Tại Thượng Hải, trước những năm 1980, nhà 8 tầng trở lên hoặc cao trên 24m được tính là nhà cao tầng. Theo quy định hiện nay của chính quyền Thương Hải: nhà từ 10 tầng trở lên mới được tính là nhà cao tầng, nhà 7- 9 tầng gọi là nhà trung cao tầng, nhà 6 tầng trở xuống là nhà nhiều tầng hoặc thấp tầng. Toà nhà cao hơn 24m mục đích sử dụng không phải để ở cũng được tính là nhà cao tầng. Việc quy định phân biệt nhà cao tầng và nhà nhiều tầng chủ yếu có 3 nguyên nhân sau: thứ nhất là về mặt giao thông thẳng đứng, nhà nhiều tầng (6 tầng trở xuống) không cần thiết phải lắp thang máy, trong khi đó nhà trung và cao tầng nhất thiết phải lắp một hoặc một vài thang máy; thứ hai là vấn đề lấy ánh sáng tự nhiên, nhà nhiều tầng căn cứ vào góc nâng của ánh sáng mặt trời để tính toán khoảng cách, còn nhà cao tầng thì phải căn cứ vào góc phẳng ánh sáng mặt trời để tính toán cự ly, nhà trung cao tầng thì sử dụng một trong hai biện pháp trên để tính toán; thứ ba là yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, nhà cao tanàg yêu cầu phải có đường vành đai, hệ thống thang máy cho lực lượng chữa cháy, lối thoát hiểm, hệ thống hút khói tự động và nhiều thiết bị kỹ thuật khác.
Sự phát triển của nhà cao tầng tại Thượng Hải
Nhà cao tầng tại Thượng Hải có lịch sử phát triển tương đối dài. Những năm cuối của thập kỷ 20 thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của ngành bất động sản là sự xuất hiện của một loạt khu nhà cao tầng. Khủng hoảng kinh tế thế giới vào đầu những năm 30 đem lại cơ hội vàng cho ngành xây dựng và bất động sản Thượng Hải, nguyên vật liệu rẻ, chất lượng tốt khiến cho nhà cao tầng có cú hích quan trọng trong quá trình phát triển. Từ năm 1928 -1948 có 35 toà nhà cao tầng được xây dựng, phần lớn trong số đó được xây dựng trước năm 1938. Những toà nhà này có kiến trúc phong phú, bố cục mặt bằng đa dạng, độ cao từ 8- 20 tầng, tổng diện tích vào khoảng 342.500m2, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích nhà cao tầng được xây dựng trước năm 1949. Trước năm 1949 tổng số nhà cao tầng được xây dựng là 98 toà nhà với 1.061.000m2 và chiếm 2,29% diện tích nhà ở lúc đó (diện tích nhà ở thời điểm đó khoảng 23.590.000m2). Sau năm 1949, do hạn chế của giá cả xây dựng và từ năm 1970 về sau, kết hợp với sự bắt đầu việc cải tạo lại các khu nhà cũ thì loại nhà cao tầng chung hành lang chiếm tỷ lệ chính với số lượng là 27 toà nhà với gần 200.000m2. Những năm 80, các khu nhà ở phát triển với quy mô lớn, dạng nhà đơn nguyên với những ưu thế: kinh tế, diện tích xây dựng nhỏ, bố cục linh hoạt (đặc biệt là nhiều hộ gia đình dùng chung một cầu thang) đã phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng. Từ năm 1980- 1990 toàn thành phố có 531 toà nhà cao tầng mới xây với tổng diện tích là 65.080.000 m2, nhà cao tầng để ở chiếm tỷ lệ 30%, số tầng từ 12- 15 tầng nâng thành 15- 35 tầng. Thời kỳ cuối năm 1980, do vấn đề giá thành xây dựng và thời gian thời gian thi công kéo dài nên tốc độ xây dựng nhà cao tầng đã chững lại một thời gian ngắn. Những năm 80, do nhu cầu lấy ánh sáng tự nhiên, hướng nhà và sự riêng tư hạn chế và chạm với hàng xóm đã giúp cho chung cư dần chiếm ưu thế, thay thế cho các dạng nhà cao tầng khác. Nhà cao tầng có 2- 3 căn hộ chung một cầu thang đã trở thành kiểu nhà phổ biến hiện nay. Đến cuối năm 1998 tổng số toà nhà ở cao tầng trong toàn thành phố là 1830 toà nhà chiếm 66,7% tổng số 2743 toà nhà cao tầng nói chung, tổng diện tích xây dựng 25.790.000 m2, tổng diện tích nhà cao tầng, chiếm 8,2% của 185.780.000 m2 tổng diện tích nhà ở, toà nhà cao nhất có 48 tầng. Năm 2000, trong số 39.000.000 m2 diện tích nhà ở, có đến 53% diện tích là nhà cao tầng và toà nhà cao nhất có tới 60 tầng.
