Những điều kiện để có một thành phố trong sạch

Thứ hai, 03/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việc xây dựng một hệ thống qui hoạch, quản lý đô thị liên ngành, chặt chẽ và sự tham gia tích cực, tự giác, có tổ chức của cộng đồng cư dân đô thị là 2 mặt không thể tách rời trong quá trình xây dựng một đô thị lành mạnh ở nước ta. Nhận thức đầy đủ về vai trò của 2 yếu tố này để từ đó có được những chính sách phù hợp và những giải pháp hợp lý cho việc xây dựng đô thị lành mạnh ở Việt Nam là một việc cần làm đối với các cơ quan chức năng.
Hòa nhập với qui luật phát triển của nhân loại, đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự phát triển nhanh chóng từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kéo theo quá trình này là sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị. Theo dự báo thì đến năm 2020 sẽ có tới 40% dân số Việt Nam sống trong đô thị. Như vậy, có thể thấy rõ ở Việt Nam trong một tương lai gần, các đô thị cũ sẽ ngày càng phát triển, mở rộng. Đồng thời, một loạt các đô thị mới sẽ ra đời. Sự phát triển nhanh chóng các đô thị ở Việt Nam sẽ đặt ra những thách thức mới: Làm thế nào để các đô thị của chúng ta phát triển nhưng phải là đô thị lành mạnh? Với mục tiêu đặt ra là phát triển vì lợi ích của nhân dân, vì con người chứ không phải chỉ để đạt được những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Không còn con đường nào khác, chúng ta cần lựa chọn kiểu phát triển đô thị bền vững, phát triển đô thị lành mạnh ngay từ khi ý tưởng mở mang và phát triển đô thị đang còn trên kế hoạch. Chúng ta càng không thể đô thị hóa theo kiểu xô bồ, ồ ạt chỉ chạy theo lợi nhuận rồi để lại những hậu quả nặng nề khó khắc phục về mặt môi trường cũng như xã hội mà nhiều nước công nghiệp phát triển đã vấp phải.
Để tiến tới xây dựng một hệ thống đô thị lành mạnh ở Việt Nam, không thể không chú ý tới vai trò nổi bật của hai nhân tố vô cùng quan trọng có tính quyết định:
Một là: Cần có một hệ thống qui hoạch, quản lý đô thị liên ngành chặt chẽ, khoa học và có hiệu lực cao.
Hai là: Sự tham gia tích cực, tự giác và có tổ chức của cộng đồng cư dân đô thị và của toàn dân vào xây dựng đô thị lành mạnh.
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu vai trò của các nhân tố này trong việc tổ chức xây dựng các đô thị lành mạnh, chúng ta hãy cùng nhìn lại các đặc trưng của đô thị Việt Nam và đôi nét về lịch sử hình thành, phát triển của nó vì khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ tìm ra được các hạn chế cũng như các yếu tố tích cực để xây dựng các đô thị lành mạnh của đất nước ta.
Ở Việt Nam đã có những đô thị được hình thành từ rất lâu đời. Điển hình hơn cả là thủ đô Hà Nội với lịch sử ngót ngàn năm văn hiến; Huế cũng đã được xây dựng từ thời Nguyễn; phố cổ Hội An đã phồn thịnh từ nhiều thế kỷ trước. Sài Gòn, Đà Nẵng được hình thành và phát triển từ khi Pháp can thiệp vào nước ta và mở rộng trong thời kỳ chiến tranh. Tuy các thành phố này đã có từ rất lâu đời nhưng thực ra, trước khi có những kế hoạch phát triển khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương thì các đô thị này vẫn mang tính chất đô thị kiểu phong kiến á đông. Đô thị lúc ấy chỉ là những nơi giao lưu buôn bán sầm uất, tấp nập, nửa đô thị, nửa nông thôn chứ chưa có những hệ thống dịch vụ, quản lý thực sự mang tính chất đô thị như hệ cung cấp nước, hệ thu gom rác và vệ sinh môi trường, hệ giao thông công cộng mà ngày nay đô thị nào cũng phải có...
