Phát huy bản sắc văn hoá địa phương qua khai thác kiến trúc truyền thống

Thứ năm, 06/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việt Nam là một nước đang phát triển. Như một quy luật tất yếu của sự phát triển, mâu thuẫn giữa hiện đại và truyền thống đang ngày càng trở nên gay gắt không chỉ trong lĩnh vực kiến trúc mà còn trong mọi lĩnh vực nghệ thuật, văn hoá khác. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân ngày càng hiện đại hơn. Những nếp sinh hoạt mới tạo ra cho con người cách nghĩ mới có nhiều khác biệt với các quan niệm truyền thống. Những quan điểm sống mới cũng bắt đầu xuất hiện.
Đô thị Việt Nam dần bị cuốn vào dòng xoáy quốc tế hoá. Các công trình kiến trúc mới với những giải pháp công nghệ tiên tiến và hình thức kiến trúc hiện đại quốc tế mọc lên, không khác gì các công trình tại các thành phố lớn khác như Paris hoặc Tokyo. Không thể phủ nhận là việc sử dụng các công trình đó rất tiện nghi. Điều hoà nhiệt độ giữ cho bên trong công trình mát mẻ quanh năm, cửa kính lớn và rèm che đảm bảo điều tiết ánh sáng tự nhiên cho nội thất công trình, những bức tường bê tông cốt thép và các vật liệu trang âm ngăn cách tiếng ồn của đô thị...
Tuy nhiên hiện đại hoá theo hướng quốc tế hoá cũng có những mặt trái của nó. Kiến trúc đô thị ở nước ta trở nên xa lạ bộc lộ nguy cơ mất dần bản sắc văn hoá của chính mình. Vấn đề về giữ gìn và tạo lập bản sắc địa phương trong kiến trúc đã từ lâu là vấn đề được quan tâm của giới kiến trúc không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp các nước trên thế giới.
Trong bài viết, tác giả góp một vài suy nghĩ về sự chi phối của yếu tố tổ chức không gian TCKG kiến trúc đối với thụ cảm của con người và khả năng khai thác các đặc điểm TCKG nhằm phát huy bản sắc văn hoá địa phương.

1. Cảm nhận hay thụ cảm không gian kiến trúc
Con người cảm nhận không thông qua các giác quan. Theo Aristot, các giác quan đó là: Xúc giác, thị giác, khứu giác, thính giác và vị giác. Gibson cũng đưa ra hệ thống năm giác quan nhưng lại phân loại khác: Thị giác, thính giác, hệ thống nếm - ngửi, hệ thống định hướng cơ bản và hệ thống xúc giác: cảm nhận áp suất, nhiệt độ, cảm giác đau và cảm giác về chuyển động. Điểm mới quan trọng đối với các nghiên cứu về cảm nhận không gian trong quan niệm này là việc đưa ra hệ thống định hướng cơ bản, trong đó có cảm nhận về trên - dưới, trước sau hoặc trái - phải.
Dù cảm nhận bằng mắt thị giác là rất quan trọng trong nhận thức về không gian, nhưng không thể thiếu sự hỗ trợ và kết hợp của các giác quan khác nữa.
Bằng thị giác, con người cảm nhận chiều sâu của không gian, qua cách thức mà không gian được giới hạn; những vật ở gần trông rõ và to hơn những vật ở xa. Quy luật thị giác được hình thành một cách bản năng và hỗ trợ việc xây dựng mô hình không gian của những đối tượng được quan sát trong ý thức.
Khi di chuyển trong không gian, con người nghe thấy các âm thanh được phản xạ hoặc hấp thụ bởi các bức tường xung quanh, cho phép nhận thức về không gian cho dù không nhìn thấy những bức tường đó. Âm nhạc cũng có thể ảnh hưởng đến cảm nhận không gian và con người cũng liên hệ những mùi vị nhất định với những địa điểm nhất định.
Các giác quan luôn được tập trung vào một điểm nhất định. Sự chú ý thường được đặt vào những gì nằm ở phía trước; những gì ở lại phía sau biến mất khỏi trực giác. những gì nằm phía bên phải có độ quan trọng khác những gì ở bên trái; những thứ ở trên cao lại có gì đó khác những gì ở dưới thấp.

