Ảnh hưởng của môi trường địa chất tới quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam

Thứ ba, 17/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày nay chúng ta đang nói rất nhiều tới vấn đề: làm thế nào để quy hoạch xây dựng đô thị phát triển bền vững? Một trong các yếu tố đầu tiên, trực tiếp tác động tới sự phát triển bền vững của đô thị chính là yếu tố đất đai, độ bền của đất địa hình địa mạo, tài nguyên nước và khoáng sản...tựu chung lại là môi trường địa chất của đô thị. Do vậy việc nghiên cứu rà soát một cách tổng thể ảnh hưởng tác động của môi trường địa chất tới quy hoạch và phát triển hệ thống đô thị quốc gia là một việc làm cần thiết và hết sức quan trọng.
Thực tế ở nước ta và rất nhiều nước trên thế giới từ các nước hiện đại, phát triển cao như Mỹ, Nhật đến các nước chậm phát triển, những năm gần đây đều quan tâm ngày càng nhiều đến các tác động của tai biến địa chất như động đất, sóng thần, trượt lở đất, lũ quét, sụt lún sói mòn đất, nứt đất Karstơ...để có những biện pháp ngăn chặn những hậu quả khôn lường có thể gây ra cho các đô thị.
Thế nhưng, sự quan tâm tới vấn đề này trong giới quy hoạch dường như vẫn chưa đủ tầm cỡ và còn mờ nhạt. Vào những năm 1995 tới 1999 chương trình Địa chất đô thị Việt Nam do liên Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Xây dựng chủ trì tham gia hợp tác nghiên cứu, đã đưa ra những kết quả khoa học đáng trân trọng, phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Vấn đề tiếp theo là chúng ta cần sử dụng những kết quả đó vào quy hoạch và quản lý đô thị như thế nào.
Đã có một số cán bộ nghiên cứu làm công việc khai thác các kết quả điều tra địa chất đó để rà soát xem các yếu tố địa chất tác động như thế nào đến quy hoạch và sự phát triển hệ thống các đô thị trên toàn quốc, đặc biệt là một số đô thị lớn, quan trọng như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long.
Qua nghiên cứu cho thấy: hệ thống tư liệu và dữ kiện địa chất phục vụ cho việc rà soát quy hoạch được phân thành 3 nhóm chính:
1. Nhóm yếu tố tích cực, là nhân tố tạo lực cho đô thị, có tác động tích cực tới ựu hình thành và phát triển đô thị đó là:
- Các vùng có tài nguyên khoáng sản – các đô thị mỏ hoặc các đô thị có công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng...
Hiện nay nước ta có hơn 50 đô thị mỏ nhưng chủ yếu vẫn là các đô thị nhỏ. Cần quan tâm tới các đô thị này trong chiến lược đô thị quốc gia.
- Các vùng có tài nguyên nước dưới đất, nước ngầm với việc khai thác sử dụng nguồn cấp nước cho các đô thị. Đây là một yếu tố sinh thái rất quan trọng cho sự sống còn của các đô thị, cho khả năng tồn tại và phát triển của đô thị.
2. Nhóm yếu tố tiêu cực, làm hạn chế hoặc đe doạ sự phát triển của các đô thị, còn gọi là các tai biến địa chất: động đất, nứt, sụt lún, trượt lở đất đai, lũ, bùn đá, lũ quét, sạt lở bờ sông, biển, Karstơ, dị thường, phóng xạ.
Đối với nhóm này, cần đánh giá từng yếu tố tai biến địa chất để có mối quan tâm phòng tránh, ngăn chặn ở các mức độ khác nhau đối với quy hoạch xây dựng đô thị. Để có thể phân loại các đô thị về vấn đề tai biến địa chất, người ta xếp loại: nghiêm trọng, tương đối nghiêm trọng và ít nghiêm trọng. Từ đó có sự quan tâm cảnh báo cho quy hoạch ngay từ bước khởi đầu đối với các khu vực đô thị mới hoặc ngay trong việc điều chỉnh quy hoạch chung, cải tạo đô thị, dựa trên kết quả điều tra địa chất 53 đô thị thông qua chương trình địa chất đô thị Việt Nam 1993-2000.
3. Nhóm yếu tố về địa kỹ thuật đô thị: Bao gồm hai vấn đề: cường độ chịu tải của nền đất kg/cm2 và địa chất công trình.
Nội dung này chủ yếu để đánh giá các vùng đô thị có đất xây dựng thuận lợi, ít thuận lợi hoặc không thuận lợi, góp phần giúp các nhà quy hoạch lập ra bản đồ đánh giá đất đai đô thị cũng như định hướng chiến lược cho việc hoạch định các vùng phát triển đô thị được thuận lợi.
Công việc nghiên cứu rà soát và đối chiếu các dữ liệu tổng hợp về địa chất đô thị vào bản đồ quy hoạch chung đã lập là việc đầu tiên có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan là Cục Địa chất Bộ Công nghiệp và Viện quy hoạch Đô thị - Nông thôn Bộ Xây dựng.

