Đó là hiệu quả của dự án xây dựng mô hình thí điểm xử lý nước ngầm nhiễm phèn và hệ thống cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình tại một số vùng chưa có nước máy thuộc huyện Phú Lộc.
Quy trình kỹ thuật của hệ thống bắt đầu từ việc bổ sung ôxy cho nước bơm ở giếng ngầm, giếng khơi lên bể nhằm ôxy hóa một phần sắt trong nước.
Nước được dẫn qua bộ phận để nước phun thành tia hoặc tạo mưa rơi vào thùng nhằm loại bỏ khí CO2, nâng cao độ pH, đồng thời là lấy ôxy từ không khí để ôxy hóa các nguyên tố kim loại có trong nước (chủ yếu là sắt).
Tại đây, trong quá trình nước đi vào thùng chứa, các khí có mùi hôi sẽ thoát ra.
Để quá trình ôxy hóa diễn ra hoàn toàn, nhờ một thiết bị sục khí ôxy không khí để chuyển hóa toàn bộ sắt thành kết tủa, các tạp chất sẽ bị kết tủa kéo theo và lắng tụ xuống đáy bình. Sau đó, nước tự động đi qua hệ thống lọc ngược, lọc sơ và hệ thống lọc tinh để trở thành nước sạch.
Kết quả phân tích mẫu nước ngầm trong khuôn khổ dự án cho thấy, các chỉ tiêu chất lượng nước, đặc biệt là hàm lượng sắt tổng số (Fe), trong nước đã qua xử lý đều đạt yêu cầu chất lượng.
Với công nghệ đơn giản, hệ thống dễ làm, dễ sử dụng, giá thành hạ, mô hình xử lý nước ngầm nhiễm phèn và hệ thống cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình rất phù hợp với các hộ dân nghèo và đem lại hiệu quả kinh tế khá lớn.
Theo tính toán, sử dụng hệ thống xử lý nước ngầm nhiễm phèn và cấp nước tự động quy mô hộ gia đình tiết kiệm được 70-75% chi phí so với việc dùng nước máy.
Mô hình này có thể nhân rộng ở những vùng sâu, vùng xa địa hình cách trở, giúp chấm dứt dần tình trạng người dân phải sử nước ngầm nhiễm phèn trong ăn uống sinh hoạt, góp phần giảm bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường ruột./.
Theo moitruong.com.