2. Cảm nhận kiến trúc mang tính chủ quan cá nhân
Di chuyển trong không gian, con người cảm nhận được nền đất mềm hay cứng. Cảm nhận cái lạnh trong nhà thờ khác cái lạnh đều đều của phòng điều hoà nhiệt độ. Nếu hệ thống giác quan của mọi người như nhau thì phải chăng sự cảm nhận về không gian hoặc ấn tượng về không gian kiến trúc là giống nha với cá nhân?
Điều này rõ ràng không đúng. Một không gian nhất định có thể đem lại những phản ứng rất khác nhau đối với mỗi người. Đó là do những cảm nhận trực giác về không gian được tiếp nhận qua nhận thức chủ quan của mỗi người. Thêm nữa, ký ức đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhận thức không gian. Các yếu tố xã hội cũng tác động đến cảm thụ không gian như: truyền thống, văn hoá, đặc tính dân tộc - địa phương tích hợp trong mỗi cá nhân...
Ví dụ: Cảm nhận về không gian một ngôi chùa với mùi hương, mùi hoa đại đem lại những cảm xúc khác nhau giữa người Việt Nam với người nước ngoài cho dù đều có chung các cảm nhận trực giác. Ngôi nhà của bố mẹ, nơi ta từng sống hồi nhỏ đem lại cảm xúc khác với những ngôi nhà khác cùng loại.
Rõ ràng có sự khác nhau trong cảm nhận trực quan về không gian trong mỗi cá nhân dù rằng, các cá nhân có chung một nền tảng văn hoá giáo dục hoặc truyền thống, sẽ có những điểm chung nhất định trong cảm nhận cùng một không gian.
Cảm nhận không gian là kết quả của quá trình tích tụ kinh nghiệm và tổng hợp nhận thức từ hoạt động của tất cả các giác quan và các yếu tố khác như ký ức cá nhân, nền tảng văn hoá, giáo dục. Điều này giải thích vì sao những nền văn hoá khác nhau luôn đòi hỏi các dạng thức không gian kiến trúc tương ứng khác nhau.

3. Tổ chức không gian quyết định cảm nhận kiến trúc
Mỗi không gian trong công trình được tổ chức để thoả mãn một hoặc nhiều chức năng nhất định chúng được sắp xếp, theo một trật tự nhất định gọi là dây chuyền chức năng. TCKG tạo nên môi trường vật chất bao chứa dây chuyền chức năng của công trình. Do vậy hình thái tổ chức không gian là hệ quả tất yếu và là yếu tố có vai trò quan trọng đối với công năng sử dụng của công trình.
Trong một công trình kiến trúc, sự cảm thụ về một không gian không chỉ phụ thuộc vào riêng cấu trúc không gian đó mà còn phụ thuộc vào các không gian lân cận. Mỗi không gian đem lại cho người sử dụng một số cảm nhận trực quan nhất định. Những cảm nhận này mang tính chất tức thời và khách quan, chỉ phụ thuộc vào cấu trúc của bản thân không gian đó.
Khi tiếp xúc một công trình kiến trúc, cảm nhận trực quan về không gian chỉ mang tính tức thời, còn trải nghiệm là xuyên suốt. Điều gì xảy ra khi con người di chuyển từ một không gian sang một không gian khác lân cận? Khi đó, những cảm nhận trực giác về không gian cũ biến mất và được thay thế bằng những cảm nhận về không gian mới. Tuy nhiên ký ức về không gian đã trải nghiệm thì vẫn được duy trì và tác động trực tiếp lên sự trải nghiệm về cấu trúc của các không gian tiếp theo. Tổng thể các trải nghiệm đơn lẻ tạo nên cảm nhận về cả công trình kiến trúc.
Hơn thế nữa, ngay cả khi chưa bước chân vào một không gian, thì quá trình cảm nhận về không gian đã được khởi động, bắt đầu những suy đoán, tưởng tượng và kinh nghiệm có sẵn trong tiềm thức của cá nhân. Sự suy đoán, liên tưởng, ký ức là những mắt xích kết nối các cảm nhận đơn lẻ của con người trong từng không gian.
Chuyển biến tâm lý là yếu tố quan trọng để cảm thụ kiến trúc. Đối với những công trình tôn giáo tín ngưỡng, điều này đặc biệt đúng. Cảm nhận về tinh thần và sự chuyển biến tâm lý chính là mục đích của việc tham dự vào các hoạt động trong các công trình này. Để đến được với cảm xúc về sự huyền bí, hoặc sự kính sợ, mong muốn được che chở bởi những lực lượng siêu nhiên - con người cần được dẫn dắt qua các giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển biến tâm lý nhất định, gắn liền với những hình thức TCKG tương ứng.
Như vậy cấu trúc các không gian trong công trình sẽ quy định trình tự, sự diễn tiến các cảm nhận trong một công trình kiến trúc và do vậy quy định sự cảm nhận cả công trình nói chung.
Mặt khác, sự cảm nhận về tinh thần phần nhiều do chủ quan, do cái gốc văn hoá trong con người đem lại. Như vậy, tổ chức không gian là một hoạt động mang tính yếu tố văn hoá.
Việc khai thác các giá trị văn hoá trong kiến trúc truyền thống không thể không bao gồm khai thác các đặc điểm TCKG kiến trúc.