Kết quả rà soát theo 3 nhóm chính trên cho thấy:
1. Vấn đề sử dụng và chọn đất xây dựng đô thị dưới tác động ảnh hưởng của yếu tố:
a. Các nhóm đô thị có điều kiện thuận lợi về nền đất xây dựng chính là các đô thị vùng trung du, cao nguyên, vùng núi, ven biển có đồi núi.
b. Các đô thị có điều kiện đất xây dựng ít thuận lợi hơn chính lại là các đô thị vùng châu thổ Bắc bộ đồng bằng sông Hồng – nơi chủ yếu là đất ruộng.
c. Các nhóm đô thị có điều kiện đất xây dựng không thuận lợi lại chính là các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, trên thực tế lại có nghịch lý như sau:
Các đô thị nhóm a tuy thuận lợi về địa chất công trình nhưng không hoàn toàn thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội đô thị. Chính vì vậy mà kết quả các đô thị nhóm này đại đa số là các đô thị trung bình và nhỏ trừ miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Ngược lại các đô thị thuộc nhóm b tuy ít thuận lợi hơn về kỹ thuật nền đất xây dựng nhưng lại thuận lợi cho phát triển đô thị thông qua các yếu tố khác. Chính vì vậy, đa số các đô thị thuộc nhóm này là các đô thị đặc biệt lớn, lớn hoặc trung bình lớn.
Tuy nhiên, trong chiến lược đô thị đã được phê duyệt vẫn đẩy mạnh tăng trưởng đô thị lên các vùng thuộc nhóm a, một ví dụ cụ thể như hướng phát triển của chùm đô thị Hà Nội lên Xuân Mai – Hoà Lạc - Miếu Môn – Sơn Tây và hướng về rừng núi Ba Vì, phía Bắc Hà Nội phát triển lên đồi núi như Sóc Sơn – Xuân Hoà - Đại Lải – Phúc Yên – Vĩnh Yên - Quốc lộ 18. Như vậy sẽ hạn chế được sức phát triển thủ đô ra xung quanh thành phố hạt nhân là khu vực đồng bằng màu mỡ, thuận lơi cho sự phát triển nông nghiệp và các mục tiêu khác.
Hay một ví dụ khác: đối với quy hoạch chuỗi đô thị thành phố Hồ Chí Minh phát triển các đô thị đối tượng đối trọng sang cao nguyên miền Đông Nam Bộ như Tam Phước – Nhơn Trạch, Nam Sông Bé, Tây Ninh.
Nhìn chung các hướng phát triển mới hệ thống đô thị đều nhằm vào các vùng đất thuận lợi cho xây dựng và ít thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và các mục tiêu kinh tế khác là hợp lý.
2- Rà soát sự ảnh hưởng của môi trường địa chất tới phát triển quy hoạch xây dựng đô thị theo nhóm yếu tố tích cực gồm:
a. Ảnh hưởng của tài nguyên khoáng sản tới sự hình thành các đô thị công nghiệp khai khoáng đô thị nhỏ.
Theo kết quả điều tra địa chất đô thị trên quy mô toàn quốc cho thấy: với tài nguyên khoáng sản, nước ta đã và sẽ hình thành tới trên 50 đô thị mỏ công nghiệp khai khoáng được phân bố theo các ngành công nghiệp như sau:
- Ngành than – năng lượng: 6 đô thị
- Ngành khoáng sản kim loại: 15 đô thị
- Ngành khoáng sản phân bón hoá chất: 1 đô thị
- Ngành khoáng sản vật liệu xây dựng: 29 đô thị.
Hầu hết các đô thị mỏ là các thị trấn đô thị loại V với tổng số lao động cơ bản hiện nay khoảng 180.000 người.
Nhưng để thực hiện chiến lược khai thác tài nguyên khoáng sản và phát triển các đô thị mỏ, cần có số lượng lao động cơ bản khoảng 300.000 lao động, gắn liền với sự phát triển đô thị mỏ tại các vùng tập trung khoáng sản.

Sự phân tích cảnh báo nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản quý cho thấy:
- Đường dây 500KV Bắc – Nam đã xây dựng qua vùng bô xít ở Đắc Nông là vùng mỏ bô xít lớn nhất nước ta.
- Không nên khai thác bùn than U Minh thuộc tỉnh Kiên Giang – Minh Hải để bảo vệ môi trường sinh thái vùng rừng ngập mặn.
- Những đô thị mỏ có khoáng sản quý là cơ sở nguyên liệu rất quan trọng – xương sống của nền kinh tế quốc dân vì vậy quy hoạch xây dựng và phát triển các đô thị giữa nơi khai khoáng và nơi phát triển dân cư, đặc biệt là vấn đề tránh ô nhiễm môi trường phải được coi là nhân tố hàng đầu. Như vậy các nhà quy hoạch, môi trường và quản lý đô thị, cần chú ý đặc biệt tới việc đánh giá tác động môi trường cho các đô thị mỏ.
