Gạch gốm Ceramic

Thứ ba, 18/04/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những công trình cấp thấp xem như không thể đạt được bất cứ một tiêu chuẩn nào dưới tác động của trường khí hậu nhiệt đới Việt Nam này, cho dù đó là vật liệu dùng cho bên ngoài hay bên trong công trình.
Chúng ta đều nhận thấy rất rõ, những công trình kiến trúc trước đây, trong thời kỳ nền kinh tế còn nhiều khó khăn, suất đầu tư định mức cho các công trình còn rất thấp, công tác hoàn thiện cho bề mặt các công trình chủ yếu là tô trát bằng vữa tam hợp và quét vôi... Tuy đây cũng là một tổng kết tốt của loại chất liệu này, thích hợp trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Song nhìn chung quang cảnh đô thị là sự nghèo nàn về chất liệu, công trình bị xuống cấp nhanh, do khả năng chịu va đập và chống thấm của vữa kém, rêu mốc dễ dàng xuất hiện, hàng năm phải liên tục duy tu, bảo dưỡng... Quy cách này trong bối cảnh của nền kinh tế kém phát triển, đã được chấp nhận một cách đương nhiên, đối với các nhà thiết kế, xây dựng và kể cả đối với người sử dụng cũng dễ dàng xem ngôi nhà tối thiểu đó là một sự hợp lý. Lâu dần, thói quen và quán tính đó đã kìm hãm sự ra đời của những phát minh và mơ ước.
Sau ngày đất nước thống nhất 1975 đã có thêm sự xuất hiện của chất liệu đá rửa, bộ mặt kiến trúc đô thị của chúng ta đã phong phú hơn, song đây cũng chỉ là loại chất liệu thích hợp với những công trình vừa và nhỏ. Do phần lớn quy trình hoàn thiện của chất liệu này là thủ công, việc kiểm soát kỹ thuật của người thợ xây dựng không dễ dàng, bởi vậy "đá rửa" cũng chưa thể "chiến thắng" và thỏa mãn được sự khắt khe của khí hậu Việt Nam. Có thể kể thêm ra một số chất liệu khác, song tôi muốn nói tới chất liệu gạch - là loại được làm chủ yếu từ đất và qua nung có tên gọi chung là gạch gốm ceramic.
Trong các đô thị hiện đại ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trên bề mặt của các công trình kiến trúc có các chất liệu chủ yếu như: bê tông trần, đá tự nhiên, đát hạt cấp phối, sơn, kính, tấm hợp kim và gạch gốm. Sự hiện diện của các chất liệu này là cơ bản tạo nên bộ mặt thẩm mỹ của các đô thị hiện đại. Mỗi loại có ưu thế riêng, song gạch gốm là loại được xem là phong phú hơn cả về khả năng ứng dụng và biểu cảm của chất liệu.
Ngày nay và cũng rất gần đây, với nền kinh tế mở cửa, đã tạo cho Việt Nam sớm hội tụ và khá đầy đủ công nghệ sản xuất gạch các loại, trong đó có gạch ceramic với chất lượng của công nghệ tiên tiến. Nhiều nhà máy tại Việt Nam có công suất lớn đủ để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Thế có nghĩa là văn minh gạch cũng đã có đủ ở Việt Nam.
Nhớ lại, vào thời điểm những năm 90 - 91 của thế kỷ trước, khi cải tạo, xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tác giả của đồ án muốn được ốp mặt tường ngoài của công trình bằng loại gạch gốm ceramic, song cả thị trường vật liệu của ta lúc đó chưa từng có. Thế rồi, để thỏa mãn ý đồ của thiết kế, các bức tường đã được ốp bằng gạch xi măng màu. Tuy vậy, cho đến nay gạch vẫn giữ được vẻ đẹp như ban đầu. Đã hơn 15 năm, Nhà trường không phải tốn kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng các diện tích tường ngoài. Câu chuyện này cho thấy, việc ốp gạch cho tường mặt ngoài công trình có những ưu việt nhất định.
