Mô hình hợp tác nhà nước-tư nhân trong phát triển hạ tầng

Thứ ba, 10/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân PPPs đã có một lịch sử khá dài. Về cơ bản, đây là mối quan hệ từ trung đến dài hạn giữa nhà nước chính quyền và khu vực kinh tế tư nhân về việc cùng chia xẻ các lợi ích cũng như rủi ro của một dự án và huy động chuyên gia các ngành, kinh nghiệm và tài chính để đưa các kết quả hợp tác vào phục vụ lợi ích công cộng.
Lịch sử của PPPs trong lĩnh vực hạ tầng bắt đầu từ thập niên 1970 khi các quy định về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hàng không, khí đốt, đường sắt và bưu chính viễn thông được bãi bỏ ở Mỹ, tiếp theo là ở Anh vào cuối những năm 1980 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Trong gian đoạn 1985-1990, phương thức BOT Xây dựng-vận hành-chuyển giao được xem là một sự lựa chọn tốt nhất của tiến trình tư nhân hoá. Nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng lúc này đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với các nền kinh tế mới nổi lên cũng như đối với các nước phát triển. Trong mấy thập kỷ gần đây, sự phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới đã có những bước tiến đáng kể nhờ quá trình cải cách và cổ phần hoá doanh nghiệp đã mang lại những dịch vụ có hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện cho mô hình PPPs phát triển.

PPPs là công cụ cho sự tăng trưởng và phát triển.
Ấn Độ đã chủ động trong việc thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả cũng như chất lượng dịch vụ. Sự độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ hạ tầng đã dần dần được xoá bỏ. Nhu cầu phát triển hạ tầng và vốn đầu tư cho hạ tầng là rất lớn trong khi nguồn lực của ngân sách nhà nước là có hạn. Trong bối cảnh đó, PPPs là một lựa chọn hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư dài hạn của tư nhân gắn liền với những hiệu quả tài chính. Chính vì vậy, chính phủ Ấn Độ đã xem PPPs như là một giải pháp cho sự phát triển trong tương lai, từ đó đã thay đổi các cơ chế tạo điều kiện cho sự phát triển mô hình PPPs trong lĩnh vực hạ tầng.

Khả năng thu hút vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng trực tiếp tỷ lệ với thu nhập mà dự án tạo ra cũng như những rủi ro của dự án. Liên quan đến vấn đề này và để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng thông qua phương thức PPPs, chính phủ Ấn Độ đã ban hành một số cơ chế kích thích, bao gồm:

- Chính phủ sẽ chịu các chi phí về nghiên cứu khả thi của dự án, di dời các công trình và vật kiến trúc, chặt hạ cây cối, dọn dẹp môi trường...

- Cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đến 100% trong lĩnh vực xây dựng đường bộ.

- Hỗ trợ đến 40% chi phí của dự án. Tỷ lệ hỗ trợ được quyết định tuỳ từng dự án.

- Miễn 100% thuế trong 10 năm liên tục trong tổng số 20 năm sau khi dự án đi vào vận hành.

- Miễn thuế nhập khấu các thiết bị xây dựng đường hiện đại và công suất lớn

- Nhượng quyền thu phí...

PPPs có nhiều phương thức khác nhau, bao gồm:

Hợp đồng công trình dân dụng: Phương thức truyền thống liên quan đến khu vực tư nhân đó là mời thầu và đấu thầu xây dựng dựa trên các thiết kế và quy phạm được xác định trước. Trong quá trình này, chính quyền/cơ quan quản lý đường bộ sẽ chọn ra một nhà tổng thầu EPC để ký hợp đồng xây dựng. Theo hợp đồng, sau khi công trình được hoàn thành, chính quyền sẽ tiếp quản công trình và vai trò của đối tác tư nhân sẽ chấm dứt kể từ khi bàn giao công trình cho nhà nước. Một phương thức khác là thu phí trực tiếp BOT: chính quyền sẽ trao quyền cho đối tác tư nhân xây dựng, vận hành và thu phí đường trong một thời hạn xác định thường là từ 15-20 năm, khi hết thời hạn, công trình đó sẽ được chuyển giao miễn phí cho chính quyền. Vốn đầu tư xây dựng sẽ được hoàn trực tiếp thông qua việc thu phí của người sử dụng đường.

BOT thu phí giám sát: Mô hình này có phần nào giống với mô hình BOT thu phí trực tiếp. Trong trường hợp này, chính quyền trực tiếp thu tiền thông qua hệ thống thu phí giám sát. Chính quyền sẽ thanh toán cho đối tác tư nhân thực hiện dự án BOT bằng vốn ngân sách và dựa trên số lượng phương tiện quan sát được qua lại trên con đường đó trong một thời hạn xác định trước. Phương pháp đầu tư này thường được chính quyền sử dụng để đảm bảo an toàn cho đối tác khi dự án có nguy cơ rủi ro cao, cụ thể hơn là khi dự án có rủi ro về việc người sử dụng đường có thể rẽ sang đường khác để tránh việc trả phí.

Phương thức thanh toán định kỳ: Phương thức này bao gồm một hợp đồng hỗn hợp, bao hàm cả xây dựng công trình dân dụng và bảo trì công trình đó trong một thời hạn khoảng 15 năm. Theo phương thức này, nhà thầu sẽ được thanh toán một khoản tiền cố định nào đó theo định kỳ nửa năm trong suốt thời hạn hiệu lực của hợp đồng thay vì được thanh toán cho toàn bộ công trình mà họ đã hoàn thành xây dựng.

Tuỳ theo từng yêu cầu cụ thể của dự án hạ tầng mà lựa chọn mô hình PPPs phủ hợp. Một số dự án đã và đang được xây dựng theo phương thức BOT ở Ấn Độ hiện nay như Cầu Delhi Noida, tuyến đường cao tốc 160km từ Agra đi Noida, cảng Paradip ở Orissa. Mô hình PPPs được áp dụng nhiều trong lĩnh vực xây dựng đường bộ ở Ấn Độ, các lĩnh vực khác như xây dựng cảng biển, đường sắt, hàng không dân dụng chưa áp dụng nhiều mô hình này.

PPPs là một giải pháp tốt để tăng cường hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng. Mặc dù đây là mô hình khá mới đối với Ấn Độ nhưng nó đã thu được một số thành công và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển hạ tầng ở quốc gia này.

Nguồn: http://www.equitymaster.com
ND: Bạch Minh Tuấn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)