Nghiên cứu các dự án ở Australia chỉ rõ đầu tư cho chi phí phòng ngừa thêm 1% đã giảm được chi phí khắc phục hư hỏng và sự cố từ 10% xuống còn 2%. Theo kinh nghiệm Trung Quốc, nếu tính theo mức độ đầu tư trung bình tương đương 1 tỷ VNĐ cần 0.6 (1 kỹ sư tư vấn giám sát). Như vậy với tình hình đầu tư và xây dựng ở nước ta hiện nay cần hàng vạn kỹ sư tư vấn giám sát xây dựng…
Trên cả nước hiện có khoảng gần 1000 doanh nghiệp tư vấn xây dựng, bao gồm đủ các ngành chủ chốt xây dựng từ trung ương đến địa phương, bao gồm đủ mọi thành phần kinh tế, trong đó 70% là doanh nghiệp Nhà nước, 27% là công ty ngoài quốc doanh và 3% là công ty liên doanh nước ngoài, một số rất ít công ty tư vấn xây dựng với 100% vốn nước ngoài và công ty cổ phần, khoảng 300 tổ chức chuyên về tư vấn xây dựng, số còn lại làm thêm nhiều việc khác. Tại thành phố Hồ Chí Minh có trên 250 đơn vị tư vấn xây dựng chiếm 34% tổng số đơn vị tư vấn xây dựng trong cả nước trong đó có trên 50% doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tại Hà Nội có trên 200 đơn vị tư vấn xây dựng chiếm 27% tổng số đơn vị tư vấn xây dựng trong cả nước trong đó có trên 25% doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tại Đà Nẵng có gần 50 đơn vị tư vấn xây dựng, trong đó có khoảng 30% doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ngoài 3 thành phố trên, các tỉnh thành còn lại trung bình mỗi tỉnh có từ 2 đến 10 doanh nghiệp tư vấn xây dựng.
Quy mô của các tổ chức, doanh nghiệp- trừ một số ít công ty vốn là các Viện thiết kế lâu đời của các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng- về nhân lực nói chung dưới 100 người, về vốn, về doanh thu về trang thiết bị có thể xem là một loại doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này đã cố gắng đầu tư chiều sâu: nơi làm việc, thiết bị văn phòng, máy móc đo đạc, thí nghiệm, nối mạng máy tính, lập các cơ sở dữ liệu, trang bị các phần mềm, chú trọng đào tạo, huấn luyện bằng mọi hình thức, tại chỗ, cử đi học, tìm đối tác liên doanh để được chuyển giao công nghệ, nắm bắt các kỹ thuật mới, cải tiến quản lý theo cơ chế thị trường, chủ động tìm việc, tăng cường chất lượng, hạ giá thành, tạo uy tín trong và ngoài nước. Nhờ cố gắng trên, các doanh nghiệp này đã có thể đảm nhiệm hầu hết các công việc lớn, mới mẻ, kỹ thuật phức tạp đều có thể làm được một số qua sự hợp tác, làm thầu phụ với các chuyên gia nước ngoài, qua đó các công trình sau đã chủ động được.
Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp này còn chưa thật thông hiểu chu dáo thông lệ quốc tế, luật pháp, tính toán kinh tế, giải quyết các mối quan hệ có tính xã hội như môi trường, tái định cư. Đặc biệt là ngoại ngữ còn quá yếu, cách trình bày văn bản hoặc khi tiếp xúc còn chưa đạt yêu cầu. Trong công tác tư vấn còn thể hiện sự phối hợp giữa các bộ môn với nhau còn yếu, chưa thật quen với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, chất lượng chưa cao, nhiều trường hợp thiếu tính chất độc lập của nhà tư vấn, khả năng thuyết phục còn yếu. Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh còn nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh, sử dụng các biện pháp tiêu cực để có việc, hạ giá một cách phi lý, lôi kéo người của đơn vị khác…Về khách quan, các thể chế đối với công tác đầu tư xây dựng còn có những vấn đề tồn tại, thị trường tư vấn, thuế, giá cũng có những điều cần đề nghị xét lại. Tất cả những tình hình đó dẫn tới việc hoà nhập kinh tế khu vực cũng như quốc tế của các doanh nghiệp tư vấn còn nhiều vấn đề chủ quan và khách quan phải cố gắng khắc phục mạnh mẽ trong thời gian tới để tăng cường sức cạnh tranh nếu không muốn bị tụt hậu.
