Kiến trúc Hà Nội thực trạng và quản lý?

Thứ ba, 10/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kể từ thời kỳ Đổi mới, nhất là từ năm 2000, cùng với những thành tựu kinh tế - xã hội có ý nghĩa lịch sử của đất nước; kiến trúc cũng đã có những kết quả đáng kể trên cả hai mặt thực tiễn và lý luận. Riêng với Hà Nội không chỉ là đô thị có quá trình phát triển hàng ngàn năm, mà còn có vai trò là Thủ đô của nước Việt đang phát triển. Trong bối cảnh hội nhập thì kiến trúc lại càng là lĩnh vực sôi động với thành tựu đáng tự hào và cả tồn tại cũng rất đáng trăn trở.
Để nhìn nhận đúng về kiến trúc không thể không xem xét đến bối cảnh hoạt động của kiến trúc, đây không phải chỉ là nền tảng, chỗ đứng mà còn cả những hạn chế, chi phối những Thiếu xót cho phép.

I. Bối cảnh kinh tế xã hội

Những năm qua kinh tế xã hội phát triển nhanh và khá toàn diện, bình quân 5 năm 2001-2005 tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng 11,1%/năm Nghị quyết Đảng bộ Hà Nội lần thứ 14 - số liệu thống kê năm 2005, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo cơ cấu dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp ngày càng rõ nét. Mối quan hệ giữa các ngành kinh tế đã có sự thay đổi về chất, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế của Thủ đô đã được từng bước cải thiện. Điểm dễ thấy và tác động đến kiến trúc khá rõ là các ngành dịch vụ được mở rộng, một số lĩnh vực dịch vụ đã ứng dụng công nghệ hiện đại viễn thông, thông tin, tư vấn....
Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế từng bước được xây dựng, bổ sung, nhiều loại hình thị trường đã hình thành, hoạt động như: thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ... Trong quản lý đô thị, thành phố đã chú trọng đến công tác quy hoạch, chỉ đạo tập trung công tác lồng ghép các quy hoạch, vừa nghiên cứu mới gắn với rà soát, điều chỉnh cục bộ kể cả với quy hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt năm 1998.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được phát triển theo hướng đồng bộ. Cùng với gần 40 khu đô thị mới quy mô trên 20 ha Số liệu đến năm 2005 - Báo cáo Nghị quyết Đảng bộ Hà Nội lần thứ 14 và gần 100 dự án khu ở dưới 20 ha Số liệu Sở QHKT - 2005. Các công viên, cây xanh đã được mở rộng, nâng bình quân lên 5,3 m2/người. Năm 2000 - 2005 đã xây dựng được trên 6 triệu m2 nhà ở, nâng bình quân lên 7,5 m2/người. Tổng chi ngân sách địa phương cho xây dựng cơ bản 5 năm qua đạt gần 7000 tỷ VNĐ. Xu thế xã hội đã ủng hộ, chấp nhận công trình cao tầng. Gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 50 công trình cao tầng từ 9 tầng trở lên được khởi công xây dựng, góp phần tạo lập một diện mạo, không gian mới hiện đại. Bối cảnh này đã tạo được một sân chơi rộng đa dạng cho sáng tạo kiến trúc.
Về văn hoá, lĩnh vực tác động mạnh đến kiến trúc đã được thành phố chỉ đạo từ xây dựng các thiết chế văn hoá mới đến bảo tồn và phát huy giá trị Văn hoá Thăng Long - Hà Nội. Công tác thư viện, bảo tồn di tích, tượng đài... phát triển. Song không thể không nói đến một vấn đề được quan tâm, được xem như tiền đề cho phát triển truyền thống kiến trúc Hà Nội đó là nghiên cứu, xây dựng Văn hoá Hà Nội, người Hà Nội văn minh, thanh lịch, nếp sống truyền thống của người, gia đình Hà Nội.
Cơ sở vật chất cho ngành y tế đã được xác định đúng vị trí để đẩy mạnh sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Công tác giáo dục với quy mô, mạng lưới ngày càng mở rộng. Cơ bản đã xoá phòng học bán kiên cố, xây dựng nhiều mô hình trường điểm, trường chất lượng cao. Hàng năm thành phố đã chi khoảng 20% - 25% tổng chi ngân sách cho đầu tư giáo dục.
Công tác đối ngoại của Hà Nội tiếp tục mở rộng và phát huy có hiệu quả. Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với trên 60 thủ đô, thành phố của hơn 50 nước, vùng lãnh thổ. Năm năm qua vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI, vốn hỗ trợ phát triển ODA, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ đạt trên 3 tỷ USD. Hà Nội đã trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Điểm lại những nét chính trong bối cảnh kinh tế xã hội như trên để thấy được nền tảng cho hoạt động kiến trúc sân chơi đất dụng võ cho sáng tạo kiến trúc rất rộng, song phải chăng kiến trúc Hà Nội vừa qua chưa được tương xứng với bối cảnh kinh tế xã hội cả hai mặt lượng và chất.

