Seraphin – công nghệ giảm thiểu rác thải sinh hoạt

Thứ năm, 19/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến 3 nhà máy xử lý rác thải do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, tự thiết kế, chế tạo, lắp ráp và quản lý vận hành, với công nghệ Seraphin, đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt đô thị và tận dụng được rác thải, sản xuất phân ủ hữu cơ compast và vật liệu xây dựng: nhà máy xử lý rác thải - tỉnh Ninh Thuận từ năm 2002, nhà máy xử lý rác linh hoạt Thuỳ Dương - Huế từ 31/3/2005 và nhà máy xử lý rác thải Đông Vinh – TP. Vinh từ 20/4/2005. Trong bài này, muốn trao đổi và làm rõ thêm một số vấn đề với các đồng nghiệp đang quan tâm về Seraphin - công nghệ giảm thiểu rác thải sinh hoạt.
1. Về công tác thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị.
Sau hơn 15 năm đổi mới, cùng với sự tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế, tốc độ tăng GDP hàng năm đã đạt được khoảng 7 – 8%, khối lượng chất thải rắn ở ở các đô thị và khu công nghiệp tăng lên không ngừng theo tốc độ đô thị hoá, phát triển công nghiệp, cũng như mức độ tăng dân số. Tình trạng thu gom và xử lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp ở nước ta mặc dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện nay. Hầu hết rác thải không được phân loại nguồn mà thu lẫn lộn, tỷ lệ thu gom chất thải rắn tính chung toàn quốc vào khoảng 70%. Tỷ lệ thu hồi các chất có khả năng tái chế và tái sử dụng như nilon, giấy vụn, kim loại, nhựa, thuỷ tinh chỉ đạt 25%, chủ yếu là tự phát, manh mún, không được quản lý. Các nhà máy chế biến rác sản xuất phân compast đã được triển khai ở một số đô thị, nhưng phần lớn được đầu tư bằng vốn ODA, giá thành rất đắt. Việc xử lý chất rắn ở các đô thị cho đến nay chủ yếu vẫn là chôn lấp rác. Mới chỉ có 13/64 tỉnh, thành phố có bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, còn hầu hết các bãi chôn lấp rác ở các đô thị hiện nay, về thực chất là những bãi tự nhiên, lộ thiên và không có sự kiểm soát mùi hôi và nước rỉ từ bãi lấp là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc xác định địa điểm bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh ở các đô thị hiện nay là rất khó khăn; việc chôn lấp rác tốn diện tích, trong khi quỹ đất lại eo hẹp.
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp. Bộ Xây dựng đang tập trung chỉ đạo việc xây dựng: Chương trình đầu tư thí điểm áp dụng các công nghệ xử lý rác thích hợp, nhằm giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt cần phải xử lý, ưu tiên các công nghệ được sản xuất trong nước, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nhằm phát huy hiệu quả kinh tế của việc tái chế, sử dụng lại rác thải; đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn...

2. Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt – Seraphin.
Seraphin là ứng dụng công nghệ vi sinh cơ khí hoá dây chuyền, tuyển từ, gió...là sự kết hợp giữa 3 công nghệ chủ yếu:
• Công nghệ xé, tách và tuyển rác;
• Công nghệ ủ vi sinh;
• Công nghệ tái chế đối với vật liệu chất dẻo và các phế thải khác để tận dụng tối đa. Việc tận dụng nilon, nhựa từ rác thải là hết sức cần thiết, đây chính là thành phần không phân huỷ, hạn chế sự phân huỷ các thành phần khác khi chôn lấp.

