Tổ chức thẩm mỹ không gian trống trong các khu ở đô thị

Thứ hai, 03/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổ chức thẩm mỹ không gian trống trong các khu ở đô thị là một nhiệm vụ thiết yếu trong công cuộc phát triển nhà ở đô thị. Đó chính là điều kiện quan trọng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và chất lượng kiến trúc cảnh quan đô thị trong thời kỳ mới.
Không gian trống là không gian bên ngoài công trình, được giới hạn bởi mặt đứng của các công trình kiến trúc, mặt đất, bầu trời và các vật giới hạn không gian khác như: cây xanh, địa hình... Không gian trống trong đô thị nói chung và trong khu ở nói riêng có 3 chức năng chính:
- Cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường khí hậu nhiệt độ, độ ẩm, gió hạn chế bụi trong không khí và giảm độ ồn trong khu ở.
- Tổ chức các hoạt động xã hội và giao lưu cộng đồng như: đi lại, giao tiếp, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thể thao thể dục...
- Đáp ứng nhu cầu văn hoá - thẩm mỹ qua việc thể hiện vẻ đẹp của tổng thể cảnh quan, có ảnh hưởng tích cực tới tâm lý và hành động của con người, cũng như thái độ ứng xử của con người đối với môi trường

Cơ cấu không gian trống: nó được thể hiện qua cơ cấu diện tích trống trong khu ở. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, cơ cấu diện tích trong các khu ở hiện đại bao gồm: diện tích các toà nhà, công trình 20 - 25%. Diện tích đường giao thông và bãi đỗ xe: 20 - 25%; diện tích cây xanh, đường đi dạo, sân chơi và thể dục thể thao 50 - 55%. Theo các tiêu chuẩn nước ngoài, cơ cấu và các chỉ tiêu định hướng thiết kế không gian trống trong khu ở như sau:

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4686.730' />

Hình thái không gian trống

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4686.731' />
Một trong những cơ sở quan trọng và trực tiếp quyết định hình thái không gian trống trong khu ở là cấu trúc quy hoạch khu ở. Việc hình thành các mô hình cấu trúc quy hoạch khu ở theo tuyến phố, theo tiểu khu hay theo ô phố, lô phố... sẽ ảnh hưởng tới sự hình thành không gian trống và sẽ dẫn tới những hình thái cảnh quan đô thị khác nhau. Về nguyên lý, sự hình thành cấu trúc quy hoạch khu ở đương nhiên sẽ dẫn tới sự hình thành các hình thái không gian trống phù hợp, tương ứng. Như vậy, có thể có các hình thái không gian trống kín, hở hoặc kết hợp kín và hở. Việc bố trí không gian trống, phụ thuộc vào các giải pháp bố trí các toà nhà và công trình, có thể theo hàng, dải, theo nhóm, theo cụm, theo tuyến phố, theo ô cờ, theo mạng...

Một số hình thái không gian trống trong các khu ở
- Bố trí nhà ở ít tầng dọc theo các tuyến phố, kết hợp các chức năng ở, kinh doanh, sản xuất, dịch vụ. Bên trong khu ở hay lô phố bố trí các nhà ở nhiều tầng với các công trình giáo dục, y tế, cây xanh. Giao thông bên trong chủ yếu là đi bộ và xe đạp kết hợp xe cơ giới. Các tuyến phố tạo không gian lưu thông liên tục, an toàn, gắn với bãi đỗ xe, cây xanh, nơi nghỉ ngơi giải trí...
- Bố trí nhà ở cao tầng dọc theo trục đường chính bao quanh khu ở, giáp ranh với các khu ở khác, có tầng 1 giành cho các chức năng: thương mại, dịch vụ, văn phòng giao dịch, sản xuất nhỏ-sạch. Bên trong khu ở hay lô phố bố trí nhà ở thấp tầng và các công trình nhà trẻ mẫu giáo, trường học... gắn với hệ thống đường giao thông nội bộ, cây xanh, nơi nghỉ ngơi, giải trí...
- Bố trí các dãy nhà chia lô nhiều tầng dọc theo các tuyến phố chính bao quanh khu ở nhưng không liên tục đảm bảo thông thoáng cho bên trong khu ở. Bên trong khu ở có thể bố trí tiếp các dẫy nhà ở chia lô kết hợp với các công trình phục vụ công cộng, cây xanh, nơi vui chơi giải trí...
- Bố trí nhà ở thấp tầng dọc theo đường phố bao quanh khu ở phía đầu gió và nhà cao tầng ở phía cuối gió, hoặc bổ trí xen kẽ nhà cao tầng và thấp tầng một cách hợp lý để tạo thông thoáng cho bên trong khu ở và tạo không gian thay đổi, biến hoá, gây cảm giác sinh động.
- Bố trí nhà ở trong khu ở theo lô phố, trong lô phố có các ô phố nhỏ, các ô phố tạo thành không gian hở hoặc nửa kín nửa hở, tạo sự liên tục và đa dạng giữa không gian trống ở các ô phố. Các công trình trong các ô phố có thế có độ cao và hình thức khác nhau, tạo nên cảnh quan sinh động cho tổng thể khu phố.

