Sự hình thành và cơ chế vận hành của vùng đô thị

Thứ hai, 07/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nước ta có hệ thống đô thị trải ra tương đối đều trên cả nước những có hai cực tăng trưởng kinh tế, tức là hai đô thị trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở hai đầu đất nước. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, chung quanh hai đô thị này đã dần dần hình thành hai vùng đô thị là Vùng Thủ đô và Vùng TP. Hồ Chí Minh. Hai đô thị này còn là đô thị hạt nhân của hai Vùng kinh tế trọng điểm Bắc và Nam của nước ta.
Để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển đồng đều hơn trong cả nước, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hai đô thị trung tâm ở hai đầu là Đà Nẵng và Nha Trang, và đẩy mạnh sự hình thành vùng đô thị Cần Thơ để thúc đẩy sự phát triển miền Tây Nam Bộ. Tuy vậy, nhìn chung cũng chỉ mới hình thành trên thực tế hai vùng đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, riêng vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh đã lộ rõ xu hướng trở thành siêu vùng đô thị. Vùng đô thị là hiện tượng mới đối với nước ta.

1. Sự hình thành vùng đô thị

Nói chung, mỗi đô thị đều ít nhiều có ảnh hưởng lan toả còn gọi là lực bức xạ đến khu vực chung quanh. Thực tế các nước chứng tỏ khi mức độ đô thị hoá của quốc gia dưới 10% thì ảnh hưởng lan toả của đô thị không đáng kể, khi mức độ đô thị hoá vào khoảng 20% - 30% như ở nước ta hiện nay thì đô thị có ảnh hưởng lan toả đến 25% - 35% dân số cả nước, còn khi mức đô thị hoá tăng lên đến 30% - 40% như dự kiến ở nước ta vào khoảng năm 2020 - 2025 thì suất lan toả đạt tới 40% - 50%.
Khi mức độ đô thị hoá còn thấp thì đô thị chỉ là các điểm rời rạc, khi mức độ đô thị hoá nâng cao thì có thể hình thành chùm đô thị nhỏ quanh đô thị hạt nhân hoặc một số đô thị kết thành chuỗi đô thị dọc theo các trục giao thông, rồi tại một số vùng có điều kiện địa - kinh tế thích hợp, các chùm và chuỗi đô thị kết nối thành mạng, tạo ra đô thị lớn Metropolis hoặc vùng đô thị Metropolitan Area, có nơi tiến tới siêu vùng đô thị Megalopolis. Đó là những khu vực kinh tế với quy mô khá lớn mà ranh giới của nó thường là không trùng khớp với ranh giới hành chính hiện có của một đô thị kể cả ngoại thành hay một tỉnh.
Động lực hình thành vùng đô thị hay siêu vùng đô thị là lợi thế kinh tế cụm agglomeration economies, như giảm được chi phí vận tải, thông tin... nói chung là chi phí giao dịch transaction cost, là hiệu quả quy mô scale effect của hệ thống công trình hạ tầng cho phép giảm chi phí bình quân khi quy mô hoặc sản lượng dịch vụ tăng lên, là tác động của thị trường bất động sản làm cho giá đất đô thị lên cao, thúc đẩy sự tái bố trí cơ cấu và không gian kinh tế đạt hiệu quả lớn hơn. Tóm lại vùng đô thị atọ ra lợi thế cạnh tranh tốt hơn cho nền kinh tế toàn vùng.

