Tạo sản phẩm chiến lược từ công nghệ cốp pha trượt

Thứ năm, 24/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thứ Năm, 22/06/2006 - 3:03 PM Năm 1994, Công ty Xây lắp Hoá chất CCIC bắt đầu tiếp cận với công nghệ cốp pha trượt để thi công những tấm vách cong, như tháp nước, ống khói nhà máy... Từ thành công trong việc xây dựng các si lô xi măng lò đứng như Duyên Linh, Lạng Sơn, Cam Đường…, đến ống khói Nhà máy Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, đặc biệt là sau khi hoàn thành silô bột liệu Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, tháp tạo hạt Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ và nhiều công trình nhà máy xi măng khác, CCIC đã khẳng định được vị trí của mình, là một trong số ít doanh nghiệp xây dựng Việt Nam sớm áp dụng thành công công nghệ này.
Ông Bế Ngọc Long – Giám đốc Công ty cho biết, tùy theo yêu cầu của mỗi công trình, CCIC đã chọn áp dụng phương pháp thích hợp, như trượt cốp pha si lô xi măng 1 vỏ thông thường, trượt đồng thời cả 2 vỏ, trượt kết hợp nâng khối vật nặng, trượt thành si lô và kéo căng thép dự ứng lực… Hiện nay, cùng với lắp máy, lắp điện, lắp đặt hệ thống công nghệ, phương pháp cốp pha trượt đã trở thành một trong những nghề chuyên sâu, tạo ra sản phẩm chiến lược, góp phần làm tăng uy tín, thương hiệu và thế mạnh của CCIC.
Năm 2002, nhiều người đã phải ngạc nhiên khi CCIC xây dựng thành công silô bột liệu Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, đường kính 19 m, bằng phương pháp cốp pha trượt, kết hợp nâng sàn mái kết cấu thép nặng 200 tấn, lên độ cao 72 m vì trước đây phải dùng cẩu để lắp, vừa mất nhiều thời gian, vừa không an toàn và tốn kém kinh phí. Năm 2003, Công ty lại có được tiếng vang lớn khi xây dựng thành công tháp tạo hạt Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ cao 96 m, bằng phương pháp cốp pha trượt, kết hợp nâng giữ hệ thống khung sàn, tường bê tông cốt thép nặng gần 2.000 tấn treo lơ lửng trên cao trong suốt thời gian gần 1 tháng chờ thi công vai đỡ đủ cứng mới liên kết được, đảm bảo an toàn, chính xác độ sai lệch khoảng 2 phần vạn, trong khi nếu dùng máy bay trực thăng cũng không thể vận chuyển và thả xuống dưới được khối thiết bị nặng và dài như thế, hoặc nếu có dùng chiếc cần cẩu hiện đại nhất ở nước ta lúc đó, thì cũng chỉ có thể nâng được rất thấp vật nặng tới 700 tấn. Việc xây lắp thành công tháp tạo hạt Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ là nấc thang quan trọng, tạo một dấu ấn đẹp, góp phần nâng cao vị thế và làm bừng sáng thương hiệu CCIC trong làng Xây dựng Việt Nam.
Năm 2005, CCIC đã tiếp tục thực hiện thành công si lô xi măng cho Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới, bằng phương pháp cốp pha trượt đồng thời cả 2 vỏ vỏ trong có đường kính 16 m và vỏ ngoài là 24 m. Đặc biệt, ở vỏ ngoài của si lô, theo yêu cầu thiết kế, CCIC còn thực hiện công tác kéo căng dự ứng lực, tức là khi trượt bê tông xong, phải luồn và kéo căng cốt thép dự ứng lực chạy tròn theo tường, nhằm giảm tối đa độ dày, độ ròn nứt và tăng tính chịu lực, chịu nhiệt cho bê tông. Cũng trong năm này, CCIC đã hoàn thành xây dựng ống khói Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn Thái Nguyên cao 120m. Hiện nay, cùng với việc khẩn trương thi công để hoàn thành tháp trao đổi nhiệt của Nhà máy Xi măng Lam Thạch Uông Bí - Quảng Ninh, CCIC đang chuẩn bị các phương án, phương pháp xây dựng ống khói Nhà máy Luyện đồng Sin Quyền Lào Cai cao 100 m và hệ thống 7 si lô của Nhà máy Xi măng Thái Nguyên, do TCTy Xây dựng Công nghiệp làm chủ đầu tư. Theo tính toán ban đầu, các si lô của Nhà máy xi măng này sẽ được thi công bằng phương pháp trượt và kéo căng dự ứng lực, hoặc quá trình trượt có kết hợp nâng sàn mái thép, trong đó có sàn nặng tới hơn 400 tấn, lên đến độ cao trên 45m.
Ông Nguyễn Thế Nhan – Trưởng phòng Quản lý công trình Công ty, cũng là người rất tâm huyết với công nghệ cốp pha trượt cho biết: Hiện nay, cốp pha trượt đã trở thành phương pháp phổ thông mà nhiều đơn vị của CCIC đã thực hiện được, như Xí nghiệp Xây lắp H36 Hà Nội, Xí nghiệp Xây lắp H34 Hải Phòng, Xí nghiệp Xây lắp Hà Bắc… Yêu cầu của công tác chuẩn bị thi công rất khắt khe, chẳng hạn, khi xong móng, kỹ sư chính phải kiểm tra toàn bộ hệ thống cốp pha trượt, khung giáo trượt đạt yêu cầu mới phát lệnh cho đổ bê tông. Trong quá trình trượt cốp pha, các kỹ thuật viên và công nhân phải phối hợp nhịp nhàng trong làm cốt thép, đổ rải bê tông và trượt cốp pha. Công tác tổ chức sản xuất và phân công lao động phải đảm bảo liên tục 3 ca 4 kíp để đạt tốc độ trượt 3,2 – 5m/ngày, tuỳ theo yêu cầu kỹ thuật và thời tiết. Đến nay, CCIC tự hào đã có nhiều công trình được công nhận đạt chất lượng cao, được chủ đầu tư khen ngợi, tiêu biểu như công trình Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ, Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới và công trình Nhà máy Xi măng Lam Thạch cũng đang được đánh giá cao về chất lượng và độ mịn bê tông… CCIC còn tham gia thi công theo phương pháp trượt và kéo căng dự ứng lực cho khung và sàn nhà cao tầng tại các khu đô thị ở Hà Nội.
Như vậy, CCIC đã thể hiện là một nhà xây dựng chuyên nghiệp, đảm bảo được các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ và hiệu quả thi công… Với uy tín đã được khẳng định qua các công trình, lại có đội ngũ cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên có kinh nghiệm và thường xuyên cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, CCIC đã liên tiếp trúng thầu nhiều công trình, chuẩn bị xây dựng và lắp đặt hệ thống silô, ống khói các nhà máy xi măng Sông Đà, Hiệp Phước, Thăng Long...
Theo nhận định của một số chuyên gia xây dựng, trong tương lai không xa, công nghệ cốp pha trượt sẽ rất thích hợp và đem lại hiệu quả cao cho các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp ngày càng có qui mô lớn hơn. Hy vọng, CCIC sẽ ngày càng trưởng thành hơn, xứng đáng là địa chỉ tin cậy hàng đầu trong áp dụng công nghệ cốp pha trượt vào thi công xây dựng ở nước ta.

Nguồn tin : irv.moi.gov.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)