Phát triển cây xanh đô thị

Thứ ba, 08/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 6/7/2006. Cập nhật lúc 9h 47 Cây xanh đô thị có vai trò quan trọng đối với môi trường đô thị. Trong thời gian qua, công tác phát triển cây xanh đô thị đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Diện tích cây xanh đô thị từng bước tăng dần cả về số lượng và chất lượng, chủng loại cây trồng ngày càng phong phú. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều vấn đề cần phải bàn.
Ở nước ta, nhiều đô thị đã đạt được kết quả trong việc phủ xanh đô thị bằng cây xanh. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác và sử dụng vẫn còn nhiều bất cập. Để các đô thị Việt Nam trở nên xanh - sạch - đẹp, một cuộc Hội thảo Quản lý công viên cây xanh đô thị mới đây được tổ chức lần đầu tiên nhằm tổng kết, đánh giá thực trạng công tác quản lý cây xanh đô thị trong những năm qua, làm rõ những tồn tại, bất cập trong việc quản lý hiện nay, trên cơ sở đó có phương hướng nhiệm vụ về cải tiến công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị là hết sức cần thiết. Đồng thời, Hội thảo cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý và các nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm về quản lý chuyên môn. Sau đây là một số ý kiến của các đại biểu đóng góp tại Hội thảo.

Các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, cây xanh và cảnh quan đô thị là một mảng quan trọng của môi trường sống, là yếu tố giúp cân bằng sinh thái. Việc nghiên cứu đầu tư cây xanh và cảnh quan đô thị trong cả nước những năm gần đây tuy có những kết quả khả quan, nhưng nhìn chung quy mô đầu tư còn khiêm tốn. Hiện nay chưa có một dự án chuyên về đầu tư phát triển cây xanh với bất kỳ nguồn vốn nào. Cây xanh chỉ được đầu tư cùng với những dự án xây dựng đường đô thị, khu công cộng dịch vụ trong khuôn viên đô thị mới và một số bồn hoa cây xanh gắn kết với những công trình, dự án xây dựng khác. Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện kế hoạch phát triển cây xanh đô thị cần triển khai nhiều biện pháp như đầu tư tập trung và xã hội hoá trồng cây xanh; huy động nguồn lực nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư. Để thực hiện được việc đó, ông Nguyễn Văn Bảo nhấn mạnh cần phải có những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích để thu hút vốn đầu tư, công khai quy hoạch và danh sách các danh mục kêu gọi đầu tư, xúc tiến đầu tư có hiệu quả, lồng ghép dự án cây xanh đô thị với dự án sinh lợi khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Về các tiêu chuẩn, quy chuẩn cây xanh đô thị, GS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Xây dựng nhận xét, trong quá trình phát triển đô thị, tại nhiều đô thị Việt Nam hệ thống không gian xanh chưa được chú ý. Điều này đã ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường sinh thái đô thị. Nhiều nhà quản lý đô thị cũng như nhiều nhà tư vấn quy hoạch thiết kế đô thị còn quan niệm đơn giản là trồng cây xanh chỉ đơn thuần là trồng cây để che nắng, tạo cảnh quan… Do đó, việc chọn cây trồng hết sức tuỳ tiện, việc thiết kế quy hoạch cây xanh chưa trở thành một tiêu chí bắt buộc trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị. Để khắc phục tình trạng này, GS. TS Nguyễn Hữu Dũng nêu một số vấn đề cần tập trung giải quyết, đó là: nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chuẩn về cây xanh đô thị để phục vụ công tác tư vấn thiết kế và quản lý; sớm ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch đô thị và nông thôn mới; thống nhất thuật ngữ, định nghĩa về việc phân loại cây xanh đô thị trên phạm vi cả nước.

Quản lý chi phí thực hiện dịch vụ duy trì cây xanh đô thị cũng là vấn đề được nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hiện nay. Ông Lê Văn Cư, Viện Kinh tế Xây dựng cho rằng, do đặc thù của dịch vụ công ích nên việc quản lý chi phí thực hiện dịch vụ duy trì cây xanh đô thị chịu sự chi phối của các chế tài của Nhà nước. Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch thực hiện dịch vụ theo đơn giá do Nhà nước quy định, Nhà nước quy định phương pháp xác định định mức, đơn giá, dự toán thực hiện dịch vụ làm cho nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức đặt hàng dịch vụ, đặc biệt là tổ chức đấu thầu dịch vụ công ích đô thị nói chung. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Lê Văn Cư, cần tiếp tục nhận dạng bản chất công việc có tính chất công ích thuần tuý trong quá trình duy trì cây xanh đô thị để quy định định mức cho phù hợp. Nhà nước cần tiếp tục ban hành định mức duy trì cây xanh đô thị ở công đoạn duy trì cây xanh phục vụ cho việc đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn, mỹ quan, môi trường đô thị và tiết kiệm nguồn vốn ngân sách. Các công việc của công đoạn ươm cây giống, trồng cây có thể được xã hội hoá, Nhà nước không ban hành định mức, mà giá cả dịch vụ có thể được xác định theo cơ chế thị trường. Cơ chế quản lý định mức cần được tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương theo hướng giao cho chính quyền điều chỉnh, bổ sung định mức khi áp dụng định mức chung do Bộ Xây dựng ban hành để phù hợp với đặc điểm thực hiện dịch vụ duy trì cây xanh đô thị của từng địa phương, đặc biệt là phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương dành cho dịch vụ công ích đô thị.

Về vấn đề bản sắc dân tộc trong lĩnh vực trồng cây xanh ở các đô thị, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Khôi nhận xét, nhìn lại công việc trồng cây xanh ở các đô thị nước ta trong thời gian qua, nhất là trồng cây xanh ở các công trình kiến trúc, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng… vấn đề bản sắc dân tộc chưa được chú ý đến. Chúng ta không phản đối việc nhập trồng các loại cây làm phong phú thêm hệ thực vật của nước ta nhưng vấn đề là nên trồng chúng ở đâu? Chúng ta không thể bằng lòng với việc biến thủ đô nghìn năm văn hiến cũng như các đô thị khác của nước ta thành những đô thị chỉ toàn là các loại cây ngoại lai. Chẳng hạn, suốt dọc đường Lê Đức Thọ và xung quanh khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đều trồng cau bụng, khiến người ta có cảm giác như đi đến một khu liên hợp thể thao quốc gia của một nước châu Phi. Thật là một đại dịch cau bụng, cọ dầu đang diễn ra ở các đô thị của miền Bắc và cứ đà này thì cảnh quan của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và các đô thị khác ở miền Bắc sẽ biến thành cảnh quan của các đô thị khô hạn ở châu Phi.

Đẩy mạnh công tác quản lý công viên - cây xanh sẽ tôn thêm vẻ tráng lệ của các khu đô thị hiện đại ở nước ta. Các đoàn khách quốc tế sẽ có những ấn tượng sâu sắc về cảnh quan thiên nhiên đặc sắc khi đến Việt Nam. Đồng thời, công tác này cũng góp phần làm cho các đô thị nước ta xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững.

www.cpv.org.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)