Hiện nay mỗi ngày nội thành thải trực tiếp ra sông hồ khoảng 400.000 – 500.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa được xử lý, trong đó có cả nước thải bệnh viện. Trong khi nội thành chỉ có 2 Trạm xử lý nước thải công suất nhỏ ở Trúc Bạch (2.700m3/ngày) và Kim Liên (3.300m3/ngày). Vấn đề bức thiết đặt ra là phải giảm thiểu mức độ ô nhiễm, tiến tới làm sạch nước của tất cả các sông hồ Hà Nội.
Cho đến nay đã có một số giải pháp được đề xuất như xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng, sử dụng nước sông Đà hay sử dụng chế phẩm LTH-100. Các giải pháp vẫn còn những hạn chế nhất định và vấn đề ô nhiễm hệ thống sông hồ Hà Nội vẫn chưa được giải quyết. Bài báo này muốn giới thiệu một giải pháp mới.
2. Giải pháp sử dụng nguồn nước tại chỗ để thau rửa và lưu thông nước sông hồ Hà Nội
2.1. Trữ lượng nước ngầm của Hà nội
Ngày 03/8/1993 Hội đồng xét duyệt trữ lượng khoáng sản Nhà nước đã phê duyệt trữ lượng khai thác nước ngầm cấp công nghiệp vùng nội thành Hà Nội và ngoại vi là 734.000 m3/ngày. Đó chỉ là số trữ lượng khai thác đã được thăm dò và đánh giá đến thời điểm đó với mạng sơ đồ các nhà máy nước được xác định trong phạm vi thăm dò để cho phép thiết kế xây dựng các nhà máy nước, chứ không phải trữ lượng khai thác nước ngầm phần bờ phải (bờ Nam) sông Hồng chỉ có 734.000 m3/ngày như một số người đã lầm tưởng; mà trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngầm của vùng này có thể đạt tới 2 - 3 triệu m3/ngày.
2.2. Nguồn nước ngầm Hà Nội không bị cạn kiệt
Kết quả quan trắc vào những năm 80 của thế kỷ 20 cho thấy, tại trung tâm các nhà máy nước (bãi giếng) mực nước ngầm bị hạ sâu hơn và càng xa sông Hồng thì mực nước ngầm bị hạ thấp càng nhiều hơn.
Sông Hồng là nguồn bổ cấp chính cho nguồn nước ngầm vùng Hà Nội. Bởi vậy, ngay từ lúc đó các bãi giếng Mai Dịch và Ngọc Hà II đã được bố trí kéo dài về phía sông Hồng, còn các bãi Lương Yên II và Yên Phụ II được bố trí theo dạng hành lang dọc bờ sông Hồng. Từ đó, các bãi giếng được xây dựng sau như:Gia Lâm, Cáo Đỉnh, Nam Dư, Bắc Thăng Long và Thượng Cát đều được bố trí chạy dọc theo sông Hồng để tận dụng lượng bổ cấp từ sông.
Kết quả quan trắc mực nước ngầm trong những năm vừa qua cho thấy, dù các nhà máy nước mới được xây dựng ven theo sông Hồng có công suất gấp đôi, thậm chí gấp ba công suất của các nhà máy nước đặt sâu trong nội thành, nhưng mực nước ngầm ở những bãi giếng đó vẫn không bị hạ sâu và công suất của nhà máy nước vẫn ổn định, không bị suy giảm.
Hiện tại mực nước ngầm ở một số nhà máy nước trong vùng nội thành đã bị hạ sâu, làm cho nhiều người lo lắng và cho rằng nguồn nước ngầm Hà Nội đang bị khai thác cạn kiệt. Không phải như vậy. Mực nước ngầm ở một số nhà máy bị hạ thấp sâu là do:
- Vị trí các nhà máy nước trong vùng nội thành đã được bố trí không hợp lý, nên không nhận được nguồn bổ cấp từ sông Hồng.
- Việc nâng công suất các nhà máy nước là không hợp lý, không phù hợp với điều kiện địa chất thuỷ văn tại chỗ.
- Các giếng được bố trí quá gần nhau làm cho chúng bị can nhiễu nhau mãnh liệt dẫn tới mực nước động bị hạ sâu.
Nghĩa là, mạng lưới các nhà máy nước và các giếng khoan trong từng nhà máy vùng nội thành vốn có công suất nhỏ không còn phù hợp. Tuy vậy, độ sâu hạ thấp mực nước ngầm trong vùng nội thành vẫn chưa vượt quá trị số hạ thấp cho phép. Nghĩa là nguồn nước ngầm Hà Nội không bị cạn kiệt.
