Một số vấn đề cần nghiên cứu khi quy hoạch xã nông thôn mới trong vùng quy hoạch phát triển đô thị

Thứ tư, 24/08/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực trạng quy hoạch xã nông thôn mới trong vùng quy hoạch phát triển đô thịTrong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hoá trên cả nước tăng tương đồng với tốc độ tăng dân số đô thị. Dân số đô thị đã tăng từ 18,3 triệu người lên 26 triệu người. Tính đến  tháng 5/2011, cả nước đã có 755 đô thị, tăng thêm 126 đô thị so với năm 1999. Tính trung bình mỗi tháng nước ta có thêm 1 đô thị.

Đô thị hoá đã mang lại một bộ mặt mới cho nông thôn, mức sống nâng lên, người dân được tiếp cận với nhiều tiện ích của xã hội hiện đại. Nhưng cùng với đó là một loạt những nguy cơ mà nông thôn phải đối mặt như: nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp bị mất đi, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, nhiều tệ nạn xã hội phát sinh, bản sắc văn hoá bị mai một…

Trải qua 2 năm thực hiện công tác quy hoạch nông thôn mới, thực tế đã cho thấy, chất lượng các đồ án quy hoạch trong nhiều trường hợp vẫn chưa đạt như mong muốn. Một loạt các vẫn đề gặp phải trong quá trình triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn như: dự báo tốc độ phát triển, xác định mục tiêu phát triển, cập nhật các dự án phát triển đô thị trên địa bàn, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan và bản sắc văn hoá…đã làm cản trở  rất nhiều đến tiến độ và chất lượng của đồ án quy hoạch.

Như vậy, có thể thấy mục tiêu của đồ án quy hoạch nông thôn mới cho các xã trong vùng phát triển đô thị không chỉ là thực hiện 19 tiêu chí của xã nông thôn mới theo quy định mà còn phải giải quyết được những mục tiêu cuối cùng của công tác xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân nhưng không làm mất đi bản sắc văn hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước hiện đại đồng thời với việc bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

Những khó khăn khi nghiên cứu lập quy hoạch đối với các xã nằm trong vùng  quy hoạch phát triển đô thị

1. Cập nhật và khớp nối các dự án phát triển đô thị trong khu vực nghiên cứu

Với những xã có ít dự án  thì công tác cập nhật không quá  khó khăn, nhưng với những xã có nhiều dự án thì vấn đề cập nhật, khớp nối các dự án trở nên rất phức tạp… Trong quá trình thu thập số liệu phục vụ công tác lập quy hoạch rất dễ phát sinh những vấn đề: các dự án chồng chéo về ranh giới, không thể khớp nối hạ tầng kỹ thuật, dự án phát triển sai khác với kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhà đầu tư liên tục điều chỉnh dự án… Tất cả những vấn đề này ảnh hưởng lớn đến chất lượng và tiến độ của đồ án quy hoạch.

2. Nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện trạng.

Có thể thấy rằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn yếu kém cả về chất lượng và số lượng, mặt cắt đường giao thông nhỏ hẹp, người dân hầu hết chưa được cung cấp nước sạch, chưa có hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh môi trường chưa được chú trọng dẫn tới việc xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho các điểm dân cư trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn.

3. Vấn đề sản xuất và việc làm cho người dân.

Đối với những xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị, rất nhiều dienẹ tích đất canh tác nông nghiệp bị chuyển đổi sang thành đất đô thị. Vậy, công tácquy hoạch những vùng đất sản xuất còn lại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay giài quyết vấn đề việc làm cho người dân mất đất cũng là nhiệnm vụ quan trọng của công tác quy hoạch.

4. Thống nhất nội dung quy hoạch sử dụng đất với kế hoạch sử dụng đất.

Có một thực tế là hiện nay hầu hết các xã đều có chủ trương lập quy hoạch sử dụng đất riêng và quy hoạch sử dụng đất này đối với nhiều trường hợp các xã nằm trong vùng phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu do công tác quy hoạch dự báo chưa chính xác. Vì vậy, công tác quy hoạch điểm dân cư và phân vùng sản xuất trong đồ án quy hoạch nông thôn mới nếu không có những số liệu cập nhật chi tiết từ quy hoạch sử dụng đất của địa phương sẽ dẫn tới tình trạng chồng chéo, đồ án không khả thi.