Cùng với sự phát triển đó, các tổ chức tư vấn xây dựng đã có những bước phát triển khá mnạh mẽ và đã hoạt động theo cơ chế mới. Các vấn đề còn tồn tại nói trên cũng cho thấy nhu cầu cũng như hiện trạng tổ chức và nguồn nhân lực trong các tổ chức tư vấn để có kế hoạch, chương trình cũng như nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
2. Bản chất của công tác tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình
2.1 Tư vấn xây dựng công trình
Tư vấn là cung ứng lời khuyên đúng đắn và thích hợp chứ không phải lời khuyên chung chung. Một lời khuyên đúng đắn có thể thích hợp với một bối cảnh, một tình huống, một thời gian nhất định, nhưng lại không thích hợp cho một thực thể khác, vào hoàn cảnh và thời gian khác. Tư vấn không chỉ đơn thuần là đưa ra lời khuyên. Mà còn phải chỉ vẽ, hướng dẫn thực hiện lời khuyên đưa ra sao cho có thể đạt hiệu quả cao nhất. Tư vấn cũng giúp đỡ kỹ thuật, tổ chức việc điều tra, khảo sát, nghiên cứu soạn thảo các văn kiện, dự án, quy hoạch, thiết kế và quản lý các dự án xây dựng cho khách hàng. Tư vấn xây dựng- hay kỹ sư tư vấn là một loại hình tư vấn đa dạng trong công nghiệp xây dựng, kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn… có quan hệ chặt chẽ với tư vấn đầu tư, thực hiện phần việc tư vấn tiếp nối cho dự án sau tư vấn đầu tư. Tư vấn xây dựng giúp cho khách hàng- chủ dự án- tổ chức việc khảo sát, thiết kế (hoặc chủ trì đấu thầu khảo sát, thiết kế) và tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị đầu tư, đấu thầu xây lắp công trình, giám sát thi công, nghiệm thu công trình hoàn thành.
Ở Việt Nam, Hiệp hội Các Công ty Tư vấn xây dựng đã hoàn thành và hoạt động. Trên thế giới, nhiều hãng tư vấn xây dựng bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng rồi tiếp tục mở ra một số loại hình khác như tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư, tư vấn bất động sản…để trở thành các hãng tư vấn tổng hợp có tầm cỡ quốc tế. Thông thường, đối với các dự án kết cấu hạ tầng, chỉ có một công ty tư vấn đầu tư và xây dựng đảm nhiệm công việc tư vấn từ đầu đến cuối. Một cách tổng quát, tư vấn là một dịch vụ trí tuệ, một hoạt động “chất xám” cung ứng cho khách hàng những lời khuyên đúng đắn về chiến lược, sách lược, biện pháp hành động và giúp đỡ, hướng dẫn khách hàng thực hiện những lời khuyên đó; kể cả tiến hành những nghiên cứu soạn thảo dự án và giám sát.
2.2 Giám sát thi công xây dựng công trình
Giám sát xây dựng là chỉ các công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và đánh giá công việc những người tham gia công trình. Nó lấy hoạt động của hạng mục công trình xây dựng làm đối tượng; lấy pháp luật, quy định, chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, văn bản hợp đồng công trình làm chỗ dựa, lấy quy phạm thực hiện công việc, lấy nâng cao hiệu quả xây dựng làm mục đích. Giám sát xây dựng là sản phẩm của sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Khi có vốn tiến hành đầu tư một hạng mục mới, cần phải mời những chuyên gia có kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu tính khả thi, xác định sách lược đầu tư. Sau khi xác định hạng mục, lại phải có những nhà chuyên môn tổ chức đấu thầu, làm công tác quản lý công trình và quản lý hợp đồng. Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường, công việc giám sát xây dựng được bổ sung và hoàn thiện thêm một bước, dần dần trở thành một bộ phận cấu thành của trình tự xây dựng và thông lệ quốc tế thực thi xây dựng.
