Mái nhà Hà Nội

Thứ tư, 05/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cập nhật 9:8, GMT+7 3/7/2006 Hà Nội có khu 36 phố phường là di sản cần gìn giữ. Không gian cổ kính nhấp nhô sóng mái mang dấu ấn quá khứ buổi đầu hình thành đô thị, mất đi không thể có nữa. Một trong những vẻ đẹp vô giá là ở những mái úp nhỏ bé, rêu phong nhấp nhô sóng mái quyến rũ, đi vào lòng cái hồn cổ kính như tỏa lên từ những lô xô đậm dấu thời gian.

Mái kiến trúc cổ, một nét đẹp của Hà Nội

Hãy thử từ một điểm cao nào đó, nhìn ngắm tầng tầng sóng mái lô xô của Hà Nội xưa. Thử tước bỏ những gì mới xen cấy, chèn ép thêm, có phải những sóng mái ấy cứ tự nhiên mà thành nhịp, thành điệu, chẳng do một nét bút quy hoạch nào, vậy mà uyển chuyển, thấm vào lòng người.

Vào những năm 20-30 của thế kỷ trước, ra đời một loạt các kiến trúc mà ngày nay chúng ta gọi là phong cách Đông Dương. Nổi bật của phong cách này là hệ thống mái ngói dốc nghiêng.

Thử lấy một tác phẩm được thử thách qua gần 3/4 thế kỷ, công trình Bộ Ngoại giao hiện nay trên đường Điện Biên Phủ Hà Nội mà tác giả chính là Ernets Hebrart, kiến trúc sư người Pháp rất có công với kiến trúc, văn hóa Việt Nam. Công trình 2 tầng và tầng hầm có hệ thống mái ngói phong phú: mái bát giác trên các tháp, nhô lên trên mái lớn thân nhà. Mái nhỏ trên cửa mái, trên cửa sổ tầng 2, mái đầu hồi, các mái hắt nhỏ, mái chồng diêm thông gió tốt, tránh mưa tránh nắng, cản nhiệt cao... kết hợp khéo léo thích dụng và thẩm mỹ. Rất Việt Nam.

Cùng với đổi mới, kiến trúc bung ra, cái mái dốc lại có chỗ đứng. Nhà thấp tầng, nhà cao tầng, nhà ở riêng lẻ, công thự quốc gia. Mái ngói dốc nghiêng chen nhau xuất hiện. Chỗ thì điểm xuyết thanh thản ung dung, chỗ thì tầng tầng lớp lớp, chen vai thích cánh. Ngói đất nung thô sơ trên bộ kèo gỗ đã nhường chỗ cho phần lớn là bê tông cốt thép. Thường thì ngói Tây bằng đất nung, sang hơn thì ngói giếng đáy hình vẩy cá, thậm chí cả lưu ly men gốm. Độ dốc không còn theo một khuôn khổ quen thuộc, chỉ hơi chênh chếch làm duyên mà cứ úp chụp như chiếc nón và cả như là dựng đứng. Hệ thống mái dốc nghiêng, nhanh chóng đi vào lòng người, không chỉ công trình thấp tầng, mà cả mấy chục tầng. Có tới hơn nửa số lượng tác phẩm được giải thưởng kiến trúc là có mái dốc nghiêng kể cả là chung cư cao tầng. Một khách sạn do chính người Pháp thiết kế tại vùng núi phía Bắc cũng có mái ngói được giải thưởng kiến trúc 1998.

Khắp không gian Hà Nội, từ ngõ nhỏ chật hẹp đến đại lộ mới mở, từ quận Hoàn Kiếm đông đúc đến Nhật Tân rực đỏ hoa đào, Võng Thị mênh mông bát ngát Hồ Tây, mái ngói các kiểu ngày nối ngày đua nhau bùng nổ. Thôi thì đủ cả, thế giới có gì ta có nấy.

Có thể kể vài thí dụ bắt chước rất kệch cỡm. Mái vòm thấp khum khum cái lớn cái nhỏ trên nóc Nhà hát Lớn, cũng được vài ba ông chủ bê nguyên dạng vào ngôi nhà ở của mình. Góc tường Phan Chu Trinh - Trần Hưng Đạo đang là thí dụ sáng giá. Kia là nhịp điệu cổ kính có vòm mái lớn có vòm mái nhỏ, đây chỉ là một vài vòm tháp lạc lõng.

Ngay các nước sát cạnh ta, vốn xưa gọi là Xứ Đông Dương vẫn không ít mái dốc nghiêng với những đặc điểm mà chỉ thoáng qua đã thấy ngay văn hóa truyền thống Campuchia, Lào.

Mái nhà Việt Nam xưa, nhìn từ mặt chính ta thấy rẻo mái dốc thẳng lên từ mái chính và gặp bờ nóc, ta thấy rẻo mái dốc thẳng, sau chếch sang nhập với mái hồi. Nhìn từ đầu hồi nhà thấy một tam giác tạo bởi hai đường rẻo mái và đường nằm ngang của mái hồi. Tam giác này gọi là vỉ ruồi, vì nó giống cái vỉ đập ruồi. Văn hóa Việt Nam, cấm kỵ tam giác này quay thẳng ra mặt chính. Tiếc thay, nhiều công trình cứ cho cái tam giác này phơi ra mặt chính nhà, đập thẳng vào mắt mọi người. Rất dung tục! Cũng đừng dại dột đưa mái củ hành, đặc trưng Hồi giáo, chỉ là phô trương lạc lõng, chứ không thể gọi là độc đáo!

