Về quy hoạch KCN
Quy hoạch KCN phải phân khu chức năng rõ ràng giữa khu vực sản xuất, khu vực dịch vụ, khu đô thị liền kề và đảm bảo các điều kiện về hướng gió, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào KCN phải có liên kết thuận lợi tạo sự phát triển đồng bộ và phát huy sức lan tỏa của KCN khi đi vào hoạt động... Khoảng cách giữa các KCN không nên quá xa nhau và không quá xa trung tâm thành phố để các KCN cũ và mới vừa có sự liên kết với nhau vừa đảm bảo sự phát triển của từng khu.
Quy hoạch KCN cần gắn chặt với phát triển đô thị công nghiệp liền kề, có sở hạ tầng ngoài hàng rào KCN như: có quy hoạch bố trí đất làm khu dân cư tái định cư, hệ thống giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng, bưu điện ... các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người công nhân như: khu nhà ở công nhân, trạm xe buýt, nhà ăn cho công nhân, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trạm y tế, đồn công an, trạm cứu hỏa, hải quan KCN.... và các trung tâm đào tao, dạy nghề, xúc tiến việc làm.
Quy mô đât đai và độ cứng nền đất của KCN
Quy mô KCN
Như đã trình bày, nếu việc hình thành các KCN để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì quy mô hiệu quả nằm trong khoảng 200-300ha (đối với các KCN nằm trong khu vực thành thị và vùng kinh tế trọng điểm), KCN có quy mô từ 200-400ha đối với các KCN nằm trên địa bàn các tỉnh. Như vậy với đặc thù của Hà Nội và định hướng thu hút đầu tư là tập trung phát triển các ngành tạo ra sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; các ngành có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, sản phẩm cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm vật liệu mới... do đó tác giả đề xuất quy mô một KCN khoảng 300ha là hợp lý.
Độ cứng của nền đất xây dựng KCN
Tiêu chí này cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi tìm hiểu để quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư vào KCN vì nếu địa chất và nền đất có chất lượng tốt sẽ giúp nhà đầu tư giảm được nhiều chi phí về xây dựng.
Sử dụng đất và phân khu chức năng
KCN được phân chia thành các phân khu chức năng như sau:
- Đất xây dựng các xí nghiệp công nghiệp;
- Đất xây dựng khu điều hành và dịch vụ của KCN;
- Đất xây dựng các công trình đầu mối kỹ thuật;
- Đất giao thông;
- Đất cây xanh.
Theo kinh nghiệm phát triển của các mô hình Business Park thế hệ thứ hai, thứ ba, tác giả đề xuất tỷ lệ phân bố cho mô hình thí điểm KCN đồng bộ, bền vững của Hà Nội như sau:
- Diện tích các XNCN và khu vực liên quan như kho tàng, nhà xưởng cho thuê tối đa là 60% tổng diện tích KCN.
- Diện tích thảm cỏ, cây xanh từ 15-20% tổng diện tích KCN.
- Diện tích khu vực nhà trung tâm điều hành, công trình công cộng, thương mại, dịch vụ trong khoảng từ 2-5% tổng diện tích KCN.
- Để đảm bảo diện tích cho các công nghệ xử lý thân thiện môi trường (như xử lý nước thải sinh học), diện tích khu vực các công trình hạ tầng kỹ thuật cần nằm trong khoảng 2- 4% tổng diện tích KCN.
Qui hoạch ngành nghề đầu tư vào KCN:
Để xây dựng và phát triển KCN đồng bộ, bền vững cần lưu ý một số vấn đề sau khi quyết định quy hoạch và lựa chọn ngành nghề đầu tư vào KCN ở Hà Nội.
Với mục đích xây dựng KCN có hệ số chuyên môn hóa và liên kết kinh tế cao cần lựa chọn những cơ sở công nghiệp có sản phẩm đầu ra và ngành nghề hoạt động có tính tương đồng. Các doanh nghiệp trong KCN có khả năng liên kết với nhau để sản phẩm của nhà máy này là linh kiện, nguyên liệu của nhà máy kia và tạo sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tận dụng nguồn nguyên, vật liệu của địa phương để tiết kiệm chi phí và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội theo hướng CNH,HĐH.
Với mục đích xây dựng KCN thân thiện với môi trường khi quy hoạch các ngành nghề đầu tư trong KCN cần ưu tiên về quy mô, loại sản xuất, các yêu cầu về tài nguyên và dịch vụ; dự báo về sản sinh lượng chất thải, lượng ô nhiễm; xác định mối liên kết có thể giữa các cơ sở công nghiệp và loại hình trao đổi có ý nghĩa quan trọng xuyên suốt trong quá trình xây dựng, kêu gọi đầu tư, vận hành KCN.