Một số giải pháp tổ chức không gian trống
Xuất phát từ cơ cấu chức năng và hình thái không gian trống, các giải pháp tổ chức không gian trống được quan tâm chủ yếu bắt đầu từ các khu ở tập trung. Mong muốn ở đây là tổ chức không gian trống trong khu ở sao cho phù hợp với những yêu cầu riêng tư của từng gia đình và từng nhóm nhà, với những sân chơi cho trẻ em, nơi thư giãn nghỉ ngơi cho người già, với cây cao, bụi cây, khóm hoa, bãi cỏ... và tạo điều kiện giao lưu thoải mái và đa dạng.
Tính mở và tính cộng đồng của không gian bên trong khu ở cũng được đặc biệt chú ý như: diện tích đường đi, cách bố trí cây xanh thành hàng, nhóm hay tự do... mặt nước, thảm hoa, chỗ nghỉ ngơi và nơi bố trí các tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Trong nhiều khu ở còn bố trí các khu vực giành cho vui chơi giải trí trong thời gian rảnh, trưng bày triển lãm và nhà đợi xe, buồng điện thoại, các biển quảng cáo và thiết bị chiếu sáng công cộng. Đặc biệt có ý nghĩa là việc tạo nên các khu vực vui chơi cho trẻ em và thanh niên, với các loại hình vui chơi đa dạng, phong phú, có quy mô khác nhau cho nhiều lứa tuổi khác nhau.
Trong giải pháp quy hoạch chung, việc tổ chức bãi đỗ xe cho khu ở cần liên hệ chặt chẽ với các trung tâm phục vụ công cộng của khu ở. Việc bảo vệ và tận dụng có hiệu quả các yếu tố cảnh quan thiên nhiên địa hình, cây xanh, mặt nước... kiến trúc nhỏ, tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Màu sắc, ánh sáng... để tổ chức trang trí cảnh quan khu ở cần khai thác các điều kiện và đặc điểm của từng địa phương như: tự nhiên, khí hậu, cảnh quan, truyền thống văn hoá
Trong quy hoạch khu ở, việc đấu nối và liên kết các khối không gian cũng như các đơn nguyên nhà ở để tạo sự liên tục và thay đổi không gian cũng ảnh hưởng tới hình thái không gian trống. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà có thể có các giải pháp: đấu nối giữa các đơn nguyên ở theo đường thẳng, theo đường xiên, theo góc phố hoặc đấu nối các đơn nguyên ở độc lập theo nhóm, theo cụm...
Ngoài ra, giải pháp xác định chiều cao và khoảng cách giữa các toà nhà và công trình cũng là một giải pháp quan trọng về cảnh quan không gian trống.
Cảm thụ về không gian trống phụ thuộc vào tỷ lệ giữa khoảng cách quan sát với chiều cao của công trình đối diện:
- Khi tỷ lệ 1:1 chiều cao công trình/khoảng cách quan sát, góc nhìn là 45o, con người có cảm giác góc nhìn vượt quá giới hạn thị giác 30o
- Khi tỷ lệ 1:2, góc nhìn là 27o, con người có cảm giác không gian được giới hạn trong tầm nhìn lĩnh hội toàn bộ mặt đứng và chi tiết của nó
- Khi tỷ lệ 1:3, góc nhìn là 180, con người có cảm giác không gian mở, có thể nhìn thấy vật thể sau mặt chính cần quan sát.
- Khi tỷ lệ 1:4, góc nhìn là 14o, không gian mất tính chất kín, gây cảm giác trống trải.
Từ đó tuỳ theo chức năng hoạt động của con người trong không gian trống mà có thể vận dụng tỷ lệ 1:1 phù hợp với chiều rộng các ngõ ngách, đường đi bộ; tỷ lệ 1:2 phù hợp với không gian đường phố nhộn nhịp có nhiều hoạt động công cộng; tỷ lệ 1:3 phù hợp với không gian sân vườn, công viên nhỏ; tỷ lệ 1:4 phù hợp với không gian lớn như quảng trường công viên lớn.