II. Hiện trạng kiến trúc Hà Nội

Nhiều nghiên cứu, nhiều công bố cả khen cả phàn nàn về kiến trúc Hà Nội, song cũng có thể tựu trung gồm những vấn đề sau:

1. Công tác quy hoạch
Đã được chú trọng để đi trước một bước, đã lồng ghép quy hoạch không gian với chuyên ngành, quy hoạch sử dụng đất và an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái. Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 đã được cụ thể hoá trong các quy hoạch chi tiết và có những đề xuất điều chỉnh cục bộ, được Chính phủ cho phép để gắn với vùng và yêu cầu thực tiễn của Hà Nội. Kiến trúc đô thị tuy còn nhiều tồn tại song đã có những nghiên cứu, thử nghiệm bước đầu, một số tuyến phố mới được hình thành cả đường và phố. Một số đô thị mới đã và đang triển khai xây dựng đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, gắn kết giữa phát triển mới với khu dân cư hiện có. Nhiều dự án lớn đã được xây dựng, song tiến độ, trình tự đầu tư công trình còn chưa kiểm soát để tạo sự hài hoà, hiện tượng xôi đỗ rời rạc còn dễ nhận thấy. Khu đô thị mới đã là nơi thử nghiệm cho nhiều sáng tạo kiến trúc từ mô hình nhóm ở, đơn vị ở đến khu ở và công trình mới.

2. Từng bước đã nhận diện được quy di sản đô thị Hà Nội
Ít có đô thị nào trong khu vực đã có quá trình phát triển hàng nghìn năm như Hà Nội. Lịch sử này là tiềm năng để tạo nên bản sắc cho văn hoá, cho kiến trúc Hà Nội. Bài học kinh nghiệm của các nước cho hay nếu phát triển không biết khai thác yếu tố truyền thống thì sẽ chỉ là bản sao của đô thị hiện đại khác, mà sai phạm này sẽ tổn hại cả vật chất, tinh thần mà không dễ gì sửa được. Với ý nghĩa như vậy, Hà Nội đã chú trọng đến nghiên cứu để nhận diện quỹ di sản đô thị. Đó là kế thừa các yếu tố trong quy hoạch truyền thống, xác định các giá trị đích thực của các khu di tích khu Hoàng Thành, Cổ Loa..., của hệ thống các công trình di tích hiện có gần 2000 di tích với trên 600 di tích đã xếp hạng, giá trị khu phố cổ, khu phố Pháp, hệ thống cây xanh, mặt nước, các xu thế kiến trúc trong các công trình kiến trúc có giá trị đã được tìm hiểu, trao đổi.
Nhận diện được chỉ mới là kết quả bước đầu, thách thức phía trước là phải biết phát huy giá trị di sản gắn với cuộc sống hiện đại.

3. Sự phong phú về quy mô đa dạng, về các loại hình công trình từ nhà ở đến các công trình dịch vụ thương mại, văn hoá, công trình công nghiệp... Nhiều công trình với quy mô lớn đã hình thành, nhất là đã có những tổ hợp công trình đa chức năng. Sự đa dạng này đã góp phần tạo nên một phần diện mạo Hà Nội hiện đại. Tuy vậy cũng nhận ra rằng: sự đa dạng, phong phú về loại công trình chưa tạo ra được các xu thế sáng tác kiến trúc ổn định, có giá trị còn nhiều thử nghiệm. Hiện trạng này đòi hỏi phải có tổng kết, nghiên cứu để định hướng cho thời gian tới.

4. Kiến trúc cao tầng đã được chú trọng và trở thành xu thế phát triển cho nhà chung cư, văn phòng. Nếu trước năm 2001 Hà Nội chỉ có gần 90 công trình cao tầng. Thì từ năm 2000 trở lại đây, bình quân mỗi năm khởi công trên 50 công trình cao từ 9 tầng trở lên. Cái được của kiến trúc Hà Nội ở đây là giải quyết được khối lượng xây dựng 5 năm gần đây đã xây dựng được trên 6 triệu m2 sàn nhà ở. Nhiều công trình văn phòng, tổ hợp dịch vụ thương mại, công trình văn hoá đã tiếp cận được với kỹ thuật mới, vật liệu mới. Song xu hướng, phong cách kiến trúc loại công trình này thì gần như còn phải khảo sát, nghiên cứu mới tạo được sự hài hoà của hiện đại và truyền thống.
Kiến trúc Hà Nội giai đoạn 2000 - 2005 đã có những tiến bộ, những khởi sắc đáng trân trọng, song chưa thể hiện đúng tiểm năng, sức vóc vốn có của Thủ đô. Để tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010 và tạo được bước đi ban đầu để Hà Nội về trước cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, cần phải nhận biết được những thách thức và những yêu cầu quản lý, cải cách để có giải pháp hiệu quả, có bước đi thích hợp. Đó là sự đối mặt giữa các yêu cầu: địa phương và toàn cầu, môi trường nhân tạo và sự phát triển bền vững, truyền thống và hiện đại, bảo tồn di sản và đổi mới, xoá được những tồn tại bất cập của quá khứ để lại bao cấp, năng lực hạn chế, độc quyền, không phân cấp rõ trách nhiệm....