Mái nhà trước hết để che mưa, chắn nắng, chống nóng, cản lạnh, không thể chơi mái như trò chơi điện tử!

Những tam cấp cửu trùng đài như mấy công trình mới xây ở Hà Nội: Nhà UBND quận Ba Đình Liễu Giai, nhà chiếu bóng Quốc gia, Tổng công ty thép Việt Nam Láng Hạ... Khiến người ta choáng ngợp về những bậc lên đồ sộ, khó có thể gắn vào cái mái duyên dáng Việt Nam. Đưa cái mái ngói nghiêng nghiêng ấy vào nhà cao tầng có thể ví như mặc quần Tây, đội khăn xếp.

Ngày nay xây nhà cao tầng và sắp tới sẽ chọc trời thường là 40 tầng trở lên có mái bằng, có mái dốc, nghĩ chẳng thể áp đặt. KTS Nguyễn Thanh Sơn đã đề nghị, khi tìm hình thức cho mái nhà, không chỉ quan hệ mật thiết với mặt đứng, phong cách kiến trúc, vật liệu, kết cấu... không thể quên tầm nhìn, cảnh quan khu vực, nhịp điệu đường phố, kiến trúc đô thị phô diễn hình khối, vật liệu.

Cũng có kiến trúc sư đề nghị, mái nhà không còn chỉ đơn thuần là cái mái. Có thể tổ chức trên mái nơi sinh hoạt câu lạc bộ, trồng cây, nuôi động vật nhỏ, tạo nên môi trường giao tiếp, cải thiện điều kiện sinh thái, hòa vào thiên nhiên, không nên bỏ phí không gian này.

Nói đến mái nhà Việt Nam - như một biểu tượng văn hóa truyền thống, nên nói chút ít đến đặc điểm mái cong. Mái lợp ngói dốc nghiêng nghiêng, nơi 2 mái tiếp giáp nhau, rẻo mái ấy cong hớt lên ở diềm mái, gọi là Đầu đao lá mái. Cố kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện gọi bằng thuật ngữ Nở hoa đào.

Truyền thống không phải là di tích của quá khứ hay là biểu hiện nào đó do ta tự sáng tạo ra, mà phải được sàng lọc, thử thách lâu dài, nói cách khác được các thế hệ chắt lọc... Bộ mái nhà đã được ông cha ta chọn lựa và chúng ta tiếp tục lựa chọn, tuân theo trí tuệ và gắn liền với đời sống - Chỉ chọn lựa những gì tốt nhất, đẹp nhất, đồng nghĩa với cái đã được ông cha chọn lựa và tiếp tục đúng với cái mà chúng ta đang chọn lựa. Thiếu tính toán, thích chơi trội, chọn lựa sai lầm đều có thể trở thành lực cản, kìm hãm, làm chệch hướng phát triển, cho nên hãy thận trọng.

Không ít thí dụ kiến trúc sư chơi mái chồng chất mái lớn, nhỏ, cao thấp, tròn dài... như học đòi nghệ thuật xếp đặt.

Kiến trúc phương Tây và cả ở Việt Nam hiện nay rất quan tâm đến mặt chính nhà, nhưng kiến trúc Việt Nam lại hầu như không có khái niệm này. Yếu tố tạo hình quyết định tới hình thức kiến trúc chính là bộ mái.
Không chỉ giải quyết tốt sinh thái, khí hậu ngôi nhà, còn kết tinh thẩm mỹ: Cái thần của kiến trúc cổ Việt Nam là ở mái. Đỉnh cao, cái hợp lý, cái đẹp của kiến trúc cổ Việt Nam nằm ngay bên trong các thể loại mái.

Cho nên, tất yếu với kiến trúc hiện đại Việt Nam phải dày công nghiên cứu, thể nghiệm để bằng vật liệu mới, cách nhìn mới, bộ mái có vị thế xứng đáng. Thực ra, thế hệ cha anh chúng ta đã có cách ứng xử rất văn hóa. Tuy nhiên, thời kỳ ấy chúng ta xây dựng chỉ 2, 3 tầng, quy mô công trình không lớn. Còn ngày nay đồ sộ hơn nhiều lần cả khối tích và chiều cao. Sự lựa chọn, sự vận dụng đặc điểm nào của bộ mái truyền thống để được thừa nhận là giàu bản sắc. Mặc dù đã có một số thành công như Nhà ga T1 hàng không Nội Bài, một số nhà làm việc, biệt thự.

Cái mái nhà Hà Nội, mái nhà Việt Nam, quả thật lắm chuyện để bàn, để cãi. Hiện đại và truyền thống, dân tộc và quốc tế, khu vực và toàn cầu, hòa nhập và hòa tan. Lý lẽ cũng lắm. Thực hiện cũng nhiều. Điều quan trọng nhất là để sao cho ra một phong cách Hà Nội, phong cách Việt Nam.

Nguồn tin :hanoitv.org.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)