấm vòm thạch cao ngoài trời; tấm thạch cao ốp ngoài; tấm thạch cao làm nền để trát lớp phủ trang trí; tấm thạch cao lati. Tuy nhiên, trong tương lai gần thì xu hướng phát triển các chủng loại tấm thạch cao này ở thị trường nước ta là rất lớn. Do đó, để cập nhật và đáp ứng được tính tương đồng khi hoà nhập với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới, tiêu chuẩn này đã quy định mức yêu cầu kỹ thuật và các phương pháp thử cho cả 10 chủng loại tấm thạch cao trên. Mỗi chủng loại tấm thạch cao trên lại có các khoảng chiều dày khác nhau, cho nên cả 10 loại tấm thạch cao này đều có các yêu cầu kỹ thuật chung về kích thước và các yêu cầu về tính chất cơ lý riêng cho mỗi loại.

2.6. Hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy cho bê tông

Hiện nay hệ kết dính gốc nhựa epoxy đã trở thành loại vật liệu được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là dùng để bảo vệ và sửa chữa các kết cấu của vữa và bê tông trên cơ sở chất kết dính xi măng trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy cho bê tông thường có hai thành phần  là thành phần A và thành phần B. Thành phần A chứa nhựa epoxy có hoặc không có chất pha loãng có khả năng phản ứng và ít bay hơi. Thành phần B chứa một hoặc nhiều loại chất đóng rắn cho nhựa epoxy. Chất độn trơ có thể được trộn thêm vào thành phần A hay thành phần B hoặc đồng thời cả hai thành phần A và B .

Hai tiêu chuẩn "TCVN… : 2008 Hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy cho bê tông – Yêu cầu kỹ thuật""TCVN…: -1 đến 11 : 2008 Hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy cho bê tông – Phương pháp thử" được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn ASTM của Mỹ, quy định các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy hai thành phần có khả năng đóng rắn trong điều kiện ẩm và bám dính trên bề mặt ẩm của bê tông xi măng poóc lăng. Theo mục đích sử dụng, hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy được phân thành 7 loại, theo đặc tính chảy hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy phân thành 6 hạng. Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật quy định mục đích sử dụng. Tất cả các chỉ tiêu này được kiểm định theo điều kiện trong tiêu chuẩn phương pháp thử.

Khi thi công và nghiệm thu công trình sử dụng hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy cho bê tông, các nhà tư vấn, thiết kế và cán bộ kỹ thuật cần phải thực hiện  đúng theo tiêu chuẩn "TCVN…: 2008 Quy phạm thi công hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy cho bê tông" - đây là cơ sở pháp lý trong việc thiết kế, thi công và nghiệm thu công tác thi công hệ chất kết dính gốc nhựa epoxy. Tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên cơ sở các tài liệu của Hiệp hội Bê tông Mỹ ACI về hướng dẫn sử dụng nhựa epoxy, các tiêu chuẩn ASTM liên quan đến nhựa epoxy, cùng các tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm gốc nhựa epoxy của các hãng sản xuất.

2.7. Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng

Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng là chất kết dính được tạo thành từ polyme cơ kim với thành phần chính là silic, có các tính năng hơn hẳn chất kết dính trên cơ sở polyme hữu cơ, như độ kết dính có thể cao gấp 3 lần, bền vững trước tác động của thời tiết, hoá chất và thời gian sử dụng cao. Hiện nay Mỹ là quốc gia quy nhất trên thế giới biên soạn đầy đủ bộ tiêu chuẩn ASTM về silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng. Hầu hết các sản phẩm liên quan đến silicon trong đó có Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng của các hãng có tên tuổi như Dow Conning, General Electric Silicone (Mỹ), APOLLO (Nhật Bản), MIFENG (Trung Quốc),… đều sử dụng tiêu chuẩn ASTM để kiểm tra và so sánh. Do đó, khi dòng sản phẩm này du nhập vào thị trường Việt Nam thì các nhà nhập khẩu và sản xuất trong nước cũng đều sử dụng các tiêu chuẩn này. Hai tiêu chuẩn "TCVN… : Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng – Yêu cầu kỹ thuật" và "TCVN… : -1 đến 6 : 2006 Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng – Phương pháp thử" đã được xây dựng trên bộ tiêu chuẩn ASTM của Mỹ.