III. Những thách thức và yêu cầu về quản lý kiến trúc

1. Kiến trúc phải phát triển theo định hướng phát triển của xã hội
Nói đến kiến trúc không chỉ quan tầm về kiến trúc từng công trình, mà còn phải đề cập đến không gian của cả đô thị, cả một vùng và xa hơn là của cả nước kiến trúc đô thị. Kiến trúc không thể chỉ vì lợi ích của chủ đầu tư hay vì quyết định thiếu căn cứ khoa học của nhà quản lý, mà phải vì lợi ích chung của toàn xã hội, vì sự phát triển bền vững.
Sự đống góp của kiến trúc rất cần vì đó là diện mạo, là biểu hiện của văn hoá, là khoa học kỹ thuật, là lối sồng Việt Nam. Trong đó có kế thừa, có rút kinh nghiệm của nước ngoài, song không thể dập khuôn theo các mô hình đã có. Xu thế phát triển trong thời đại mới không thể có con đường nào khác là hội nhập, toàn cầu hoá. Đây là xu thế tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia đang phát triển tranh thủ được vốn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý. Song một số thế lực cũng đang lợi dụng sức mạnh kinh tế - khoa học kỹ thuật để thực hiện toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa và cả xâm lăng về văn hoá, mua chuộc, lôi kéo chuyển hoá theo lối sống phương Tây. Do vậy, với kiến trúc nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tạo được sức đề kháng cao cho đội ngũ cán bộ làm nghề. Nhà nước đã ban hành: Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; Chiến lược phát triển đô thị... song đây mới chỉ là nguyên tắc, là khung phát triển, còn các yêu cầu cho từng vùng, từng đô thị thì thất đáng tiếc đến nay chưa có tỉnh, thành nào nghiên cứu để công bố, tuyên truyền. Phải chăng đây là việc đầu tiên cần làm.
Những thách thức của đô thị hoá và đảm bảo môi trường bền vững.
Để trở thành nước công nghiệp, đô thị hoá là xu thế tất yếu, song lựa chọn các tiêu chí hợp lý là công việc khoa học không thể thiếu sự tham gia của các nhà kiến trúc.
Ở đây cần thận trọng xác định: Cơ cấu kinh tế, tỷ lệ đô thị hoá, chất lượng đầu tư và hướng phát triển. Xin đề cập ví dụ cụ thể về vấn đề tỷ lệ đô thị hoá. Theo các số liệu thu thập được thì hiện nay tỷ lệ đô thị hoá toàn thế giới là 47%. Châu Á bình quân là 38%. Trong vùng như Trung Quốc cũng là 39%, Hàn Quốc 79%. Trong khi đó, Việt Nam chỉ là 25,8% 2003 và lại phân bổ không đều. Đô thị hoá sẽ tạo được chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng cũng phải đối đầu với những vấn đề chất lượng đầu tư như giải quyết việc làm, đầu tư đồng bộ, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc...
Quá trình hình thành phát triển nhanh đô thị đã xuất hiện những không gian mới nhưng lại bao quanh khu trung tâm đã quá tải. Các khu mới được cải tạo từ các vùng nông thôn có không gian mới nhưng nội dung, lối sống còn mang nặng lối sống làng xóm, văn minh nông nghiệp.
Đô thị hoá nhanh đã xuất hiện những căn bệnh tác động đến kiến trúc, đó là sự phân hoá giàu nghèo, dân thiếu việc, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, giao thông đã quá tải. Quy hoạch đã được nghiên cứu nhiều nhưng chất lượng chưa thật cao. Chưa quản lý được xây dựng theo quy hoạch và sử dụng khai thác đúng quy hoạch.
Từ bài học này cho thấy, chúng ta chính những người trong cuộc cả nhà đầu tư, nhà quản lý và người kiến trúc phải có nghiên cứu để cùng lựa chọn quy mô đất đai, hướng phát triển, tỷ lệ đô thị hoá thích hợp và cùng với nó là xây dựng mô hình mạng lưới đô thị, các điểm dân cư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cũng như yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng...