2.3. Hà Nội nằm ở trung tâm bể nước ngầm khổng lồ
Về mặt địa chất thuỷ văn, Hà Nội và các tỉnh phụ cận nằm trên một bể nước ngầm nhạt khổng lồ, rộng vài nghìn km2, chiếm toàn bộ diện tích phần Tây bắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng, mà Hà Nội là trung tâm với số trữ lượng khai thác tiềm năng đạt khoảng 8 – 9 triệu m3/ngày, hoàn toàn đáp ứng thoả mãn nhu cầu dùng nước và phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng trong phạm vi bán kính khoảng 30 km trong vài ba chục năm nữa bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Ở nước ta không ở đâu có nguồn nước ngầm có trữ lượng phong phú và chất lượng tốt như ở Hà Nội.
2.4. Nguồn nước ngầm Hà Nội đã bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng và cần được làm sạch
Trong những năm 80 của thế kỷ trước, khi thực hiện Chương trình cấp nước Hà Nội – Phần Lan, chúng tôi đã phát hiện nguồn nước ngầm Hà Nội bị nhiễm bẩn, nhất là ở những khu vực phía Nam thành phố. Sau đó dựa vào kết quả nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi đã cảnh báo “Nguồn nước ngầm Hà Nội bị ô nhiễm bẩn nặng nề” (Báo Khoa học và Đời sống số 26/3/1996) và đã xác định được “Nguồn gây nhiễm bẩn nước ngầm Hà Nội” (báo Hà Nội mới số 14/4/1996 và Tạp chí Xây dựng số 4, 10 và 11 năm 2006) để cảnh báo dư luận xã hội và các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội và TƯ cần có giải pháp ứng phó kịp thời; đồng thời đã đề xuất “Giải pháp chống nhiễm bẩn cho nhà máy nước Nam Dư Hà Nội” ở nơi có nguồn nước ngầm đã bị nhiễm bẩn trầm trọng (Báo Hà Nội mới số 07/4/96).
Bản chất nguồn nước ngầm của Hà Nội là rất sạch và được giữ sạch cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng cùng với quá trình nguồn nước mặt Hà Nội bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, thì nguồn nước ngầm nằm sâu trong lòng đất cũng bị ô nhiễm theo.
Nguyên nhân chủ yếu là do con người gây ra bởi hàng trăm ngìn hố khoan khảo sát đã không được lấp, chèn theo đúng quy trình kỹ thuật, trở thành những đường dẫn mọi loại nước thải bẩn chưa được xử lý xuống lòng đất làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Hiện nay nguồn nước ngầm Hà Nội, đặc biệt là ở những khu vực phía Nam thành phố đã bị nhiễm bẩn trầm trọng tới mức nước sạch của các nhà máy nước sản xuất ra có một số chỉ tiêu bị nhiễm bẩn vượt quá mức cho phép hàng chục lần, nguy hiểm đến sức khoẻ và cuộc sống của người dân.
Do rất khó tìm được giải pháp khắc phục, nên chúng tôi đã đề xuất giải pháp “Nguồn nước cấp cho Hà Nội và các vùng phụ cận vào thế kỷ 21” là nước sông Đà, chứ không phải là nguồn nước ngầm bấy lâu nay vẫn sử dụng hoặc nước sông Hồng.
Đề xuất đã trở thành hiện thực tại Quyết định số 1285/CP - CN ngày 24/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ cho phép TCty VINACONEX xây dựng Nhà máy nước ở Ba Vì từ nguồn nước sông Đà. Những ngày cuối tháng 3/2009 gần 50.000 hộ dân các quận, huyện Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì đã được sử dụng nước sạch từ nguồn nước sông Đà. Và như vậy, các nhà máy nước Pháp Vân, Tương Mai, Hạ Đình và Ngô Sĩ Liên cần phải ngừng hoạt động càng sớm càng tốt và nguồn nước ngầm ở phía Nam TP Hà Nội cũng cần phải được làm sạch.
Trong tương lai, người Hà Nội sẽ được sử dụng nước sạch từ sông Đà và nguồn nước ngầm sẽ chỉ còn đóng vai trò dự phòng. Như vậy, mục tiêu đáp ứng nước sạch cho TP. Hà Nội và các vùng phụ cận như: Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn sẽ được thực hiện như ý tưởng của Dự án, mà Bộ Xây dựng mới trình Chính phủ.
2.5. Giải pháp sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ để thau rửa và lưu thông nước sông hồ Hà Nội bị ô nhiễm
Khác với các tài nguyên khác, nước ngầm là nguồn tài nguyên động, được bổ cấp thường xuyên. Và như trên đã trình bày, nếu các bãi giếng và hệ thống các giếng khoan được bố trí hợp lý và công suất khai thác không vượt quá trữ lượgn bổ cấp, thì nguồn nước ngầm sẽ không bao giờ bị cạn kiệt và tồn tại mãi mãi.
Bởi vậy, nếu nguồn nước ngầm không được đưa vào khai thác sử dụng, thì sẽ là lãng phí, chứ không phải là tiết kiệm. Trong khi đó, để các sông hồ Hà Nội không còn là những “sông hồ chết”, thì chúng phải được thau rửa và lưu thông thường xuyên bằng nguồn nước ngầm tại chỗ.
