Sáng tác kiến trúc với diện mạo đô thị ở nước ta hiện nay

Thứ ba, 14/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Một đô thị đẹp, phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng của tư tưởng quy hoạch tốt cùng những sáng tác kiến trúc mang tính sáng tạo trong tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống... những yếu tố không thể tách rời trong các khâu thiết kế kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị giữ vững vai trò quyết định trong việc tạo nên một diện mạo đô thị có cá tính và bản sắc riêng. Gần đây, nhiều người quan tâm đến thuật ngữ và khái niệm về cảnh quan đô thị, kiến trúc sinh thái, thiết kế đô thị, thiết kế tiết kiệm năng lượng... về thực chất, nội dung của những khái niệm này không mới lạ, nhưng việc thay đổi quan niệm để ý thức rõ hơn nhằm thoát khỏi nếp tư duy cũ vần còn chậm chuyển biến.
Chính vì thế mà trong quá trình thiết kế kiến trúc đo thị đang bị cản trở bởi dòng tư duy cũ, nặng lối mòn xưa. Các công trình đơn lẻ vẫn cứ mọc lên bất chấp những ràng buộc, nguyên tắc về sự hài hoà và thống nhất với kiến trúc và cảnh quan chung quanh. Tình trạng nhà đẹp lên nhưng phố xấu đi đang là căn bệnh chung của nhiều đô thị. Không gian đô thị hiện đại không thể là phép cộng gộp của các xu hướng nệ cổ, nhại cổ, kiến trúc kiểu nhảy nhót của các công trình nhà ở tự xây dàn trải khắp nơi... mà nó phải được đặt trong tổng thể khu vực với tất cả những yếu tố cấu thành nên nó, nhiều khi với sự góp mặt của cả những thành phần phi kiến trúc.

Thực trạng các đô thị

Sẽ không thừa khi nhắc lại lý thuyết của Kevin Lynch về hình ảnh đô thị, mà theo ông - hình ảnh của đô thị hay bộ mặt kiến trúc của thành phố được quyết định bởi 5 nhân tố: Lưu tuyến, khu vực, cạnh biên, nút, cột mốc với 3 điều kiện phải đạt được: Bản sắc - Cấu trúc - Ý nghĩa.
Lý thuyết như vậy, nhưng thực tế xây dựng ở nước ta thì ra sao? Hãy xem một số đô thị hiện nay. Nhìn từ trên cao, các đô thị cùng toát lên điểm chung là tình trạng xây dựng tự phát, lôm nhôm và không có bản sắc.
Có thể lấy Hà Nội là ví dụ điển hình về một đô thị đang phát triển trong tình trạng không kiểm soát được, lúng túng trong tạo lập không gian và bộ mặt kiến trúc chắp vá, lộn xộn ở cả 3 khu vực: cổ, cũ và các đô thị mới. Ấn tượng rõ nhất khi tiếp cận từ từ hướng các cửa ngõ hoặc nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao sẽ thấy rõ sự hỗn độn, thiếu trật tự... và như lời nhận xét của một quan chức thì khi: Ngồi trên máy bay nhìn xuống thủ đô Hà Nội, chẳng khác nào ta cầm nắm sỏi ném xuống mặt đất...
Giá trị của nhiều công trình kiến trúc chưa được đánh giá và coi trọng đúng mức trong tổng thể phát triển của đô thị, mờ nhạt trước những cảnh quan chung thiếu trật tự. Sự hỗn độn về kiến trúc thể hiện rõ qua việc thành phố chưa phân vùng kiến trúc cảnh quan thống nhất dựa theo chức năng và hình thái tự nhiên vốn cần được định rõ ở các khu vực ở, các khu trung tâm mật độ cao, khu vui chơi giải trí... Rất khó để có thể hình dung ra một khu vực chức năng nào có hình thái rõ nét ở Hà Nội. Những gì có thể nhận thấy từ trên cao là lốm đốm các khu cây xanh, ao hồ bé nhỏ được đan xen trong những khu nhà ở tự gây lộn xộn, với tỷ trọng các khu vực dân tự xây không kiểm soát được chiếm một phần phạm vi không gian quá lớn. Qua phân tích không ảnh của quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai cho thấy, tỷ lệ các khu vực phát triển không có kiểm soát không gian chiếm khoảng 60 - 70% trong toàn bộ khu vực xây dựng. Đây chính là nguyên nhân làm cho hình ảnh tổng thể của Hà Nội xấu và lộn xộn. Chính hình thái mỗi khu vực không rõ ràng, không thống nhất trong không gian tổng thể toàn thành phố đang làm lu mờ đi những cố gắng đơn lẻ của công trình kiến trúc dù có thiết kế tốt nhưng thiếu ăn nhập.