3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình hiện nay, sự cần thiết nâng cao chất lượng
3.1 Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Giám sát thi công xây dựng công trình hiện nay và những tồn tại
Chất lượng sản phẩm đào tạo đối với thị trường nhân lực khoa học công nghệ đã được đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng từ nhiều năm qua. Việc nghiên cứu xây dựng các chương trình cũng như nội dung đào tạo phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động xây dựng hiện nay có một ý nghĩa rất quan trọng. Trong hoạt động xây dựng, để nâng cao chất lượng công trình nói chung thì bài toán đầu tiên được đặt ra là phải bắt đầu từ việc tham gia công tác tư vấn giám sát. Vấn đề này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc đào tạo bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật và nâng cao trình độ hiểu biết của kỹ sư tư vấn giám sát đối với các loại hình văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hành nghề Giám sát thi công xây dựng công trình mang tính pháp quy bắt đầu được thực hiện từ năm 2005 theo Quyết định số 12/2005/QĐ- BXD ngày 18/4/2005 của Bộ Xây dựng, Quyết định số 1857/QĐ- BXD ngày 29/9/2005 của Bộ Xây dựng. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có những điều chỉnh lớn về công tác đào tạo và cấp chứng chỉ theo các Thông tư số 25/2009/TT- BXD ngày 29/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thông tư số 12/2009/TT- BXD ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình được phân tích qua các khía cạnh sau:
3.1.1. Về khía cạnh các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng
Trong gần 5 năm qua, số lượng các cơ sở đào tạo được công nhận từ 7 cơ sở vào năm 2005 đến nay đã tăng lên 30 cơ sở trên phạm vi cả nước. Các cơ sở này bao gồm cả các tổ chức hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp công lập, ngoài công lập và các hiệp hội. Việc tổ chức đào tạo và bồi dưỡng của các cơ sở này đã có nhiều có gắng nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề đáng bàn về quy mô, chất lượng và mặt bằng chung…
3.1.2 Về khía cạnh nội dung chương trình
Theo Quyết định số 1857/QQĐ- BXD ngày 29/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình có tổng thời lượng từ 170 đến 180 tiết (từ 21 đến 23 ngày). Thông tư số 25/2009/TT- BXD ngày 29 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành về việc Hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng công trình đã có một sự cải cách mang tính đột phá, đúc rút từ công tác đào tạo sau khoảng 4 năm triển khai đào tạo. Chương trình khung đã cắt bỏ khá nhiều nội dung không phù hợp đối với các khoá bồi dưỡng ngắn hạn.
3.1.3 Về khía cạnh học viên
Có đến 98% các học viên là cán bộ đang làm việc trong các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, chỉ có 2% là các đối tượng khác. Thực tế trong nhiều năm triển khai các khoá đào tạo cho thấy có đến 90% học viên đăng ký tham dự chỉ với một mục đích thực dụng là làm sao có được chứng nhận bồi dưỡng và tận dụng tối đa thời gian không phải đến lớp. Theo quy định, các học viên bắt buộc phải có mặt trên lớp tối thiểu là 90% thời lượng của khoá bồi dưỡng. Đây cũng là những điều đáng bàn trong các khoá bồi dưỡng.
3.1.4 Về khía cạnh giảng viên
Đa phần các giảng viên là các cán bộ có trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm cao. Tuy nhiên cũng có một bộ phận giảng viên thiếu kiến thức thực tế về giám sát thi công xây dựng công trình, bài giảng mang tính hàn lâm, giới thiệu lại lại quá nhiều nội dung thuần túy trong các giáo trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tài liệu kỹ thuật những nội dung mà học viên có thể tự đọc mà không cần thời gian đến lớp. Đây cũng là lý do không thể có những bài giảng sinh động, mang tính thực tiễn và thu hút sự quan tâm của học viên.
