Giới thiệu về dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm

Thứ tư, 09/06/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Lời mở đầuĐể đảm bảo thành công các công trình xây dựng đường ngầm, việc kiểm soát an toàn và vệ sinh trong giai đoạn thi công xây dựng đường ngầm có ý nghĩa  rất quan trọng. Việc đưa ra các quy định về an toàn và vệ sinh trong giai đoạn thi  công xây dựng đường ngầm thường phải dựa vào yêu cầu thiết kế và các quy định của Quy chuẩn Xây dựng nhằm đảm bảo cho công trình có môi trường làm việc hợp lý, thuận tiện, vệ sinh và an toàn. Đường ngầm là đường giao thông có chiều dài nhất định được đặt ngầm trong đất theo phương ngang hoặc dốc. để đạt được yêu cầu đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho người, cho công trình và thiết bị thi công, cần phải áp dụng các biện pháp có hiệu quả để xác định, kiểm soát và loại bỏ rủi ro. Việc chỉ rõ các rủi ro có thể về an toàn và vệ sinh có thể, xác định mức độ nghiêm trọng và kiểm soát chúng như thế nào không phải hỉ là công việc của nhà thầu. Đó là quá trình liên tục được bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị kế hoạch và xây dựng dự án, xuyên suốt quá trình cho đến khi hoàn thành toàn bộ các giai  đoạn của dự án.

Các mối nguy hiểm có thể xảy ra với con người và máy móc trong giai đoạn thi công đường ngầm được liệt kê như sau:

Ngã từ trên cao xuống; Trượt, ngã tại nơi làm việc; Vật liệu rơi từ trên cao; Vật liệu rơi từ nơi chất đống hoặc từ xe chuyên chở; Bị vùi lấp bởi các vật liệu đổ xuống; Ngập hay tràn nước; Tai nạn máy móc, thiết bị; Tai nạn điện; Cháy nổ; Ô nhiễm không khí, ngạt thở.

Các mối nguy hiểm với sức khoẻ công nhân điển hình như sau:

Tiếng ồn: Rung động; Nhiệt độ; Không khí áp suất cao; Hoá chất; bụi bẩn; Dung môi; Khí Hydro carbon; Nước hoặc đất bẩn.

Để giúp khắc phục sự hạn chế trong việc thiếu thông tin về các kỹ thuật thi công ngầm tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu gồm các tác giả của bài viết này đã tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, tìm cách Việt hoá và áp dụng tiêu chuẩn phù hợp của những nước phát triển vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Kết quả là nhóm nghiên cứu đã đưa ra dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm, được thông qua tại Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước ngày 31/12/2008. Hiện nay dự thảo tiêu chuẩn này đang trong quá trình xem xét lần cuối bở Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ để có thể áp dụng như một tiêu chuẩn chính thức. Bài viết này xin giới thiệu dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm.

2. Tổng quan về các tiêu chuẩn tương đương

Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, việc thi công xây dựng công trình ngầm đã được thực hiện từ rất lâu, cho nên cũng có sẵn một số tiêu chuẩn quy phạm đưa ra các yêu cầu hay quy định trong thi công ngầm.

Trên thế giới, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển thì công trình ngầm đã được xây dựng từ hàng mấy trăm năm nay, do vậy cũng có nhiều tiêu chuẩn thi công ngầm. Điển hình như Hội Xây dựng Nhật Bản (USCE) có ấn hành "Tiêu chuẩn Nhật Bản đối với các đường hầm xuyên núi" vào năm 1964, chỉnh sửa vào các năm 1969, 1977, 1986 và 1996 với nhiều điều quy định về an toàn và sức khoẻ cũng như bảo vệ môi trường trong khi thi công xây dựng và sử dụng công trình ngầm.

Trong khi đó tại Việt Nam thì các tiêu chuẩn liên quan tới công trình ngầm chủ yếu lại tập trung trong ngành khai thác mỏ. Một tiêu chuẩn điển hình là TCVN 6780 "Yêu cầu an toàn trong khai thác hầm mỏ quặng và phi quặng" gồm bốn phần quy định các yêu cầu về an toàn (1) Phần 1: Yêu cầu chung và công tác khai thác mỏ; (2) Phần 2: Công tác vận tải mỏ; (3) Phần 3: Công tác thông gió và kiểm tra khí mỏ và (4) Phần 4: Công tác cung cấp điện. Dẫu rằng chưa có đủ thông tin theo yêu cầu nhưng tiêu chuẩn này cũng đã bao gồm được một số phần quy định quan trọng cho công tác khai thác mỏ quặng. Tại nước Anh đã có tiêu chuẩn BS 6164: 2001 “Các qui định bắt buộc về an toàn hiện trường khi thi công đường ngầm trong ngành xây dựng” với bản gốc giới thiệu lần đầu tiên năm 1982, được chỉnh sửa một lần vào năm 1990 và bản hiện hành mới nhất năm 2001.

Có thể nói, dòng tiêu chuẩn BS 6164 đã được hình thành, sử dụng và chỉnh sửa trong suốt 35 năm qua để loại bỏ những điều bất hợp lý, thêm vào những kỹ thuật mới có trong kỹ thuật thi công xây dựng công trình ngầm. Ngoài ra trong các bộ tiêu chuẩn của các nước khác như GOST của Nga, DIN của Đức, AASHTO của Mỹ... cũng có những tiêu chuẩn cụ thể qui định các vấn đề an toàn, vệ sinh và môi trường trong thi công xây dựng công trình ngầm.