Những gì đang diễn ra ở Hà Nội cho thấy thực trạng về một hình ảnh kiến trúc đô thị còn nhiều yếu kém. Không ít những công trình kiến trúc nhìn riêng thì đẹp kiểu như hoa hậu nhưng không ăn nhập với chung quanh hoặc nhiều hoa hậu đứng cạnh nhau nhưng người ngoài mặc áo tắm bên người mặc váy... Nhiều đoạn phố, tuyến phố hiện nay đang là những ví dụ điển hình về kiến trúc, cảnh quan, tổ chức không gian đô thị yếu kém và nhức nhối nhất, tác động xuất đến cảm nhận về thẩm mỹ. Thể hiện rất rõ và trực diện đó không phải là sự thống nhất về chiều cao, tỷ xích công trình, phong cách kiến trúc, nhịp điệu... trên tuyến, còn trên bình diện lớn hơn sự yếu kém ấy được thể hiện rõ ở phạm vi từng khu vực. Thành phố đã không tạo lập được được hình ảnh về các khu vực đặc trưng, có kiến trúc và hình thái không gian rõ ràng. Mảng kiến trúc dân tự xây, chiếm phần lớn trong hình ảnh được cảm nhận về kiến trúc đô thị, là nơi tập trung sự yếu kém nhất về mọi khía cạnh thẩm mỹ tổng thể: vùng, tuyến, nút, công trình. Trong khi đó những công trình quan trọng trong phạm vi nút không gian tại các khu vực trung tâm vốn được đầu tư nhiều tiền của vẫn chỉ tập trung sáng tác vào từng bản thân công trình riêng lẻ, với rất ít quần thể kiến trúc có không gian đẹp. Các khu vực cạnh biên nơi tiếp xúc giữ nội và ngoại thành cũng chưa được quan tâm về khía cạnh kiến trúc đo thị với các siluet lộn xộn ngay cả khi những hướng nhìn đẹp nhất từ các cửa ngõ hướng vào thành phố. Kiến trúc các khu vực ven sông, cửa ngõ đô thị hiện nay chưa được chú ý quan tâm, chăm sóc để tạo dựng các điểm nhấn tôn vinh hình ảnh đô thị.

Nguyên nhân và hướng khắc phục

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém như điều kiện hành nghề, cơ chế sáng tác, hoặc công tác quản lý còn bất cập chưa theo kịp với thực tiễn... Riêng ở góc độ sáng tác, để dẫn đến thực trạng này thì kiến trúc sư với vai trò và trách nhiệm của mình lại là người có liên quan nhất. Thực tế điều tra, khảo sát về lực lượng sáng tác trong giai đoạn 1990 đến nay cho thấy, phần lớn những công trình do đội ngũ kiến trúc sư trẻ dưới 35 tuổi thiết kế, trong đó có rất nhiều kiến trúc sư đã đứng vai tác giả, chủ trì thiết kế hoặc trực tiếp thiết kế dưới danh nghĩa người khác chủ trì chỉ sau vài năm ra trường. Ở họ còn thiếu chiêm nghiệm thực tế nên tính chuyên nghiệp thấp, chưa chín muồi trong sáng tác, một công việc vốn rất phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố thẩm mỹ với các yếu tố kỹ thuật và xã hội. Các kiến trúc sư trên 35 tuổi trực tiếp sáng tác chiếm tỷ lệ thấp chỉ khoảng 40% còn lại đã chuyển sang làm công tác quản lý. Đây là một xu thế không tích cực. Chính sự thiếu vắng các kiến trúc sư có kinh nghiệm, các kiến trúc sư đầu đàn trực tiếp sáng tác đã là một nguyên nhân không nhỏ cho những yếu kém của các sản phẩm kiến trúc đô thị hiện nay.