Nhìn chung, các đô thị ở Việt Nam được phát triển muộn, lúc đầu được xây dựng nhằm phục vụ quyền lợi cho khai thác thuộc địa của chủ nghĩa tư bản Pháp nên nó phân ra thành những khu vực sang trọng phục vụ cho tầng lớp thống trị người Pháp và những khu tồi tàn, lạc hậu dành cho những người buôn bán nhỏ và nhân dân lao động bản xứ. Kiểu đô thị nửa văn minh nửa lạc hậu này không thể được coi là đô thị lành mạnh được và nó đã tồn tại và kéo dài ở Việt Nam trong ngót 1 thế kỷ.
Tiếp theo thời kỳ này là giai đoạn kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, bộ mặt các đô thị ở Việt Nam có những biến đổi theo những chiều hướng không bình thường so với sự phát triển theo qui luật vốn có ở các nước hòa bình và ổn định khác. Ảnh hưởng của chiến tranh kéo dài đã làm cho các đô thị ở cả hai miền Nam Bắc phát triển theo những chiều hướng bất thường khác nhau. Các đô thị miền Bắc sau giải phóng năm 1954 được tiếp quản từ tay người Pháp với một đội ngũ quản lý đô thị hầu như chưa có kinh nghiệm cùng với một quá trình xáo trộn dân cư lớn. Nhiều cán bộ xuất thân từ nông thôn cùng gia đình kéo về sống ở đô thị. Đó là những tầng lớp nhân dân có tinh thần cách mạng cao nhưng lại quen với lối sống nông thôn. Nhiều người chưa hề được sống ở đô thị bao giờ. Những cư dân đô thị mới này cùng với những người dân đô thị lâu đời ở các thành phố mới giải phóng có một ý thức cộng đồng rất cao. Họ sẵn sàng hưởng ứng một cách triệt để vô điều kiện các phong trào mà các cấp quản lý đô thị lúc đó kêu gọi như phong trào toàn dân dọn dẹp cống rãnh lưu cữu hàng chục năm, tổng vệ sinh cuối tuần, diệt ruồi muỗi, lấp bãi rác xây dựng công viên... trong những năm 50, 60 của thế kỷ. Thời kỳ này nhiều lối sống nông thôn cũng nhanh chóng được du nhập vào đô thị.
Trong chiến tranh chống Mỹ, người dân các đô thị miền Bắc phải sơ tán, việc xây dựng, chỉnh trang đô thị hầu như bị lơi lỏng trong thời gian dài. Thời kinh tế bao cấp quan liêu, người ta tập trung vào quản lý hộ khẩu với một hệ thống phân phối bao cấp là chính, việc xây dựng một đô thị lành mạnh lúc này tuy có nhắc đến như một số phong trào nhưng cũng mang nặng tính hình thức, chưa có tác dụng lớn. Cũng do chính sách quản lý hộ khẩu chặt chẽ kết hợp với kinh tế bao cấp thông qua tem phiếu nên số dân nhập cư vào các đô thị cũng rất hạn chế.
ở miền Nam, trong suốt thời kỳ chiến tranh, với chính sách dồn dân về các đô thị để kiểm soát nông thôn và đánh phá vùng giải phóng, các đô thị ở đây đã phát triển ồ ạt, không kiểm soát được. Dân từ nông thôn kéo vào làm đô thị phình ra rất nhanh. Nhiều khu ổ chuột, bãi thải xuất hiện quanh đô thị và các căn cứ quân sự. Một bộ máy cai quản đô thị kiểu nhà binh cùng với lối sống thác loạn, bất ổn của chiến tranh đã gây nên nhiều hậu quả cho đô thị mà sau này để cải tạo những đô thị ấy trở thành đô thị lành mạnh cũng không phải dễ.