3. Phương pháp biên soạn

Theo định hướng chung, thời gian qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng về an toàn và vệ sinh cho công trình xây dựng nói chung đã và đang được biên soạn trên cơ sở hệ thống tiêu chuẩn châu Âu và quốc tế. Vì vậy, tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm dựa một tiêu chuẩn tương ứng trong hệ thống tiêu chuẩn trên. Đó là tiêu chuẩn BS6164: 2001 – Các quy định bắt buộc về an toàn hiện trường khi thi công đường ngầm trong ngành xây dựng. Đây là một tiêu chuẩn qui định các biện pháp về an toàn và vệ sinh trong quá trình thi công xây dựng đường ngầm, có liên quan tới quá trình lập kế hoạch tổ chức thi công, trường hợp cấp cứu khẩn cấp, môi trường làm việc, thông tin liên lạc, vấn đề an toàn và vệ sinh thi công, giao thông bên trong, điện nước, và các khía cạnh khác. Mặt khác, đây là lần đầu tiên tiêu chuẩn “an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm” được biên soạn ở Việt Nam. Từ những lý do trên, cách biên soạn tiêu chuẩn này theo tinh thần giữ nguyên tất cả các nội dung yêu cầu của tiêu chuẩn gốc, có xem xét thay đổi một số điều kiện và nội dung cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Một điều kiện thuận lợi cho việc biên soạn tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn BS6164:2001 – Các quy định bắt buộc về an toàn hiện trường khi thi công đường ngầm trong ngành xây dựng đã được đưa vào áp dụng trong thực tế từ năm 1982 và chỉnh sửa qua các năm 1990 và 2001. Do vậy, những qui định hay nội dung chưa hợp lý ban đầu có thể đã được phát hiện ra và thay đổi cho phù hợp bởi cơ quan xây dựng và quản lý tiêu chuẩn này. Mặt khác, với một loạt các công trình đường ngầm đã và đang được xây dựng hiện nay tại Việt Nam đã cung cấp những thông tin thực tế quan trọng cho nhóm biên soạn tiêu chuẩn này. Có thể nói, thực tế sản xuất và thi công xây dựng ở nước ta hiện nay đang có nhu cầu ngày càng nhiều về tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm.

4. Giới thiệu về dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm

Dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm được xây dựng với bố cục rõ ràng và chi tiết với các phần chính cụ thể như sau:

 1. Phạm vi áp dụng.
 2. Tiêu chuẩn viện dẫn.
 3. Các thuật ngữ và định nghĩa.
 4. Kiểm soát rủi ro.
 5. Điều tra và thu thập thông tin hiện trường.
 6. Các kế hoạch chi tiết cho an toàn và sức khoẻ.
 7. Đào đất và chống đỡ nền đất.
 8. Hệ thống đỡ dài hạn.
 9. Nước ngầm.
 10. Ngập lụt.
 11. Yêu cầu khi sử dụng khí nén.
 12. Khí Methane
 13. Cháy và khói.
 14. Chữa cháy và cứu hộ.
 15. Thông thoáng khí.
 16. Bụi bẩn.
 17. Chất lượng chiếu sáng.
 18. Hệ thông thông tin liên lạc công trường.
 19. Tiếng ồn và rung động.
 20. Đường đi lại phục vụ thi công và vào bảo dưỡng trong đường ngầm.
 21. các yêu cầu về an toàn với thiết bị thi công đường ngầm.
 22. Hệ thống điện.

Cách sắp xếp các mục của tiêu chuẩn và nội dung cụ thể của từng mục đã được trình bày lôgic chặt chẽ, rõ ràng, từ nguyên lý, khái niệm đến mô tả chi tiết về an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm. Nội dung cụ thể của từng phần chính, phần nhỏ và các biểu bảng mang tính khoa học cao và giúp bạn đọc cũng như những người sử dụng dễ hiểu và dễ áp dụng.

5. Kết luận

Nhóm nghiên cứu đã điểm qua các nội dung chính của dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm. Có thể nói đây là một dự thảo tiêu chuẩn đầy đủ và chặt chẽ, qui định các vấn đề về an toàn, vệ sinh và môi trường trong xây dựng công trình ngầm. Các điều khoản và nội dung tương đối rõ ràng và có thể tương đối phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trong điều kiện nước ta đang và sẽ xây dựng nhiều công trình ngầm phục vụ sự phát triển kinh tế cũng như sự thiếu hụt các tiêu chuẩn tương thích, việc có thêm một tiêu chuẩn về công rình ngầm để áp dụng tại Việt Nam là một việc làm cần thực hiện ngay. Có thể nói việc hoàn thành và đưa vào sử dụng dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn và vệ sinh trong xây dựng đường ngầm không chỉ là công sức và thành quả của nhóm nghiên cứu nói riêng, mà cần phải coi đó là sự đóng góp rất lớn của cả tập thể bao gồm Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học công nghệ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, các đồng nghiệp và các chuyên gia đầu ngành đã tham gia đóng góp ý kiến, phản biện, chỉnh sửa để giúp dự thảo tiêu chuẩn này hoàn thiện và có tính áp dụng khả thi trong thực tế Việt Nam.

 

   Nguồn: TC Xây dựng, số 4/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)