Vì vậy, muốn phát triển kinh tế đô thị ,đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, cần quan tâm triệt để đến các nguồn lực và lợi thế về tài nguyên khoáng sản của đất nước, mà nhân tố quan trọng có tầm chiến lược là các đô thị nhỏ từ loại V tới loại III, trong hệ thống đô thị quốc gia. Các đô thị nhỏ có nhiều trong khu vực kinh tế trọng điểm của cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam cần gắn kết với toàn bộ hệ thống đô thị trong từng vùng để tạo ra sức hút đô thị hợp lý và phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.
b. Vấn đề nguồn nước dưới đất nguồn nước ngầm để cung cấp cho các đô thị với việc phát triển đô thị.
Theo tài liệu địa chất đô thị cho thấy, tiềm năng nước dưới đất ở nước ta là rất lớn, có tổng trữ lượng khoảng 1515,445 m3/s ở các thành tạo địa chất, đặc biệt là: phức hệ chứa nước lỗ hổng, phức hệ chứa nước khe nứt - lỗ hổng, phức hệ chứa nước khe nứt – karstơ thành tạo cácbonnat hệ triat và 1 vài hệ khác. Ba hệ chứa nước trên phong phú, có triển vọng cung cấp nước tập trung quy mô lớn. Lưu lượng nước khai thác được chia theo 3 mức đơn vị: Q, L/S.
- Giàu nước: Q>5 L/S.
- Tương đối giàu nước: Q=1-5L/S.
- Nghèo nước: Q<1 L/S
Tuy nhiên, nước dưới đất ở nước ta phân bố không đều trên toàn lãnh thổ và luôn luôn biến đổi do sự thay đổi khí hậu và các hoạt động nhân tạo. Thống kê cho thấy:
- Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước – bình quân khoảng 50-60% dân số có nơi >60% vào thời điểm 1995 về trước.
- Bình quân cấp nước sinh hoạt theo đầu người 1995 là 60-70 người/ngày đêm.
- Trong số 84 đô thị thì năm 1992 có 28 đô thị đã khai thác nước ngầm, năm 1994 có 34 đô thị được khai thác nước ngầm hoặc thăm dò bổ sung, năm 2000 quy mô khai thác nước dưới đất ở 53 đô thị. Kết quả nghiên cứu của địa chất đô thị Việt Nam là:
- 22 đô thị khai thác ở quy mô nhỏ từ 1000-10000 m3/ngày.
- 18 đô thị khai thác ở quy mô trung bình 10.000 – 50.000m3/ngày
- 2 đô thị là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khai thác ở quy mô lớn, riêng Hà Nội vào năm 2000 đã khai thác ở mức khoảng từ 420.000 m3/ngày đến 600.000m3/ngày.
Vì vậy, kiến nghị và cảnh báo về tài nguyên nước dưới đất:
- Mặc dù nguồn nước mặt dồi dào và thuận tiện khai thác để cung cấp cho các đô thị hơn, nhưng để phát triển đô thị bền vững và ổn định, chúng ta cần sớm kết hợp khai thác hợp lý nước ngầm để khắc phục tình trạng thiếu nước, nhất là tại các đô thị lớn. Cố gắng phải đạt bình quân đầu người lên mức 200 – 120/người/ngày và đảm bảo ngày càng có chất lượng để tránh ô nhiễm cho con người.
- Nhìn chung, những đô thị sử dụng nguồn nước mặt, nhưng đang bị ô nhiễm, cần thăm dò và khai thác kịp thời việc sử dụng nguồn nước ngầm là chính nếu tại khu vực đô thị hoặc gần đó có nguồn nước dưới đất đảm bảo trữ lượng và chất lượng. Ngược lại những đô thị hiện đã sử dụng nguồn nước ngầm quá lớn như TP Hà Nội cần bổ sung thêm nguồn nước mặt để tránh xảy ra sụt lún nền đất.
3- Cần khẩn trương rà soát sự ảnh hưởng của môi trường địa chất tới quy hoạch và phát triển đô thị theo nhóm yếu tố tiêu cực mà theo thuộc ngữ vẫn gọi là tai biến địa chất. Sẽ giới thiệu trong một bài riêng.
Như vậy, việc quy hoạch và phát triển đô thị có tính đến ảnh hưởng của môi trường địa chất rất cần được quan tâm tích cực, vì sự phát triển bền vững của đô thị. Trong những năm tới đây của thế kỷ thứ XXI- khi mà thiên tai luôn bất ngờ xảy ra, thì ta càng cần thông tin rộng rãi những kết quả nghiên cứu về vấn đề này, để áp dụng thường xuyên khi lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.

Nguồn tin: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 4/ năm 2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)