Kính chịu áp lực thường được lắp vào cửa sổ của những tòa nhà của chính phủ Mỹ và những công trình dễ bị tấn công khủng bố. Tuy nhiên, chúng khá dày và chi phí sản xuất cũng lớn.
“Loại kính mà chúng tôi phát triển có độ dày chưa tới 12 mm. Do tấm kính mỏng hơn nên nó sẽ dùng ít nguyên liệu hơn và rẻ hơn so với những loại kính mà chúng ta đang sử dụng”, Sanjeev Khanna, giáo sư bộ môn Cơ khí và kỹ thuật hàng không của Đại học Missouri (Mỹ), tuyên bố với Livescience.
Những loại kính chống áp lực hiện nay được tạo nên từ một lớp nhựa cứng trong suốt nằm giữa hai phiến kính. Loại kính mới có khả năng chịu lực tốt hơn và mỏng hơn do nhóm thiết kế thay thế lớp nhựa bằng một lớp vật liệu composite trong suốt. Vật liệu hỗn hợp này được tạo nên bởi những sợi thủy tinh gắn trong nhựa. Sợi thủy tinh có độ dày chỉ bằng khoảng một nửa sợi tóc người (chừng 25 micron). Nhờ đó mà loại kính mới có ít khuyết tật hơn (khuyết tật càng ít thì kính càng khó vỡ).
Trong các cuộc thử nghiệm, cửa sổ được làm từ loại kính mới chỉ bị nứt sau khi người ta ném lựu đạn gần đó.
Khanna cho biết, việc sử dụng vật liệu composite trong suốt cho phép nhóm nghiên cứu tăng hoặc giảm mức độ chịu lực của kính bằng cách thay đổi số lượng và hướng của sợi thủy tinh.
Nhóm thiết kế dự định tiến hành các thử nghiệm tương tự trên những tấm kính to bằng các cửa sổ tiêu chuẩn. Họ cũng muốn thử xem kính sẽ thế nào khi hứng chịu những vụ nổ lớn.
“Kính chống nổ có thể mang đến nhiều ứng dụng nếu nó chịu được các vụ nổ nhỏ. Nó cũng có thể bảo vệ các cửa sổ của người dân trong các cơn bão lớn, tấn công khủng bố hoặc động đất. Phần lớn thiệt hại liên quan tới bão xảy ra do cửa sổ vỡ bởi gió hoặc rác. Khi cửa sổ vỡ gió mạnh và nước mưa sẽ lọt vào bên trong nhà và công trình. Tình hình sẽ trở nên đáng sợ hơn khi đạn lạc trong các vụ khủng bố hoặc bắn nhau ngoài phố xuyên qua cửa sổ”, Khanna nói.
Theo Vnexpress.