Một số vấn đề về quy hoạch quảng trường trong đô thị

Thứ sáu, 25/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Một thành phố xinh xắn với những công trình kiến trúc, những con đường, quảng trường, những con sông, mặt hồ và những không gian mở bốn mùa lấp lánh, ấm áp dưới ánh mặt trời... thường khắc sâu vào trí hớ mỗi người chúng ta, như những dấu ấn đặc trưng về nhận dạng gương mặt, cá tính, hay một cái gì rất riêng của thành phố... Nhiều người bảo, chúng là những điểm chốt, những toạ độ cơ bản trong bản đồ trí nhớ của chúng ta về một thành phố. Vậy, những yếu tố căn bản nào của chúng ta tạo nên những giá trị tinh thần và vật thể được lưu giữ trong trí nhớ của chúng ta bền chắc đến thế?
Và quảng trường trong đô thị - một trong những điểm chốt của bản đồ trí nhớ về một thành phố. Chỉ vậy cũng đã quá đủ để nhận ra gương mặt của một thành phố với những cá tính, những vui buồn của nó theo thời gian.
Chúng ta đã được biết đến rất nhiều quảng trường nổi tiếng trên thế giới: Quảng trường Thời đại New York - Hoa Kỳ, quảng trường Đỏ Maxcơva - LB Nga, quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh - Trung Quốc...
Đối với quảng trường Đỏ của TP. Maxcơva, nới có lăng V.I.Lê nin, điện Kremli, nhà thờ Vaxili Bla-gien-nưi nổi tiếng... luôn là điểm hội tụ của người dân TP. Maxcơva, của toàn nước Nga và thế giới... Nó được biết đến khi nhân loại cúi đầu trong phút mặc niệm tiến đưa Lênin, lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản thế giới về nơi an nghỉ cuối cùng. Hoặc những giây phút oai hùng khi người Nga kiêu hãnh diễu binh ăn mừng trận đánh toàn thắng chủ nghĩa phát xít Đức... Và giờ đây biết bao đôi uyên ương vẫn hàng ngày tới đây để làm những ghi lễ trang trọng trước khi bước vào hôn nhân. Trong thực tế, quảng trường Đỏ có dáng vẻ cổ kính, có diện tích không quá lớn nhưng là một quảng trường biểu đạt được những giá trị thiêng liêng của dân tộc, đủ sức để dung nạp những công trình kiến trúc tầm cỡ và trở thành nơi hội tụ giá trị văn hoá - lịch sử của nhiều thời đại.
Quảng trường Thiên An Môn, TP.Bắc Kinh là một quảng trường lớn, xứng đáng là quảng trường của thủ đô một đất nước có số dân trên một tỷ người. Đứng giữa quảng trường Thiên An Môn chúng ta luôn cảm nhận được sự rộng lớn, hoành tráng của không gian, sự dồn nén của thời gian thông qua những sự kiện lịch sử trọng đại và hào hùng của dân tộc Trung Hoa. Xung quanh quảng trường Thiên An Môn là những công trình kiến trúc quốc gia tiêu biểu: cổng Thiên An Môn, các toà nhà của Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa, nhà tưởng niệm chủ tịch Mao Trạch Đông, đài tưởng niệm các liệt sĩ vô danh... Người dân Trung Quốc rất tự hào về quảng trường này...
Còn Quảng trường Thời đại của TP.New York nơi có trụ sở của toà báo New Time, tuy diện tích không lớn thực chất chỉ là nơi giao nhau của trục đường số 42 St và Seventh Av, nhưng dường như nó chiếm một vị trí quan trọng không phải chỉ của riêng TP.New York, hoặc của riêng Hoa Kỳ mà nó đôi khi còn là tâm điểm chú ý của cả thế giới bởi những vấn đề thời sự, những sự kiện chính trị lớn diễn ra tại đây, hoặc được lưu tải trên những màn hình cực lớn gắn xung quanh quảng trường, trên các toà nhà cao tầng. Chúng ta đã từng được chứng kiến lễ hội ngoạn mục chào đón phút giao thừa thế kỷ XX - XXI được tổ chức tại quảng trường này khi quả cầu thời gian dịch tới con số không.
Tại các thành phố lớn trong nước, một số quảng trường gắn với thời gian và lịch sử dân tộc cũng được biết đến: Quảng trường Ba Đình, Cách mạng Tháng Tám, Ngân hàng Quốc gia, Mồng một tháng năm 1/5, Đông kinh nghĩa thục TP.Hà Nội; quảng trường Thống Nhất, Lê Thị Riêng... TP. HCM; quảng trường Nhà hát lớn TP. Hải Phòng; quảng trường Hoà Bình TP. Đà Lạt... Phần lớn quảng trường trong các đô thị của Việt Nam có quy mô không lớn trong số đó lớn nhất là Quảng trường Ba Đình nhưng nó cũng có một vị trí quan trọng trong cấu trúc, tổ chức không gian đô thị và không thể thiếu trong mọi thăng trầm của lịch sử vì nó là nhân chứng và tình cảm của người dân.