Theo thành phần, Silicon xảm khe được phân thành hai loại: loại một thành phần và loại nhiều thành phần. Theo mục đích sử dụng, Silicon xảm khe cũng được phân thành hai loại: loại sử dụng trên bề mặt tấm kính nổi và loại sử dụng trên bề mặt vật liệu khác. Hai tiêu chuẩn này quy định 6 chỉ tiêu chính và phương pháp thử tương ứng bao gồm: độ chảy (theo phương thẳng đứng và phương nằm ngang); khả năng đùn chảy; độ cứng Shore A; ảnh hưởng của lão hoá nhiệt (đến tổn hao khối lượng, tạo vết nứt và phấn hoá); thời gian không dính bề mặt; cường độ bám dính (ở điều kiện chuẩn; ngâm trong nước; ở 880C, -290C, chịu thời tiết sau 5.000 giờ).

2.8. Đá ốp lát nhân tạo trên cơ sở chất kết dính hữu cơ

Đá ốp lát nhân tạo trên cơ sở chất kết dính hữu cơ được chế tạo từ cốt liệu đá thiên nhiên, nhân tạo (silica, quartz, granite), chất kết dính hữu cơ, phụ gia và bột màu, tạo hình bằng phương pháp rung ép, có hút chân không sau đó gia nhiệt. Đây là sản phẩm đá ốp lát cao cấp có kích thước và độ dày lớn, có độ bền cơ học cao, gam màu ổn định, màu sắc đa dạng theo yêu cầu thiết kế đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cho công trình xây dựng và thường được sử dụng ở những khu vực công cộng như bệnh viện, trạm xe điện ngầm, sân bay, siêu thị, nội thất phòng bếp, phòng tắm,…

Các yêu cầu kỹ thuật của "TCVN 8057: 2009 Đá ốp lát nhân tạo" trên cơ sở chất kết dính hữu cơ được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn “TCVN 7745: 2007 Gạch gốm ốp lát ép bán khô - Yêu cầu kỹ thuật”, áp dụng cho sản phẩm có độ hút nước E≤ 0,5% và “TCVN 4732 : 2007 Đá ốp lát tự nhiên”, tiêu chuẩn đá ốp lát tự nhiên của châu Âu “BS EN 1342: 2001 Sets of external paving – Requirements and test methods”, và tiêu chuẩn cơ sở của nhà máy Vicostone cũng như catalog của các sản phẩm nước ngoài như Bretonstone, Ceasarstone. Vì sản phẩm đá ốp lát trên cơ sở chất kết dính hữu cơ có thể sử dụng để ốp lát ở những vị trí như sản phẩm gạch ốp lát, do đó các phương pháp thử của tiêu chuẩn này được viện dẫn từ một số phương pháp thử của “TCVN 6415: 2005 Gạch gốm ốp lát – phương pháp thử” (tiêu chuẩn này có nhiều phần tương đương với tiêu chuẩn ISO 10545 : 1995).

3. Kết luận

Cả 20 tiêu chuẩn về vật liệu hữu cơ và hoá phẩm xây dựng nêu trên được xây dựng theo hướng đồng bộ, nhất quán, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế (ISO, BS, EN, ASTM, ACI,…) và có sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Hầu hết mức chỉ tiêu nêu trong các tiêu chuẩn này đều tương đương với mức chỉ tiêu nêu trong các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn dùng để kiểm tra các chỉ tiêu đó cũng hoàn toàn thực hiện được với các trang thiết bị hiện có ở Việt Nam. Qua đây cho thấy, trong 5 năm vừa qua (2005 – 2009) Viện Vật liệu Xây dựng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống hoá tiêu chuẩn, tổ chức nghiên cứu biên soạn, ứng dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong việc phục vụ công tác quản lý của Nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong đó có các chủng loại vật liệu hữu cơ và hoá phẩm xây dựng. Cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước, hoạt động tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực vật liệu hữu cơ & hoá phẩm xây dựng cũng đã và đang ngày càng được đổi mới để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động sao cho phù hợp với yêu cầu chung của sự nghiệp công nghiệp  hoá và hiện đại hoá đất nước.
 
Nguồn: Báo cáo của ThS. Trịnh Minh Đạt trong Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ VLXD 2005 - 2009 tại Lễ kỷ niệm 40 năm Viện Vật liệu Xây dựng 1969 - 2009, tháng 11/2009
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)