Nhà ở xã hội: Góc nhìn của người thụ hưởng

Thứ sáu, 18/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua rất nhiều bài viết, trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương  trình Nhà ở xã hội, đó là hiển nhiên, bởi đây là một chương trình an sinh xã hội lớn của Chính phủ. Các nhà quản lý ở Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội, chính quyền... đều có ý kiến, trình bày quan điểm. Trong chuyên đề lần này, TCXD muốn hiểu xem người dân có quan tâm, có hiểu biết gì về chương trình này không? Ý kiến họ ra sao? Và từ nay, chuyên đề Nhà ở xã hội sẽ xuất hiện thường xuyên trên Tạp chí.

Công nhân

Cả nước tính đến năm 2008 đã có 194 khu công nghiệp được thành lập tại 54 tỉnh thành phố thuộc Trung ương đã tạo việc làm cho hàng triệu người lao động góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Các khu công nghiệp thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và 1,5 lao động gián tiếp. Nhưng gần 80% công nhân ở các khu công nghiệp vẫn chưa có chỗ ở hoặc đang đi thuê chỗ ở tạm trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, điều đó ảnh hưởng tới sức khoẻ của công nhân và ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất chất lượng sản phẩm. Để được sở hữu một căn hộ hay được thuê trong căn hộ với tiện nghi đầy đủ là niềm mơ ước dường như rất khó thành hiện thực của những người công nhân khi đời sống còn khó khăn. Nay nhà nước đang có chính sách ưu đãi về nhà ở cho công nhân với những cơ chế hợp lý nhất để người lao động được sở hữu một căn hộ. Trước niềm vui đó, chúng tôi đã gặp gỡ những công nhân chưa có chỗ ở ổn định và một số hộ gia đình công nhân vừa mới được sở hữu ngôi nhà giá rẻ.

Chúng tôi hướng về phía nam Thành phố Hà Nội nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp đóng tại đây. Số lượng công nhân đông, hầu hết họ từ các tỉnh về thuê nhà của dân. Khi được hỏi sắp tới người lao động sẽ được Nhà nước ưu đãi để có thể mua được nhà ở, suy nghĩ của mọi người thế nào? Chị Đào Thị Sáng quê ở Phú Thọ đã làm 5 năm ở nhà máy Hưng Tiến cho biết: Có được căn nhà của mình đó là niềm mơ hạnh phúc không chỉ với tôi mà nhiều công nhân ở đây vì chúng tôi luôn mong muốn được làm việc lâu dài trong nhà máy. Nếu giá nhà hợp lý chúng tôi mới dám mơ ước. Hiện nay tôi chưa lập gia đình nhưng đến cả gặp gỡ, giao tiếp với bạn bè tôi cũng hạn chế bởi không dám nghĩ xa hơn, chỉ xác định mình đi làm vài năm rồi trở về quê vì làm gì có chỗ ở. Nếu nay có chính sách ưu đãi đó tôi có thể hy vọng xây dựng gia đình ở đây. Con cái chúng tôi sau này sẽ được sống và học tập trong môi trường văn minh. Điều đó thật giá trị vì có thể cứu giúp cả thế hệ sau này của những công nhân lao động chúng tôi.

Đứng bên cạnh chúng tôi lúc đó có chị Trương Thị Nhung, tiếp lời luôn. Chị đã có gia đình, con gửi lại ông bà ở quê, 2 vợ chồng lên đây thuê một phòng trọ nhỏ. Chị lại lo lắng về chất lượng công trình: Giá rẻ là điều kiện để chúng tôi tích cóp mua được, nhưng giá rẻ thì chất lượng có đảm bảo không? Chúng tôi ít tiền com cóp, vay mượn để mua nhà, đó là kết quả cả đời lao động nhưng nếu cứ nay hỏng chỗ này, mai hỏng chỗ kia sợ rồi phải dành tiền ăn để sửa nhà. Mà làm thế nào để chúng tôi biết công trình đó đảm bảo chất lượng vì chúng tôi không biết gì về xây dựng cả?

Quả là chất lượng nhà ở không chỉ là sự an toàn của công trình mà còn tạo ra môi trường sống tốt lành cho người sử dụng .

Có một bạn trẻ khác không cho chúng tôi biết tên lại phân bua: Bọn em làm ở phân xưởng máy may hầu hết đều là nữ nếu xây dựng nhà ở cho công nhân làm trong khuôn viên của nhà máy tuy rất thuận lợi cho công việc và an ninh. Nhưng thực sự không gian giao tiếp của bọn em bị bó hẹp. Hằng ngày đi làm gặp gỡ bằng ấy khuôn mặt, hết giờ làm lại vẫn bằng ấy “vịt giời” e rằng thời gian mãi trôi, chúng em sẽ trở thành gái già mất thôi.

