Để nâng cao chất lượng ngành vật liệu xây dựng

Thứ năm, 12/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Đặt vấn đề Nước ta có hầu hết các chủng loại nguyên liệu và khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng; đội ngũ cán bộ có trình độ, nhanh chóng nắm bắt làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới. Đến nay, ngành vật liệu xây dựng đã huy động ở mức cao các thành phần kinh tế tham tham gia đầu tư. Có thể nói, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựngở Việt Nam hiện nay thuộc loại tiên tiến trên thế giới, sản phẩm sản xuất ở hầu hết các lĩnh vực xi măng, gạch gốm ốp, lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng,… với chất lượng cao. Chất lượng của vật liệu xây dựng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng của công trình xây dựng. Chính vì vậy, kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình.
II. Nội dung công tác kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng

Trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung và sự nghiệp phát triển của ngành xây dựng nói riêng, chất lượng sản phẩm là một yếu tố luôn luôn được quan tâm, chú trọng hàng đầu trong hệ thống văn bản quản lý về xây dựng. Từ những năm 2004 trở về trước là những Quyết định của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Hiện nay, sau khi Luật Xây dựng Việt Nam chính thức có hiệu lực Quản lý chất lượng công trình xây dựng được nâng lên mức pháp lý cao hơn đó là Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính Phủ.
Mục đích của công tác kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng nhằm kiểm tra sự phù hợp về chất lượng của các nguồn vật liệu sử dụng để thi công công trình so với các yêu cầu kỹ thuật của Đề án Thiết kế công trình và các Tiêu chuẩn hiện hành. Bên cạnh đó, công tác kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng cũng ngăn ngừa các rủi ro có khả năng xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng của công trình xây dựng. Giúp cho Nhà đầu tư lựa chọn những vật liệu tối ưu về Tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật đảm bảo cho công trình xây dựng thoả mãn các tiêu chí về kỹ thuật và kinh tế.
Hiện nay, về cơ bản có hai mô hình kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng đang được áp dụng trong lĩnh vực xây dựng ở nước ta:

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.5717.970' />
Kiểm định chất lượng vật liệu đất đắp đường băng 1B - Nội Bài
Mô hình thứ nhất: Nhà thầu xây lắp ký hợp đồng thuê một phòng thí nghiệm hợp chuẩn thực hiện các công tác kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng cho công trình dưới sự giám sát của Nhà đầu tư. Khối lượng, phương pháp thí nghiệm được thực hiện trên cơ sở yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ thiết kế và các qui định trong Tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước. Nhà đầu tư sẽ thuê một phòng thí nghiệm hợp chuẩn khác để kiểm tra mang tính chất đối chứng hoặc khi có nghi ngờ về kết quả do Nhà thầu đệ trình. Khối lượng mà Nhà đầu tư kiểm tra đối chứng bằng khoảng 5% khối lượng do Nhà thầu thực hiện. ở một số dự án trọng điểm, khối lượng công tác kiểm tra của Nhà đầu tư tương đương từ 1% đến 2% giá trị xây lắp công trình.

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.5717.971' />
Kiểm định chất lượng vật liệu thép trong phòng TN
Mô hình thứ hai: Nhà thầu xây lắp ký hợp đồng thuê một phòng thí nghiệm hợp chuẩn thực hiện các công tác kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng cho công trình. Phòng thí nghiệm này đặt ngay tại công trường và hoạt động dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tư vấn giám sát của Nhà đầu tư. Khối lượng, phương pháp thí nghiệm được thực hiện trên cơ sở Quy định kỹ thuật của hồ sơ thiết kế. Mô hình này thường áp dụng với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ các tổ chức Quốc tế. Các chi phí cho hoạt động của phòng thí nghiệm hiện trường này được tính vào dự toán khi dự thầu.
Nội dung của công tác kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng cho công trình là thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình xây dựng theo tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế. Sản phẩm của công tác kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng là các phiếu kết quả thí nghiệm, trong đó ghi rõ loại vật liệu thí nghiệm, các chỉ tiêu và kết quả thí nghiệm, thời gian thực hiện, phương pháp và tiêu chuẩn áp dụng và cuối cùng là kết luận về sự phù hợp về chất lượng của vật liệu đó đối với yêu cầu của công trình. Khi phát hiện sự không phù hợp về chất lượng đối với loại vật liệu do Nhà thầu đưa về công trường thì Nhà thầu phải có trách nhiệm thu hồi và chuyển toàn bộ lô vật liệu đó ra khỏi công trường bằng nguồn kinh phí của mình đồng thời Nhà thầu phải chịu phần kinh phí thuê kiểm định của lô vật liệu này.

III. Nhận xét và kiến nghị

Kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng trong quá trình thi công là một trong những công việc không thể thiếu trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình. Là cơ sở đánh giá chất lượng của công trình xây dựng cho từng giai đoạn nghiệm thu cũng như tổng thể chất lượng công trình đưa vào sử dụng. Ngăn ngừa các rủi ro cho công trình ngay từ công đoạn ban đầu.
Sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng diễn ra hiện nay với tốc độ rất cao, vì vậy nó đòi hỏi sự đổi mới của công tác thí nghiệm kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, công nghệ cũng như hệ thống văn bản pháp lý và định mức đơn giá phải phù hợp với xu thế phát triển chung.
Nhà nước cần có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, động viên việc áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất và thử nghiệm vật liệu xây dựng mới, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng ngày càng phát triển.

Nguồn tin: T/C Vật liệu Xây dựng Dân dụng, số 1/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)