Thiết bị nạo vét cống rãnh

Thứ năm, 24/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thứ Năm, 22/06/2006 - 3:16 PM 1. Đặt vấn đề Công tác nạo vét cống ngầm, kênh mương thoát nước bằng lao động thủ công là công việc rất nặng nhọc, năng suất lao động thấp, thi công khó khăn, nhiều khi nguy hiểm, ở nhiều vị trí, tuyến cống ngầm, kênh mương thoát nước không thể nạo vét được. Với điều kiện cơ sở hạ tầng xuống cấp đã gây nên tình trạng ngập úng khi mưa to hoặc mưa kéo dài tại nhiều khu vực trong các thành phố, mà điển hình là thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Đứng trước tình hình đó, vấn đề đặt ra là cần phải đưa thiết bị cơ giới vào hỗ trợ cho lao động thủ công. Vì vậy, việc nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nạo vét, hút bùn cống ngầm thoát nước đô thị, nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, cải thiện điều kiện làm việc của người công nhân, tiết kiệm ngoại tệ nhập thiết bị là điều hết sức cần thiết.
Trong những năm gần đây, mặc dù kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác thoát nước các đô thị, đặc biệt là ở các thành phố lớn đã được Đảng và Chính phủ quan tâm. Với mục tiêu xóa bỏ tình trạng ngập úng đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... một số đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... đã xây dựng và triển khai các dự án thoát nước, trong đó phần thiết bị vật tư cho dự án là rất lớn.
Nhằm định hướng cho sự phát triển trong lĩnh vực thoát nước đô thị, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và bảo vệ môi trường, theo đề nghị của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 35/1999/QĐ-TTg, ngày 5/3/1999 phê duyệt Chiến lược phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 với những biện pháp chủ yếu như Nghiên cứu áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật đồng bộ; Hiện đại hóa công nghệ sản xuất vật tư thiết bị trong nước; Phấn đấu đến năm 2010 - 2015 tự sản xuất được khoảng 70% vật tư thiết bị phụ tùng thay thế trong hệ thống công nghệ như máy bơm; máy khuấy, các loại ống cống thoát nước, phụ kiện van, tê, cút nối ống các vật liệu lọc, hóa chất....