Chúng ta đã biết Quảng trường Ba Đình là quảng trường lịch sử. Nơi vang lên giọng nói trầm hùng của Bác Hồ kính yêu đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới. Nơi lưu giữ những giá trị tinh thần và tình cảm đặc biệt của dân tộc Việt Nam... Quảng trường Ba Đình đã chiếm một vị trí xứng đáng và trường tồn trong cấu trúc đô thị Hà Nội ở mọi thời đại... Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, một quảng trường văn hoá - lịch sử của Thủ đô, nơi hiện hữu không khí hào hùng của dân tộc trong những ngày mùa thu năm 1945, nơi diễn ra các sự kiện văn hoá quan trọng kỷ niệm những ngày lễ lớn của Hà Nội và đất nước... Quảng trường Thống Nhất TP. HCM bao gồm cả công viên Lê Duẩn, nơi hội tụ niềm tự hào của cả dân tộc trong ngày 30/4/1975 lịch sử...
Để có được một quảng trường bám chặt vào cấu trúc của đô thị, có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống kinh tế - văn hoá - chính trị - tinh thần của đô thị nói riêng và của xã hội nói chung thì chúng ta cần phải nhìn nhận, phân tích, đánh giá vị trí, vai trò, chức năng của quảng trường trong các mối quan hệ nhiều mặt giữa quảng trường với cấu trúc của đô thị. Từ đó có cái nhìn nghiêm túc đối với sự cần thiết phải có quảng trường và công tác nghiên cứu thiết kế quy hoạch quảng trường trong tổng thể một đô thị.
Trước hết, xét về mặt cấu trúc học đô thị, đôi khi quảng trường là tâm điểm bố cục tổ chức không gian cho một đô thị điểm này nhận rõ trong cấu trúc các đô thị cổ. Nhưng nhìn chung, về cơ bản quảng trường được hình thành bởi nơi giao nhau hoặc nơi hội tụ của những con đường trong đô thị. Nó có vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống mạng lưới đường - hệ khung xương của một đô thị. Giống như những chiếc đinh chốt định vị, đảm bảo cho hệ khung phát triển ổn định, khoẻ mạnh và vững chắc, giúp cho đô thị đứng được và có da có thịt để tồn tại và phát triển. Ta thử hình dung nếu trong đô thị không có các nút giao nhau này để định hình một bộ khung xương cho đô thị thì chắc chắn các nhà quy hoạch, xây dựng không thể hoàn chỉnh và tổ chức tốt được không gian ở, đi lại, làm việc, nghỉ ngơi cho hàng triệu con người sống trong đô thị đó.
Về mặt giao thông, bởi chính quảng trường là nơi hội tụ của những con đường và cũng là nơi toả ra của chúng theo ít nhất là ba hướng khác nhau trong không gian đô thị. Lẽ đương nhiên quảng trường có chức năng trách nhiệm chính điều tiết, chuyển tải giao thông đô thị rất rõ. Ví dụ như ở quảng trường Đông kinh nghĩa thục, nơi điều tiết giao thông của những con đường Hàng Ngang - Hàng Đào, Lương Văn Can, Hàng Gai, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng; Còn quảng trường Cách mạng Tháng Tám thì điều tiết giao thông của những con đường: Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Phan Chu trinh, Tràng Tiền... của TP. Hà Nội... Ở một số nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... quảng trường còn là một tổ hợp đầu mối giao thông quan trọng nơi giao nhau của các tuyến đường phố chính trên mặt đất, nơi hội tụ, chuyển tải của hệ thống tàu điện mặt đất và tàu điện ngầm của đô thị hoặc quốc gia. Chẳng hạn, quảng trường đầu mối Union Station Washington D.C, Hoa Kỳ là một ví dụ.