Sau giải phóng 1975, cũng giống như ở miền Bắc trước đây, hầu hết các đô thị ở miền Nam lại có một đợt biến động lớn. Nhiều cán bộ chính trị, quân đội được cử ra quản lý đô thị nhưng không có mấy kinh nghiệm trong quản lý hoặc chưa từng quản lý đô thị bao giờ. Nhiều xáo động dân cư giữa hai miền và giữa các vùng xẩy ra trong mọi đô thị khiến cho các đô thị ở miền Nam lại một lần nữa bị xáo lộn ghê gớm.
Từ khi nền kinh tế thị trường xuất hiện do chính sách đổi mới, nhiều năm trở lại đây, sự bùng nổ của các đô thị ở Việt Nam mới thực sự được thấy rõ. Chính sách quản lý dân nhập cư, quản lý hộ khẩu đã có thay đổi, chế độ tem phiếu bao cấp bị xóa bỏ đã tạo nên một làn sóng di cư vào sống ở đô thị ngày càng đông tạo nên sự quá tải về nhiều mặt. Sự bùng nổ đô thị này lại là một thách thức mới cho các đô thị ở Việt Nam. Nhiều đô thị cũ được mở mang. Các vùng xưa là nông thôn nay đã được mở rộng và sáp nhập vào đô thị. Những đô thị mới được hình thành tự phát hoặc có kế hoạch xây dựng dần dần xuất hiện. Ngày càng có nhiều cư dân từ nông thôn và các vùng khác ồ ạt kéo về sinh sống trong đô thị theo mọi hình thức. Giao lưu quốc tế, du lịch được mở rộng, nhiều lối sống mới, tập quán đô thị mới và phương tiện dịch vụ mới xuất hiện trong đô thị.
Trong khi đó thì hệ thống pháp luật, pháp chế quản lý đô thị của ta chưa được hoàn chỉnh và củng cố. Luật pháp chưa được triệt để tuân thủ. Quản lý đô thị còn chồng chéo, chưa phân công phân nhiệm đầy đủ, rõ ràng. Trình độ quản lý đô thị của nhiều cán bộ còn thấp. Nhiều người được cử ra làm công tác quản lý nhưng lại không được đào tạo chuyên môn quản lý...
Các tổ chức tham gia, thực hiện đời sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư đô thị chưa được chú trọng. Ý thức thị dân và nếp sống đô thị chưa được hình thành trong mỗi công dân và mỗi gia đình, khu phố... đã làm cho việc xây dựng các đô thị lành mạnh của chúng ta gặp nhiều khó khăn.
Thực tế lịch sử trên cho thấy để xây dựng các đô thị lành mạnh ở Việt Nam, chúng ta cần khắc phục rất nhiều khó khăn do lịch sử để lại và cần có những giải pháp riêng để hạn chế và khắc phục những khó khăn ấy.

1. Xây dựng một hệ thống qui hoạch, quản lý liên ngành chặt chẽ, khoa học và có hiệu lực cao

Để thực hiện bất cứ một công việc quản lý nào từ đơn giản đến phức tạp ở đô thị cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành. Chỉ nêu một thí dụ hết sức đơn giản như việc quản lý giao thông của thành phố đã đòi hỏi phải có sự tham gia quản lý liên ngành rất phức tạp.
Để xây dựng và quản lý một tuyến đường, ta cần nghiên cứu và tiến hành nhiều thủ tục, luật lệ... Trước hết muốn xây dựng một con đường trong đô thị, cần có dự án, có tiền qui hoạch, thiết kế đô thị, kế hoạch đầu tư, tài chính; di dời nhà cửa, đền bù các cấp chính quyền, tài chính, văn hóa xã hội ...; quản lý đường bộ, luật giao thông, nạn lấn chiếm vỉa hè lòng đường, đào đường đặt các hệ thống điện, điện thoại, nước, cống rãnh, chiếu sáng đô thị... công an, quản lý giao thông, luật pháp, giao thông công chính, điện lực, bưu điện, y tế...; quản lý phương tiện đi lại chống ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm... Bộ Thương mại, Bộ Công an, Bộ Giao thông, Bộ Y tế....
