Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vật liệu xây dựng

Thứ tư, 18/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Đánh giá tình hình xuất khẩu vật liệu xây dựng VLXD và một số chính sách khuyến khích xuất khẩu, sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua 1.Tình hình xuất khẩu VLXD của Việt Nam thời gian qua Trong những năm qua, xuất khẩu VLXD của Việt Nam đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Cụ thể: tổng kim ngạch xuất khẩu VLXD năm 2001 đạt 23,926 triệu USD, năm 2002 đạt 28,926 USD, năm 2003 đạt 42,280 USD, năm 2004 đạt 84,180 USD, năm 2005 ước đạt 100 triệu USD. Các mặt hàng VLXD xuất khẩu chủ yếu là: đá granit ốp lát, gạch ngói màu, gạch men, gạch xây, gạch thạch anh, gạch cotto, gạch ceramic, kính xây dựng, sứ vệ sinh, sắt thép xây dựng...
Tuy nhiên, mặt hàng VLXD chưa đa dạng về chủng loại và chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu. Năm 2001: 0,16%, năm 2002 : 0,17%, năm 2003 : 0,21%, năm 2004 : 0,32%, ước năm 2005 : 0,32% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nguyên nhân chính xuất khẩu VLXD của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng là do ngành VLXD Việt Nam đang phát triển tự phát, thiếu qui hoạch và dự báo thị trường, các đơn vị sản xuất trong nước còn non trẻ cả về kinh nghiệm sản xuất lẫn hoạt động xúc tiến xuất khẩu, trong khi đó chưa xây dựng và tổ chức thực hiện được chiến lược phát triển mặt hàng và thị trường, xúc tiến thương mại, nâng cao uy tín thương hiệu của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Hơn nữa, suất đầu tư cho sản xuất VLXD ở Việt Nam còn quá cao cũng là một nguyên nhân khiến giá thành VLXD của Việt Nam thường cao hơn 15% - 20% so với mức trung bình trên thế giới. Do vậy, nếu tình trạng này kéo dài thì ngay cả khi các hiệp định mậu dịch tự do được áp dụng đầy đủ AFTA và sắp tới WTO, VLXD của Việt Nam cũng rất ít có ưu thế để vươn ra thị trường thế giới.
2. Một số chính sách khuyến khích xuất khẩu VLXD, sản xuất VLXD xuất khẩu
a Nhà nước và nhân dân đầu tư hoặc định hướng đầu tư vốn, công nghệ, lao động để phát triển sản xuất VLXD xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động thông tin, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.
Quyết định số 02/2002/QĐ-BTM ngày 2/1/2002 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành qui chế xét thưởng xuất khẩu, quy định khen thưởng cho các doanh nghiệp có kết quả xuất khẩu :
- Mặt hàng mới từ 100.000USD trở lên, hoặc thị trường mới đạt kim ngạch từ 100.000USD trở lên;
- Xuất khẩu có hiệu quả với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ 20% trở lên;
- Các mặt hàng xuất khẩu có chất lượng cao được huy chương tại triển lãm hội chợ quốc tế tổ chức ở nước ngoài hoặc được các tổ chức quốc tế về chất lượng hàng hoá cấp chứng chỉ hoặc xác nhận bằng văn bản;
- Xuất khẩu mặt hàng được gia công, chế biến bằng nguồn nguyên liệu trong nước chiếm 60% giá trị trở lên hoặc mặt hàng sản xuất thu hút nhiều lao động trong nước theo qui định hiện hành của Nhà nước đạt từ 10 triệu USD/năm trở lên.
- Xuất khẩu các mặt hàng ngoài hạn ngạch, ngoài chỉ tiêu được giao.
Các công ty sản xuất, kinh doanh VLXD được khen thưởng xuất khẩu năm 2004 là Cty thép Pomina 50 triệu đồng, Cty Gốm xây dựng Hạ Long 99 triệu đồng, Cty sứ Thanh Trì 90 triệu đồng, Cty thép miền Nam 239 triệu đồng, Cty CP XD kiến trúc AA 40 triệu đồng, Cty Lắp máy và Xây dựng 69-1: 70 triệu đồng, Cty TNHH nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam 50 triệu đồng, Cty liên doanh cáp điện LS-Vina 240 triệu đồng, Cty TNHH Thuỷ tinh San Miguel Yamamura Hải Phòng 150 triệu đồng.
Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm ngân sách nhà nước được trích số tiền bằng 0,25% tổng kim ngạch xuất khẩu để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, một số địa phương cũng đã chi hàng tỉ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại, thưởng xuất khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn địa phương.
Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 86/2002/TT-BTC ngày 27/9/2002 hướng dẫn chi hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu.
Chính phủ đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, đàm phán trả nợ nước ngoài bằng hàng hoá... đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt được quy mô, tốc độ và chất lượng cao hơn.
Hàng năm, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Xây dựng hỗ trợ các viên nghiên cứu, các TCty nghiên cứu phát triển VLXD mới như tấm lợp cách nhiệt, cách âm, bê tông chịu lực, cát nhân tạo, ống sợi thuỷ tinh, sản xuất ván ép từ rác thải công nghiệp, bê tông dự ứng lực, ứng dụng công nghệ mới với xi măng lò quay, sản xuất ống nước bằng vật liệu compozit, gạch lỗ Gosa.....
b Các bộ, ngành, TCty nhà nước, địa phương phối hợp với nhau xây dựng cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với cung - cầu thị trường.
Các bộ, ngành, TCTy nhà nước, địa phương phối hợp với nhau trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển VLXD; theo dõi sát tình hình thị trường, dự báo đúng để có giải pháp điều hành phù hợp, phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu đầu tư, phù hợp với cung - cầu thị trường, với tiêu chí nâng cao chất lượng và hiệu quả là chính để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Việt Nam đã từng bước đổi mới chính sách về đất đai, vốn, tín dụng, thuế, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
c Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Nhà nước nhiều lần sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, sắp tới thông qua Luật Đầu tư chung, Luật doanh nghiệp theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham gia dầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; Chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tính đến tháng 10 năm 2005, tổng số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở Việt Nam khoảng 200.000 doanh nghiệp, bình quân đạt 2,5 doanh nghiệp/1 nghìn dân trong đó khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD.
Tích cực thu hút đầu tư nước ngoài với các hình thức đa dạng hợp tác sản xuất kinh doanh, liên doanh, 100% vốn nước ngoài. Chú trọng liên doanh với các đối tác nước ngoài có công nghệ cao, kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tích cực đề nghị đối tác từng bước chuyển giao công nghệ. Từ khi ban hành Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 12 năm 1987, đến ngày 22 tháng 8 năm 2005 Việt Nam đã thu hút được 48,154 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5.617 dự án, trong số đó đã thực hiện 25,769 tỉ USD.
d Nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá, doanh nghiệp và của nền kinh tế
Kiên trì thực hiện chiến lược phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu. Chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp và quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung. Hết sức coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao tỉ trọng hàng hoá chế biến sâu và chất lượng hàng hoá, nhất là hàng xuất khẩu; giảm dần tỉ trọng hàng hoá gia công và hàng hoá bán qua các thị trường trung gian.
Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình nâng cao khả năng cạnh tranh của từng mặt hàng, dịch vụ, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

II. Đề xuất một số chính sách khuyến khích xuất khẩu VLXD và sản xuất VLXD trong thời gian tới
1. Bối cảnh trong nước và quốc tế
a Bối cảnh trong nước và những diễn biến đáng chú ý
Nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng; mức sống và thu nhập của dân cư được nâng cao. Trong những năm vừa qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP cao. So với năm trước, GDP năm 2001 tăng 6,89%, năm 2002 tăng 7,04%, năm 2003 tăng 7,24%, năm 2004 đạt 46 tỉ USD, tăng 7,7%; năm 2005 ước đạt 50 tỉ USD, tăng khoảng 8,5% GDP bình quân đầu người đạt 600 USD.
Nền kinh tế đang từng bước hội nhập ngày một sâu, rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Một mặt, mở rộng cơ hội phát triển xuất khẩu, mở rộng đầu tư ra thị trường ngoài nước; mặt khác, đặt nền kinh tế trước những thách thức to lớn từ sự cạnh tranh gay gắt của hàng hoá và thương nhân nước ngoài. Năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 32 tỉ USD, tăng hơn 20%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 37 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2004. Thị trường xuất - nhập khẩu là 221 thị trường.
Dự báo nhu cầu thị trường của Việt Nam về một số VLXD chủ yếu đến năm 2010 bảng dưới đây
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2364.233' />
b Bối cảnh ngoài nước và những diễn biến mới đáng lưu ý
Theo dự báo của các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế, thời kỳ 2006 - 2010, kinh tế thế giới tăng khoảng 4 - 5%/năm năm 2003 tăng 3,2%, 2004 tăng 5%, 2005 tăng 4,3%, thương thế giới tăng khoảng 8 - 9%/năm. Tăng nhu cầu nhập khẩu VLXD ở một số thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nga, Hàn Quốc, Australia, ASEAN.
