Từ nhà vườn Huế hướng đến môi trường ở đô thị hiện đại

Thứ ba, 22/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Người Huế có truyền thống ứng xử với thiên nhiên một cách hài hoà và tinh tế. Hơn ở đâu hết, chính lối sống tĩnh tại và thận trọng của người dân xứ Huế là một trong những nguyên nhân khiến Huế vẫn giữ lại được rất nhiều di tích kiến trúc cổ quý giá, trong đó có kiến trúc nhà vườn.

Đôi dòng về nhà vườn Huế

Đến Huế, nói nhà là phải nói đến vườn. Đây là bộ phận hữu cơ của một không gian nhân văn thuần nhất. Những nghệ nhân xưa và nay đều coi cây vườn như yếu tố trung gian giữa tạo hoá và con người. Cây cỏ làm tăng nét dịu dàng và sự quyến rũ của Huế. Màu xanh đan cài với kiến trúc là nét bút của tạo hoá uốn mềm những ấn tượng gai góc, sắc cạnh của kiến trúc. Vì những lẽ đó, nhà vườn Huế đã trở thành yếu tố không thể thiếu được trong đời sống vật chất và tinh thần của kinh đô Huế khi xưa cũng như của thành phố Huế hôm nay. Nhà vườn Huế phản ánh  sự kế thừa nền văn hoá dân tộc Việt Nam đồng thời mang bản sắc riêng của khu vực Huế và thực sự là di sản văn hoá quý giá của cộng đồng  cư dân Huế và có vị trí nổi bật trong cảnh quan chung của vùng này.

Giá trị nhà vườn Huế

Ngôi nhà lý tưởng ở Huế được dựng bằng gỗ theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch. Gian chính giữa căn nhà, phía trước thờ Phật, phía sau thờ tổ tiên ông bà. Phía trước của các gian hai bên phòng khách  được bày biện tủ chè, sập gụ, trường kỷ. Hai chái ngôi nhà chính dùng làm phòng ngủ gọi là chái tây và chái đông. Con cháu trong nhà chủ yếu sinh hoạt ở dưới nhà ngang. Kiến trúc nhà rường với đặc trưng là bộ vì kèo nằm trong phả hệ kèo nhà ở truyền thống Việt Nam mà trung tâm là đồng bằng Bắc Bộ. Nói cách khác, nó là một bộ phận cấu thành dòng kiến trúc dân gian Việt Nam. Ngoài những giá trị chung, kiến trúc nhà rường nổi lên với sự giản dị về kết cấu và hình thức mặt đứng, sự trong sáng của ngôn ngữ biểu cảm, sự phong phú và điêu luyện của các hình thức trang trí và sự hoà quyện với thiên nhiên xung quanh thông qua cách thức chuyển tiếp không gian độc đáo, truyền đạt văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội của con người Huế- văn hoá nhà vườn.

Nhà vườn Huế có giá trị nhất định về kiến trúc phong cảnh. Cũng được tổ chức theo thuật phong thuỷ, nhưng mỗi khu vườn Huế lại có những nét riêng, hình như quen mà lạ. Vườn Huế thường có bố cục đối xứng theo trục cổng nhà chính. Ở đây, các thủ pháp kiến trúc phong cảnh được sử dụng khá nhuần nhuyễn: tạo hướng nhìn vào các điểm quan trọng, che chắn tầm nhìn, sự tương phản giữa cây to và cây bụi, giữa màu xanh lạnh của lá và màu ấm nóng của các loài hoa, kết hợp giữa ngôi nhà cây cối và mặt nước... Nhà vườn dù rộng, hẹp khác nhau từ vài sào đến vài mẫu đều có kiến trúc tổng thể tương đối giống nhau, bao bọc khuôn viên phía trước và hai bên là hàng rào chè tàu được xén tỉa công phu hay hàng cau thẳng tắp hoặc cây cảnh.

