Về quy hoạch xây dựng và kiến trúc cảnh quan thành phố Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 20/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hơn mười năm qua, trong sự nghiệp đổi mới, phát triển chung của cả nước, TP.Hồ Chí Minh đã dành được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực đầu tư và phát triển, Thành phố đã thu hút được lượng đầu tư lớn từ nhiều nguồn khác nhau vào các khu vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xây dựng cơ bản. Tốc độ phát triển bình quân luôn đạt cao hơn trung bình cả nước. Sản lượng công nghiệp, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế quốc dân.
Trong giai đoạn vừa qua, đô thị TP. Hồ Chí Minh cũng có những thay đổi lớn. Phạm vi quy mô khu vực đô thị hoá được mở rộng, đáp ứng cho yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nhu cầu của người dân về chỗ ở, nghỉ ngơi giải trí... Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, tuy chưa theo kịp yêu cầu của một đô thị mới hiện đại, nhưng cũng đã có những bước cải thiện đáng kể. Các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, nhà văn hoá được đầu tư xây dựng đều khắp, quỹ nhà ở đã được bổ sung khá lớn, điều kiện chỗ ở của một bộ phận lớn người dân thành phố đã được nâng cao. Môi trường đô thị cũng được đầu tư cải thiện, một phần lớn các trọng điểm ô nhiễm, đặc biệt là các kênh rạch trong khu vực nội thành đã được giải toả. Bộ mặt đô thị được cải thiện một bước, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố và một số khu vực đô thị mới.
Tuy nhiên, những thành tựu trên mới chỉ là bước đầu. Trong thời gian tới, Thành phố phải nổ lực tiếp tục phát huy những thành quả còn khiêm tốn, từng bước khắc phục những bất cập của quá trình phát triển thiếu quản lý, điều chỉnh các bất hợp lý, chuẩn bị đương đầu với sức ép phát triển rất lớn và nhiều thách thức mới. Để có thể tạo nên những thay đổi cơ bản về chất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, vươn lên ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực, chính quyền thành phố đang tập trung thực hiện các nhóm biện pháp chính như:
• Tăng cường hoàn thiện thể chế về quản lý đô thị.
• Xây dựng bộ máy quản lý đô thị trong sạch và hiệu quả.
• Huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển hạ tầng đô thị.
• Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị.Trong bối cảnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị phải bảo đảm đáp ứng cho yêu cầu phát triển cấp bách trước mắt, vừa phải bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững trong tương lai theo hướng hiện đại và tạo lập được bản sắc riêng.
1. Về quy hoạch xây dựng.
Công tác quy hoạch luôn được Trung ương và chính quyền Thành phố quan tâm và chỉ đạo sát sao. Luật Xây dựng cùng hệ thống các văn bản pháp quy về quy hoạch xây dựng và kiến trúc cảnh quan được ban hành trong thời gian gần đây theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương đã giúp thành phố chủ động hơn trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Thành phố cũng đã chủ động ban hành quy định về thẩm quyền phê duyệt các đồ án quy hoạch trên địa bàn và ban hành quy chế hoạt động cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Quy hoạch chung thành phố, quy hoạch chung các quận, huyện, cùng hành trăm đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 được phê duyệt là cơ sở pháp lý cho đầu tư xây dựng và cải tạo thành phố. Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã cùng với các cơ quan Trung ương và các sở, ngành liên quan lập và trình duyệt quy hoạch chung các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, các khu trung tâm chức năng lớn của Thành phố.
Để đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà ở...Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã hướng dẫn, thẩm tra và phê duyệt hàng nghìn đồ án đồ án quy hoạch chi tiết, các công trình kiến trúc theo dự án của các chủ đầu tư, bảo đảm việc xây dựng tuân thủ quy hoạch và có chất lượng thiết kế kiến trúc công trình tốt hơn.
Tuy nhiên, trong nội dung của công tác quy hoạch, thời gian sắp tới, công việc còn rất bề bộn. Đó là:
• Tăng cường công tác nghiên cứu, lý luận, tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm quốc tế để làm cơ sở cho việc đổi mới trong công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng. Đây là một nội dung cơ bản đã được nhận thức từ nhiều năm qua, nhưng chưa được triển khai thực hiện có hiệu quả.
• Tăng cường công tác dự báo, tổng kết kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất cho Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành các chiến lược quản lý dài hạn cũng như ban hành các quy định cụ thể trong quản lý điều hành về quy hoạch và phát triển đô thị.
• Tăng cường công tác biên soạn các quy chế quy định, tiêu chuẩn trong quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị.
• Hoàn thiện hơn nữa về tổ chức bộ máy quản lý quy hoạch xây dựng từ cấp Thành phố đến quận, huyện, không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này. Đối với quy hoạch xây dựng thành phố, nhiệm vụ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc trong thời gian tới cũng rất nặng nề:
- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Thành phố trong quá trình kết hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ, Ngành khác và UBND các Tỉnh, Thành phố lân cận, bảo đảm mối liên hệ, gắn kết hữu cơ về phát triển kinh tế, quy hoạch không gian, hạ tầng cơ sở và bảo vệ môi trường trong quy hoạch chung xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
- Đối với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố, Sở đang chủ trì đàm phán, mời tư vấn nước ngoài tham gia công tác trên. Nội dung quy hoạch phát triển phải bảo đảm tiếp nối một cách hợp lý những nội dung chính của đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998. Đặc biệt, đồ án phải đề xuất, làm rõ nét hơn mô hình cấu trúc đô thị chính, xác lập vị trí và quy mô các khu vực chức năng quan trọng, hệ thống các khu công nghiệp, gắn kết hài hoà với quy hoạch hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng, hệ thống cảng cảng biển...