Còn rất nhiều ví dụ cho thấy bất cứ một hoạt động nào xảy ra ở đô thị cũng đều có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành. Sự tham gia liên ngành là cần thiết nhưng cũng có trường hợp do có quá nhiều cơ quan có quyền lực trong quản lý một vấn đề của đô thị nên đã dẫn đến tình trạng chồng chéo lên nhau khiến cho việc quản lý đô thị kém hiệu quả. Điển hình như việc quản lý cấp phép xây dựng. Nếu quản lý quá chặt sẽ gây khó khăn cho tốc độ xây dựng nhưng nếu quản lý lỏng lẻo sẽ dẫn đến việc xây dựng bừa bãi vô lối làm phá vỡ đô thị và gây ra những hậu quả xấu.
Việc gia tăng đột biến lượng xe máy ở các thành phố hiện nay là do Bộ thương mại cho phép nhập cảnh ồ ạt và Bộ công an cấp phép lưu hành nhưng chúng ta lại không lường trước đến khả năng có hạn của đường sá đô thị, không tính đến độ ô nhiễm không khí, bụi và tiếng ồn, khả năng gia tăng tai nạn... do lượng xe máy quá tải gây nên. Nếu như chúng ta có một sự phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các bộ chủ quản, các cơ quan tư vấn và quản lý trong một cơ chế luật pháp chặt chẽ và ràng buộc lẫn nhau thì những khiếm khuyết đáng tiếc kể trên có thể sẽ không xảy ra.
Để xây dựng một đô thị lành mạnh, rõ ràng là không thể không rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý đô thị hiện có trong mỗi đô thị để tìm ra những bất cập trong quản lý hiện thời, những điều phát sinh mà thực tế phát triển đô thị đặt ra đòi hỏi có sự thay đổi trong quản lý. Cần phải thể chế hóa và dân chủ hóa trong quản lý đô thị bằng những cơ chế luật pháp chặt chẽ và có sự thanh sát của nhiều cơ quan liên ngành và của toàn dân. Những điều nêu trên thực sự là một nhu cầu bức thiết để tiến tới một hệ quản lý hữu hiệu cho một đô thị lành mạnh.
Bởi vậy, là những người ủng hộ, tổ chức và tham gia cuộc vận động xây dựng những đô thị lành mạnh mà Tổ chức y tế thế giới WHO đã khởi xướng và đã được hàng trăm thành phố trên thế giới ủng hộ theo nội dung: "Thành phố lành mạnh là một thành phố không ngừng tạo mới và cải thiện các môi trường tự nhiên và xã hội và giúp cho mọi người có thể hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động sống và phát huy được tối đa những tiềm năng của họ để nâng cao sức khỏe", ở đây chúng tôi kêu gọi các cấp các ngành, vì một mục tiêu chung hãy cùng nhau xem xét lại hệ thống quản lý đô thị của chúng ta để không ngừng cải tiến phù hợp với đòi hỏi của một đô thị lành mạnh, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người.
Để thực hiện được điều này, chúng tôi thấy nên xây dựng một tổ chức liên bộ, liên ngành để cùng nhau tham gia xây dựng các chủ trương, biện pháp hữu hiệu và khoa học nhằm tăng cường hiệu lực quản lý đô thị tiến tới hoàn thiện các hệ thống quản lý đô thị của Việt Nam theo mục tiêu phấn đấu "Tất cả các đô thị của chúng ta phải được lành mạnh".

