Kiến trúc hiện đại không “chết” ở Việt Nam

Thứ tư, 16/06/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đềThực tế phát triển của kiến trúc Việt Nam trong thời gian qua cho thấy có nhiều vấn đề thuộc về thông tin và nhận thức cần được đánh giá lại. Trong bài báo này, xin được đề cập đến một số hiện tượng phát triển lệch lạc trong kiến trúc Việt Nam hôm nay qua lăng kính của Chủ nghĩa Hiện đại nói chung, Kiến trúc Hiện đại nói riêng.

Kiến trúc hôm nay có rất nhiều xu hướng “thời thượng” muốn khẳng định mình bằng cách phủ nhận những quan điểm tiến bộ và thành tựu của Kiến trúc Hiện đại. Chúng ta không ngạc nhiên về điều đó, chúng hầu hết xuất phát từ phương Tây, nơi có truyền thống liên tục cách tân trong nghệ thuật và cũng là nơi từng sản sinh ra những qui tắc nghệ thuật Cổ điển từ thời Hy Lạp  cổ đại. Nhưng chính những điều này cũng đã tạo nên không ít những hệ luỵ và sự lạc bước cho kiến trúc ở các nước chậm phát triển và bước đầu hội nhập như nước ta. Chúng tôi cho rằng có hai cách chọn lựa, hoặc là tán thành hoàn toàn sự phê phán đó, học theo những cách làm kiến trúc của các kiến trúc sư “tiên phong”; hoặc là cần tìm đến những cách thức tiếp cận vấn đề một cách kiên trì và thực tế hơn cho kiến trúc Việt Nam hôm nay, theo những quan điểm và thành tựu mà Kiến trúc Hiện đại kiến thiết. Trái với tuyên bố của Charles Jencks trong cuốn sách Ngôn ngữ của Kiến trúc Hậu hiện đại, cho đến hôm nay, ở Việt Nam, Kiến trúc Hiện đại không chết. Những thành quả của nó vẫn có ý nghĩa quan trọng và thiết thân đối với người làm kiến trúc.

2. Ba dấu ấn quan trọng của Kiến trúc Hiện đại đối với kiến trúc Việt Nam

Sự xuất hiện của Kiến trúc Hiện đại tạo được ít nhất ba dấu ấn có ý nghĩa lớn không chỉ đối với chúng ta hôm nay:

- Kiến trúc Hiện đại đã thực hiện được một cuộc cách mạng phi thường trong lịch sử nghệ thuật là lật đổ hoàn toàn sự thống trị của Chủ nghĩa Cổ điển – một phương thức nghệ thuật tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử truyền bá văn minh của phương Tây. Ý nghĩa lớn nhất của cuộc cách mạng này là đã mở ra một trang mới cho kiến trúc với phương thức làm nhà hoàn toàn mới, một trào lưu nghệ thuật tiến bộ, một tư tưởng tiên phong có tính thời đại – thời đại công nghiệp.

Sự thay đổi này có cơ sở kinh tế – xã hội – kỹ thuật rất vững chắc. Nó là một tất yếu lịch sử. Có thể suy thận rằng, điều kiện kinh tế – xã hội – kỹ thuật chung của nền kiến trúc Việt Nam hiện nay rất tương hợp với các nguyên tắc thiết kế của Kiến trúc Hiện đại. Nói như vậy, không có nghĩa rằng chúng ta quay lưng, đóng cửa với các thành tựu khoa học kỹ thuật & lý luận của thế giới đương đại. Nhưng với thực lực của nền kinh tế – xã hội – kỹ thuật Việt Nam hiện nay, kiến trúc không thể cứ tiếp tục tiêu tốn thời giờ và tiền bạc bởi những ấu trĩ và lệch lạc như hiện thời. Xu hướng lặp lại với những motif cổ điển phương Tây hoặc phô trương hình thức trong hàng loạt kiến trúc công sở những năm gần đây thực chất là một bước lùi về phương diện học thuật, nghệ thuật và lịch sử.

Trong hoạt động kiến trúc của nước ta hiện nay, đang tồn tại khuynh hướng sử dụng phương thức “Cổ điển” mà những nhược điểm của nó đã bị chỉ trích nặng nề tại Hội thảo “Những biểu hiện hình thức chủ nghĩa trong kiến trúc công sở thời kỳ đổi mới” (Hà Nội, 11/2009). Những nội dung chỉ trích bao gồm:

• Căn bệnh hình thức trong kiến trúc công sở nước ta hiện nay đang ở mức báo động.