- Tăng cường nội dung quy hoạch các hệ thống kỹ thuật đô thị, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, trong đó có những nội dung rất bức xúc như: quy hoạch cốt cao độ, quy hoạch hệ thống điện, cấp nước, thoát và xử lý nước thải, hệ thống bãi xử lý rác, nghĩa trang...
- Đẩy nhanh tiến độ đi đôi với nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000, 1/500 thông qua việc tăng cường phân cấp cho UBND các quận, huyện; bổ sung thêm nội dung nghiên cứu thiết kế đô thị, cùng với việc tạo điều kiện cho người dân tham gia và giám sát quá trình lập và phê duyệt quy hoạch.
- Đối với các dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị, ưu tiên cho các dự án có quy mô lớn, tạo lập được cấu trúc đô thị nén, dành nhiều không gian cho các tiện ích công cộng, môi trường sinh thái tự nhiên. Đối với những dự án nhỏ lẻ trước đây, thành phố sẽ có chủ trương và các giải pháp khuyến khích điều chỉnh tạo sự kết nối chung để hình thành các mảng đô thị hợp nhất, đồng bộ hơn về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
- Tăng cường nội dung bảo vệ và cải thiện môi trường trong quy hoạch xây dựng thông qua việc bổ sung nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các đồ án quy hoạch xây dựng, tăng cường quản lý về quy hoạch xây dựng tại các khu vực nhạy cảm về môi trường, đặc biệt đối với hệ thống sông rạch.
- Tăng cường công tác thông tin, công khai quy hoạch xây dựng, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách và pháp luật về quy hoạch xây dựng.
2. Về kiến trúc cảnh quan.
Bộ mặt kiến trúc cảnh quan thành phố trong những năm qua đã có những thay đổi đáng kể.
Cùng với việc đầu tư vào các khu công nghiệp là sự phát triển mở rộng nhanh chóng của các khu vực đô thị hoá. Nhiều vùng nông thôn thuần nông nghèo khó trước đây, nay đã mọc lên các khu công nghiệp lớn với cơ sở hạ tầng hiện đại, các kiến trúc công nghiệp có quy mô lớn. Cùng với các khu dân cư đô thị mới, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, nhà cửa xây dựng mới tương đối khang trang.
Song song, cùng với phát triển đô thị mở rộng là việc đầu tư xây dựng cải tạo khu vực nội thành hiện hữu. Sự tiến bộ rõ nét nhất là tại khu vực trung tâm thành phố với các công trình thương mại cao tầng có phong cách kiến trúc quốc tế đã tạo nên hình ảnh mới cho khu vực thành phố. Các dự án đầu tư mở rộng, chỉnh trang các tuyến đường, tăng cường cây xanh và các tiện nghi đô thị; các dự án cải tạo chỉnh trang kênh rạch cũng góp phần vào việc cải thiện không gian kiến trúc đô thị.
Hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình công cộng như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, công trình văn hoá thể dục thể thao, các khu vui chơi giải trí...; đầu tư tôn tạo và nâng cấp các công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc; xây mới và cải tạo nhà ở tư nhân cũng góp phần tạo lập bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, tình hình phát triển kiến trúc thành phố còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần được quan tâm, nghiên cứu để tìm kiếm các giải pháp lâu dài, cơ bản, đó là:
• Tăng cường nghiên cứu, biên soạn và pháp lý hoá các nội dung về quản lý cảnh quan kiến trúc đô thị, cụ thể như biên soạn tài liệu về quy hoạch thiết kế nhà cao tầng, chung cư cao tầng, về trường học, về công trình bảo tồn...
• Cần tăng cường nghiên cứu thiết kế đô thị một cách tổng thể đi cùng với các đồ án quy hoạch chung toàn thành phố, quy hoạch chung các quận huyện, các trung tâm chức năng chính của thành phố. đây sẽ là cơ sở định hướng phát triển không gian chung, riêng một cách hài hoà, có tổ chức, làm cơ sở cho việc quản lý cảnh quan kiến trúc thành phố có hiệu quả và chất lượng hơn.
• Chủ động đề xuất, nghiên cứu thiết kế đô thị những mảng, điểm, tuyến đô thị quan trọng, để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng như các trục đường lớn, các khu vực trung tâm các quận huyện, cảnh quan sông Sài Gòn...
• Nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn về thiết kế đô thị cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
• Tăng cường nghiên cứu, xác lập danh mục các công trình kiến trúc, đô thị có giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật cần được bảo tồn. đề xuất các cơ chế chính sách để thực thi mục tiêu bảo tồn. Xây dựng các chương trình, danh mục dự án đầu tư để thành phố thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo.
• Tiếp tục tìm kiếm các giải pháp nhằm khuyến khích, hướng dẫn, phối hợp nâng cao chất lượng thẩm mỹ của các công trình kiến trúc...
• Tăng cường tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm quốc tế về thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị, thông qua việc tổ chức thi tuyển quốc tế, mời tư vấn thiết kế nước ngoài phối hợp với các đơn vị thiết kế trong nước tham gia các công trình lớn.
Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước những cơ hội chưa từng có đồng thời với những thách thức hết sức lớn lao. Làm thế nào để thành phố ngày càng phát triển về mọi mặt, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố văn minh, hiện đại và mang bản sắc riêng của mình để xứng đáng với danh hiệu Thành phố mang tên Bácluôn là trách nhiệm nặng nề của chính quyền thành phố nói chung và các cơ quan quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị của thành phố.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 15/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)