Ngành xây dựng cần nỗ lực hơn nữa để tiết kiệm năng lượng

Thứ sáu, 25/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Khi đề cập đến tiêu thụ năng lượng, theo trực giác nhiều người nghĩ ngay đến các ngành công nghiệp và giao thông vận tải; tuy nhiên, chính những công trình xây dựng nằm bất động đó lại đang âm thầm trở thành một trong 2 hộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất cùng với ngành giao thông vận tải.
Hiện nay, tổng diện tích sàn xây dựng ở cả đô thị và nông thôn của Trung Quốc ước tính vào khoảng 40 tỷ m2. Khi sử dụng các công trình đó, năng lượng tiêu thụ cho sưởi, điều hoà không khí, thông gió và chiếu sáng... đã chiếm khoảng 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng của toàn quốc; và mức tiêu thụ năng lượng của các công trình công cộng quy mô lớn có thể cao gấp 10 lần so với một công trình nhà ở thông thường tính trên cùng đơn vị diện tích. Tổng diện tích sàn công trình công cộng của Trung Quốc vào khoảng 4,5 tỷ m2, trong đó các công trình thương mại lớn, nhà văn phòng, khách sạn có sử dụng hệ thống điều hoà trung tâm chiếm diện tích tổng cộng khoảng 500-600 triệu m2. Nếu như những công trình nói trên được xây dựng lại theo chỉ tiêu tiết kiệm 50% năng lượng thì tổng số năng lượng tiết kiệm có thể tương đương với 135 triệu tấn than.

Theo các số liệu công bố của Bộ Xây dựng, tổng diện tích sàn các công trình xây mới ở đô thị và nông thôn của Trung Quốc mỗi năm ước tính đạt xấp xỉ 2 tỷ m2, 80% diện tích đó là các công trình có mức độ tiêu thụ năng lượng cao; và 90% các công trình hiện hữu tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Mức độ tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tính theo đơn vị diện tích sàn lớn gấp 2 đến 3 lần so với các nước phát triển.

Các con số nói trên đã cho thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh quá trình bảo toàn năng lượng trong công trình xây dựng trong giai đoạn hiện nay. Ông Zhong Jishou, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc gia về các điểm dân cư CNERCHS đã mô tả sự phát triển hiện nay trong lĩnh vực bảo toàn năng lượng trong công trình xây dựng như là nhập 3 giai đoạn thành 2 giai đoạn.

Theo ông Zhong, sự phát triển của ngành xây dựng có thể được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 là chặng đường công nghiệp hoá, trong đó mục tiêu là giải quyết nhà ở cho nhân dân, giai đoạn 2 là giai đoạn quan tâm nhiều đến vẻ đẹp hình thức và chất lượng của các công trình. Các nước phát triển hiện nay đã bước sang giai đoạn thứ 3 là chú trọng đến công trình và môi trường, còn có thể gọi là giai đoạn xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả môi trường. Hiện tại, ngành xây dựng Trung Quốc mới chỉ vượt qua giai đoạn thứ nhất để bước vào chặng đường thứ 2. Việc đưa ra những nỗ lực về tiết kiệm năng lượng trong xây dựng ở giai đoạn 2 thực chất là việc sáp nhập 2 giai đoạn sau thành 1, một số khu vực có thể bước ngay vào giai đoạn 3 trong khi có những khu vực còn thiếu các điều kiện cần thiết cần phải thúc đẩy phát triển. Năm 2005, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở tiết kiệm năng lượng đã được ban hành và bắt buộc áp dụng ở Trung Quốc và tiêu chuẩn thiết kế tiết kiệm năng lượng các công trình công cộng sẽ sớm được triển khai ở các thành phố đã đủ điều kiện.

Các nhà chuyên môn cho rằng, công nghệ xây dựng tiết kiệm năng lượng có thể chia thành 2 loại là công nghệ cao và công nghệ bình thường. Việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng giá rẻ không những không làm phát sinh các chi phí phát triển mà còn đem lại các hiệu quả cho xã hội.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, chi phí xây dựng các công trình nhà ở tiết kiệm năng lượng chỉ cao hơn từ 5 đến 10% so với các công trình nhà ở không áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Thông thường chi phí xây dựng công trình dân dụng vào khoảng 800 NDT/m2, chi phí cho tường bao ước tính sẽ tăng thêm khoảng 40NDT/m2, chi phí mái tăng thêm khoảng 7NDT/m2, chi phí cho cửa đi và cửa sổ tăng thêm 17NDT/m2. Tổng chi phí tăng thêm vào khoảng 64NDT/m2, chiếm 7,8% tổng giá thành của các công trình dân dụng. Như vậy, chi phí xây dựng một công trình dân dụng có diện tích sàn 100m2 sẽ tăng thêm 6.400NDT. Nếu tính bình quân tiết kiệm được 40kwh điện/1 m2 sàn thì công trình đó sẽ tiết kiệm được 4.000kwh điện mỗi năm. Với giá điện hiện nay là 0,5NDT/1kwh, công trình nói trên sẽ tiết kiệm được 2.000 NDT mỗi năm. Từ đó có thể thấy số tiền điện tiết kiệm được của công trình có thể bù được chi phí xây dựng tăng thêm chỉ trong vài năm.

Về vấn đề được nhiều công ty phát triển nhà phản ánh tiết kiệm năng lượng không phải là yếu tố quyết định đối với người mua nhà ở, ông Zhong đã phân tích rằng, trước đây, mọi người chưa có khái niệm về tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng, khi mua nhà, họ chủ yếu chỉ quan tâm đến cảnh quan môi trường, tiện nghi, bố trí mặt bằng, giao thông... Nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi.

Với việc bắt buộc thực hiện các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng đối với các công trình xây dựng, thị trường đang trở nên rõ ràng hơn với nhiều kênh thông tin hơn. Người mua nhà đã ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng. Người mua nhà quan tâm đến nhiều vấn đề hơn khi mua nhà, và liệu ngôi nhà đó có tiết kiệm được năng lượng hay không sẽ trở thành một yếu tố xem xét không thể thiếu được.

Zhu Lei
Nguồn: Báo Beijing Time ngày 7/8/2006

ND:Bạch Minh Tuấn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)