Những băn khoăn thắc mắc trên hầu như đã được giải đáp khi chúng tôi tới xã Kim Chung huyện Đông Anh nơi có đến 20 ha đất được đầu tư xây dựng cho công nhân, học sinh thuê thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long, do UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Những căn nhà 5 tầng đẹp đẽ theo quy hoạch khá hoàn chỉnh nhưng chúng tôi nhận thấy ở đây các công trình phúc lợi phục vụ chung như trường học, chợ, sân bóng, trạm xá, chưa thấy đâu, có thể những khu đất cỏ còn mọc là phần đất để xây cho các công trình công cộng. Được biết khu vực này đã có trên 2000 công nhân vào thuê ở, giá thuê 120.000 đồng/người/tháng, khá hấp dẫn. Trong căn phòng khang trang, dành cho 6 đến 8 người có giường tầng, bàn ghế, tủ, quạt điện, ấm chén... Tất cả do Công ty Quản lý nhà trang bị.

Tại khu chung cư 5 tầng dành cho người thu nhập thấp ở phường Liên Bảo - TP Vĩnh Yên chị Khổng Thị Hương nhân viên Công ty Thiết bị Dược phẩm Vĩnh Yên, chị cho biết năm 2008 chị mua căn hộ rộng khoảng 50 m2 với giá 190 triệu đồng từ Công ty CP Bê tông Xuân Mai số tiền được trả làm 3 lần. Lần đầu khi thi công xong phần móng nộp 40%, xây thô nộp 40%, hoàn thành nộp 20%, các dịch vụ ở đây rất tốt phí điện nước, vệ sinh đều ở mức chấp nhận được, các căn hộ chỉ phải đóng phí vệ sinh và an ninh 50.000đ/tháng, mức gửi xe đạp là 20.000đ/tháng, xe máy 30.000đ/tháng. Với mức phí như vậy là rẻ hơn các nơi khác. Đã hai năm, căn hộ chị ở vẫn chưa có vấn đề gì, chỉ có điều chị băn khoăn vì đến nay vẫn chưa nhận được sổ hồng.

Người dân đô thị

Theo kết quả điều tra của Bộ Xây dựng mới công bố, hiện chỉ 20% trong tổng số 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,2 – 1,5 triệu lao động gián tiếp có chỗ ở; chỉ có khoảng 2/3 trong tổng số  2 triệu cán bộ, công chức tự lo được nhà ở cho mình, số còn lại (chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn) phải ghép hộ, ở nhờ, ở tạm... Ông Nguyễn Văn Thạo, ngõ 469, Minh Khai, quận Hai bà trưng, Hà Nội cho biết: Gia đình tôi 4 người đang phải sống trong căn phòng 18 m2. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, đây là nhà làm việc của Cty kho vận của Bộ Thương nghiệp cũ. Thu nhập của gia đình chúng tôi chủ yếu dựa vào đồng lương của vợ tôi là nhân viên của Cty trên. Với đồng lương như hiện nay không biết đến khi nào chúng tôi mới có được căn nhà để ở. Nếu đúng được như giá mỗi căn hộ không quá 200 triệu đồng, thì nhà ở xã hội sẽ là cứu cánh cho gia đình chúng tôi. Tôi mong rằng trong quá trình thực hiện cần công khai và đúng tiêu chuẩn, thì những người thực sự cần nhà ở như chúng tôi mới có cơ hội mua được nhà, mà không qua tay những người mua đi bán lại, đẩy giá lên cao, làm cho những người có mức thu nhập thấp như chúng tôi đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Cũng với tâm sự như vậy, anh Lê Văn Diệp – Công nhân khai thác vật liệu xây dựng tâm sự:  Tôi quê ở Thái Bình ra làm công nhân khai thác cát đã được hơn 3 năm và phải đi thuê nhà để ở. Vì lương thấp nên 6 anh em chúng tôi chỉ dám thuê phòng trọ gần như tạm bợ. Nhưng tính ra mỗi người cũng hết 80 ngàn đồng một tháng. Nếu có nhà ở xã hội cho thuê, tôi tin là điều kiện sống sẽ tốt hơn, nếu có phải thuê với giá 100.000 đến 120.000 đồng/tháng chúng tôi cũng thuê. Vì vậy, tôi rất hoan nghênh chính sách của Chính phủ xây nhà ở cho người thu nhập thấp. Chị Lê Thị Hồng Khánh – SV năm thứ tư, khoa Kinh tế quốc tế, ĐH Kinh tế Quốc dân mong muốn nếu được Nhà nước tạo điều kiện cho thuê nhà ở giá thuê càng thấp hơn thị trường tự do càng tốt. Các thiết bị đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu như điện, nước, quạt, toilet, có niên hạn sử dụng lâu dài, không phải là loại vật dụng rẻ tiền mau hỏng. Phần đông sinh viên là con em nông dân kinh tế khó khăn, thời gian chờ đợi sửa chữa eo hẹp nếu thuê phải những nhà có các loại vật dụng như vậy khó khăn lại chồng lên khó khăn. Mặt khác nhà ở xã hội càng gần trường càng tốt và an ninh cần đảm bảo.