Đặc điểm khu nhà ở cao tầng Thượng Hải
Nhà ở cao tầng Thượng Hải có một số đặc điểm như sau:
- Thứ nhất: nhà cao tầng có lịch sử lâu đời, loại hình nhà này được bắt đầu xây dựng từ năm 1928 đến nay vẫn không ngừng phát triển
- Thứ hai: tỷ lệ xây dựng cao, từ năm 1930 tỷ lệ xây dựng mới nhà cao tầng chỉ chiếm 3%, đến năm 1980 nâng lên thành trên dưới 30% và đến năm 2000 chiếm một nửa số lượng nhà xây mới- một con số rất lớn.
- Thứ ba: phát triển các loại hình nhà theo từng giai đoạn, những năm 30 xuất hiện chủ yếu là nhà chung cư, từ năm 1970 – 1985 nhà chung cư cao tầng hành lang chiếm tỷ lệ cao, từ năm 1985- 1995 nhà ở cao tầng dạng đơn nguyên chiếm vai trò chủ đạo, từ năm 1995 đến nay là dạng nhà tập thể cao tầng lại dành vị trí chủ đạo.
- Thứ tư: có sự phân bố về độ cao của các toà nhà trong thành phố, nhà càng gần trung tâm thì càng cao và số tầng thấp dẫn khi ra trung tâm.
Ngoài ra còn một số đặc điểm nổi bật và khác biệt so với nhà ở tại các vùng phía Nam Trung Quốc cũung như so với Hà Nội là: nhà ở cao tầng Thượng Hải có bề mặt ngoài tương đối kín, vật liệu bề mặt ngoài sử dụng phổ biến là kính để che chắn gió lạnh. Vì vậy, cửa sổ, cửa đi, ban công, hàng lang…đều cấu tạo bằng kính chịu lực, tạo nên hình ảnh khác biệt so với nhà ở vùng nhiệt đới gió mùa như tại Việt Nam.
Một số dạng nhà ở cao tầng tại Thượng Hải
1. Nhà cao tầng tập thể dạng hành lang: chủ yếu có hành lang hướng Bắc, vì vậy các phòng quan trọng như phòng ngủ, phòng khách quay về hướng Nam. Rất ít toà nhà bố trí hàng lang giữa. Nhà chung cư hàng lang hướng Bắc có 2ưu điểm là nhiều hộ gia đình có thể dùng chung một hành lang, cầu thang máy và thang thoát hiểm. Nhược điểm của nó: các hộ gia đình cung hành lang hàng ngày thường có những va chạm trong sinh hoạt. Hướng mở cửa các công trình phụ trợ như bếp, khu vệ sinh thường ở phía hành lanh nên gây ảnh hưởng đến vấn đề thông gió, an toàn và khó tránh khỏi bị nhòm ngó ảnh hưởng tới sự riêng tư.