Với mục đích xây dựng KCN thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao thì cần có lựa chọn các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng KHKT vào sản xuất công nghiệp, chủ yếu trong các lĩnh vực phần mềm, điện tử, viễn thông, thiết bị y tế hiện đại ... đầu tư sản xuất trong KCN, khu công nghiệp dạng này có thể thiết kế theo kiểu “tòa nhà công nghiệp cao tầng”.
Với mục đích xây dựng KCN thu hút nhiều lao động để giải quyết việc làm cho địa phương thì khi quy hoạch ngành nghề đầu tư vào KCN cần lựa chọn các ngành nghề cần sử dụng nhiều lao động nhất là lao động không đòi hỏi khắt khe về chuyên môn nghiệp vụ, như ngành dệt may, da giầy...
Yêu cầu chủ yếu quy hoạch chi tiết các công trình hạ tầng trong khu công nghiệp
- Hệ thống đường giao thông Hệ thống đường giao thông phải đảm bảo thông thoáng, chịu được xe có tải trọng lớn, các trục lộ chính phải đảm bảo tối thiểu 4 làn đường/một chiều, thuận tiện cho việc lưu thông và vận tải hàng hóa bằng xe Container đồng thời không bị ách tắc giao thông vào những giờ cao điểm khi công nhân tan ca.
Việc quy hoạch đường giao thông cần tính toán tới khả năng tương thích giữa đường giao thông trong và ngoài KCN, đường giao thông bên trong KCN, phải đảm bảo yêu cầu tính liên kết giữa các khu đất được quy hoạch trong KCN và tối ưu khai hóa việc thác sử dụng các lô đất đảm bảo nguyên tắc vận trù học.
- Cấp điện và hệ thống chiếu sáng
Nguồn điện phải được đảm bảo cung cấp ổn định, trong trường hợp nguồn điện có sự cố cấp điện phải thông báo trước cho doanh nghiệp và KCN đồng thời phải tổ chức một đội kỹ thuật chuyên ngành đủ năng lực, hoạt động 24/24h để sử lý kịp thời các sự cố xảy ra. Nếu có điều kiện KCN phải đầu tư xây dựng một nhà máy phát điện riêng có công suất phù hợp.
Hệ thống truyền tải điện, hệ thống đèn chiếu sáng tại KCN cần đảm bảo hoạt động an toàn
- Cấp nước
KCN đồng bộ, bền vững phải có nguồn nước máy có áp lực ổn định, đảm bảo nhu cầu của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và phải xây dựng một bể chứa nước dự phòng tương ứng với nhu cầu của doanh nghiệp và có hệ số cấp dự phòng lớn hơn 01 ngày. Nước cấp cho sản xuất công nghiệp, được tính trên cơ sở đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động sản xuất cho toàn bộ nhà máy trong KCN và theo từng loại hình công nghiệp, đảm bảo tối thiểu 20m3/ha-ngđ cho tối thiểu 60% diện tích.
- Cây xanh
Mật độ cây xanh trong KCN theo tác giả là từ 15-20% diện tích toàn bộ KCN là hợp lý và tăng sự thân thiện với môi trường của KCN.
Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp KCN cũng cần quan tâm phát triển nhân rộng mô hình doanh nghiệp “xanh - sạch- đẹp”, các lô đất xây dựng công trình, của từng doanh nghiệp phải đảm bảo dành tối thiểu 20% diện tích để trồng cây xanh theo TCXD VN.
- Bảo vệ môi trường
KCN cần tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường như sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý nước, quản lý chất thải và bố trí hợp lý vị trí các doanh nghiệp trong khu như cơ sở sản xuất công nghiệp có thải chất độc hại, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải ở cuối hướng gió chính, cuối các dòng sông, suối so với khu dân cư.
Định kỳ hàng năm phải tổ chức kiểm tra đánh giá tác động của môi trường đối với khu vực phát triển sản xuất, kinh doanh và kiểm tra đột xuất khi phát hiện nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích và lựa chọn các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường theo hướng thân thiện với môi trường đầu tư vào KCN.
Nhà máy nước thải có công nghệ tiên tiến; công suất xử lý nước đảm bảo nhu cầu của KCN và dự báo phát triển và hệ thống xử lý nước thải hoạt động ổn định đảm bảo tiêu chuẩn xử lý theo TCVN;
Hệ thống thoát nước mưa, nước thải được thực hiện theo qui hoạch và đảm bảo việc thoát nước cho KCN theo hai phần riêng biệt: phần nước mưa chảy tràn; phần nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và nước thải từ các nhà máy hoặc từ các bộ phận dịch vụ khác được thu gom bằng hệ thống ống ngầm được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.