• Ngôn ngữ của hầu hết kiến trúc công sở mới được xây dựng khá cổ lỗ, nặng nề. Thậm chí còn “cổ hơn cả kiến trúc cổ”, khiến cho mọi người không khỏi băn khoăn, những hình thức biểu hiện đó để làm gì, lợi cho ai? Hay để thoả mãn phần nào “căn bệnh thích làm quan”, thích khoe khoang? (Cần thêm rằng cụm từ “căn bệnh thích làm quan” được nêu lên đầu tiên bởi sự đồng cảm của các kiến trúc sư trong Hội thảo).

• Ngôn ngữ của thứ kiến trúc “Cổ điển” này xét về kinh tế thì không phù hợp với điều kiện chung của đất nước. Xét về mặt xã hội thì chưa phù hợp với nhận thức thẩm mỹ chung của quần chúng. Mặt khác, chính ngôn ngữ “Cổ điển” của nhiều công sở đã góp phần không nhỏ trong việc “việc “truyền bá”, “truyền dịch”, “định hướng” trong nhân gian một thứ “thổ ngữ dã man”, làm diện mạo nhiều khu vực mới được “đô thị hoá” cấp tốc trở nên méo mó, dị hợm.

• Bản thân xu hướng Cổ điển trong Kiến trúc Hậu Hiện đại (Post Modem Architecture) ở phương Tây cũng đã bị giới phê bình nghệ thuật Tây Âu phê phán về sự thiếu mạch lạc trong đường hướng khắc phục những khiếm khuyết của Kiến trúc Hiện đại cũng không tạo ra được một ngôn ngữ mới ngoài việc lặp lại những bóng hình của quá khứ. Đáng tiếc là những thông tin giàu tính suy xét như thế lại không thể vào nước ta sớm hơn để ngăn chặn cơn đại dịch kiến trúc “trưởng giả” đang lan tràn. Motif “Cổ điển châu Âu”, “kiến trúc Pháp” thường được “chủ đầu tư” xưng tụng bằng cụm từ “hoành tráng” theo cách hiểu của một tính từ. Rất có thể đấy là nguồn gốc “văn hoá” tạo nên những nét bi hài trong không ít công trình xây dựng gần đây.

Kiến trúc sư cả thế giới ngày nay đều thấm nhuần tinh thần của thời đại rằng, công năng mới là hạt nhân của những suy tư về kiến trúc. Vì thế, khi nhìn ngắm những công trình kiến trúc “kinh điển” đồ sộ ở chính quốc, trong suy nghĩ của họ không ít lần nảy sinh mâu thuẫn giữa một bên là sự khâm phục vẻ quyến rũ của những đường nét tinh xảo, sự mực thước trong tỷ lệ; với một bên là câu hỏi “tính logic” của nó thực sự là gì? Câu trả lời chỉ có thể là - kiến trúc đó thuộc về những thời đại đã qua.

Những nội dung phê phán từ cuộc Hội thảo nêu trên đã cho thấy việc lăn theo “vết xe” của kiến trúc Hậu hiện đại phương Tây là không phù hợp với điều kiện của kiến trúc nước ta hiện nay. Thay vào đó, cần kiên định những quan điểm tiến bộ và thành tựu của Kiến trúc Hiện đại, kết hợp với những giá trị văn hoá bản địa.

- Kiến trúc Hiện đại đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình bằng sự cách tân sáng tạo kiến trúc, với hạt nhân là yếu tố Công năng. Thực vậy, mục đích tối thượng của kiến trúc là thoả mãn nhu cầu sử dụng, dựa trên những logic có tính nguyên lý. Không thể vin vào khẩu hiệu “khách hàng là thướng đế” để biện bạch cho việc xa rời những logic công năng mà kiến trúc Hiện đại đã xác lập.