2. Giải quyết vấn đề.
Tại quyết định số 3198/QĐ-UB, ngày 10/8/1998, Viện Nghiên cứu Cơ khí được UBND thành phố Hà Nội chỉ định làm đơn vị chủ trì Nghiên cứu các biện pháp nạo vét, xây dựng dây chuyền công nghệ và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho các thiết bị cơ giới hiện đại của gói thầu CP6 của Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn I 1996 - 2000. Đồng thời, Viện cũng là đơn vị trực tiếp xây dựng quy trình công nghệ nạo vét cho thiết bị cơ giới của Dự án Thoát nước Hải Phòng. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra các phương pháp nạo vét và dây chuyền thiết bị điển hình:
+ Nạo vét cống ngầm: Quy trình công nghệ S1A Nạo vét cống ngầm bằng xe phun nước phản lực kết hợp với các thiết bị khác; S1B Nạo vét cống ngầm bằng máy tời kết hợp với các thiết bị khác; S2 Nạo vét cống ngầm bằng xe hút chân không có độ chân không cao 8 tấn kết hợp với các thiết bị khác; S3 Nạo vét cống ngầm bằng xe hút chân không 4 tấn và máy tời kết hợp với các thiết bị khác.
+ Nạo vét mương: Quy trình công nghệ C1A Nạo vét mương bằng máy xúc tay gầu ngắn PC - 60 - 7; C1B Nạo vét mương bằng máy xúc tay gầu dài LC 200; C2: Nạo vét mương rộng, sông hồ, điều hòa bằng máy xúc tay gầu ngắn PC60 - 7 đặt trên xà lan; C3 Nạo vét mương bằng xe hút chân không 8 tấn kết hợp với các thiết bị khác; Nạo vét mương bằng thuyền chở bùn và công nhân trực tiếp xúc bùn kết hợp với các thiết bị khác.
Ngoài việc đi sâu nghiên cứu các phương pháp nạo vét và xây dựng dây chuyền công nghệ cho thiết bị cơ giới hiện đại của nước ngoài thông qua các dự án, những năm gần đây, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã triển khai nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị nạo vét qua các công trình nghiên cứu của các đề tài cấp Bộ và Nhà nước. Đặc bịêt, hiện nay, Viện đang thực hiện Đề tài cấp Nhà nước KC 05.31, số 31/2004/HĐ-ĐTCT - KC05, với nội dung Nghiên cứu thiết kế chế tạo cụm thiết bị di động dùng để nạo vét, hút bùn rác cống rãnh đô thị.
Các công trình nghiên cứu đã tạo ra các thiết bị nạo vét kênh mương, cống rãnh, từng bước tiếp thu được tiến bộ khoa học kỹ thuật của các thiết bị cơ giới hiện đại và đã tạo ra được sản phẩm có tính năng công tác tương đương với thiết bị cùng loại của nước ngoài.
Là đơn vị trực tiếp hoạt động nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực thoát nước trong nhiều năm qua, từ kết quả quá trình trực tiếp nghiên cứu về các dây chuyền và phương pháp nạo vét của nước ngoài, Viện đã xây dựng các quy trình công nghệ nạo vét hệ thống thoát nước Hà Nội, Hải Phòng bằng thiết bị cơ giới. Viện Nghiên cứu Cơ khí có thể khẳng định một số vấn đề sau đây:
+ Thiết bị xe hút chân không tham gia là thiết bị chủ lực trong các dây chuyền công nghệ nạo vét chiếm tỷ lệ khá lớn: 100% trong các quy trình nạo vét cống, 90% trong các quy trình công nghệ nạo vét mương.
+ Thiết bị gầu tời tham gia là thiết bị vận chuyển chủ lực, chiếm tỷ lệ 70% trong các quy trình nạo vét cống.
+ Khi 2 thiết bị là xe hút chân không và thiết bị gầu tời cùng kết hợp với nhau thực hiện được 2 trên tổng số 4 quy trình công nghệ nạo vét cống ngầm, tạo thành một dây chuyền nạo vét độc lập. Dây chuyền này hoạt động rất hiệu quả đối với cống có lượng bùn nhiều phế thải, rác, ni lông, gạch, đá và mực nước trong cống cao. Đây cũng là mục tiêu nghiên cứu của Đề tài KC 05.31.
Các thông số kỹ thuật chủ yếu của thiết bị bao gồm: Xe hút chân không có tách nước 6 tấn, thiết bị gầu tời: Công suất: 121 kW/2.900 v/phút; độ chân không tối đa: -740 mmHg; lưu lượng khí tối đa: 1.000 m3/giờ; kích thước: L x B x H 7.500 x 2.200 x 3.500 mm; trọng lượng toàn bộ: 9.400 kg.
Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác: Xe cơ sở HINO FC3JLUA Việt Nam lắp ráp; bơm chân không: BCK 1000 Việt Nam; thùng chân không: 2,5 m3 Việt Nam; hệ thống nâng và đóng mở bằng thủy lực Việt Nam.
* Thiết bị gầu tời, Việt Nam lắp ráp: Gầu tời chính: có công suất 20 mã lực; tốc độ kéo lớn nhất: 50 m/phút; kích thước L x B x H: 2730 x 1750 x 2950 mm; trọng lượng: 1500 kg.
Gầu tời phụ: Công suất 12 mã lực; tốc độ kéo trung bình: 50 m/phút; kích thước L x B x H: 2090 x 1370 x 1685 mm; trọng lượng: 1200 kg.

3. Kết quả và kết luận.
Lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực hiện thành công tích hợp xe hút bùn chân không, có độ chân không - độ hút cao, sử dụng xe tải cơ sở, lắp ráp tại Việt Nam, được cải tạo thành xe chuyên dụng. Việc sản xuất, ứng dụng thành công cụm thiết bị di động kết hợp với xe tải chuyên dụng dùng nạo vét hút bùn rác cống rãnh đô thị vào thực tế, vừa đảm bảo nâng cao năng lực thoát nước của đô thị, vừa cải thiện cơ bản điều kiện lao động nặng nhọc của công nhân ngành thoát nước, đây là cơ sở bảo đảm yêu cầu vệ sinh, đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường. Qua thí nghiệm khoa học và bước đầu ứng dụng trong thực tế, xe hút bùn chân không đã phát huy tác dụng, đáp ứng được yêu cầu nạo vét cống rãnh, với tính năng tương đương của xe nhập ngoại, trong khi giá thành chỉ bằng khoảng 60%.
Với sự đầu tư hợp lý về tài chính, nhân lực và vật lực, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện thiết kế, chế tạo, tích hợp thành công cụm thiết bị di động dùng để nạo vét hút bùn, rác cống rãnh đô thị có tính năng và chất lượng tương đương nước ngoài. Chúng tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần khuyến khích các công ty thoát nước trong nước sử dụng cụm thiết bị di động dùng để nạo vét hút bùn, rác cống rãnh đô thị chế tạo trong nước.

Nguồn tin : irv.moi.gov.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)