CÔNG TÁC QUY HOẠCH: Đòi hỏi các chế tài pháp lý

Thứ tư, 15/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
05:30' AM - Thứ sáu, 03/11/2006 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/1/2005 của Chính phủ và Quy hoạch xây dựng và Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19/8/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng là những cơ sở tốt cho công tác quy hoạch, phần nào đáp ứng được đòi hỏi của công tác quy hoạch hiện nay. Tuy nhiên, qua công tác nghiên cứu và tham gia thiết kế thực tiễn, còn một số vấn đề mà các chế tài pháp lý về quy hoạch cần tiếp tục được hoàn chỉnh.
Hiện nay các quy định, văn bản về công tác quy hoạch chỉ thích hợp và có hiệu lực đối với các khu vực phát triển bằng nguồn vốn nhà nước hoặc các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng. Các quy định cho các khu vực phát triển bằng nguồn lực cá nhân các làng xã đô thị hoá, nhà dân tự xây tính hiệu lực rất thấp. Tiêu chuẩn mới về nhà ở chia lô, liên kết cũng né tránh khu vực này.

Chưa gắn với nguồn lực

Qua nghiên cứu cho thấy chính diện mạo kiến trúc đô thị của chúng ta hiện nay yếu kém, manh mún là do sự phát triển của các khu vực này chưa có chế tài kiểm soát hữu hiệu. Trong hầu hết các khu vực đô thị, tỷ trọng công trình dân tự xây là đa số, chiếm cứ không gian trên nhiều trục đường chính của đô thị và như vậy nó đã quyết định phần lớn diện mạo của kiến trúc đô thị hiện nay.

Chúng ta cũng không thể quy trách nhiệm cho đội ngũ quản lý đô thị, bởi với hàng vạn chủ đầu tư đơn lẻ, với các ý thức chấp hành khác nhau, trình độ khác nhau lại được có quyền tổ chức tự xây, tự thiết kế thì khó có thể tạo ra một sự thống nhất về kiến trúc, quy hoạch trừ khi đội ngũ quản lý đô thị đông như cảnh sát.
Chỉ có thể hạn chế sự phát triển của nguồn lực đơn lẻ này, đi liền với các chế tài về quy hoạch, quản lý đầu tư và quản lý xây dựng.

Thiết nghĩ, Bộ Xây dựng nên quan tâm đến vấn đề này, phối hợp giữa các chính sách về quy hoạch với chính sách đất đai, điều tiết dạng nguồn lực này sang một dạng phát triển khác có tổ chức, có chuyên môn, cơ quan quản lý có khả năng kiểm soát để có kết quả thiết thực hơn. Muốn như vậy các quy định về biện pháp lập và quản lý quy hoạch cũng cần tương thích, không thể giống như các quy định thông thường hiện nay.

Chưa thể hiện rõ quá trình thực hiện

Trước tiên, bản vẽ quy hoạch vẫn chỉ thể hiện cái đích cuối cùng, cái mong muốn, chưa chỉ ra quá trình, trình tự thực hiện nào có lợi nhất. Có đề ra danh mục công trình ưu tiên đầu tư nhưng điều đó chưa được diễn giải trên bản vẽ quy hoạch. Điều này sẽ dẫn đến công tác thực hiện đầu tư khó khăn, đôi khi phá vỡ quy hoạch.

Ví dụ một quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/200 khu đô thị mở rộng khoảng 800 ha theo quy hoạch chung đến năm 2020. Thực tế chúng ta không thể có tiền đầu tư một lúc, đồng bộ một diện tích lớn như vậy. Hạ tầng khung phải xây dựng trước hay xây dựng theo các khu vực chức năng? Khu vực này xây dựng trước có được ưu tiên có hạ tầng trước hay khô... điều này rất phụ thuộc vào cách quy hoạch. Như vậy trong nội dung quy hoạch cần diễn giải thích hợp lý của công tác phân đoạn các hang mục đầu tư, đảm bảo cho cả một quá trình phát triển 10 - 20 năm của khu vực đó không bị mất cân bằng, đạt được đích đề ra. Bài học về sự chậm trễ đầu tư của các tuyến đường vành đai Hà Nội cũng minh chứng cho điều đó. Chính vì sự đầu tư chậm của đường vành đai này đã làm biến đổi các tính chất của các khu vực chức năng khác. Ví dụ đường Chùa Bộc, Thái Hà đã bất đắc dĩ trở thành tuyến đường vành đai, thành tuyến phố thương mại và gây ùn tắc giao thông thường xuyên.

Cần khẩn trương ban hành các quy định về thiết kế đô thị, thể hiện rõ trong tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn. Đây là công tác pháp lý đã tiến hành khá chậm so với yêu cầu. Đặc biệt đối với các khu vực thiết kế 1/500. Các nhà thiết kế kiến trúc không thể tự mình đưa ra các phương án thiết kế có sự hài hoà với không gian xung quanh nếu không có quy định rất chi tiết của công tác thiết kế đô thị.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều công trình thiết kế ở khu vực mà công tác thiết kế đô thị chưa triển khai trong quá trình làm quy hoạch. Chúng tôi kiến nghị trong nội dung của thiết kế cơ sở xây dựng công trình, cần đưa thêm nội dung của bản vẽ thiết kế đô thị. Nội dung này làm rõ quan hệ của công trình với xung quanh về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan trên nút, tuyến... không thể chỉ thể hiện trên tổng mặt bằng hoặc qua lời thuyết minh như hiện nay. Các khu vực dọc theo tuyến phố chính cần phải được đặc biệt quan tâm, trong công tác quy hoạch phát triển hiện nay. Cần có những quy định cụ thể, kết hợp với các chế tài khác để cương quyết loại bỏ được vấn đề phát triển tự phát hai bên đường.

Ngoài ra, vấn đề quy định lập quy hoạch, đơn giá quy hoạch cho các khu vực đặc thù còn thiếu. Cụ thể là trong phần quy hoạch các khu du lịch và phần thiết kế kiến trúc cảnh quan vườn, công viên.... Các khu vực này cần có đơn giá riêng. Ví dụ mức độ nghiên cứu về thiết kế đô thị trong khu du lịch không thể cũng như mức độ nghiên cứu trong một khu dân cư, chia lô.
Cách tính trên quy mô diện tích hiện nay là chưa thoả đáng. Cũng tương tự như vậy, thiết kế cảnh quan nằm giữa công tác quy hoạch và công tác thiết kế công trình, cũng cần có đơn giá riêng phù hợp. Lĩnh vực này cần được quan tâm vì cũng đang có nhu cầu phát triển rộng.

Hi vọng công tác thiết lập chế tài cho công tác quy hoạch tiếp tục được hoàn thiện, hỗ trợ tích cực cho công tác phát triển đô thị.

TS Phạm Hùng Cường - Trường đại học Xây dựng Hà Nội
www.dddn.com.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)