Song, với điều kiện của xã hội ngày nay, trong tôi vẫn băn khoăn một điều rằng, có gì để nói về ý thức sử dụng gạch của người Việt Nam ngày hôm nay. Sự hiện diện của chất liệu này dường như là một quy luật phát triển của cơ chế thị trường thời mở cửa. Sự rời rạc đâu đó toát lên vẻ phô trương nhiều hơn là sự cần thiết của biểu hiện tri thức và tâm hồn người sử dụng. Trong bối cảnh này những gì là sản phẩm truyền thống rất mờ nhạt, đôi khi còn bị người ta hiểu theo cách thô sơ về chất lượng, kém về thẩm mỹ - thật là oan uổng!
Trong bài viết này, tôi không có ý định bàn luận sâu xa về lịch sử và văn hóa sử dụng gạch hay vật liệu gốm nói chung ở Việt Nam. Tuy nhiên, có thể khái quát rằng Việt Nam chúng ta cũng có một lịch sử truyền thống rất đáng tự hào về loại vật liệu này trong đời sống và kể cả ứng dụng trong công trình kiến trúc. Những phát hiện khảo cổ đã chứng minh từ nhiều nghìn năm trước đây đã có nền văn hóa gốm Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Đa Bút, gốm Mai Pha, Bầu Trúc Trạch Lạc... Sau đó là Hạ Long, Hoa Lộc... ở phía Nam còn có gốm Biên Hòa, Dầu Dây, Sa Huỳnh, Óc Eo... Cho đến nay, Việt Nam chúng ta vẫn còn những làng nghề gốm truyền thống tiếp tục và phát triển những tinh hoa của dân tộc như Bát Tràng, Thổ Hà, Phủ Lãng, Hương Canh, Biên Hòa... Hàng gốm của những địa phương này ngày nay không chỉ có tiếng ở trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, được khách hàng thế giới ưa chuộng...
Trong kiến trúc truyền thống, nếu nói về gạch gốm hay các chi tiết kiến trúc bằng gốm cũng không kém phần đặc sắc, cũng rất riêng và rất Việt Nam. Nếu nói theo cách nhìn của các nhà thẩm mỹ thời đại "sành điệu" thì chất thô mộc của gốm trong kiến trúc truyền thống Việt Nam là rất tuyệt vời. Chúng sẵn sàng chung sống trong sự phối kết với các vật liệu hiện đại ngày nay, đó là những bức tường gạch trần không trát, kể cả loại gạch phồng gần biến thành sành với các khe mạch của vữa gắn thô sơ vụng về, với những viên gạch Trần to chắc có hoa văn chìm nổi, với ngói mũi hài thật ấn tượng và tinh tế, đến các phù điêu hoa văn, các chất liệu tượng hình con giống trên các đầu đao mái đình, mái chùa... rồi đến ngói lưu ly đặc sắc còn nguyên sự lung linh ở Cung đình Huế... Với những chất liệu này, cùng với những kinh nghiệm truyền thống của ông cha, cần được phát triển một cách toàn diện, dưới nhiều dạng thức khác nhau, sẽ dễ dàng tạo cho kiến trúc Việt Nam một ấn tượng riêng.
Hình ảnh chung kiến trúc đô thị của chúng ta hiện nay là sự hỗn tạp, cập nhật rất nhiều chủng loại vật liệu. Trái ngược với sự rất nhiều này là không tạo nên một ấn tượng gì ngoài sự hỗn tạp khó phân biệt "mùi hương". Trong khung cảnh này rất cần một sự trật tự. Sự trật tự này rất cần cho một xứ sở nóng bức như Việt Nam, cho dù đó chỉ là yêu cầu của tâm lý thị giác. Điều tôi muốn nói ở đây là sự hỗn tạp thiếu trật tự cả về màu sắc, sự cơi nới hình khối, bám bấu của các chi tiết vật dụng trên bề mặt công trình kiến trúc. Khi công trình đã được ốp gạch hoặc giả như mặt bằng nhà kính thì những hiện tượng bám bấu này ít có cơ hội xẩy ra, kể cả về màu sắc đối với gạch, sẽ được chủ công trình cân nhắc kỹ hơn, không dễ dãi như việc sử dụng sơn. Mầu sắc của gạch thường dịu và gần với thiên nhiên. không có mầu quá mạnh và lòe loẹt như mầu của sơn. Cũng chính vì thế mà cảnh quan kiến trúc đô thị được gọn gàng, trật tự hơn - giảm "nóng" hơn.
