Thành phố Hồ Chí Minh: Khuyến khích sử dụng cát nhân tạo

Thứ tư, 09/06/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Công nghệ đệm không khí là độc quyền của Nga, máy nghiền cát từ đá hầu như chỉ sản xuất tại Nga và một số nước thuộc Liên Xô cũ. Thế nhưng trong 2 năm qua, Công ty cổ phần Tân đại lợi đã phối hợp cùng Sở KH&CN TP Hồ Chí minh nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy nghiền cát từ đá ngay tại Việt Nam, đó cũng là giải pháp cho bài toán thiếu cát xây dựng, hạn chế khai thác cát tự nhiên…

“Việt hóa” máy thành công

Năm 2002, anh Nguyễn Quang Chánh, Giám đốc Công ty cổ phần Tân đại lợi được Tổng công ty Sông Đà yêu cầu tìm thông tin về máy nghiền cát từ đá của Nga để chuẩn bị dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Sau quá trình tìm kiếm, anh Chánh đã tiếp cận được nơi sản xuất máy nghiền đá thành cát tại Viện Nghiên cứu sản xuất thuộc Viện Hàn lâm khoa học Belarus, thủ đô Minsk, Cộng hòa Belarus vào năm 2003. Anh Chánh cho biết: “Trong 2 năm (2004 và 2005), tôi đã mua 2 chiếc máy (giá trên 5 tỷ đồng/chiếc) về thử nghiệm tại công trình thủy điện Sơn La và còn mời cha đẻ của chiếc máy, TS Lisitca Vasilii Ivanovich sang Việt Nam giới thiệu trước lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà và các nhà khoa học Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới việc sản xuất chiếc máy trong nước…”.

Năm 2008, với sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Tân đại lợi đã bắt đầu thực hiện dự án “Chuyển giao công nghệ máy nghiền cát từ đá nhập khẩu của Nga”. Sau 2 năm thực hiện, KS Trần Quốc Anh (cán bộ Viện Cơ học và tin học ứng dụng, đã về hưu), chủ nhiệm dự án và các kỹ sư của Công ty cổ phần Tân đại lợi đã chế tạo gần như trọn vẹn các chi tiết của máy như: Khung máy, vỏ máy, băng tải…

Ngoài ra, chiếc máy sản xuất tại Việt Nam còn được cải tiến khi sử dụng 2 động cơ 2 bên (máy của Nga sử dụng 1 động cơ dưới gầm nên dễ hỏng hóc do bụi), lắp đặt thêm hệ thống hút bụi… nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động và môi trường.

Tuy nhiên để máy vận hành tốt hơn, phải nhập cánh gia tốc của Nga, bởi chất lượng cánh gia tốc của Nga rất cao. Là đơn vị đầu tiên sử dụng chiếc máy “Made in Việt Nam”, Giám đốc Công ty cổ phần đá Phước Hòa - Fico (Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Nguyễn Minh Hiệp khẳng định, chiếc máy hoạt động tốt, ổn định.

Phát biểu tại buổi trình diễn thiết bị tại Công ty cổ phần đá Phước Hiệp, ông Lê Hoài Quốc - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh cho rằng, chiếc máy có nhiều ưu điểm về công nghệ, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường.

Sẵn sàng thương mại hóa

Vừa qua, tại buổi nghiệm thu dự án do Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Công ty cổ phần đá Phước Hòa - Fico, KS Trần Quốc Anh cho biết, giá chiếc máy nghiền cát từ đá nhập khẩu hiện lên lên đến 313.000 USD, còn sản xuất tại Việt Nam chỉ 180.000 USD, với chất lượng tương đương.

Giải thích về độ bền của cánh gia tốc, vấn đề được nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực cát xây dựng quan tâm, KS Trần Quốc Anh phân tích, một bộ cánh gia tốc cần thay thế khi đã nghiền 12.000-14.000 tấn cát.

Đây là con số “hao hụt” chấp nhận được, bởi giá trị bộ cánh gia tốc (4 cánh) cũng không quá lớn, khoảng 680 USD/bộ, có thể thương lượng giảm xuống 500 USD/bộ trong tương lai gần, và sẽ rẻ hơn nhiều khi các cơ sở trong nước có thể sản xuất được.

Đại diện đơn vị thực hiện dự án, ông Nguyễn Quang Chánh cho biết: Vấn đề khó khăn nhất để “Việt hóa” hoàn toàn chiếc máy là chi tiết gối đệm không khí vẫn không thể sản xuất tại Việt Nam, do những quy định về bản quyền sáng chế. Tuy nhiên, hiện nay, TS Lisitca đã đồng ý cho Công ty cổ phần Tân đại lợi sản xuất bộ phận gối đệm không khí tại Việt Nam.

Ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đăng ký sản phẩm, giải pháp hữu ích cho chiếc máy, với tên Lisitca”, ông Chánh cho biết thêm. hiện máy nghiền cát từ đá đã được ứng dụng, đạt hiệu quả cao tại các công trình thủy điện như Sơn La, Đồng Nai 4 và mỏ đá Tân Đông Hiệp (Bình Dương). Đến nay, đã có 5 đơn vị ở phía Bắc đặt 5 chiếc máy sản xuất tại Việt Nam ngay trong năm 2010.

Theo ông Nguyễn Quang Chánh, giá cát nhân tạo từ đá dù có hạt đồng đều, sạch hơn so với cát tự nhiên nhưng hiện vẫn đắt hơn khai thác tự nhiên trên 20% (chỉ rẻ hơn cát tự nhiên dùng cho bê tông) nên sẽ khó được các công trình xây dựng đón nhận.

Như vậy, để đảm bảo chất lượng công trình, môi trường sống, hạn chế nguy cơ sạt lở bờ sông, cửa sông như hiện nay, các cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường kiểm soát tình trạng khai thác cát lậu, khuyến khích sử dụng cát nhân tạo từ đá, để chiếc máy nghiền cát từ đá nói riêng và những thiết bị công nghệ nội địa tiên tiến, hiện đại nói riêng, có điều kiện ứng dụng thực tế và phát triển.

 

Nguồn: Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)