Hành trình để xác lập nguyên tắc của Chủ nghĩa Công năng là một chặng đường dài trong lịch sử văn minh của loài người. Xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX đến nay, Kiến trúc Hiện đại đã khẳng định tính tất yếu lịch sử của nó. Thế giới Cổ điển đã phải nhường chỗ cho những nguyên tắc thiết kế kiến trúc của thời đại mới và diện mạo của thế giới kiến trúc cũng hoàn toàn thay đổi. Phương thức đào tạo kiến trúc sư và thiết kế theo những quan niệm và mô hình cổ điển bị loại bỏ từ lâu. Công việc hàng đầu của kiến trúc sư Hiện đại là xác lập ý tưởng thiết kế trên cơ sở những lập luận về logic trong quá trình vận hành của kiến trúc (yêu cầu sử dụng – mối liên hệ giữa các thành phần, bộ phận – cấu trúc...) chứ tuyệt nhiên không còn là việc xoay sở với các thủ pháp bố cục, tổ hợp thức cột cổ điển để tạo ra những facad tuy đường bệ nhưng đầy rãy sự giả tạo. Điều tuyệt diệu của Kiến trúc Hiện đại là đã hạ gục không phải là các “tượng đài” lịch sử: Parthenon, Patheon, Collosseum, cung điện Versailles... mà chính là cái phương thức sản sinh ra chúng - đó là phương thức thiết kế và xây dựng theo lối thủ công: “Chặt - đẽo – cưa - đục – mài – bào – gọt – chống – xếp” đá thành hàng, thành lớp.

Muốn hay không, lịch sử là cái không trở lại. Mỗi phương thức nghệ thuật đều có những nền tảng công nghệ nhất định. Một khi công nghệ làm nhà thay đổi. Tính ưu việt và sự khác biệt quan trọng nhất giữa kiến trúc Công nghệ cao với các xu hướng kiến trúc khác chính là do công nghệ (phương thức làm nhà), chứ tuyệt đối không phải là vì nó thường phô diễn kết cấu thép và sử dụng nhiều vật liệu nhôm, kính...

Đến đây, chúng tôi muốn khẳng định tinh thần cách tân mà Kiến trúc Hiện đại đã phát động vẫn là một thành tựu quan trọng và chúng ta có nghĩa vụ phải giữ gìn. Cũng từ đó có sự đánh giá, sàng lọc những tinh hoa của nó để kiên trì và thực tế hơn trong hoạt động kiến trúc.

Sự kiên trì với những nguyên tắc của Chủ nghĩa Công năng  sẽ giúp chúng ta đánh giá đúng những thành tựu kiến trúc đã đạt được, đồng thời xác định cách thức đổi mới phương thức đào tạo, thực hành thiết kế và định hướng hoạt động xây dựng.

Tính thực tế cho phép chúng ta đánh giá đúng đắn vai trò của Kiến trúc Hiện đại đối với kiến trúc Việt Nam hôm nay. Hiện đại đối với kiến trúc Việt Nam hôm nay. Cũng cần phải nhắc lại rằng tinh thần của sự cách tân do Kiến trúc Hiện đại đề xướng không hề song trùng với Phong cách Quốc tế, một nhánh quá tả của Kiến trúc Hiện đại, từng làm mưa, làm gió những năm 1960 – 1970 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, một khuynh hướng kiến trúc vẫn hướng về những giá trị văn hoá bản địa trong khi thực hành những nguyên tắc Công năng của Kiến trúc Hiện đại như kiến trúc sư Geofrey Bawa ở Srilanka, như rất nhiều các kiến trúc sư lão thành đã từng thực hiện ở miền Nam trước năm 1975.

Trong quá trình vận hành Kiến trúc Hiện đại đã sản sinh ra nhiều môn phái, trường phái kiến trúc danh tiếng: Kiến trúc công nghệ cao, Hiện đại Mới, Kiến trúc Làn sóng mới ở Nhật Bản hiện đang là những xu hướng tiên phong trong việc tiếp bước Kiến trúc Hiện đại.

Theo đó, chúng ta hoàn toàn có quyền chọn lối đi song hành giữa một bên là nguyên lý thiết kế của Kiến trúc Hiện đại  với một bên là sự tìm kiếm những khả năng thích ứng với điều kiện  cụ thể của từng địa phương, từng khu vực, là cái mà ngày nay thường được đề cập như là “bản địa” và “đặc sắc”.

- Một thành tựu quan trọng của Kiến trúc Hiện đại là xác lập một hệ thống lý luận và thực hành kiến trúc trên cơ sở sự tương thích giữa thẩm mỹ kiến trúc với điều kiện kinh tế – kỹ thuật, rất phù hợp với điều kiện kinh tế – kỹ thuật của nước ta hiện nay.

Thẩm mỹ của Kiến trúc Hiện đại vốn rất xa lạ với những biểu hiện thừa thãi, phù phiếm, vô lý về chức năng. Thế mà, chưa bao giờ chúng ta cớ nhiều cơ hội để làm kiến trúc như bây giờ, những cũng chưa có khi nào mà chất lượng thẩm mỹ của kiến trúc lại sa sút nhanh đến thế. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, nhà cửa phố xá mọc lên nhiều vô kể. Trong số đó có nhiều “ngôi” nhìn vào không thấy “nhà” mà là một “gánh hàng rong” với đủ loại màu sắc, hình kiểu, chủ đề đang đua nhau “phô diễn, diễu hành”. Thay cho cái sự yên bình, gần gũi, an lành của mỗi tổ ấm lại là cái sự nhốn nháo, bất an, xa lạ và có phần thiếu lương thiện. Chúng thực sự là những nét nhạc nghịch tai trên phố xá.