2. Sự tham gia tích cực, tự giác và có tổ chức của cộng đồng cư dân đô thị và của toàn dân

Đô thị của chúng ta là đô thị của chung toàn dân. Trước hết, phải thấy rõ đô thị được hình thành, mở mang và phát triển là vì những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nước ta là nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa nên mọi đô thị đều thuộc sở hữu của toàn dân và mục tiêu xây dựng đô thị cũng là để phục vụ cho lợi ích của nhân dân lao động. Do vậy, vai trò của người dân trong việc tham gia xây dựng và quản lý đô thị là vô cùng quan trọng. Cho dù chúng ta có một hệ thống quản lý đô thị lành mạnh rất có năng lực và có một hệ thống luật pháp rất chặt chẽ, các biện pháp và phương tiện quản lý đô thị thật sự khoa học và hữu hiệu nhưng chúng ta không có được sự ủng hộ và tự giác tham gia thực hiện kỷ cương đô thị của cộng đồng thì mọi hệ thống quản lý dù có tốt đến mấy cũng khó có thể thành công được.
Người dân sống lâu dài trong đô thị cũng như những người không thường xuyên sống trong đô thị đều có những quyền lợi chung và đều có trách nhiệm xây dựng đô thị và tuân thủ những nguyên tắc do đô thị đặt ra.
Trước hết, những cư dân sống trong đô thị là những người có quyền lợi trực tiếp gắn liền với cuộc sống đô thị và bản thân mỗi người đều phải có được nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi của họ đối với việc xây dựng một đô thị lành mạnh.
Thực tế cho thấy, ngay ở thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố khác, chúng ta đã cố gắng tổ chức những đội công nhân chuyên nghiệp dọn vệ sinh, đầu tư nhiều tiền của để làm những thùng rác công cộng, nhà vệ sinh công cộng... Thế nhưng người ta vẫn xả rác và phóng uế khắp nơi. Trong những khu tập thể, nhà cao tầng... việc xả rác, nước thải từ tầng trên xuống tầng dưới, từ khu này đổ sang khu khác vẫn thường xuyên xảy ra. Cống rãnh ứ tắc mà nhà nọ đùn đẩy trách nhiệm sang nhà kia, không ai chịu dọn. Ra đường, đèn đỏ vẫn cứ vượt qua, nạn lạng lách, đua xe máy giữa phố đông vẫn tồn tại... Nếu như mỗi người dân đô thị đều ý thức được những gì mình phải tuân thủ và tuyệt đối tuân thủ thì những tồn tại tiêu cực trên sẽ chấm dứt.
Tính tự giác cao của mỗi cư dân sống trong đô thị là một thước đo của một đô thị lành mạnh. Chúng tôi không nghĩ rằng một thành phố đi đâu cũng thấy bóng cảnh sát, hễ vi phạm một điều dù rất nhỏ trong qui tắc đô thị đều bị phạt rất nặng... là thành phố lành mạnh. Dẫu rằng sự tăng cường kiểm soát bởi các cơ quan thi hành luật là rất quan trọng nhưng sự tự giác chấp hành mọi qui tắc đô thị và ý thức tuân thủ pháp luật có một vai trò còn quan trọng hơn nhiều giúp cho kỷ cương đô thị được giữ vững.