4. Quan điểm về khai thác các nguyên tắc TCKG truyền thống
Mọi nghiên cứu khoa học xét cho cùng đều nhằm một mục đích thực tiễn cụ thể nào đó để đóng góp cho tương lai. Tuy nhiên tương lai luôn là một ẩn số. Người ta có thể chưa biết cụ thể ngày mai loài người sẽ phát kiến ra điều gì và xây dựng nhà cửa như thế nào, nhưng có thể dự đoán các công trình đó thoả mãn những nhu cầu nhất định, tức là đạt được những giá trị nhất định.
Chắc chắn những giá trị được coi là truyền thống, đã thích ứng và bám rễ được trong nền văn hoá sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong tương lai và chi phối cách nhận thức, đánh giá của chúng ta.
Vận dụng truyền thống không có nghĩa là sao chép hình thức quá khứ, mà là khai thác cái tinh thần, cái kinh nghiệm của dân tộc đã đúc kết trong quá trình lịch sử.
Trong quá khứ, chắc chắn tồn tại những nguyên tắc nhất định để tạo nên những đặc điểm kiến trúc mang những giá trị được coi là truyền thống. Phải chăng những nguyên tắc mới sẽ hình thành trong tương lai để thoả mãn cùng những giá trị truyền thống đó, một phần nào đó có thể chính là sự chuyển hoá của những nguyên tắc cũ?
Hệ thống các nguyên tắc kiến trúc bao gồm trong đó hệ thống các nguyên tắc về TCKG.
Khai thác giá trị truyền thống bằng cách chuyển hoá những nguyên tắc cũ. Bởi TCKG có vai trò quyết định trong sử dụng và cảm nhận kiến trúc, do vậy việc khai thác TCKG nếu thực hiện được sẽ đem lại những hiệu quả trực tiếp đến hiệu quả của kiến trúc.
"Khai thác TCKG" nói chính xác hơn phải là: "Khai thác các nguyên tắc tổ chức không gian". Bởi vì TCKG có tính cá biệt đối với mỗi công trình nhưng những nguyên tắc lại có tính phổ quát.
Kiến trúc Việt Nam vốn dĩ rất giàu bản sắc, đặc biệt dưới góc độ TCKG kiến trúc. Để có thể gìn giữ, vận dụng và khai thác vốn quý đó, cần có những nghiên cứu sâu sắc về các nguyên tắc TCKG kiến trúc truyền thống.
Nếu biết cách chuyển hoá, vận dụng những nguyên tắc truyền thống trong những điều kiện mới thì các kiến trúc sư có thể tạo dựng được những không gian mới, hoàn toàn hiện đại, nhưng vẫn tạo được những giá trị tinh thần mang sắc thái văn hoá truyền thống, đem lại cảm giác gần gũi và sẽ được con người Việt Nam tiếp nhận một cách tự nhiên và bền vững theo thời gian.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 5/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)