Những khu vực cần chú ý giải quyết khi tổ chức không gian trống trong khu ở
- Vùng ranh giới giữa khu ở và đô thị cũng như mối quan hệ giữa các khu chức năng trong đô thị. Giữa khu ở và các khu ở lân cận cũng như các khu chức năng khác của đô thị nói chung vẫn có mối quan hệ thẩm mỹ và cảnh quan hài hoà tương hỗ. Giải pháp thẩm mỹ của không gian trống khu ở không chỉ giới hạn trong khuôn viên khu ở mà là liên tục, từ không gian chuyển tiếp, gắn kết giữa đô thị và khu ở cho đến không gian bên trong khu ở. Vai trò chuyển tiếp này chính là các tuyến đường dẫn đến khu ở và bao quanh khu ở. Việc tổ chức không gian trống ở đây ngoài tác động của các công trình kiến trúc, cần vận dụng các yếu tố khác nhau như:
- Các kiến trúc nhỏ và thiết bị kỹ thuật đô thị trên đường như: cột đèn, buồng điện thoại, nhà chờ xe buýt, trạm xăng, biển báo, quảng cáo... cần có các hình thức đơn giản, hiện đại. Ví dụ: biển báo chỉ dẫn trên hè đường phải có hình dáng gọn gàng, không che khuất tầm nhìn
- Hệ thống cây xanh trên đường: cần chọn loại cây xanh có bóng mát, hoa đẹp, hương thơm dễ chịu như: bằng lăng, móng bò, phượng vĩ... có thể trồng thêm các loại cây cắt xén, mảng hoa, cây cảnh trên các giải phân cách.
- Hệ thống chiếu sáng: bảo đảm chiếu sáng phục vụ giao thông đi lại, chiếu sáng trang trí, tạo điểm nhấn trên đường hoặc biển quảng cáo...

Lối vào chính của khu ở: là khu tiếp cận đầu tiên và là bộ mặt của khu ở tiếp xúc với bên ngoài. Cảnh quan khu vực này cần tổ chức theo bố cục không gian mở, tạo sự liên kết cảnh quan giữa đô thị và khu ở. Ở đây có thể bố trí các vườn hoa công viên nhỏ với tổ hợp cây xanh có hình dáng và màu sắc đa dạng phong phú. Ngoài ra có thể kết hợp hồ nhân tạo, bể cảnh với vòi phun nước, kiến trúc nhỏ, tác phẩm nghệ thuật tạo hình để tạo điểm nhấn. Tại khu vào chính có thể bố trí các công trình phục vụ công cộng để tạo bộ mặt cho khu ở và thuận tiện cho người ở trên đường đi làm hoặc ra vào đô thị.

Khu vực quanh nhà ở: là không gian trống chủ đạo của khu ở. Trên nền hình khối không gian và mặt đứng các toà nhà ở thì cây xanh là yếu tố quan trọng để tạo cảnh quan cho khu vực quanh nhà ở. Ở đây sử dụng các loại cây có hình dáng thanh thoát kết hợp với các loại cây bụi thấp, khóm hoa nằm tiếp giáp nhà ở, tạo sự chuyển tiếp hài hoà với các khu vực trống khác. Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy, một trong những giải pháp để tận dụng tốt hơn không gian trống quanh nhà ở cũng như nâng cao chất lượng không gian trống là việc mở rộng thềm hoặc sân nhà trước hoặc sau ở tầng một và "vườn cho thuê". Nhờ đó ở đây các gia đình có khả năng tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn thông qua một số hoạt động ngoài trời khi thời tiết đẹp như ăn uống nghỉ ngơi, giao tiếp... Ở đó có thể đặt các chậu hoa cây cảnh, ghế ngồi, lều trại, trồng hoa... Còn "vườn thuê" được cho các gia đình thuê để trồng hoa, cây ăn quả và rau. Chúng phần lớn không nằm sát nhà ở và thường không lớn hơn 150m2. Không gian trống quanh các nhà chung cư như vậy sẽ thoả mãn nguyện vọng của nhiều người ở cần một không gian trống gần nơi ở của mình. Mỗi người có thể trang trí khu vực của mình theo ý thích, sở trường, phong cách khác nhau với nhiều hình thái và mầu sắc khác nhau. Qua đó góp phần làm cho không gian trống trong khu ở có cảnh quan sinh động hơn và đẹp hơn.
Khu vực quanh các công trình phục vụ công cộng như: giáo dục, y tế, thương mại, văn hoá, thể thao, ăn uống dịch vụ.... là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu công cộng. Các công trình này thường có hình thức kiến trúc sinh động độc đáo, khác lạ, kết hợp với trang trí màu sắc, ánh sáng, cây xanh, để tạo cảnh quan đẹp, hấp dẫn. Khu vực này thường gắn với lối vào chính của khu ở và các khu nghỉ ngơi thư giãn.