Hoà cùng công cuộc Đổi mới đất nước, đến nay trong cả nước đã có 11 cơ sở đào tạo kiến trúc sư, nhưng chất lượng không đồng đều. Trong công tác đào tạo, nội dung thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan đô thị vẫn đang được xem là những khái niệm mới du nhập, chậm đưa vào giảng dạy, khiến phần lớn các kiến trúc sư khi ra trường chưa được trang bị đủ kiến thức để nhập cuộc trong mối quan hệ cần thiết. Hiện vẫn song hành hệ đào tạo kiến trúc sư công trình và kiến trúc sư quy hoạch, cách nhìn nhận về vai trò của quy hoạch trong sáng tác kiến trúc đô thị vẫn chưa được thống nhất. Trong khi thực tế đang đồi hỏi phải có đội ngũ chuyên sâu hơn trong công tác quy hoạch - thiết kế đô thị và điều này phải được thực hiện ngay từ khâu đào tạo. Chính sự thiếu hụt và không hoàn thiện ngay từ khâu đào tạo đã trở thành một thách thức không nhỏ đối với công tác quy hoạch và người làm quy hoạch ở nước ta. Nó dẫn đến một hệ quả là phần lớn những người làm quy hoạch, quản lý đô thị ở nước ta thời gian qua lại chỉ được đào tạo cơ bản về kiến trúc thiếu kiến thức về quy hoạch, trong khi kiến trúc và quy hoạch có liên quan mật thiết nhưng bản chất rất khác nhau. Như vậy việc thiếu kiến trúc và kinh nghiệm trong sáng tác và quản lý cũng là điều tất yếu. Nhiều kiến trúc sư cũng thừa nhận khi sáng tác, họ chỉ tập trung vào việc phục vụ chủ đầu tư là chính, ít chú ý đến thiết kế như thế nào cho hài hoà với chung quanh, vì ngoài giấy phép xây dựng công trình không bị ràng buộc gì.
Nâng cao năng lực của đội ngũ làm nghề vẫn là vấn đề cấp bách, cải cách chương trình đào tạo, mở lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ không chỉ áp dụng cho các sinh viên đại học mà còn đào tạo lại cho các kiến trúc sư đã hành nghề, kể cả những người làm công tác quản lý ở các cấp trong các đô thị. Trong điều kiện hiện nay của nước ta, công tác đào tạo lại cần được chú trọng và tổ chức một cách thiết thực, kết hợp các khoá học lý thuyết với việc tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các nước, các thành phố có kiến trúc đô thị tốt. Những bài học trực quan, những kinh nghiệm từ các đô thị sẽ giúp cho học viên nâng cao kiến trúc về công tác sáng tác, công tác quản lý kiến trúc đô thị có hiệu quả. Hãy coi công tác đào tạo lại là nhiệm vụ bắt buộc của các đơn vị tư vấn cũng như quản lý tại các đô thị để việc nâng cao nhận thức về vấn đề kiến trúc đô thị được quán triệt tới từng đơn vị có liên quan trong công tác phát triển đô thị.
Thực hiện việc đấu thầu tư vấn, thi tuyến thiết kế kiến trúc, thiết kế quy hoạch có thể được coi như một lớp sàng lọc tích cực trong việc chọn ra những sản phẩm xây dựng tốt cho đô thị. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý để khớp những việc liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Thông tư 05 của Bộ Xây dựng về thi tuyển công trình kiến trúc cũng phải chỉnh sửa cho phù hợp và cụ thể hơn, tránh hình thức, để việc tuyển chọn đi vào thực chất và công bằng. Sớm ban hành Thông tư về thi tuyển thiết kế quy hoạch và thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan cho các khu vực đặc thù để các thành phố đều có những định hướng thiết kế tốt. Các cuộc thi phải được công bố rõ ràng, công khai. Tiếp tục cải thiện thể chế để tạo môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt động thiết kế đô thị và thiết kế kiến trúc cảnh quan, sớm ban hành những chính sách, chế tài pháp lý về kiến trúc quy hoạch, các đơn giá về thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc cảnh quan phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho các công tác này hoạt động tốt.