3. Hoạt động của 3 nhà máy xử lý rác thải - với công nghệ Seraphin.
Nhà máy xử lý rác thải - tỉnh Ninh Thuận do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, quản lý công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của Thị xã Phan Rang – Tháp Chàm và các huyện lân cận từ năm 2002 cho đến nay. Hoạt động của nhà máy là một mô hình, một giải pháp cho công tác quản lý chất thải rắn đô thị. Hiệu quả hoạt động của nhà máy được Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao, toàn bộ rác thải đều được nhà máy tận dụng, sản xuất ra phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp cây mía...và túi nhựa tái sản xuất phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Thuỷ Phương - Huế: Nhà máy hoạt động từ 31/3/2005, có mặt bằng 1,5ha với công suất đồng bộ dây chuyền xử lý rác 160 tấn/ngày 80tấn/ca, trong đó công suất xử lý rác tươi 80 tấn/ngày. Thời gian ủ hỗn hợp hữu cơ 36 ngày. Công suất lắp đặt thiết bị 896kW. Nhà máy có tổng số cán bộ công nhân viên là 133 người.
Tại nhà máy xử lý rác Đông Vinh – TP Vinh: Nhà máy hoạt động từ 20/4/2005, diện tích nhà xưởng 14.000m2. Công suất thiết kế 160 tấn rác/ngày. Nhà máy có 1 dây chuyền xử lý rác đã chôn lấp, 1 dây chuyền xử lý rác tươi hàng ngày, bộ phận sản xuất phân vi sinh và 1 hệ thống dây chuyền sản xuất Seraphin. Tổng mức đầu tư là 36,233tỷ VNĐ. Nhà máy xử lý rác Đông Vinh sẽ xử lý toàn bộ chất thải rắn của TP. Vinh và trong đó 90% được tái chế, đến cuối năm 2008 sẽ xoá bỏ hoàn toàn bãi chôn lấp rác cũ trên 3ha. Sản phẩm của nhà máy: mùn hữu cơ, phân hữu cơ, hạt nhựa Seraphin, ống cống, tấm cốp pha, xô, chậu...

4. Trao đổi.
Ưu điểm công nghệ Seraphin:
• Seraphin là quá trình công nghệ tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt tổng hợp, làm phân ủ hữu cơ compast, sản phẩm nhựa và vật liệu xây dựng, nhằm giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt cần xử lý. Đây là định hướng đúng đắn cho công tác quản lý chất thải rắn đô thị.
• Do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, tự thiết kế, chế tạo, lắp ráp và quản lý vận hành; nhà xưởng được thiết kế theo khung không gian nhẹ, thoáng và linh hoạt sử dụng;
• Quy trình xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ Seraphin có thể được coi là giải pháp tương đối tổng hợp, có một số lợi ích cơ bản về môi trường – kinh tế - xã hội giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước, tiết kiệm đất, tái chế chất thải, giảm số người lang thang kiếm sống ở các bãi rác.
Những vấn đề cần được nghiên cứu hoàn thiện:
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, cần quan tâm đến thiết bị công nghệ, môi trường làm việc của công nhân và giảm lao động thủ công.
Quá trình xử lý rác và chế tạo sản phẩm Seraphin từ khi đầu vào đến khi ra sản phẩm cần phải được nghiên cứu thiết kế đồng bộ và hoàn thiện công nghệ. Đánh giá kiểm định chất lượng, độ độc hại, đảm bảo thân thiện với môi trường của sản phẩm Seraphin.
Về chất lượng phân Compast:
Chất lượng phân bón hữu cơ của các nhà máy xử lý rác làm phân bón hữu cơ compast trong cả nước nói chung, của công nghệ SEraphin nói riêng, do chất lượng nguyên liệu đầu vào thấp do lẫn nhiều tạp chất và các loại rác không phân huỷ được, nên việc xử lý rác làm phân compast chỉ có thể thành công khi việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện.
Phân loại rác tại nguồn là sự đảm bảo cho chất lượng của nguyên liệu đầu vào, dẫn đến tăng chất lượng sản phẩm chế biến. Việc phân loại rác tại nguồn, còn làm giảm chi phí trong quá trình xử lý rác sản xuất phân compast, đặc biệt kiểm soát được các thành phần hoá học và các chất gây hại cho cây trồng.
Tại lễ khánh thành nhà máy xử lý rác Đông Vinh – TP. Vinh, ngày 20/4/2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã phát biểu:
Nhà máy xử lý rác Đông Vinh là một mô hình xã hội hoá xử lý chất thải rắn đô thị, trên cơ sở công nghệ xử lý thích hợp với điều kiện thực tế ở các đô thị nước ta về đặc điểm rác thải, điều kiện kỹ thuật và khả năng đầu tư với dây chuyền công nghệ do Công ty Cổ phần phát triển công nghệ môi trường Xanh tự thiết kế và chế tạo, đây là một mô hình xử lý chất thải rắn đô thị cần được ủng hộ và ưu tiên đầu tư.
Để nhân rộng mô hình này, đề nghị Công ty tiếp tục đầu tư nghiên cứu hoàn thiện hơn:
Nghiên cứu chất lượng và khả năng tiêu thụ phân hữu cơ đã chế biến, cần so sánh và làm rõ ưu điểm công nghệ Seraphin với các công nghệ ủ rác làm phân compast của các nhà máy chế biến rác ở trong nước;
Tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng các loại sản phẩm từ nguyên liệu Seraphin.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 15/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)