Một số  nhà nghiên cứu đã  nói: "Huế là một thành phố vườn" hay có thể nói Huế là một khu vườn xinh xắn. Sự cảm nhận này để lại dấu ấn khá đạm nét trong tâm hồn các văn nhân thi sỹ. Mỗi nhà toạ lạc trong một khu vườn xanh tươi, thoáng mát. Cả thành phố là một công viên vĩ đại, ở đâu cũng thấy được gam màu êm dịu của cỏ cây, đồi núi, sông hồ. Vì vậy với cái vốn có, đáng quý của mình- cái mà không nơi nào có được, là ước mơ của bao nhiêu người thành phố nhà vườn, "thành phố cây xanh".

Kinh tế vườn là ưu thế của người dân xứ Huế. Bên cạnh những quýt Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều, vải trạng Phụng Tiên, cam Mỹ Lợi, cau Nam Phổ... trong các khu vườn Huế còn hội tụ nhiều giống cây trái đặc sản của nhiều miền quê đất nước như chôm chôm, mămg cụt, xoài, sầu riêng Nam bộ, nhãn lồng Hưng Yên, hồng xứ Lạng và xứ Nghệ... mà ở các tỉnh khác hiếm thấy sự đa dạng như thế. Người Huế lập vườn đâu chỉ với mục đích kinh tế. Con người khi lớn tuổi thường thích tìm về nơi yên tĩnh, sống hoà với thiên nhiên, cây cỏ. Họ lập vườn để lao động tăng thu nhập, vừa để di dưỡng tinh thần. Và người có tâm huyết thường nghĩ đến việc bảo lưu một nét bản sắc văn hoá của đất Cố đô được phác thảo từ hơn 300 năm trước- một thành phố thơ mộng.

Một đóng góp nữa nhà vườn Huế đem lại cho văn hoá dân gian Việt Nam là giá trị mỹ thuật và điêu khắc gỗ. Nhà vườn Huế nổi bật với sự phong phú đa dạng của các đề tài trang trí ở trình độ nghệ thuật cao. Ở Huế, ngoài những nhà vườn truyền thống còn có những ngôi nhà vườn được xây theo kiểu kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn mang dáng dấp nhà vườn truyền thống Huế. Trải qua bao biến động đổi thay, nhà vườn Huế vẫn giữ được giá trị sử dụng đích thực. Bằng chứng là hiện nay người Huế vẫn thích ở nhà vườn. Dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn, họ vẫn mãi mãi ôm ấp trong lòng mình những nếp nhà rường cổ kính lẫn khuất trong những khu vườn xanh tốt và để bất cứ ai đến Huế cũng có thể đắm chìm trong sự tĩnh lặng của không gian và thời gian. Đó không chỉ là lòng thành kính đối với tổ tiên, sự trân trọng di sản cha ông để lại mà còn là khát vọng hoà mình với thiên nhiên, nâng cuộc sống lên thành nghệ thuật.

Mong đợi tinh thần nhà vườn Huế trong môi trường ở đô thị hiện đại

Nếu coi văn hoá là sự thích ứng và biến đổi tự nhiên bởi con người, thì bất cứ dân tộc nào, đất nước nào, con người cũng phải sống trong một môi trường tự nhiên nhất định, thích ứng với nó tạo ra văn hoá cho mình. Tuy không thể có vườn như Huế trong môi trường ở đô thị hiện đại song người dân đô thị vẫn mong muốn được sống trong môi trường tự nhiên vừa đẹp và đa dạng và hướng đến môi trường xanh bền vững như Huế. Để có được điều này người dân trong đô thị hiện đại phải biết tạo cho mình một cách ứng xử hoà điệu và đằm thắm với thiên nhiên, đưa cái tự nhiên vào văn hoá, biến cái tự nhiên thành văn hoá, phải biết khai thác cái phong phú của môi trường tự nhiên tạo ra sự thanh bình, yên ả cho tổ ấm của mình giữa phố phường náo động.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 8/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)