5. Bảo tồn nét văn hoá trong quá trình lập quy hoạch .

Công tác quy hoạch nông thôn mới cần phải đưa ra những giải pháp để phát triển kinh tế không làm mất đi bản sắc văn hoá địa phương, để người dân không chỉ được nâng cao mức sống mà còn phát triển đời sống tinh thần gắn với việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống.

Một số giải pháp tháo gỡ

Để giải quyết những khó khăn nêu trên trong quá trình lập đồ án quy hoạch nông thôn mới cho các xã trong vùng phát triển đô thị, có thể đưa ra một số giải pháp sau:

1. Giải pháp về quản lý

Các xã nằm trong khu vực quy hoạch phát triển đô thị có tốc độ đô thị hoá rất nhanh, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, ranh giới nghiên cứu nằm trên địa bàn 2 hoặc nhiều xã. Như vậy, công tác lập quy hoạch xã nông thôn mới không chỉ là vấn đề của riêng từng xã mà là vấn đề quy hoạch tổng thể của cả huyện. Vì vậy tổ giúp việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới (bao gồm nhiều thành viên của các phòng chuyên ngành trong huyện) cần giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện đồ án, cung cấp thông tin kịp thời cho đơn vị tư vấn trongq áu trình thu thập, cập nhật các dự án trên địa bàn.

Sau khi hoàn chỉnh đồ án quy hoạch cho từng xã, cần tổng hợp các đồ án quy hoạch để có được quy hoạch tổng thể trên địa bàn cả huyện, từ đó điều chỉnh những vấn đề phát sinh.

2. Giải pháp về kỹ thuật

- Công tác dự báo: Các xã nằm trong vùng phát triển đô thị thường có tốc độ tăng dân số cơ học rất cao. Vì vậy, cần có dự báo chính xác về dân số trong tương lai. Công tác dự báo cần xem xét đến tính khả thi của những dự án phát triển khu đô thị, khu công nghiêp- dịch vụ để từ đó có số liệu chính xác nhất.

- Lựa chọn chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phục vụ tính toán: Việc lựa chọn các chri tiêu kinh tế kỹ thuật phục vụ quy hoạch cần phân biệt rõ đối tượng quy hoạch. Với những khu vực nằm trong phạm vi phát triển đô thị cần có những tính toán theo các tiêu chí đô thị, với những khu vực nằm ngoài cần tính toán theo đúng các chỉ tiêu của nông thôn mới.

- Giải pháp kỹ thuật cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

+ Quy hoạch chiều cao thống nhất cho tổng thể các điểm dân cư hiện hữu, các khu vực dự án.

+ Xây dựng hệ thống giao thông vành đai cho các khu dân cư hiện hữu (bao gồm cả giao thông tĩnh), là nơi chuyển tiếp hạ tầng kỹ thuật đồng thời là giải pháp quản lý và khống chế quỹ đất hiện có.

+ Vấn đề thoát nước thải, vệ sinh môi trường cần có định hướng quy hoạch ngắn và dài hạn, đồng bộ với hệ thống chung của khu vực.

- Sử dụng đất: Công tác quy hoạch cần đưa ra định hướng cụ thể để khai thác có hiệu quả quỹ đất còn lại đdồng thời có giải pháp cho những khu vực đất xen kẹt, không thuận lợi canh tác nông nghiệp.

3. Sự tham gia của cộng đồng

Quy hoạch nông thôn mới cần lấy nông dân làm chủ thể. Vì vậy, người dân cần được:

- Tham gia đóng góp ý kiến vào đồ án quy hoạch

- Tham gia lựa chọn những công việc cần làm trước, sau để phù hợp với khả năng cũng như điều kiện của địa phương.

Kết luận

Để có thể thực hiện tốt công tác quy hoạch xã nông thôn mới trong vùng phát triển đô thị cần có những sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành song song với đó là sự nghiên cứu nghiêm túc của cán bộ làm công tác quy hoạch trong quá trình thực hiện. Nhưng trên hết, đồ án quy hoạch có thành công hay không thì vai trò của người dân là hạt nhân trong việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tham gia vào tất cả các khâu trong quá trình quy hoạch. Chỉ có như vậy, những mục tiêu của Chương trình quốc gia về nông thôn mới trở thành hiện thực.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 7/2011.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)