Hiện nay, như nói ở trên, với khoảng 0,4 – 0,5 triệu m3 nước thải mỗi ngày chưa được xử lý, trong khi trữ lương khai thác tiềm năng nước ngầm của riêng phần bờ Nam sông Hồng đạt khoảng 2 – 3 triệu m3/ngày, lớn gấp nhiều lần lượng nước thải, đủ để thau rửa và lưu thông nước tất cả các sông hồ của Hà Nội để chúng trở lại sạch như lúc mới được hình thành.
Mỗi giếng khoan có thể cung cấp 5 – 6.000m3/ngày. Vậy sử dụng giải pháp khai thác nước ngầm tại chỗ bằng một hệ thống các giếng khoan bố trí ở ngay tại nơi có các cống nước thải đổ vào hồ hoặc từ đầu nguồn sông hay dọc theo hai bên bờ các dòng sông, ở những nơi có nguồn nước thải đổ vào sông để làm sạch và lưu thông nước các sông hồ Hà Nội bị ô nhiễm là giải pháp ưu việt nhất cả về kinh tế và kỹ thuật, đủ nước làm sạch và lưu thông tất cả các sông hồ đã bị ô nhiễm, kể cả hồ Tây, sông Tô Lịch và sông Nhuệ.
3. Nhận xét
Có thể nhận xét tính ưu việt của giải pháp sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ để làm sạch và lưu thông nước sông, hồ bị ô nhiễm như sau:
- Bản chất và tác dụng của giải pháp sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ cũng giống như giải pháp sử dụng nước sông Đà và nhà máy nước mặt sông Hồng, nhưng giải pháp nước ngầm kinh tế hơn và khả thi hơn nhiều lần.
- Rất khả thi. Không cần các công trình dẫn nước liên vùng như giải pháp sử dụng nước sông Đà hoặc từ nhà máy nước mặt sông Hồng, mà chỉ là những giếng khoan khai thác nước ngầm bên bờ các sông hồ, chiếm diện tích không lớn (50 – 100 m2/giếng), nên không cần phải quy hoạch lại hạ tầng, giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp quá tốn kém như giải pháp dẫn nước mặt từ xa đến.
- Vốn đầu tư rất ít. Mỗi giếng khoan chỉ cần khoảng trên dưới 01 tỷ đồng, kể cả đường điện và thiết bị phụ trợ đã có thể cấp được 5 – 6.000m3/ngày nước sạch để thau rửa sông hồ, trong khi công suất của các trạm xử lý nước thải ở Trúc Bạch và Kim Liên cũng chỉ có 2.700 và 3.300 m3/ngày, mà vốn đầu tư lại rất lớn và quản lý vận hành phức tạp hơn nhiều.
- Không gây ra bất kỳ một tác động môi trường xấu nào và cũng không gây ảnh hưởng đến hiện trạng xây dựng, đồng thời dễ quản lý vận hành.
- Không tập trung vốn đầu tư lớn cùng lúc, mà đầu tư dần, chỗ nào ô nhiễm nặng thì xử lý trước, có vốn đến đâu thì đầu tư xây dựng công trình đến đó, cho đến khi giải quyết xong tình trạng ô nhiễm.
- Việc làm sạch các sông, hồ hoàn toàn độc lập với nhau, không lệ thuộc lẫn nhau, đầu tư cải tạo các hồ trong nội thành bị ô nhiễm nặng trước, sau đó đến các sông Lừ, Sét, Kim Ngưu rồi Tô Lịch và sông Nhuệ. Hoặc làm trước ở những hồ hoặc đoạn sông bị ô nhiễm nặng trước và bước đầu có thể kết hợp với giải pháp sử dụng chất LTH -100 một lần đầu để nhanh chóng làm sạch, làm trong và khử mùi hôi thối.
- Sử dụng giải pháp dùng chế phẩm LTH - 100 có thể rẻ hơn giải pháp xây dựng các công trình nước mặt, nhưng sau 4 – 5 năm lại phải làm lại từ đầu. Bởi chỉ mới làm sạch mà không thể bổ sung nước để lưu thông.
- Hai giải pháp sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ và nguồn nước mặt (từ sông Đà hoặc nhà máy nước sông Hồng) đều có mục đích và tác dụng giống nhau là thau rửa (pha loãng)và lưu thông nước sông, hồ; nhưng giải pháp sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ kinh tế và khả thi hơn nhiều lần, do không phải xây dựng các công trình dẫn nước liên vùng tới từng sông, hồ. Bởi vậy, không phải quy hoạch lại cơ sở hạ tầng đã có, không phải giải phóng mặt bằng quá lớn và thi công xây dựng quá khó khăn.
Nguồn: TC Xây dựng, số 8/2009