Về không gian đô thị, tuỳ thuộc vào vị trí, tính chất của quảng trường mà xung quanh nó được quy hoạch, bố trí, xây dựng các công trình kiến trúc phù hợp với yêu cầu, nội dung theo chức năng đô thị xếp đặt. Các công trình kiến xây dựng tại đây thường là các công trình hành chính, dịch vụ công cộng như văn hoá, thương mại, ngân hàng, nhà ga... có quy mô lớn, bề thế, hình dáng kiến trúc đẹp, hoành tráng. Việc bố trí các công trình kiến ở đây cũng thường là cơ hội để tạo nên những không gian kiến trúc tương đối điển hình, những điểm nhấn quan trọng có ấn tượng về mặt thẩm mỹ trong bố cục tổ chức không gian đô thị. Cũng tại các điểm nhấn này, không gian đô thị dường như được mở bung ra, phóng khoáng và cởi mở để rồi lại đảm nhận việc kết nối, chuyển tải hoặc điều chỉnh diện mạo kiến trúc cho các vùng chức năng khác trong toàn bộ đô thị. Như vậy, có thể nói quảng trường còn có cả chức năng điều tiết không gian đô thị. Ví dụ ở quảng trường Ngân hàng Quốc gia Hà Nội, tại đây toà công trình Ngân hàng Quốc gia giữ vai trò là trung tâm bố cục của quảng trường, kế bên trái là khách sạn Métropole, nhà khách Chính phủ, Bưu điện trung tâm, bên phải là Cung thiếu nhi, ngân hàng Công thương Hà Nội, UBND thành phố... và kết nối giữ chúng là mảng cây xanh, vườn hoa, mặt nước lý tưởng. Đó là vườn hoa Con Cóc, vườn hoa Chí Linh với tượng Lý Thái Tổ uy nghiêm, oai hùng và mặt nước Hồ Gươm... Không gian ở đây đã được quảng trường điều tiết rất có hiệu quả, đạt giá trị thẩm mỹ cao.
Về mặt xã hội, quảng trường là nơi hội tụ để bày tỏ tình cảm chung, riêng và nguyện vọng của người dân đối với thành phố, quê hương đất nước. Các cuộc mít tinh, biểu tình lớn có ý nghĩa văn hoá, chính trị... thường được tổ chức tại quảng trường. Hoặc chí ít cùng là nơi cộng đồng dân cư đô thị đi lại, gặp gỡ, giao lưu thường nhật. Những quảng trường như thế thật sống động, hấp dẫn và đầy xúc cảm ...
Tuy nhiên, ở mỗi quảng trường đều có những tính chất khác nhau bởi việc sử dụng chúng và kèm theo đó là việc gắn các công trình kiến trúc xây dựng quanh nó để phục vụ việc sử dụng này. Đó là các quảng trường hành chính - chính trị, văn hoá - lịch sử, tôn giáo, thương mại - du lịch, giao lưu, tổng hợp, tổ hợp đầu mối giao thông... Bởi vậy, đối với các loại quảng trường khác nhau, trong thiết kế quy hoạch, tổ chức không gian đều có các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cụ thể, quy định phù hợp với tính chất, chức năng, yêu cầu sử dụng và chất lựng thẩm mỹ đô thị của mỗi loại.
Tuy nhiên, phần lớn ở tất cả các loại quảng trường đều có chung một số điểm:
• Phải là một trong những điểm chốt quan trọng định vị mạng lưới đường - hệ khung xương cơ bản của toàn đô thị.
• Đủ khả năng quy mô, diện tích, kỹ thuật... để điều tiết giao thông trong một phạm vi nhất định so với việc điều phối chung trong toàn mạng của thành phố.
• Đảm bảo là nhân tố trọng yếu trong việc điều tiết không gian đô thị, là một trong những điểm nhấn có ý nghĩa đối với tổng thể không gian chung của đô thị.
• Các công trình kiến trúc bố trí xây dựng quanh quảng trường thường là những công trình đặc biệt, các công trình dịch vụ công cộng đô thị hành chính, văn hoá, giáo dục, thương mại nhà ga... là những công trình kiến trúc có ý nghĩa và giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao trong tổng thể bố cục không gian đô thị. Chúng thường được bố trí có trọng tâm, có công trình chủ đạo có chính, có phụ, đón trục, đón hướng, đăng đối hoặc phá cách... nhằm tạo nên sự đột biến trong ngôn ngữ Kiến trúc - Quy hoạch - Không gian và sự cảm nhận phong phú về giá trị tinh thần.
• Mỗi đô thị ít nhất phải có một quảng trường chính hoặc trung tâm.
Bên cạnh đó, mỗi loại quảng trường còn có những điểm khác nhau mà trong thiết kế, quy hoạch, tổ chức không gian hoặc thiết kế đô thị đặc biệt cần quan tâm:
• Tính chất, chức năng, yêu cầu sử dụng và các công trình kiến trúc cụ thể được bố trí xây dựng xung quanh quảng trường.
• Độ phức tạp của điểm giao nhau giữa các con đường - trên mặt đất và dưới lòng đất ngã 3, 4, 5, 6, 7... hình dạng, kích thước - vuông, tròn, to, nhỏ của quảng trường.
• Các yêu cầu về thiết kế đô thị nhằm tạo nên những điểm nhấn dấu ấn đặc trưng có giá trị trong tổng thể không gian đô thị... tạo nên những quảng trường có cá tính riêng dễ nhận biết trong bản đồ trí nhớ của mỗi người.

TS.KTS. Trương Văn Quảng
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 14/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)