2. Tương tác và kết nối các không gian trong vùng đô thị

Các không gian trong vùng đô thị tương tác với nhau theo ba phương thức tương tự như trong nhiệt động học, bao gồm:
• Đối lưu: tức là con người và vật tư lưu chuyển có đi có lại không ngưng nghỉ.
• Truyền dẫn: tức là các quá trình giao dịch thương mại và tiền tệ diễn ra nhộn nhịp.
• Bức xạ: tức là các quá trình trao đổi thông tin tri thức, tư tưởng, văn hoá, khoa học công nghệ... tạo ra sự đổi mới thường trực.
Các không gian trong vùng đô thị tương tác với nhau không nhất thiết là vì ở gần nhau, chẳng hạn Hà Đông ở sát cạnh Hà Nội nhưng chẳng có quan hệ tương tác gì trong thời gian dài. Muốn phát sinh tương tác thì phải có ba điều kiện là:
• Có tác dụng bổ sung cho nhau, đáp ứng nhu cầu của nhau. 1
• Có vai trò trung gian để giúp các không gian khác tương tác. 2
• Có khả năng với nhau, gọi là khả năng kết nối. 3
Điều kiện 1 và 2 tạo ra động lực kết nối đô thị, còn điều kiện 3 được thể hiện bằng phương tiện kết nối và thời gian kết nối, chứ không phải bằng cự ly kết nối còn nhớ tuy Gia Lâm chỉ cách Quận Hoàn Kiếm có một con sông, nhưng có lúc cầu Long Biên được gọi là cầu dài nhất thế giới!. Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thời gian kết nối từ trung tâm đến biên của vùng đô thị vào khoảng 1 giờ là phù hợp với quỹ thời gian hàng ngày của xã hội, như vậy nếu quỹ thời gian kết nối là đường cao tốc thì cự ly kết nối có thể xấp xỉ 80 - 100 km!
Do động lực và khả năng kết nối có thể không đồng nhất trên các hướng nwn vùng đô thị trên thực tế có thể có dạng ngôi sao hoặc dạng ellip... chứ không nhất thiết có dạng hình tròn hay bán nguyệt nếu đô thị ở sát ven biển.
Các đô thị trong cùng một vùng đô thị có 5 đặc trưng sau đây:
• Tính chỉnh thể, tức là chúng hình thành một chỉnh thể hữu cơ, khi một đô thị mạnh lên hay yếu đi đều có tác động ít nhiều đến các đô thị khác.
• Tính thứ bậc, tức là mỗi đô thị có thứ bậc riêng, đóng vai trò riêng.
• Tính chồng lặp, tức là mỗi đô thị lại só thể dồng thời là thành viên của hệ thống đô thị có thứ bậc khác và đóng vai trò khác trong hệ thống đó chẳng hạn Hải Dương đồng thời ở trong Vùng Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Vùng Đồng bằng Bắc Bộ....
• Tính mở cửa: Vùng đô thị không phải là tổ chức khép kín mà là hệ thống mở, luôn luôn có sự trao đổi vật chất và năng lượng với bên ngoài.
• Tính biến động. Sau khi hình thành, Vùng đô thị thường xuyên biến động và phát triển cả về hình thái, quy mô và kết cấu do tác động của các nhân tố nội tại và bên ngoài.

3. Đô thị trung tâm của vùng đô thị

Mỗi vùng đô thị thường có trung tâm kinh tế, tức là hạt nhân tạo vùng. Đó là một đô thị cỡ lớn, gọi là đô thị trung tâm hay đô thị hạt nhân, có tác động đến toàn vùng, thường đóng vai trò trung tâm trên 7 mặt sau đây:
• Trung tâm sản xuất công nghiệp.
• Trung tâm lưu thông hàng hoá.
• Trung tâm giao thông vận tải.
• Trung tâm tiền tệ ngân hàng, tập đoàn tài chính, bảo hiểm, chứng khoán....
• Trung tâm thông tin.
• Trung tâm khoa học công nghệ.
• Trung tâm văn hoá giáo dục.
Đô thị trung tâm thường có ảnh hưởng lan toả rộng lớn ra ngoài phạm vi vùng, thậm chí ra ngoài phạm vi quốc gia.

4. Cơ chế vận hành của vùng đô thị

Qua trình bày ở trên có thể thấy vùng đô thị là vùng:
- Có trung tâm kinh tế hùng mạnh làm nhân cốt.
- Có không gian tương đối rộng.
- Đã hình thành mạng lưới thị trường có hiệu quả.
Có điều kiện kết nối thông suốt và thuận tiện.
Vùng đô thị được hình thành một cách khách quan trên một địa vực, không phụ thuộc vào mệnh lệnh hành chính, các thành viên của vùng cùng chung sống và hợp tác với nhau, dựa vào nhau, hình thành hệ thống mạng lưới mà các mối tương tác ngày càng mở rộng và tăng cường. Vì vậy, cơ chế vận hành của vùng đô thị được hình thành dựa trên 3 nguyên tắc sau đây:

• Liên kết chiều ngang, kinh tế mở cửa. Vùng đô thị là một liên minh lỏng lẻo dựa trên cơ chế thị trường, chứ không phải theo cơ cấu từ trên xuống, nhất thể hoá về mặt thị trường, mở cửa ra bên ngoài.