Còn nếu xét tới một cách khoa học thì gạch gốm được hoàn thiện cho bề mặt công trình kiến trúc ở Việt Nam là rất thích hợp, chúng đạt được khá toàn diện về các ưu thế để chung sống với một môi trường: nắng nóng, mưa nhiều, bụi và rêu mốc làm cho công trình xuống cấp rất nhanh... Tính năng của từng loại gạch được các hãng sản xuất nghiên cứu trong sự đồng bộ về quy trình lắp dựng, nhằm đảm bảo tính chính xác, thẩm mỹ và an toàn trong sử dụng.
Có thể nói, khi sử dụng gạch để ốp trên bề mặt kiến trúc, nhiều người còn e ngại, không tránh khỏi tâm lý sợ gạch bị bong rộp và rơi. Đây là một tâm lý hoàn toàn đúng, bởi lẽ, công trình kiến trúc sẽ không thể chấp nhận được nếu hiện tượng này xảy ra. Song, kỹ thuật chế tạo gạch hiện đại đã rất thành công về vấn đề này. Bí quyết nằm ở việc chế tạo mặt trái của viên gạch, có các rãnh lõm kiểu hàm ếch, đã tạo nên một sự bám dính hoàn hảo giữa gạch và keo gắn kết. Keo gắn gạch cũng phải là loại được nghiên cứu chuyên dụng. Ngay cả ở quốc gia thường hay có động đất như Nhật Bản thì cũng không có hiện tượng gạch ốp ngoại thất bị bong rời, nếu sử dụng gạch đúng quy cách và thi công chuẩn theo tổng kết trên 80 năm của hãng gạch INAX Nhật Bản. Một trong những ưu thế của gạch gốm, nếu được sản xuất theo nguyên lý hoạt động của "Microguard" sẽ có tác dụng tự làm sạch. Đây là một đặc tính rất tốt, hơn hẳn các chất liệu khác trong môi trường có nhiều bụi như hiện nay ở Việt Nam. Nhờ sự hoạt động của silica nên microguard có tính hòa tan nước cao. Bề mặt gạch ốp vì thế dễ tiếp xúc nước hơn các chất bẩn bám dính trên mặt gạch. Khi nước mưa xối vào thì vết bẩn, bụi bám trên bề mặt sẽ bị cuốn trôi đi. Rất tiếc cho đến nay, số công trình được ốp gạch gốm trên bề mặt chưa có nhiều. Tôi hy vọng rằng, các nhà tư vấn và người sử dụng sớm nhận ra điều lợi ích này. Vấn đề giá thành của gạch và lợi ích kinh tế của công trình là việc không dễ tranh luận, bởi vậy, tôi không muốn phân tích thêm về điều này. Với các nhà sản xuất, cũng không nên chỉ tập trung vào sản xuất gạch theo công nghệ thế giới mà cần chú trọng tới việc phát triển các sản phẩm truyền thống, hãy giữ lại những giá trị của chất liệu truyền thống và tạo cho chúng được gia công trong điều kiện công nghệ hiện đại, điều này chắc chắn sẽ làm tăng thêm hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hãy bỏ đi cái quán tính sơ sài, dễ dãi chấp nhận cái nghèo, cái tối thiểu không đủ định nghĩa kiến trúc. Hãy "chơi" kiến trúc, hãy đòi hỏi chất liệu kiến trúc của xứ sở mình như một khát khao của đời sống văn hóa. Hãy bỏ đi cái thứ định mức tự trói chân mình, để rồi cứ suốt ngày bàn về kiến trúc truyền thống một cách vô vọng. Chúng ta hãy hình dung một hình ảnh trên các tuyến phố với vỉa hè, đường đi bộ được lát toàn bằng những gạch nung truyền thống, nhiều ngôi nhà được ốp gốm với nhiều kiểu dáng chất liệu thô mộc, mầu sắc dân gian Việt Nam, xây tường gạch trần, nhiều bức tường thoáng che nắng được tổ hợp bằng gạch gốm thông gió, che mưa hắt... và rất nhiều, rất nhiều những chế tác có nguồn gốc truyền thống của ông cha... sẽ rất ấn tượng đấy! Trong nhiều sự lựa chọn cho kiến trúc nhiệt đới Việt Nam thì sự lựa chọn này cũng xứng đáng lắm đấy, điều quan trọng là chúng có nguồn gốc từ truyền thống Việt Nam.

Nguồn tin: Tạp chí Kiến trúc Việt nam, số 129/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)