Hàng ngày trong quá trình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp phát sinh ra 3 loại chất thải bao gồm: Chất thải sinh hoạt (CTSH), chất thải công nghiệp không nguy hại (CTCN) và chất thải công nghiệp nguy hại (CTNH).
Chất thải sinh hoạt sẽ được Công ty môi trường đô thị, các Công ty dịch vụ công ích đảm nhiệm thu gom
Chất thải công nghiệp không nguy hại được chia làm 2 phần: CTCN có thể tái sinh tái chế và có biện pháp xử lý thích hợp.
Chất thải công nghiệp nguy hại được phân loại tại nhà máy, sau đó được đưa về trạm trung chuyển của KCN sau đó CTNH sẽ được đưa về khu liên hợp xử lý theo quy định.
- Thông tin liên lạc
Hệ thống đường truyền tín hiệu sử dụng cáp quang đồng trục đi ngầm trong hành lang kỹ thuật đến các lô đất tạo thành mạng lưới thông tin hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng đầy đủ và nhanh chóng mọi yêu cầu về dịch vụ thông tin liên lạc trong và ngoài nước.
Các dịch vụ thông tin liên lạc phải đa dạng (Điện thoại, Fax, ADSL, Leased line,...) đảm bảo cung cấp sớm theo nhu cầu với chất lượng ổn định và dung lượng không hạn chế.
Phòng cháy, chữa cháy
KCN phải có quy hoạch và xây dựng trạm phòng cháy chữa cháy; lượng xe chuyên dùng phải đủ để kịp thời ứng phó khi có hỏa hoạn xảy ra. Đặc biệt, phải có hệ thống nước cấp riêng cho PCCC và hệ thống tín hiệu cảnh báo và hệ thống còi cứu hỏa phải luôn được kiểm tra thường xuyên.
- Nhà điều hành và khu cung cấp dịch vụ
Nhà điều hành tại KCN là nơi đặt văn phòng công ty hạ tầng tại KCN có chức năng đảm bảo cho KCN luôn trong tình trạng hoạt động tốt, quản lý các công trình hạ tầng và cung cấp một số dịch vụ cho các doanh nghiệp. Công ty hạ tầng cần bố trí đặt một văn phòng cho đại diện Ban quản lý Các KCN cấp tỉnh, thành phố hoạt động ngay tại nhà điều hành, phối hợp cùng với Ban quản lý các KCN cấp tỉnh, thành phố xây dựng mô hình tổ “một cửa” ngay tại KCN giúp các nhà đầu tư được giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính tại chỗ tạo sự hấp dẫn cho thu hút đầu tư. Bên cạnh nhà điều hành, trong KCN cần có các cơ sở dịch vụ như: trạm hải quan, trạm công an, chi nhánh ngân hàng, trạm y tế, siêu thị, nhà hàng ăn uống, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí,... để phục vụ các nhà đầu tư và người lao động
- Kho tàng bến bãi
Hệ thống kho tàng, bến bãi là một hạng mục tiện ích của KCN phục vụ cho các nhà đầu tư, do vậy cần được quy hoạch xây dựng trong KCN.
Kho bãi: Phục vụ cho nhu cầu, kế hoạch xuất nhập, lưu giữ, dự trữ nguyên vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị ... cho nhà đầu tư mà không phải xây thêm kho riêng tại từng doanh nghiệp để doanh nghiệp tận dụng tối đa diện tích đất thuê phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải xây thêm kho riêng. Kho bãi phải đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp trong KCN và đảm bảo lưu giữ an toàn; phải có nhiều loại hình kho bãi như kho thuê dài hạn, ngắn hạn, kho ngoại quan, kho thành phẩm... để doanh nghiệp lựa chọn cho phù hợp.
Hệ thống bến bãi phục vụ nhu cầu vận chuyển của doanh nghiệp và nhu cầu đưa đón công nhân góp phần phụ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN.
- Các dịch vụ hỗ trợ khác bao gồm nhà ở cho công nhân, dịch vụ bảo đảm an ninh, dịch vụ giới thiệu việc làm, dịch vụ tư vấn pháp lý, các cơ sở đào tạo nghề,... cũng là yếu tố quan trọng cấu thành một KCN đồng bộ bảo đảm cho phát triển bền vững.
Theo KhucongnghiepVietNam