Ở thôn quê thì người nông dân Việt Nam vốn rất khôn ngoan, láu lỉnh lại “đổi đẹp lấy xấu”, vui mừng với “cái hộp” BTCT rẻ tiền của mình. Nhiều gia đình nông dân dù ăn uống còn kham khổ, đạm bạc, nhưng vẫn gắng xây theo kiểu chắp vá những căn nhà loè loẹt, sặc sỡ như chú hề trong gánh xiếc. Truyền thống thẩm mỹ thiên về cái ý nhị, duyên dáng, thâm trầm mà các cụ để lại đang bị cơn lốc “đô thị hoá đất ruộng” cấp thời xé cho tan hoang. Cuối năm 2009, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã nhận trách nhiệm vẽ ra một số mẫu “nhà đẹp và hợp lý” để mời bà con làng Kỳ Đặc – Hải Dương dùng thử. Nhưng các cụ bà mà tôi “phỏng vấn mini” lại đều ao ước sớm có được cái nhà “như các bác trên phố” (?).

Trong khi ấy người giàu lùng cho bằng được mấy cái nhà gỗ nguyên gốc của bà con nông dân đang khao khát đổi đời trong căn nhà hộp, chở về lắp trên lô đất “đón quy hoạch”, hay “trang trại” để mời bạn bè tới thăm. Hiện tại không có được con số chính xác rằng có bao nhiêu ngôi nhà thuộc phạm trù “kiến trúc truyền thống” đang được bảo tồn theo cách đó.

Trong lúc điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, kỹ thuật còn hạn chế, kiến trúc vẫn có thừa sự phô trương, kệch cỡm trong hình thức, sự bất hợp lý trong chức năng. Hai cái thừa này dẫn tới một cái thừa thứ ba, đó là sự lãng phí trong xây dựng.

Những cái thừa đó chính là điều Kiến trúc Hiện đại phê phán kiến trúc Cổ điển. Châu Âu và nước Mỹ cuối Thế kỷ XIX, đầu Thế kỷ XX cũng gặp khó khăn như: sự gia tăng đô thị hoá, nhu cầu khôi phục sau chiến tranh, sự chuyển mình về kỹ thuật và công nghiệp hoá, sự bảo thủ của những người tôn thờ Chủ nghĩa Cổ điển...

3. Những bài học rút ra từ Kiến trúc Hiện đại

Kiến trúc Hiện đại vào nước ta lâu không kém các quốc gia khác, nhưng đến nay vẫn chưa có thành tựu nào đáng kể như ở Brasil, Mexico, Srilanka, Singapore, Malaysia... chứ chưa thể so sánh với các cường quốc kiến trúc khác. Phần lớn nguyên nhân nằm ở tập quán tiếp nhận văn hoá luôn trong tình trạng thiếu hoàn chỉnh, thừa giáo điều, ưa cải tiến ngang tắt. Vậy nên, việc vận dụng những luận điểm tiến bộ của Kiến trúc Hiện đại ở buổi bình minh của nó để soi rọi vào những điểm bất cập nhằm chấn hưng hoạt động kiến trúc ở Việt Nam hôm nay không phải là điều vô ích. Để thực hiện được điều này, Bộ Xây dựng, các Trường Đại học Kiến trúc, Xây dựng và Hội Kiến trúc sư ở trung ương và các địa phương cần phát huy vai trò chỉ đạo của mình trong tất cả các khâu văn bản hướng dẫn, xét duyệt đồ án, đào tạo, lập hội đồng chấm thi, xét chọn giải thưởng kiến trúc.... Xin được mạn phép nhắc lại hai trong số nhiều luận điểm nổi tiếng làm nền tảng tư tưởng và động lực cho Kiến trúc Hiện đại phát triển: “Hình thức luôn đi theo công năng” của Louis Sulluvan – kiến trúc sư đứng đầu Học phái Chicago ở Mỹ và “Trang trí là tội lỗi” của Adolf Loos – kiến trúc sư người Tiệp, sống ở áo để kết thúc bài này.

 

    Nguồn: TC Xây dựng, số 4/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)