Một toà nhà bố trí hành lang giữa, như vậy sẽ có một nửa số căn hộ hoàn toàn quay về hướng Bắc, mà quy định hiện hành không cho phép xây dựng như thế. Thực tế, chỉ có một số ít nhà được xây dựng để làm từ thiện, hoặc nhà đã xây dựng trước đây khá lâu là theo dạng này. Để tránh trường hợp trên, có một giải pháp thiết kế là nhà dạng lệch tầng, như vậy vừa tiết kiệm được diện tích dành cho lối đi chung, vừa tránh được hiện tượng một bộ phận căn hộ hoàn toàn quay về hướng Bắc. Ngoài ra, kiểu nhà này còn đem lại diện tích không gian bên trong rộng rãi như “nhà ở liên hợp” của Le Corbusier. Nhưng ngược lại, cũng có những nhược điểm như việc tăng chiều sâu của nhà ở cũng tăng thêm diện tích giao thông nội bộ trong nhà, do vậy hình dáng của căn nhà sẽ có những hạn chế nhất định và xuất hiện nhiều bất hợp lý trong sinh hoạt.
2. Nhà cao tầng dạng tháp: xuất hiện vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX và phát triển rộng rãi từ đó. Về hình thức mặt bằng thì phong phú đa dạng: hình chữ nhật, hình chữ T, Y, hình cánh quạt, hình tròn…So với loại nhà chung hành lang, tường phía ngoài của mỗi căn hộ đều có thể sử dụng, giao thông tương đối tập trung. Thời gian đầu, hình dáng mặt bằng xây dựng của nhà tháp và nhà chung hành lang tương đối giống nhau, mỗi tầng có thể đến mười mấy căn hộ, các căn hộ chủ yếu theo hướng Nam, còn lại là hướng Đông Tây . Số lượng căn hộ của nhà tháp dần dần giảm đi, chuyển thành 6- 8 hộ chung một cầu thang, thậm chí thành 4 hộ chung một cầu thang. Ưu điểm của loại hình nhà này là bố cục của tổng thể mặt bằng có thể khống chế khả năng lấy ảnh sáng mặt trời, hạn chế ảnh hưởng của mặt trời tới những căn hộ hướng Bắc. Nhược điểm của loại hình nhà này: do hướng nhà nên hình dáng căn hộ của cùng một mặt bằng không đồng đều. Nhiều khi để có hướng nhà như ý những căn hộ của dạng nhà tháp thường được bố trí theo phương thức “trước nhỏ sau to”, khiến những căn hộ có diện tích càng lớn càng khó lấy ánh sáng mặt trời, ngoài ra có quá nhiều căn hộ ở cùng một tầng cũng khiến việc bố trí lấy ánh sáng tự nhiên của nhà trở nên khó khăn. Đến giữa những năm 90 loại nhà này dần dần bị thay thế bằng nhà tập thể cao tầng.
3. Nhà cao tầng dạng đơn nguyên: theo cách định nghĩa của Thượng Hải là loại hình nhà do nhiều căn hộ đơn lẻ tập hợp thành, mỗi khu nhà có cầu thang lên xuống hoặc có cả cầu thang bộ lẫn thang máy, tiếng Anh gọi là “combined apartment building ”. Từ những năm 1990, nhà xây sẵn để bán xuất hiện và phát triển rầm rộ, những khu nhà tập thể cao tầng dần dần thay thế các khu nhà tháp và trở thành loại hình nhà ở cao tầng được xây dựng nhiều nhất. Loại hình nhà này có mặt bằng bố trí tương tự với dạng nhà tập thể nhiều tầng, thông thường là 2- 4 hộ chung 1 cầu thang. Tuy vốn đầu tư xây dựng, phí tổn đất đai, chi phí lắp đặt thang máy và các phí tổn khác đều cao hơn nhà dạng hành lang nhưng lại rất thuận lợi trong việc lấy gió và ánh sáng tự nhiên, dễ bố trí mặt bằng nhà, các căn hộ liền kề giữ được sự riêng tư, không ảnh hưởng lẫn nhau.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 2/2011.