Khi được hỏi về quy định người mua hoặc thuê nhà ở thu nhập thấp chỉ được phép bán hoặc cho thuê lại, sau khi đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng phải đảm bảo thời gian tối thiểu là 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua với chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Thơm tổ 43, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cho biết: Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, hai vợ chồng nghỉ hưu, cháu lớn đi làm, còn cháu thứ hai đang học đại học. Hiện cả nhà đang sống trong căn hộ cũ 27 m2 không khép kín. Cả cuộc đời công tác nuôi các con ăn học, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, không thể tạo lập được chỗ ở riêng cho mình. Nghe tin Nhà nước có chủ trương xây nhà cho người nghèo tôi rất mừng. Nếu được mua hoặc thuê mua trả góp trong vòng 10 đến 15 năm thì gia đình tôi sẽ có cơ hội cải thiện được chỗ ở. Như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi. Bởi lẽ đó, tôi hoàn toàn tán thành và không có điều gì phải bàn thêm về quy định trên của Nhà nước.

Còn ông Nguyễn Văn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy thì bày tỏ quan điểm: Tôi rất hoan nghênh chính sách của Nhà nước về phát triển nhà ở thu nhập thấp cho người nghèo đô thị, vì trong đó có gia đình tôi. Hai vợ chồng tôi đều là công nhân, với đồng lương eo hẹp, nhưng vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng cho các cháu đi học. Nay các con tôi đã có công việc ổn định tại các công ty nước ngoài. Thu nhập của các cháu khá hơn nhiều so với bố mẹ. Nhưng các cháu mới đi làm chưa tích luỹ được là bao. Hiện gia đình tôi vẫn phải ở trong căn nhà cấp 4, diện tích 20 m2. Chúng tôi cũng có nhu cầu cấp bách về chỗ ở, nếu được thành phố cho mua thì còn gì sung sướng hơn. Nhưng theo tôi, Nhà nước quy định là, khi đã trả hết tiền nhà cho chủ đầu tư, có giấy tờ hợp lệ, mà sau tối thiểu 10 năm mới được bán hoặc cho thuê lại là hơi dài. Bán lại cho đối tượng thu nhập thấp thì biết bán cho ai, bán thế nào? Riêng đối với gia đình tôi, các cháu làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện tích luỹ nhanh. Có thể sau 5 hoặc 7 năm gia đình tôi đủ khả năng tài chính để mua một căn hộ tiện nghi hơn. Thứ hai là, sau 5 hoặc 7 năm, tôi đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với chủ đầu tư và có nhu cầu chính đáng về cải thiện chỗ ở, ví thử như việc có con dâu và một hai đứa cháu... Về quy định trên của Nhà nước, tôi nghĩ nên mềm dẻo hơn, có xét đến hoàn cảnh cụ thể của từng hộ, từng gia đình.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi thấy người dân rất quan tâm đến Chương trình Nhà ở xã hội và tất cả những ai chưa có khả năng tạo dựng cho mình một chỗ ở an toàn, ổn định với tiện nghi tối thiểu đều đang mong ngóng, kỳ vọng rất nhiều vào kết quả của chương trình này. Chúng tôi tán thành ý kiến của TS Đỗ Thị Loan – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: “Cần điều tra, khảo sát kỹ các đối tượng thụ hưởng chương trình nhà ở xã hội, chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp: Có bao nhiêu người? Đang làm nghề gì? Nơi ở hiện tại? Nơi làm việc hiện tại? Phương tiện đi lại hiện tại? Qui mô gia đình? Thu nhập thực tế? Độ tuổi và giới tính? Nhu cầu căn hộ rộng bao nhiêu? Gia thuê căn hộ bao nhiêu? Giá mua căn hộ bao nhiêu? Mong muốn trả góp trong thời gian bao lâu? Lãi suất chấp nhận được là bao nhiêu? Mong muốn ở tại địa bàn quận/huyện nào?...". Có lẽ phải có một cuộc tổng điều tra mới có được kết quả này. Đã đến lúc đúng là trước hết cần phải tìm hiểu xem những người được thụ hưởng muốn gì.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 8/2009.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)