Khu vực nghỉ ngơi ngoài trời: bao gồm khu nghỉ tĩnh và khu nghỉ động. Tại khu nghỉ tĩnh, cần tổ chức đường đi dạo với những điểm nghỉ được bố trí ghế ngồi xen kẽ cây xanh, tạo cảm giác yên tĩnh, dễ chịu thoải mái. Đối với khu nghỉ động là các sân chơi thể thao thể dục, với các trang thiết bị vui chơi giải trí phù hợp với các lứa tuổi khác nhau, tạo không gian sinh động. Khu vực nghỉ ngơi thường tổ chức cây xanh với nhiều hình thức, nhiều màu sắc để lấy bóng mát và tạo cảnh. Ở đây thường được trang bị hệ thống chiếu sáng phục vụ vui chơi vào ban đêm và trang trí, tạo cảnh quan đẹp vào ban ngày. Ngoài ra còn chú ý tới các yếu tố trang trí khác như kiến trúc nhỏ, tác phẩm nghệ thuật tạo hình, để tạo cảnh quan sinh động thoải mái.

Khu vực đường giao thông: bao gồm các trục đường giao thông và sân bãi đỗ xe. Cảnh quan ở đây được tổ chức kết hợp giữa hệ thống cây xanh, chiếu sáng và các kiến trúc nhỏ. Hệ thống cây xanh chủ yếu là cây lấy bóng mát, trồng theo tuyến hay bên vỉa hè. Khu vực từ vỉa hè tới công trình thường trồng bụi cây kết hợp các thảm cỏ, có tác dụng trang trí, không che khuất ánh sáng và cản trở thông gió cho nhà ở. Hệ thống chiếu sáng phân bố đều trên các đường giao thông và phục vụ trang trí. Đối với các đường đi bộ, đi dạo, hệ thống chiếu sáng tập trung tại các điểm nhấn như; chỗ nghỉ, nơi có các kiến trúc nhỏ, các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, hoặc các biển báo chỉ dẫn trên đường.

Mặt đứng tổng thể khu ở: Chính là phông nền của không gian trống, được tạo thành bởi mặt đứng các toà nhà ở, các công trình phục vụ công cộng, hệ thống cây xanh và các yếu tố cảnh quan khác trong khu ở. Mặt đứng tổng thể khu ở có thể nhìn từ nhiều hướng khác nhau. Trên mặt đứng tổng thể, mặt đứng các nhà ở đóng vai trò chủ đạo vì vậy việc sử dụng nhiều kiểu loại, nhiều mẫu nhà ở khác nhau trong khu ở rất có ý nghĩa, làm cho cảnh quan khu ở không đơn điệu, buồn tẻ. Các công trình công cộng với hình khối đa dạng, khác lạ có thể tạo điểm nhấn trên mặt đứng tổng thể. Ngoài ra các yếu tố cây xanh, tổ hợp màu sắc, chiếu sáng, kiến trúc nhỏ... sẽ giúp liên kết, hài hoà để tạo nên cảnh quan sinh động, hoà nhập con người với thiên nhiên.
Kinh nghiệm phát triển cho thấy, việc làm kế hoạch và tổ chức không gian trống cần phải gắn với những yêu cầu và phương thức sống luôn luôn thay đổi của người dân, trên cơ sở những truyền thống văn hoá và thành tựu phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Việc chuẩn bị và thực hiện các giải pháp tổ chức không gian trống để tạo lập cảnh quan đẹp, phù hợp với môi trường ở văn minh, hiện địa cũng đòi hỏi những chi phí tốn kém. Và cuối cùng một trong những biện pháp có thể tổ chức thẩm mỹ không gian trống trong các khu ở đô thị có hiệu quả là phải thu hút được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng trong quá trình xây dựng, sử dụng, chăm sóc và bảo quản các công trình kiến trúc, cây xanh, và các yếu tố cảnh quan khác trong không gian trống.

Tác giả: GS. TSKH Ngô Thế Thi
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 2/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)