Song song với việc thực hiện hiệu quả những nội dung trên, công tác tuyên truyền về kiến trúc đô thị tới cộng đồng để nâng cao dân trí, xã hội hoá vấn đề liên quan. Trong thời gian trước mắt trong khi chưa thể loại bỏ được ngay các thành phần kiến trúc tự xây thì biện pháp tuyên truyền kiến thức cơ bản về quy hoạch và kiến trúc đô thị tới người dân là biện pháp thiết thực nhất. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chương trình phổ biến kiến thức về kiến trúc - quy hoạch sẽ giúp người dân có sự nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình với vẻ đẹp chung của đô thị, từ đó làm cơ sở tiến dần tới thực hiện phương thức quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng. Các kiến thức cơ bản cần phổ biến có thể gồm: các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong khu dân cư; những yêu cầu về sử dụng đất chỉ giới xây dựng, mật dộ xây dựng, tầng cao...; những yêu cầu thông thường về kiến trúc đô thị trên tuyến phố; hướng dẫn các thủ tục về xin phép xây dựng, những yêu cầu về quản lý đô thị; phổ biến về quy hoạch cũng như các dự án có liên quan trong khu dân cư. Đây cũng là cách tiếp cận để người dân có điều kiện tham gia tốt hơn trong việc xây dựng khu dân cư của mình. Công tác kiến trúc đô thị cần tiếp tục được nghiên cứu, tuyên truyền sâu rộng để tạo ra sự quan tâm rộng rãi của các ngành và của toàn dân. Việc thiết lập các khu vực phát triển mẫu mực về sản phẩm kiến trúc đô thị cần được thực hiện thí điểm để làm cơ sở rút kinh nghiệm cho các khu vực khác trong đô thị cùng triển khai.
Từ thực tế đang diễn ra có thể thấy công tác thiết kế kiến trúc đô thị - lĩnh vực có khả năng kết nối các chuyên ngành liên quan, đang trở nên ngày một quan trọng. Đây là công tác liên quan đến nhiều ngành, sản phẩm của nó có tác động rất lớn đến chất lượng môi trường sống của con người trong đô thị. Nó phản ánh sự phát triển kinh tế xã hội và phụ thuộc vào những biến đổi này. Thành tựu trong sáng tác kiến trúc đô thị không thể có được chỉ trong ngày một, ngày hai mà nó đòi hỏi những nỗ lực kiên trì và nhất quán của các cấp chính quyền cũng như ý thức chung của từng người dân và toàn xã hội, trong đó kiến trúc sư đóng vai trò quan trọng và ở vị trí tiên phong. Nó cần được nhận thức đúng với trách nhiệm lớn hơn nữa từ các phía các ngành có liên quan để sớm khắc phục được tình trạng yếu kém hiện nay. Công tác thiết kế kiến trúc đô thị chỉ có thể là những chuyển biến thực sự và tích cực với những thay đổi tích cực từ 3 yếu tố: Người sáng tác - Chủ đầu tư - Pháp lý. Việc thay đổi phải bắt đầu từ các chinh sách vi mô tới các giải pháp cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực có liên quan, từ việc phân bổ, sử dụng và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả đến việc xây dựng các cơ chế chính sách hợp lý trong đầu tư, xây dựng và quản lý đô thị, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là nỗ lực từ phía người sáng tác. Giải quyết được tận gốc những vấn đề trên mới có thể đưa công tác thiết kế kiến trúc đô thị đi theo hướng phát triển đúng, tạo được các sản phẩm tốt cho đô thị ở các giai đoạn sau.

TS. KTS Ngô Doãn Đức
Nguồn tin: T/C Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 137, tháng 9/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)