Ngoài ra, hàng năm nước ta còn nhập khẩu một lượng lớn đáng kể vật liệu chịu lửa cao cấp dùng cho lò quay xi măng, lò luyện kim, lò gốm sứ... từ nhiều nước, chủ yếu được sản xuất ở các nước tiên tiến như Đức, Áo, Nhật, Trung Quốc... Do đó công tác tiêu chuẩn hoá và quản lý chất lượng sản phẩm là vấn đề quan trọng hàng đầu để phục vụ sản xuất, vừa là căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
2. Đặc điểm bộ tiêu chuẩn về vật liệu chịu lửa của các nước trên thế giới
- Trên thế giới các nước công nghiệp phát triển đều có bộ tiêu chuẩn quốc gia của mình về vật liệu chịu lửa như: Đức (DIN), Nhật (JIS), Mỹ (ASTM), Anh (BS), Nga (GOST), Trung Quốc (GB)... và tổ chức tiêu chuẩn quốc tế có ISO.
- Cơ cấu tiêu chuẩn của mỗi nước, mỗi tổ chức có mức độ chi tiết khác nhau, số lượng tiêu chuẩn và mức độ tiêu chuẩn hoá cho từng loại sản phẩm cụ thể có khác nhau. Phần lớn trong các bộ tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phát triển đều có các nhóm các tiêu chuẩn về thuật ngữ , định nghĩa và tiêu chuẩn về phân loại.
- Tiêu chuẩn của Trung Quốc bao gồm tiêu chuẩn quốc gia (GB), tiêu chuẩn ngành (YB) được thiết lập rất chi tiết và quy định tiêu chuẩn cụ thể cho từng chủng loại sản phẩm, bao gồm cả các loại phổ biến và các loại đặc chủng. Các phương pháp thử cũng được tiêu chuẩn hoá đầy đủ, đặc biệt là các phương pháp phân tích hoá đối với vật liệu chịu lửa.
- Tiêu chuẩn của các nước Mỹ, Anh, đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn hoá về phân loại, về kích thước và các phương pháp thử.
- Tiêu chuẩn của các nước Đức (DIN), Nhật (JIS) và tiêu chuẩn quốc tế ISO có nhiều điểm chung và cơ cấu tương đối gọn và rõ ràng. Bố cục bộ tiêu chuẩn tuy gọn nhưng đều bao trùm được hết các quy định về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với hầu hết các loại sản phẩm vật liệu chịu lửa.
3. Tình hình xây dựng tiêu chuẩn về vật liệu chịu lửa trong nước
Tại nước ta, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng mới và soát xét tiêu chuẩn để phù hợp với nhu cầu thực tế và hội nhập thế giới. Dự kiến từ năm 2000 đến năm 2010 cơ cấu của bộ tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu chịu lửa là 84 tiêu chuẩn, trong đó xây dựng mới 62 tiêu chuẩn và soát xét 22 tiêu chuẩn bao gồm các phần sau:
- Tiêu chuẩn về tính chất chung của vật liệu chịu lửa.
- Tiêu chuẩn về nguyên liệu sản xuất vật liệu chịu lửa.
- Tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.
- Tiêu chuẩn về kích thước và hình dạng gạch chịu lửa trong các lò công nghiệp
- Tiêu chuẩn về phương pháp thử (bao gồm phương pháp phân tích hoá và phương pháp cơ lý nhiệt của sản phẩm).
- Tính đến thời điểm hiện tại, số tiêu chuẩn mới đã xây dựng và ban hành là 28 tiêu chuẩn, soát xét được18 tiêu chuẩn với các phần sau:
- Tiêu chuẩn về tính chất chung của vật liệu chịu lửa (thuật ngữ và định nghĩa, ký hiệu các đại lượng sử dụng trong lĩnh vực vật liệu chịu lửa, phân loại, phương pháp lấy mẫu...)
- Các sản phẩm vật liệu chịu lửa thông dụng và truyền thống (gạch samot, gạch cao nhôm, gạch manhedi, gạch manhedi – cacbon, gạch chịu axit, vữa cao nhôm, vữa manhedi, vữa chịu axit, gạch cách nhiệt, bông gốm...)
- Các phương pháp phân tích hoá (xác định hàm lượng FeO, CaO, MgO, SiO2, Cr2O, B2O3, C, MnO,....); Phương pháp thử cơ lý nhiệt của sản phẩm (xác định độ dẫn nhiệt, co nở phụ sau nung, độ mài mòn, độ bền oxy hoá, thành phần cỡ hạt,...)
Hầu hết những tiêu chuẩn trên đều là tiêu về sản phẩm cũng như phương pháp thử thông dụng được áp dụng rộng rãi trong sản xuất và sử dụng sản phẩm .