Để giúp cho cộng đồng có khả năng phát huy được tính tự giác, tích cực trong việc tham gia xây dựng thành phố lành mạnh, chúng tôi thấy cần hỗ trợ để tăng cường một số hoạt động cần thiết như đưa nội dung giáo dục thành phố lành mạnh vào nhà trường và các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là một nội dung rất quan trọng vì có nhiều người tuy sống trong đô thị nhưng vì không được hướng dẫn, giáo dục nên họ không có được những nhận thức cần thiết về lối sống đô thị. Nhiều người từ nông thôn vào đô thị hoặc khách vãng lai không có kiến thức và kinh nghiệm sống ở đô thị sẽ có thể tạo nên những hành vi sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến trật tự của một đô thị lành mạnh. Trẻ em cắp sách đến trường ngay từ ngày đầu đã phải có sự quan tâm giáo dục hết sức tỷ mỉ về trách nhiệm công dân trong đô thị. Điều này không những cần thiết cho một thế hệ tương lai, cho sự phát triển đô thị bền vững mà còn trực tiếp tác động lên chính sự tồn tại an toàn và lành mạnh của bản thân các em và gia đình. Vấn đề là nội dung tuyên truyền giáo dục nếp sống đô thị trong cộng đồng cần phải được thực hiện thường xuyên và luôn cải tiến cho phù hợp với mọi đối tượng, mọi thời điểm, tránh lối tuyên truyền, cổ động chung chung vừa kém hiệu quả vừa tốn kém tiền bạc.
Bên cạnh đó phải vận động các đoàn thể, tổ chức quần chúng tham gia tích cực vào phong trào xây dựng thành phố lành mạnh, quản lý giữ gìn đô thị trong từng cộng đồng. Các tổ chức đoàn thể, các hội nghề nghiệp và quần chúng, các tổ chức phi chính phủ sẽ phát huy vai trò tích cực của mình trong việc hướng cộng đồng dân cư các đô thị cùng chung sức xây dựng một đô thị lành mạnh.
Một ví dụ khá rõ ở Hà Nội là nếu như không có sự lên tiếng của Hội sử học, không có các kiến nghị của các nhà khoa học và nhiều người dân Hà Nội cũng như nhiều người yêu Hà Nội từ khắp nơi lên tiếng thì người ta đã xây xong Khách sạn Hà Nội vàng "nuốt chửng" cả hồ Hoàn Kiếm - viên ngọc của Thủ đô.
Ý thức cộng đồng của các cư dân tạm trú hoặc những nhóm người nhập cư cũng là điều cần phải quan tâm. Thông thường thì ở đô thị nào cũng vậy, do sự phát triển mở mang, do tính hấp dẫn của đô thị nên luôn luôn có một làn sóng dân nhập cư kéo vào sinh sống theo thời vụ, tạm thời, đi tham quan, du lịch hoặc có ý định di cư và định cư lâu dài tại đấy. Những nhóm người này thường đem vào đô thị nhiều phong cách sống, nhiều lối ứng xử không phù hợp với đô thị, thậm chí cả những tật xấu từ những vùng khác tới và không ít hành động có tác động xấu đến một đô thị lành mạnh. Trong qui luật phát triển của mọi đô thị, không thể có một đô thị khép kín và việc quản lý đô thị cũng không thể cứng nhắc chỉ dựa trên số dân đã có trong sổ đăng ký chính thức là thị dân. Việc quan tâm vận động và tổ chức các cộng đồng dân cư mở, không cố định này tham gia vào xây dựng và tuân thủ một nếp sống đô thị lành mạnh cũng là một điều không thể thiếu. Nếu bỏ qua những cộng đồng cư dân nhập cư này thì chắc chắn mọi kế hoạch lành mạnh hóa đô thị sẽ không bao giờ thực hiện được.
Chúng tôi nghĩ rằng cả hai yếu tố được nêu lên trong bài viết này là hai mặt không thể tách rời trong việc xây dựng một đô thị lành mạnh. Tin rằng với một nhận thức đầy đủ hơn về vai trò quan trọng của hai nhân tố đó sẽ giúp chúng ta có được sự quan tâm đầy đủ, đúng mức của công tác quản lý đô thị nhìn từ hai phía: Những người lãnh đạo và cộng đồng cư dân của mỗi đô thị, từ đó có được những chính sách phù hợp và các giải pháp khoa học, hữu hiệu, hợp lý hợp tình để mọi đô thị trên đất nước ta ngày càng trở nên lành mạnh hơn nữa.

Nguồn tin: T/C Kiến trúc, số 5/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)