Giá một số nguyên - nhiên - vật liệu trên thị trường thế giới có xu hướng tăng hoặc đứng ở mức cao như: dầu thô, xăng dầu, sản phẩm từ dầu mỏ chất dẻo, hoá chất, thép, kim loại màu, than đá, các loại quặng, VLXD...
Dự báo thời gian tới thiên tai xảy ra ngày một nhiều với cường độ cao và sức tàn phá lớn sóng thần, động đất, bão biển, lũ lụt....
Xu hướng gia tăng các thoả thuận tư do hoá thương mại song phương, ở mức độ cao hơn thoả thuận về dành ưu đãi tối huệ quốc MFN hay thoả thuận đa phương.
Sự tăng cường chính sách bảo hộ với những hàng rào kỹ thuật tinh vi của các nước công nghiệp phát triển.
Trật tự thương mại toàn cầu hình thành ngày một vững chắc, chuyên môn hoá trong sản xuất, kinh doanh ngày một sâu, các quan hệ thương mại quốc tế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ được xác lập khá ổn định và phát triển, gây nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường xuất khẩu của những nước mới tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Đề xuất chính sách khuyến khích xuất khẩu VLXD và khuyến khích sản xuất VLXD xuất khẩu trong thời gian tới
a Với những dự báo về thị trường trong nước và thị trường thế giới như trên, với những tiềm năng về con người, nguồn tài nguyên, công nghệ, nguồn vốn, chúng tôi cho rằng tổng kim ngạch xuất khẩu VLXD 5 năm 2006 - 2010 dự báo sẽ tăng trung bình 26 - 30%/năm. Đến năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu VLXD có thể đạt 350 - 400 triệu USD.
b Chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp VLXD. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng chiến lược xuất khẩu các mặt hàng VLXD. Đầu tư một số KCN tập trung để sản xuất VLXD xuất khẩu; xây dựng và phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất VLXD xuất khẩu, đặc biệt phải xác định được thị trường trọng điểm và các chủng loại sản phẩm VLXD xuất khẩu mũi nhọn để có sự đầu tư hợp lý trong công tác tiếp thị, maketing sản phẩm. Đây có thể coi là yếu tố quyết định sự thành công của công tác xuất khẩu VLXD trong thời gian tới.
c Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quy hoạch, chương trình, dự án sản xuất VLXD xuất khẩu tập trung, trong đó định hướng các mặt hàng VLXD xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch 10 triệu USD/năm trở lên.
Chú trọng phát triển các mặt hàng VLXD mới, nhưng có triển vọng lớn, trong tương lai gần sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu 10 triệu USD/năm trở lên như: ống sợi thuỷ tinh, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, ống nước, tấm lợp...
d Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt: Quỹ tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, Quỹ thưởng xuất khẩu đồng thời tiếp tục đưa các mặt hàng VLXD vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra, Quy chế thưởng xuất khẩu cần bổ xung thêm quy định thưởng cho các mặt hàng VLXD chế biến sâu, có giá trị tăng cao, các mặt hàng mới, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất VLXD.
e Hướng dẫn xây dựng và tổ chức quản lý tốt thương hiệu các mặt hàng VLXD Việt Nam. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia phát triển thương hiệu Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Đồng thời, nâng cao chất lượng VLXD Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản; nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển thị trường xuất khẩu.
f Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng VLXD, doanh nghiệp sản xuất VLXD và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Phát triển đa dạng các loại sản phẩm VLXD với nhiều kích thước, chủng loại, màu sắc, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Xây dựng và phát triển một số TCty sản xuất và kinh doanh VLXD theo cả hai loại hình chuyên doanh ngành hàng và kinh doanh tổng hợp theo mô hình tập đoàn. Hình thành và phát triển hệ thống phân phối như siêu thị, chợ, phố chuyên doanh VLXD, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý bán lẻ các mặt hàng VLXD.
g Áp dụng cơ chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp thị trường vốn quốc tế nhằm huy động nguồn vốn tập trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ và kỹ thuật, sản xuất VLXD mới, hàm lượng giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
h Chú trọng yếu tố đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp trong ngành VLXD, nâng cao công tác điều hành, lãnh đạo Cty, tiết kiệm định mức tiêu hao trong sản xuất kinh doanh bằng các chế tài cụ thể, biểu dương kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích trong việc tiết kiệm định mức tiêu hao nguyên - nhiên - vật liệu.

TS. Hoàng Thịnh Lâm - Phó Vụ trường Vụ Kế hoạch & Đầu tư - Bộ Thương mại
Chuyên viên Trần Ngọc Hải Vụ Kế hoạch & Đầu tư - Bộ Thương Mại
Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 12/2005

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)