Một số tiêu chuẩn hiện nay chưa được xây dựng và ban hành:
- Tiêu chuẩn về nguyên liệu (Đôlômít, Crômmits, Quăczit, Bôxit, Đisten, Ziếccôn...) do hiện nay các tiêu chuẩn không còn phù hợp với tình hình thực tế nữa vì nguồn nguyên liệu mỗi nước có đặc điểm và chất lượng khác nhau nên rất khó để đưa ra tiêu chuẩn chung về nguyên liệu.Tiêu chuẩn về các sản phẩm (Gạch Corun, Gạch nhôm - Manhê - cacbon, gạch Cacbuasilic, gạch Đôlômi, gạch nhôm - Ziêccon, Nhôm silic, bêtông chịu lửa đặc biệt...) do các sản phẩm trên không được ứng dụng nhiều trong thực tế đồng thời điều kiện trong nước rất khó để xây dựng tiêu chuẩn.
Nhìn chung, bộ tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu chịu lửa đã cơ bản hoàn thiện, bao trùm tất cả các sản phẩm cũng như phương pháp thử thông dụng đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sử dụng sản phẩm trong nước. Những tiêu chuẩn trên hầu hết khi ban hành đều dựa trên tài liệu của các nước có ngành công nghiệp vật liệu chịu lửa phát triển như Nhật, Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc... để xây dựng, vì vậy phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Tuy nhiên Bộ tiêu chuẩn về vật liệu chịu lửa còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế: Chưa đồng bộ trong cơ cấu tiêu chuẩn và nhiều lĩnh vực còn thiếu tiêu chuẩn như: tiêu chuẩn về phương pháp thử đặc biệt, tiêu chuẩn về một số sản phẩm đặc chủng chưa được xây dựng, các tài liệu để ban hành tiêu chuẩn chưa đồng bộ.
Hiện tại, trong nước các cơ sở sản xuất vật liệu chịu lửa đã và đang áp dụng tiêu chuẩn để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho người sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, sản phẩm trong nước vẫn còn bộc lộ nhiều yếu điểm như chất lượng kém so với sản phẩm nhập ngoại, một số chỉ tiêu kỹ thuật chưa đạt độ ổn định chất lượng sản phẩm. Vì vậy các nhà sản xuất cần phải cải tiến chế độ công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất để sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Còn những người sử dụng và nhập khẩu sản phẩm vật liệu chịu lửa, hộ rất quan tâm đến tiêu chuẩn để từ đó có cơ sở và căn cứ trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng, đảm bảo độ bền cho cong trình sử dụng. Do đó bộ tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu chịu lửa đóng một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
4. Định hướng cho bộ tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu chịu lửa trong giai đoạn tiếp theo
Để bộ tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu chịu lửa hoàn thiện, đồng bộ, phát triển theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Định hướng phát triển bộ tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu chịu lửa nên dựa trên những nguyên tắc sau:
- Việt Nam nên xây dựng tiêu chuẩn vật liệu chịu lửa theo quan điểm tiên tiến và hội nhập, lấy tiêu chuẩn quốc tế ISO làm nền móng nội dung cho quá trình xây dựng. Do đặc thù của nước ta khoáng sản làm nguyên liệu cho vật liệu chịu lửa ít và chất lượng kém, sản phẩm sản xuất chủ yếu tập trung vào một vài loại vật liệu chịu lửa chính phục vụ cho công nghiệp xi măng, hoá chất và luyện kim. Vì thế về lâu dài ở góc độ tiêu thụ, thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ dùng đến nhiều chủng loại khác đa dạng và phong phú vì vậy tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu chịu lửa phải mang tính toàn diện và thâu tóm được hệ thống tiêu chuẩn của nhiều nước, nhiều khối. Vì vậy dựa vào ISO là hướng đi bền vững và ổn định nhất.
- Bộ tiêu chuẩn phải có cơ cấu đầy đủ, bao phủ hết các phạm vi cần tiêu chuẩn hoá. Đồng thời bộ tiêu chuẩn cần có cơ cấu mở để dần dần bổ sung các tiêu chuẩn mới trong từng phần theo nhu cầu thực thực tế và theo từng bước phát triển của ngành công nghiệp.
- Tiêu chuẩn phải tạo ra các khoảng rộng về dải các thông số tiêu chuẩn hoá, để cho các nhà sản xuất chủ động trong việc sản xuất ra các sản phẩm theo từng yêu cầu sử dụng thực tế cụ thể, theo thoả thuận giữa người sản xuất và người sử dụng.
Nguồn: Báo cáo của KS. Nguyễn Thị Kim tại Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ VLXD 2005 - 2009.