• Cạnh tranh bình đẳng, cùng chung lợi ích. Sự hình thành vùng đô thị hoàn toàn dựa trên sự tự giác và tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi của các thành viên, nhưng cũng không loại trừ quan hệ cạnh tranh. Tuy vậy, nếu có tổ chức hợp tác nhất định ở tầm vĩ mô thì có thể lái các quan hệ cạnh tranh theo hướng lành mạnh cho phép tối đa hoá lợi ích toàn vùng.


• Điều hoà phối hợp, tạo ưu thế chung. Tính ưu việt của vùng đô thị ở chỗ có thể điều hoà phối hợp các chương trình, dự án phát triển, nhất là về mặt kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, xử lý các vấn đề môi trường và chung sức đối phó với thiên tai, đạt được hiệu quả lớn nhất với chi phí ít nhất.
Cơ chế vận hành của vùng đô thị lúc đầu hình thành một cách tự phát, hoang dã, dần dần vì lợi ích của chính mình mà các đối tác trong vùng nhận thấy cần phải thể chế hoá cơ chế vận hành. Thách thức lớn nhất của việc thể chế hoá là sự không trùng khớp giữa ranh giới vùng với ranh giới hành chính.
Trước chiến tranh thế giới thứ II, phương thức thường dùng là sát nhập các đô thị nhỏ vào đô thị lớn như New York, Montreal. Thế nhưng đô thị cứ tiếp tục bành trướng ra khỏi ranh giơia mới, vì vậy sau chiến tranh thế giới thứ II, một số dạng quản lý khác đã được nghiên cứu áp dụng.

Năm 1991, người ta khảo sát sự quản lý của 81 vùng đô thị lớn trên thế giới và nhận thấy có 3 dạng quản lý:

• Chính quyền vùng đô thị 34 trường hợp, gồm hai dạng sau:
- Cơ cấu quản lý thống nhất toàn lãnh thổ 17 trường hợp.
- Cơ cấu điều phối cấp vùng với một số thẩm quyền được các đô thị trong vùng trao cho 17 trường hợp.

• Chính quyền phân cấp 27 trường hợp, gồm hai dạng sau:
- Cơ cấu cấp vùng do chính quyền các địa phương bầu ra để thực thi một số thẩm quyền 22 trường hợp.
- Như trên nhưng ngoài ra còn có đại diện của Chính phủ tham gia 5 trường hợp.

• Chính quyền phân tán 19 trường hợp: chỉ có một số ngành dịch vụ hoặc nhóm quyền lợi như Phòng Thương mại hoạt động toàn vùng. Khi cần thiết, các thành viên của vùng họp các tổ chức tham vấn, các hội nghị bàn tròn...
Qua kết quả nghiên cứu nói trên có thể thấy cơ chế vùng đô thị trên thế giới rất đa dạng. Từ những năm 80 thế kỷ trước, xu hướng phi tập trung hoá được quan tâm nhiều hơn.
Nhưng dù cơ chế quản lý như thế nào thì vùng đô thị cũng cần phải có quy hoạch lãnh thổ territorial plan, mà theo kinh nghiệm của Hàn Quốc thì bao gồm 5 nội dung:
1/ Phát triển các đô thị và vùng kể cả giao thông vận tải.
2/ Bố trí các khu vực công nghiệp.
3/ Đất, nước, năng lượng, chất thải và tài nguyên thiên nhiên.
4/ Phòng ngừa thiên tai.
5/ Nhà ở, văn hoá, phúc lợi và nghỉ ngơi.
Vấn đề còn lại là ai sẽ tổ chức thực hiện hoặc giám sát việc thực hiện quy hoạch đó. Điều này tuỳ thuộc vào cơ chế quản lý vùng đô thị được lựa chọn áp dụng.

TS. Phạm Sỹ Liêm
Nguồn tin: T/C Người Xây dựng, số 7/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)