2. Kiến trúc phải tiếp nhận sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của vật liệu xây dựng mới
Cũng như Việt Nam, kiến trúc Hà Nội đang chưa xác định rõ bản sắc lại đang tụt hậu về kỹ thuật.
Vài thập kỷ gần đây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung, giải pháp kỹ thuật và vật liệu xây dựng mới đã được kiến trúc sư nghiên cứu, ứng dụng và đã chắp cánh cho sáng tạo kiến trúc. Trong diện mạo đô thị nhiều công trình hiện đại đã được xây dựng, nhưng cũng không ít công trình do quá làm dụng vật liệu mới đã làm suy giảm chất lượng kiến trúc đô thị. Sự phát triển tất yếu của hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải, năng lượng... nhằm nâng cao chất lượng sống đã tác động không ít đến tổ chức không gian, đến thiết kế đô thị và trong từng công trình kiến trúc, rõ rệt nhất là sự hiện đại và đổi mới về tổ chức giao thông. Nếu trước đây loại hình phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp, thì vừa qua đã gia tăng nhiều xe cơ giới cá nhân và sắp tới là đường sắt đô thị, ô tô... sẽ tác động không ít đến kiến trúc đô thị và tổ chức không gian trong từng công trình kiến trúc.
Kiến trúc không thể không tiếp nhận các dự báo của tiến bộ khoa học kỹ thuật để có giải pháp khai thác hợp lý cho cả hiện đại và tương lai. Hiện nay đang thiếu thông tin, thiếu nghiên cứu mà để từng kiến trúc sư mày mò, tự tìm hiểu và thí nghiệm.

3. Kiến trúc: Sự phát triển hài hoà giữa truyền thống và hiện đại
Ngày này tính dân tộc trong văn hoá đang là thử thách to lớn với mọi quốc gia trong quá trình phát triển. Trong xu thế hội nhập thì giữ gìn bản sắc là thách thức lớn nhất để tránh hoà tan và cũng là để tạo được động lực thu hút sự phát triển. Mục tiêu này không chỉ ngay chúng ta mới thấy mà cha ông ta cũng đã từng cảm nhận. Bác Hồ đã dạy Văn hoá phải có cốt cách dân tộc Đại hội Văn học toàn quốc năm 1995. Trong quá trình phát triển kiến trúc Việt Nam, các kiến trúc sư nước ngoài cũng đã ý thức được và có nhiều tìm tòi thử nghiệm, mà qua các kiến trúc công trình do người Pháp để lại là một minh chứng sống động.
Kiến trúc đã hình thành vì mục đích dân sinh hết sức thực tiễn và vô cùng sâu sắc.
Như vậy không phải ngày nay chúng ta mới đặt vấn đề truyền thống và hiện đại trong kiến trúc. Song, vì sao hàng bao thập kỷ nay hoặc chí ít cũng hơn nửa thế kỷ từ khi thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vấn đề này vẫn bàn nhiều mà chưa tổng kết được, chưa làm rõ được các yếu tố bản sắc, truyền thống của kiến trúc Việt Nam.
Phải chăng đã đến lúc phải tập hợp một lực lượng nghiên cứu đủ mạnh, đủ tầm để làm rõ.

4. Cải thiện điều kiện hoạt động kiến trúc
Một định hướng, một chính sách kiến trúc đúng đắn chỉ khả thi khi người làm nghề được hoạt động theo đúng năng lực và điều kiện thuận lợi. Đặc thù của kiến trúc là sáng tạo, bởi vậy chất lượng người làm nghề quyết định nhiều nhiều đến chất lượng kiến trúc. Hay nói một cách khác, để quản lý kiến trúc trước hết cần có cơ cấu tổ chức hợp lý, phân công rõ ràng và người quản lý phải có nghề.
Việc tạo điều kiện phải được thể hiện trên các mặt:
- Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của kiến trúc sư trong cả quá trình hình thành công trình xây dựng. Thông qua chứng chỉ hành nghề để việc làm tương xứng với năng lực trình độ.
- Lao động kiến trúc sư cần được tôn trọng và đánh giá đúng cả về kinh tế cũng như giá trị văn hoá.
- Cần giáo dục phổ cập về kiến trúc trong xã hội để xác lập đúng vai trò vốn có của kiến trúc mà nước ngoài đã từng xác định.
- Nâng cao chất lượng quản lý từ người quản lý phải có nghề, hiểu nghề đến xây dựng cơ chế và xác định nội dung cần quản lý để đảm bảo sự sáng tạo của kiến trúc.
Bài viết này với mong muốn nêu vài vấn đề để cùng quan tâm giải quyết nhằm xác lập được đúng vai trò, vị trí của người kiến trúc sư, của ngành kiến trúc với kỳ vọng của nền kiến trúc Thủ đô hiện đại, đậm đà bản sắc Thăng Long - Hà Nội.

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm
Nguồn tin: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 8/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)