Công trình công cộng ở Hà Nội xây dựng thời kỳ Đổi mới: Mới hay cũ?

Thứ năm, 12/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đã gần hai thập niên kể từ ngày Đổi mới 1986-2004, đó cũng là một giai đoạn đã phản ánh thực tiễn biến động chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước đã tác động quan trọng, có tính chất quyết định đối với nhiều mặt của đời sống, trong đó có hình thức kiến trúc các công trình công cộng Hà Nội. Các loại hình thức nhà công cộng ở Hà Nội, với các vấn đề về phong cách sáng tác, quy hoạch đô thị đã đặt kiến trúc nhà công cộng ở những vị trí quan trọng trong bức tranh tổng thể của quy hoạch đô thị...
Thời gian qua ở Hà Nội, về loại hình nhà công cộng: trụ sở làm việc, khách sạn, văn phòng cho thuê... đang được phát triển khá mạnh. Ở nhiều công trình, việc tổ chức không gian chưa được các tác giả giải quyết triệt để, hình thức tổ chức mặt đứng vẫn thường sử dụng sức biểu cảm của vật liệu - sử dụng nhôm, kính loại vật liệu này chưa thật sự phù hợp với khí hậu nóng ẩm Việt Nam. Phát triển kiến trúc hiện đại vẫn được các kiến trúc sư tâm niệm và thực thi trong sáng tác ở các công trình công cộng tại Hà Nội. Nhưng việc sử dụng kính, thép và vật liệu ốp, sơn trên mặt đứng của một số công trình cho thấy người thiết kế đã không nghiên cứu kỹ về môi trường, để sử dụng loại sơn phù hợp với tiêu chuẩn không khí sạch, hạn chế việc gây tác hại cho con người và môi trường.
Vật liệu thép, khung nhôm kính được sử dụng trong việc tổ hợp hình khối kiến trúc. Nhưng, điều đáng lo ngại là hội chứng nhôm kính đã gây ra rất nhiều bức xúc và cần suy tính đến chi phí toàn cục... bởi kéo theo nó là việc sử dụng năng lượng điện cho hệ thống điều hoà, thông gió cho thích hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam và Hà Nội nói riêng.
Kiến trúc các công trình công cộng ở Hà Nội có sự gắn kết và liên lệ chặt chẽ với không gian xung quanh. Vì vậy, trong quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết cần phải nghiên cứu đến sự ảnh hưởng của các công trình kiến trúc với tổ hợp mặt đứng kiến trúc đường phố. Một thực trạng hiện nay là các nhà quản lý, các cơ quan có thẩm quyền chưa có những giải pháp hữu hiệu trong công tác phê duyệt Quy hoạch đô thị, Quy hoạch chi tiết đường phố về: kiểu dáng kiến trúc, chiều cao công trình, màu sắc...
Thực tế, những công trình kiến trúc công cộng ở Hà Nội là những bức tranh đơn điệu, buồn tẻ mà ở đó các kiến trúc sư thoả thích đắp điếm các chi tiết, kiểu dáng mặt đứng. Một ví dụ điển hình là công trình Kiểm toán Nhà nước trên phố Hoàng Đạo Thuý, quận Cầu Giấy, Hà Nội, tác giả đã có nhiều cố gắng trong việc tổ hợp hình khối mặt đứng qua hàng cột. Nhưng vì tạo dáng quá đơn điệu với 6 hàng cột được ốp đá bong ra chỉ để đỡ 1 dãy phòng trên tầng 10 với chiều rộng đua ra 1m đã làm tiêu tốn đến hàng trăm triệu đồng. Đó là một sự lãng phí, không thích hợp với điều kiện kinh tế của Nhà nước.
Công trình kiến trúc Kiểm toán Nhà nước là công trình công cộng, nhưng việc chia cửa đã bị ảnh hưởng bởi nhà ở chung cư liền kề. Nhìn vào công trình, các ô cửa sổ nhỏ không thể hiện nét chung của cửa là một trụ sở làm việc. Mặt đứng công trình đã được tác giả cố gắng tìm tòi trong việc ốp đá 6 cột với 3 tầng chân đế nhưng hiệu quả và thẩm mỹ công trình lại thấp.
Một ví dụn về việc lạm dụng chi tiết, màu sắc, đó là Trung tâm văn hoá - Thể dục thể thao quận Thanh Xuân trên phố Lê Văn Lương. Công trình văn hoá này được Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng trên vị trí khu đất có nhiều điểm nhìn, thoáng. Kiến trúc sư thiết kế đã có nhiều nghiên cứu tìm tòi giải pháp về mái, các chi tiết trang trí tại sảnh chính các hàng cột hiên... Nhưng tác giả đã sử dụng quá nhiều lớp mái, sự kết hợp các chi tiết hiện đại với chi tiết kiến trúc truyền thống còn bị lạm dụng quá nhiều chi tiết, không có tính chủ đạo trong việc tổ hợp mặt đứng. Nhìn chung, Trung tâm văn hoá - Thể dục thể thao quận Thanh Xuân là công trình công cộng không thành công trong việc tổ hợp mặt đứng, sử dụng chi tiết và màu sắc công trình.
Việc xây chen một số nhà công cộng mới vào các khu phố cũ, các khu phố đã ổn định về quy hoạch và cấu trúc đô thị đang là những sức ép về sự quá tải cho các hệ thống kỹ thuật hạ tầng... và làm mất đi thảm mỹ kiến trúc đô thị. Những sáng tác này chỉ biết làm đẹp cho công trình của mình về phương diện công năng, tổ hợp mặt đứng ở một góc hẹp mà không nghiên cứu diện rộng trên cả tuyến phố và ảnh hưởng của nó đến không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan...
Công trình công cộng với vai trò của nó sẽ ngày càng được đề cao trong đời sống xã hội và diện mạo kiến trúc đô thị. Với Hà Nội, thành phố có bề dày văn hoá, kiến trúc thì thể loại công trình này rất cần hàm chứa các yếu tố hiện đại nhưng đậm đà chất văn hoá bản địa.

ThS. KTS. Nguyễn Văn Giới
Nguồn tin: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 8/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)