3.1.5 Về khía cạnh cấp chứng chỉ hành nghề sau các khoá đào tạo
Hiện nay Bộ Xây dựng uỷ quyền cho các Sở Xây dựng trên phạm vi cả nước thực hiện việc cấp Chứng chỉ hành nghề. Theo thông tin từ các học viên, những người đã đi làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề qua nhiều kênh cho thấy việc làm thủ tục tại các Sở Xây dựng hiện nay mất rất nhiều thời gian, nhiêu khê và rất khó khăn. Bộ Xây dựng cũng cần lưu tâm về vấn đề này để có giải pháp làm sao phù hợp trong điều kiện hiện nay.
3.2 Một số biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình
3.2.1 Về chương trình đào tạo
Trong năm 2009, các cơ sở đào tạo đã xây dựng lại chương trình đào tạo theo Thông tư số 25/2009/TT- BXD của Bộ Xây dựng trong đó thời lượng đào tạo giảm từ 21 ngày xuống còn 10 ngày. Điều đó nói lên những nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý tổ chức đào tạo. Nên chăng trong thời gian tới Bộ Xây dựng cần bổ sung, điều chỉnh chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế hoặc uỷ quyền cho Bộ chuyên ngành thực hiện việc này.
3.2.2 Về thời lượng bồi dưỡng
Mặc dù đã có quy định số tiết trong chương trình khung, Bộ Xây dựng cũng cần quy định thời lượng tối thiểu của chương trình, tránh tình trạng các tổ chức đào tạo tự ý rút ngắn thời lượng khoá học vì chạy theo lợi nhuận.
3.2.3 Về giáo trình bồi dưỡng
Hiện nay chương trình khung đã được ban hành theo Thông tư 25/2009/TT- BXD. Trên cơ sở chương trình khung này các cơ sở đào tạo xây dựng giáo trình xây dựng giáo trình đào tạo. Trên toàn quốc hiện nay có khoảng 30 cơ sở đào tạo, sẽ có 30 bộ giáo trình khác nhau trong khi cũng bồi dưỡng trong cùng một lĩnh vực (giao thông, thuỷ lợi hoặc xây dựng dân dụng…). Do vậy Bộ Xây dựng nên ban hành một tài liệu chung, lấy ý kiến các Bộ chuyên ngành, các chuyên gia, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng làm giáo trình (tài liệu tham khảo) sử dụng cho tất cả các cơ sở đào tạo trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó nên xem xét khả năng nhập khẩu giáo trình và chương trình đào tạo của một số nước tiên tiến do hiện nay chúng ta có vốn đầu tư nước ngoài khá nhiều, tạo đà cho sự hội nhập hơn nữa trong tư vấn giám sát xây dựng công trình.
3.2.4 Về phương pháp giảng dạy
Nội dung hiện nay, các giảng viên cần cải tiến và điều chỉnh hướng tới đi sâu giới thiệu, bồi dưỡng nghiệp vụ và kinh nghiệm trong giám sát thi công xây dựng công trình.
3.2.5 Việc cấp chứng chỉ hành nghề sau các khoá đào tạo
Để khép kín khâu cấp chứng chỉ hành nghề, đề nghị Bộ xây dựng uỷ quyền cho các Bộ chuyên ngành được tiếp tục cấp chứng chỉ hành nghề, để giảm áp lực xuống các Sở Xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng cần xem xét điều chỉnh công tác cấp Chứng chỉ hành nghề cho phù hợp với tiến trình cải cách hành chính một cửa.
Trên đây chỉ là một số vấn đề thực trạng và giải pháp góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình hiện nay. Hy vọng trong thời gian tới việc đào tạo và bồi dưỡng sẽ tiếp tục được điều chỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ tư vấn giám sát nhằm nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.
Nguồn: Tạp chí Cầu đường Việt Nam, số 10/2009